ĐỨC KITÔ, VUA TÌNH YÊU
Cách đây ít lâu, một người lính Mỹ đang đi trên một chiếc xe buýt tại nước Thụy Điển. Anh ta khoe với người đàn ông ngồi bên cạnh : “Nước Mỹ là quốc gia dân chủ nhất thế giới. Những công dân bình thường có thể đi tới Toà Bạch Ốc để gặp Tổng Thống và thảo luận công việc”. Người đàn ông ngồi bên cạnh trả lời : “Điều đó có gì đáng nói ? Ở Thụy Điển, nhà vua đi xe buýt chung với dân nữa kìa !”.
Khi xe buýt dừng, người đàn ông bước xuống xe. Hành khách trên xe nói cho người lính Mỹ biết : người đàn ông kia chính là Gustav Adolf VI, vua nước Thụy Điển (Linh mục Giuse Nguyễn văn Thái, Sống Lời Chúa trong Tin Yêu, năm A, tr. 366).
Một vị vua đi xe buýt chung với dân. Quả là ông vua đặc biệt, một ông vua thật bình dân. Tuy nhiên, Đức Giêsu Kitô còn là vị vua độc đáo hơn thế nhiều : là một Thiên Chúa cao cả, Ngài đã xuống thế làm người, đã tự nguyện chung một số phận, một định mệnh với con người thấp hèn. Ngài chính là Vua Tình Yêu. Lễ Kitô Vua được thiết lập cũng vì một mục đích hướng về tình yêu. Lịch sử kể lại rằng : hai cuộc Thế Chiến đã cướp đi sinh mạng của hằng mấy chục triệu con người. Chiến tranh luôn đồng nghĩa với hận thù và ghen ghét, với bạo lực và chết chóc ! Trong bối cảnh đó, ngày 11/12/1925, đức giáo hoàng Piô XI đã thiết lập lễ Chúa Kitô Vua, để nhắc nhở mọi người hãy từ bỏ chiến tranh và xây dựng hoà bình, hãy chân nhận Đức Kitô là Vua Vũ Trụ. Ngài không cai quản địa cầu bằng vũ khí bạo tàn, không bằng quyền uy hay sức mạnh, cũng không bằng sự giàu sang phú quí, nhưng bằng tình yêu của một vị vua nhân từ khả ái.
Đức Kitô là vua tình yêu cũng còn vì Ngài là Mục Tử Nhân Lành, dám thí mạng vì đàn chiên và là vị thẩm phán công minh, sẽ đến để xét xử mọi người về tình yêu.
Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành
Bài đọc I, trích sách tiên tri Êdêkiel, đã thuật lại : Thiên Chúa đặt một số người làm mục tử để chăm sóc Israel là đoàn chiên của Chúa. Những người ấy là những vị vua, các tư tế và các luật sĩ. Nhưng họ chỉ biết lợi dụng chức vị để lo cho bản thân, bỏ mặc đàn chiên bơ vơ đói khát, bị trộm cướp và thú dữ bắt bớ và giết chết. Vì thế, Thiên Chúa sẽ lấy lại đàn chiên từ những mục tử xấu xa ấy và Ngài sẽ đích thân làm mục tử chăm sóc đàn chiên của mình.
Chúa Giêsu Kitô chính là vị Mục Tử Tốt Lành ấy. Ngài dẫn chiên đến cánh đồng cỏ xanh, đến dòng suối mát trong, đến bóng mát an lành, để đàn chiên được nghỉ ngơi ( Đáp ca : Tv 22 ).
Chúa Giêsu Kitô là Mục Tử Tốt Lành khi đem đến cho đàn chiên sự sống dồi dào, nhất là đã hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên (Ga 10, 10 -11).
Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành khi biết lắng nghe, cảm thông và tha thứ cho đàn chiên. Ngài sẵn sàng bỏ 99 con chiên trên núi để đi tìm con chiên lạc (Lc 15, 4 – 7).
Hôm nay, Chúa Giêsu Kitô tiếp tục làm vua trong mỗi cõi lòng, mỗi con tim chúng ta. Ngài tiếp tục nuôi dưỡng ta với tấm lòng yêu thương của người Mục Tử Nhân Lành. Mãi mãi, Ngài là Vua Tình Yêu.
Đức Giêsu Kitô, vị thẩm phán tối cao
Tại nhà nguyện Sistina ở Roma, có một bức họa khổng lồ mang tên “Ngày Phán Xét” của danh họa Michael Angelo. Sau khi đức giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời, nơi đây đã qui tụ hồng y đoàn họp mật nghị bầu tân giáo hoàng. Trong thời gian đó, giới báo chí đã mô tả chính bức tranh “Ngày Phán Xét” đã góp phần làm tăng vẻ uy nghi “đáng sợ” của những ngày họp mật viện. Gương mặt của Chúa Giêsu trong bức họa là dung mạo của một vị thẩm phán tối cao, uy nghiêm ngự đến trong một quang cảnh hoành tráng : phía sau là các thiên sứ, trước mặt là toàn dân thiên hạ. Mọi người được chia thành hai loại tốt xấu, đứng hai bên. Chúa Giêsu như vị thẩm phán công minh, ngồi trên ngai toà của một vị vua cao cả, chung quanh ngập tràn ánh vinh quang chói loà. Tất cả mọi người phải trình diện trước mặt Ngài để chịu xét xử. Người tốt được lãnh phần thưởng, kẻ xấu bị trừng phạt đời đời. Đó cũng chính là bức họa của ngày tận cùng thế giới mà ta phải đối diện.
Tuy nhiên, dù là vị vua cao cả chí tôn trong ngày chung thẩm, dung mạo của Đức Kitô vẫn ánh lên nét nhân hậu của vị Mục Tử Tốt Lành : “Ngài phân chia họ như mục tử tách chiên ra khỏi dê”. Cho đến lúc Ngài phải dùng đến uy quyền tối cao để phán xử trong công bình chính trực, Ngài vẫn tỏ lộ tình yêu.
Hơn nữa, vì là vua tình yêu, trong ngày phán xét cuối cùng, Ngài sẽ xét xử về tình yêu. Nghĩa là chúng ta sẽ bị phán xử về cách chúng ta yêu mến và phục vụ Chúa như thế nào nơi những người anh chị em nghèo khó và bé nhỏ nhất của chúng ta.
Vì là vua tình yêu, Chúa sẽ xét xử về giới răn yêu thương, về luật tình yêu mà Ngài đã ban bố. Ngài đòi hỏi chúng ta phải yêu thương người khác như chính mình, phải tha thứ để được thứ tha, phải yêu thương như chính Chúa đã yêu thương. Và tình yêu thương phải được cụ thể hoá bằng những việc làm phục vụ, chia sẻ cơm ăn áo mặc, viếng thăm an ủi những người nghèo khó bất hạnh.
Vì là vua tình yêu, Chúa không ngồi trên ngai vàng của một đế vương, không thống trị toàn dân bằng uy quyền và sức mạnh, không cai quản thần dân bằng vương trượng đầy quyền lực. Nhưng Ngài tự đồng hoá mình với những người nghèo nàn bé mọn. Ngài che dấu dung mạo thần linh của Thiên Chúa trong bộ mặt nhân loại : một khuôn mặt hốc hác vì đói ăn, một khuôn mặt đau buồn trong thống khổ, một khuôn mặt âu lo trước tương lai đen tối …
Hôm nay, trong bài đọc II, trích thư thứ I gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô trình bày vương quyền phổ quát của Chúa Kitô. Ngài là Ađam Mới đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Ngài trở nên thủ lãnh của nhân loại, dẫn đưa mọi người vào Thiên Quốc.
Thiên Quốc là gì nếu không phải là Vương Quốc Tình Yêu ? Ai sống trong tình yêu và thực thi giới luật yêu thương, thì thuộc về Đức Kitô và là công dân Nước Trời. Ai biết phục vụ và chia sẻ tình thương cho tha nhân, người đó là thần dân của Đức Kitô, vua tình yêu.
Trong lịch sử các vua chúa Việt Nam, không có cuộc hôn nhân nào nhiều sóng gió bằng cuộc hôn nhân giữa vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương.
Năm 1932, sau khi vua Bảo Đại về nước, trong triều đình bàn tán xôn xao về việc vua sẽ cưới vợ. Thái Hậu cũng như các thượng quan, mỗi người đều chuẩn bị tiến dẫn một ái nữ mà họ cho là xứng đáng.
Tuy nhiên, vua Bảo Đại vốn là một người cấp tiến, đã bỏ tục lệ đa thê, nay lại làm cho mọi người ngạc nhiên và cả cố đô Huế phải xôn xao. Vua tuyên bố hoàng hậu tương lai là cô Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, một bạn học cũ ở Pháp và là một người Công Giáo. Lời tuyên bố như tiếng sét đánh ngang tai bà thái hậu Từ Cung và khiến mọi người bàn tán sôi nổi. Nếu vua lấy vợ Công Giáo, con cái sinh ra sẽ được rửa tội. Vậy sau này thái tử lên ngôi sẽ ra sao ? Trước sức mạnh tình yêu, vua Bảo Đại đã vượt qua tất cả những chống đối, phản bác.
Ngày 20/3/1934, hôn lễ đã được tổ chức rất long trọng. Vua Bảo Đại đã giữ đúng lời cam kết : cho hoàng hậu tự do hành đạo. Hai hoàng tử và ba công chúa được theo đạo Công Giáo.
Phải chăng vị vua cuối cùng ở Việt Nam đã muốn bù đắp lại những gì mà các vị tiên đế đã gây ra cho đạo Công Giáo qua các cuộc bách hại đau thương ?
Vì tình yêu, một ông vua đã vượt qua tất cả những rào cản và thử thách để đạt tới mục đích cuối cùng là được sống hạnh phúc bên cạnh người mình yêu dấu. Đức Giêsu Kitô cũng vì tình yêu, đã vượt qua cả một khoảng cách biệt lớn lao giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người, đến trần gian thể hiện một tình yêu vừa cao vời, vừa lạ lùng. Ngài chính là Vua Tình Yêu ở giữa chúng ta và đồng hành với chúng ta.
Mỗi ngày, chúng ta hãy suy tôn Đức Giêsu Kitô là vua trên các vua, nghĩa là chọn Ngài làm Chúa của cuộc đời ta, làm vua của cõi lòng ta. Đồng thời, chúng ta cũng hãy từ bỏ những thần tượng khác của thế gian : tiền tài, danh vọng, lạc thú, để trung thành với tình yêu của Ngài mãi mãi.