Năm 1837, dưới triều vua Minh Mạng, tổng đốc Nam Định là ông Trịnh Quang Khanh được triệu về kinh đô và được vua trao cho 40 cây Thánh Giá với lệnh truyền phải áp dụng gắt gao chiếu chỉ cấm đạo. Từ đó, tổng đốc Trịnh Quang Khanh trở thành một con người tàn bạo, được mệnh danh là “Hùm Xám Nam Định”. Và 40 cây Thánh Giá trở thành dụng cụ để thử thách niềm tin của người tín hữu. Người có đạo khi bị bắt, buộc phải “quá khoá”, nghĩa là phải bước qua Thánh Giá, một hành động nói lên sự “chối đạo”.
Thánh giá, cột mốc của niềm tin
Quả thật, thử thách nặng nề nhất mà các thánh Tử Đạo Việt Nam phải đối diện : đó là bước qua hay không bước qua Thánh Giá. Nếu bước qua Thánh Giá, các ngài được tiếp tục sống ở đời này, được trả lại tất cả những gì đã mất, đôi khi còn được tặng thêm bao phú qúi vinh hoa. Còn không bước qua Thánh Giá, các ngài phải bị tù đầy, tra tấn và mất cả mạng sống.
Thánh Giá chính là cột mốc để phân định giữa sống và chết, giữa Thiên Chúa và thế gian. Khi đối diện với Thánh Giá, người ta luôn phải thực hiện một sự chọn lựa có tính quyết định.
Lịch sử còn nhắc mãi mẫu gương của ba thánh Augustinô Phan Viết Huy, Nicôla Bùi Đức Thể và Đaminh Đinh Đạt. Quan quân bày ra trước mắt các ngài 10 nén vàng, 1 tượng Chịu Nạn và một thanh gươm rồi nói : “Cho các ngươi tự ý chọn lựa : nếu bước qua Thánh Giá, thì được vàng, còn nếu không, lưỡi gươm này sẽ chặt đôi các ngươi ra, xác sẽ bị bỏ trôi ngoài biển”. Các ngài đã chọn thanh gươm và được phúc tử đạo tại Nam Định năm 1839.
Các thánh Tử Đạo Việt Nam đã không bước qua Thánh Giá, vì không muốn chà đạp lên niềm tin của mình, không muốn phản bội lại tình yêu của Đức Kitô. Trái lại, có nhiều vị đã quì xuống để hôn kính Thánh Giá, có vị ôm lấy Thánh Giá vào lòng. Cửû chỉ đó nói lên rằng : các ngài đã chọn lựa Thánh Giá một cách triệt để. Thánh giá chính là cột mốc xác định niềm tin của các ngài.
Thánh giá, sự chọn lựa khôn ngoan
Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một thách đố lớn lao Chúa Giêsu đặt ra cho những người theo Chúa : “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày và theo Ta” (Lc 9, 23). Đó chính là một sự lựa chọn dứt khoát và đầy cương quyết : theo Chúa phải từ bỏ mình và vác thập giá. Và theo Chúa là gì, nếu không phải là cùng Chúa đi lên Núi Sọ, chấp nhận cái chết khổ hình trên Thánh Giá ?
Sự chọn lựa của các thánh Tử Đạo Việt Nam phải chăng là một sự chọn lựa thiếu khôn ngoan hay sai lầm ? Ngày 19/6/1988, tại Rôma, đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong 117 vị thánh Tử Đạo Việt Nam lên bậc hiển thánh. Đó là những vị thánh được ghi vào sổ bộ các thánh. Nhưng còn biết bao các vị tử đạo khác không được biết đến, con số có thể lên tới hằng trăm ngàn. Như vậy, nếu là sự thiếu khôn ngoan hay sai lầm, thì làm sao có hằng lớp lớp người hiên ngang tiến ra pháp trường, hy sinh chịu chết vì Đức Kitô ? Thực ra, sự chọn lựa của các ngài thật khôn ngoan, đúng như lời Chúa phán : “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống” (Lc 9, 24).
Thánh Giá, điểm hẹn tình yêu
Chúa Giêsu đã nói : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu” (Ga 15, 13).
Tử đạo chính là “làm chứng”. Các thánh tử đạo không những là những chứng nhân đức tin, mà còn là chứng nhân tình yêu. Thánh Giá chính là dấu chứng một tình yêu thật lớn lao và cao cả. Thánh Gioan không thể định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” nếu Chúa Giêsu không chết trên Thánh Giá. Chúng ta cũng không thể gọi đạo của chúng ta là “đạo tình yêu”, nếu không có ai chết cho đạo, chết vì đạo.
Thánh Giá luôn là điểm hẹn tình yêu, nghĩa là nơi gặp gỡ của những người luôn biết sống cho tình yêu và chết cho tình yêu.
Giáo hội Rôma đã trải qua ba thế kỷ bị bách hại, đã dâng hiến cho Thiên Chúa biết bao vị thánh Tử Đạo. Giáo Hội Việt Nam cũng phải trải qua gần ba thế kỷ chìm ngập trong thử thách và đau khổ. Suốt từ năm 1630 đến năm 1883, là cuộc bách hại triền miên qua các đời vua chúa : Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, Cảnh Thịnh, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
Trải qua giòng lịch sử biến đổi thăng trầm, với biết bao gian nan thử thách, Thánh Giá vẫn đứng vững và bất khuất giữa đời. Thánh Giá vẫn là “đích đến” của những người theo Chúa hướng tới. Các thánh Tử đạo Việt Nam không phải chỉ yêu mến Thánh Giá, mà có thể nói các ngài “say mê Thánh Giá” và gắn chặt đời mình vào Thánh Giá.
Ngày kia, trong lúc thuyết giảng, đức cha Fulton Sheen, vị đại tông đồ nước Mỹ, đã chỉ vào Thánh Giá bạc đang đeo trên ngực và nói : “Tôi đeo Thánh Giá này là để đền tạ”. Khi được hỏi lý do, ngài đã kể lại rằng : một lần nọ, ngài đến thăm người bạn gốc Do Thái bán đồ nữ trang ở New York. Ông ta nói với ngài : “Tôi có ít Thánh Giá bạc tặng đức cha”. Đức cha hỏi : “Ở đâu mà ông có những Thánh Giá này ?”. Ông ta trả lời : “Từ các nữ tu. Họ mang đến và nói : chúng tôi không còn đeo những Thánh Giá này nữa. Vì những Thánh Giá này làm chúng tôi bị ngăn cách với thế giới hôm nay”.
Người ta từ bỏ thánh giá vì cho rằng thánh giá là căn cớ làm cho họ xa lạ với thế giới. Nhiều lúc chúng ta cũng khước từ thánh giá và chối bỏ Đức Kitô khi chúng ta suy tôn xác thịt, tiền bạc và danh vọng.
Hôm nay, mừng lễ các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta cùng ôn lại những chặng đường thánh giá hào hùng các ngài đã đi, để nhắc nhở nhau tiếp tục đi theo con đường đau khổ nhưng tràn đầy vinh quang của các ngài.