HOA MÂN CÔI
Kinh Mân Côi tiếng La Tinh là Rosarium, danh từ này liên kết với chữ Rosa (tiếng Pháp và tiếng Anh là Rose), có nghĩa là hoa hồng. Kinh Mân Côi gồm những kinh kính mừng kết thành vòng hoa thiêng dâng kính Đức Mẹ. Vì thế, chuỗi Mân Côi được gọi là Rosarium (Rosary/Rosaire), nghĩa là “vòng hoa hồng”.
Khi dựa vào lịch sử, ta có thể gọi tràng hoa Mân Côi là “vòng hoa chiến thắng”.
Trong cuộc đấu tranh chống lại bè phái Albigeois năm 1206, thánh Đaminh được Đức Mẹ dạy cho biết phải dùng tràng hạt Mân côi như khí giới để chống lại bè rối. Thánh Đaminh đã dốc toàn lực phổ biến và thực hành việc đạo đức này và đã gặt hái được những thành quả mỹ mãn. Bè rối Albigeois hoàn toàn bị xoá bỏ và nhiều người lầm lạc đã quay trở về với Chúa.
Lễ Đức Mẹ Mân côi được giáo hoàng Piô V lập ra vào năm 1572, với tên gọi lễ “Đức Mẹ Hiển Thắng” để cảm tạ Đức Mẹ đã giúp đạo quân Công Giáo chặn đứng cuộc xâm lăng của người Hồi Giáo tại vùng Lepente ngày 7/10/1571.
Như thế, chuỗi hạt Mân Côi mang hình ảnh vòng hoa chiến thắng mà nhân loại đặt lên đầu Mẹ Maria, để ca ngợi công nghiệp và những ân sủng cao cả của Mẹ. Nhưng bên cạnh hoa hồng luôn luôn có những gai nhọn. Để có được vòng hoa vinh thắng, hiển hách, Mẹ Maria đã phải mang lấy vòng gai nhọn của Con Mẹ trong suốt cuộc đời Thánh Mẫu của mình.
Vòng gai đời mẹ
Lời “Xin vâng” trong biến cố truyền tin (Lc 1, 26-38) là khởi điểm của một chuỗi dài những đau khổ trong cuộc đời Mẹ Maria. Lời “Xin vâng” như ngưỡng cửa của sự đau khổ mà Mẹ Maria đã bước qua. Lời “Xin vâng” nói lên sự quảng đại đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa nơi Mẹ Maria và cũng diễn tả thái độ can đảm của Mẹ, dám mở đôi tay ra tiếp nhận những hy sinh và đau khổ.
Cuộc đời mẹ Maria có rất nhiều gai nhọn : ngay từ biến cố truyền tin đến biến cố Đức Mẹ hồn xác lên trời, những chiếc gai nhọn như cắm sâu vào đời Mẹ, đúng như lời ông Simêon đã nói với Mẹ : “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà” (Lc 2, 35).
Trước sự hung bạo của Vua Hêrôđê, Mẹ Maria đã phải cùng với Hài Nhi bé bỏng trốn sang Ai Cập giữa đêm khuya. Khi nhà Vua Hêrôđê băng hà, Mẹ lại cùng với Hài Nhi trở về Israel (Mt 2, 13-15). Mẹ Maria đã phải đau khổ biết bao khi lạc mất Chúa Giêsu tại Giêrusalem (Lc 2, 41-50). Người Mẹ ấy đã tan nát cõi lòng khi đi theo con mình trên đường thập giá và nhất là đã đứng dưới chân cây thánh giá nhìn Người Con gục chết đau thương (Ga 19, 25-27).
Mẹ Maria đã đón nhận vòng gai trong cuộc đời làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ đã hiệp thông với cuộc khổ nạn của Con Mẹ. Nhờ sự hiệp thông ấy, Mẹ đã lãnh nhận triều thiên vinh quang sáng ngời. Vòng gai đau thương đã biến thành vòng hoa chiến thắng.
Mân Côi, đoá hoa nhiệm mầu.
Vào thế kỷ XII, đối với nhiều người, 150 Thánh Vịnh Đavit quá dài, không thể đọc hết được, nên người ta đọc 150 Kinh Lạy Cha thay thế. Dần dần, người ta đọc 150 kinh Kính mừng thay 150 kinh Lạy Cha. Thánh Đaminh gọi đó là “Thánh Vịnh Đức Mẹ”.
Vào thế kỷ XV, người ta chia 150 kinh Kính mừng thành 3 chuỗi 50 với 3 mùa vui, thương, mừng và thêm phần suy niệm các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ như cuốn Phúc Âm thu gọn. Cũng từ đó, tràng kinh Mân Côi được gọi là “Vòng Hoa Hồng”.
Như thế, mỗi kinh kính mừng trong kinh Mân Côi chính là một đoá hoa hồng nhiệm mầu ta dâng lên Mẹ Maria. Những đoá hồng mầu nhiệm đó được hái từ cuộc sống hy sinh và khổ đau. Những bông hồng rực rỡ tươi thắm, nhưng luôn có những gai nhọn đâm vào những bàn tay hái nó. Cũng thế, những đoá hoa Mân Côi đẹp nhất là những đoá hoa được hái từ cuộc đời cơ cực lầm than, cuộc sống phục vụ trong hy sinh quên mình. Những đoá hoa ấy sẽ kết thành vòng hoa vinh hiển cho mỗi người chúng ta trong cuộc sống mai sau.
Mân Côi, những hạt kinh giữa đời.
Nhiều người đã quan niệm : Lần chuỗi Mân Côi là công việc dành cho những người bình dân ít học, cho những “ông già bà cả”. Quan niệm như thế là sai lầm ! Lần chuỗi Mân Côi là cách cầu nguyện theo Tin Mừng. “Năm sự sáng” được trích từ các sách Tin Mừng, đã được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thêm vào nhân dịp khai mạc Năm Mân Côi ngày 7/10/2002. Đó là cách ngài muốn đề cao việc đọc kinh Mân Côi.
Năm 1858 khi hiện ra tại Lộ Đức, Đức Mẹ đã lần hạt Mân Côi với cô Bennadetta và khuyên bảo : “Hãy siêng năng lần hạt mân côi”. Năm 1917, khi hiện ra tại Fatima với 3 trẻ : Lucia, Phanxicô và Gaxinta, Đức Mẹ tự xưng : “Ta là Đức Mẹ Mân Côi”.
Kinh Mân Côi được nhiều vị Giáo hoàng chú trọng và quan tâm. Đáng kể nhất là Đức giáo hoàng Lêô XIII đã được gọi là Đức Giáo Hoàng của kinh Mân Côi, vì riêng Ngài đã ban hành 9 thông điệp và 3 tông thư về kinh Mân Côi.
Như thế, kinh Mân Côi là lời cầu nguyện được Đức Mẹ cổ võ, được nhiều vị Giáo hoàng yêu mến, chắc hẳn phải là lời kinh cao qúi, đáng được trân trọng.
Thực vậy, kinh Mân Côi là những hạt kinh kết tinh từ cuộc sống, được chắt lọc qua những hy sinh gian khổ, để trở thành lời kinh vừa giản dị, vừa tôn qúi. Kinh Mân Côi được kết tinh từ những giọt mồ hôi của cuộc đời lao động vất vả hằng ngày, từ những giọt nước mắt của đau buồn tủi cực, từ những giọt máu hồng của cuộc đời tử đạo liên lỉ của người tín hữu. Đó chính là những hạt ngọc qúi giá thiêng liêng trong đời thường mà ta thu lượm được.
Ngày kia, có người khách bước vào 1 tiệm nữ trang. Sau khi nhìn ngắm nhiều viên đá qúi, người đó chỉ 1 viên ngọc mờ tối và thô thiển và nói với chủ tiệm : “Sao lại trưng bày 1 viên ngọc tầm thường như thế ?”. Chủ tiệm kim hoàn cầm viên ngọc lên, nắm chặt nó trong bàn tay. Vài phút sau, viên ngọc mờ tối bỗng vụt sáng, trở nên lấp lánh và rực rỡ. Người khách rất ngạc nhiên. Chủ tiệm giải thích : “Đây là 1 viên ngọc “Mắt mèo”, còn được gọi là “viên ngọc thiện cảm”. Nó cần có sự đụng chạm với 1 bàn tay nóng ấm, để những tia sáng của nó được lộ ra.
Chuỗi hạt Mân Côi cũng là những “viên ngọc thiện cảm” cần có hơi ấm bàn tay chúng ta chạm tới mỗi ngày. Càng chạm tới, chúng ta càng làm cho kinh Mân Côi sáng chói cách lạ lùng trong cuộc sống hằng ngày.