HIẾN THÂN VÌ HẠNH PHÚC CỦA MUÔN NGƯỜI
Tuần qua, hai ngày liên tiếp, trong phần tin buổi sáng, kênh truyền hình VTC 14 đề cập đến một thực trạng đau lòng xảy ra ở Huyện Cờ Đỏ thuộc Thành Phố Cần Thơ. Tại đây, một số người dân vì thiếu hiểu biết và qúa nghèo khổ đã đi bán thận. Họ chịu mất một trái thận để nhận được 120 triệu, số tiền đó một phần trả nợ, còn lại dùng làm vốn để thoát nghèo. Nhưng thực tế lại không như thế, sau khi phẫu thuật, có người vì mất sức không lao động được, kẻ khác thì đau ốm liên miên, nên số tiền ít ỏi ấy đã “không cánh mà bay”, và tình trạng gia đình của họ còn tồi tệ hơn trước.
Những tình cảnh đáng thương ấy phải chăng cũng phản ảnh thực trạng của gia đình nhân loại sau khi nguyên tổ phạm tội?
Nhìn ở góc độ thiêng liêng, loài người đã rơi vào tình trạng nghèo khó tột cùng vì hậu quả của tội nguyên tổ và tội riêng mỗi người. Thiếu ơn thánh trong tâm hồn, con người dễ hướng về điều xấu, và mất dần cảm thức về tội. Tội ác loài người phạm càng lúc càng tăng đã ảnh hưởng xấu đến gia đình, cộng đoàn và xã hội. Mọi cố gắng của những người thành tâm thiện chí nhằm tạo một xã hội công bằng, yêu thương và hiệp nhất đều bất thành. Nhân loại giống như một cơ thể bị trọng thương vô phương cứu chữa.
Trước tình trạng bi đát đó, nhiều năm trước, ngôn sứ Isaia đã nói tiên tri về vị Tôi Trung của Thiên Chúa, Đấng được sai đến trần gian để chữa lành những vết thương của nhân loại bằng cách tự nguyện chịu thương tích: “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” (Is 53, 5) Lời tiên báo này đã ứng nghiệm cách trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô mà hôm nay chúng ta tưởng niệm cuộc thương khó của Người.
Thật vậy, các bài đọc chúng ta vừa nghe đều khẳng định Đức Giêsu thành Nazaret, là Đấng Kitô của Thiên Chúa, Người thánh thiện, hiền từ và đầy lòng nhân ái, thế mà những kẻ bất chính đã mưu hại, khiến Người phải chịu muôn nỗi đau thương và chết nhục nhã trên thập giá.
Tìm giết Đức Giêsu là toan tính của một số người, nhưng cái chết của Đấng Cứu Thế lại trở thành nguồn sống và niềm hy vọng cho muôn dân. Thánh Phêrô nói lên niềm xác tín về điều này: “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em…Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.” (1Pr 2, 21.24) Tác giả thơ gởi tín hữu Do Thái cũng quả quyết: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.” (Dt 5, 8-9)
Cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu sẽ đem lại cho những ai tin vào Người ơn chữa lành các vết thương do tội lỗi gây nên, làm cho họ được mạnh mẽ và tràn đầy ân huệ trong đời sống thiêng liêng. Dẫu vậy, tất cả còn hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi người, chấp nhận hay từ chối, cộng tác hay thờ ơ với những huệ Chúa ban.
Kinh thánh cho những chỉ dẫn giúp chúng ta tự biết về mình, ai đang đón nhận và cộng tác với ơn Chúa thì phải:
– Khao khát và cố gắng sống tốt lành, vì: “Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện.” (1Tx 4, 7)
– Khi gặp điều trái ý, không kêu ca và oán trách, nhưng biết chấp nhận mọi gian nan và thử thách trong niềm tín thác nơi Chúa. (1 Pr 2, 23)
– Noi gương Chúa Giêsu, biết yêu thương đến độ hy sinh bản thân vì thiện ích của tha nhân, như lời thánh Gioan tông đồ dạy: “Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em.” (1 Ga 3, 16)
Tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu chiều nay, chúng ta xin cho mọi người biết mở lòng đón nhận muôn vàn ơn phúc, nhờ máu và nước tuôn tràn từ trái tim của Đấng bị đâm thâu, để gia đình nhân loại bớt khổ đau vì được đổi mới trong tình yêu của Chúa.
Lm. Mt