Trong tập “108 Chuyện Hay Cực Ngắn”, tác giả Lý Thanh Thảo đã viết câu chuyện “Anh Hai” tuy ngắn nhưng rất ý nghĩa, có nội dung như sau : Ngày kia, có chiếc xe hơi bóng loáng đậu bên đường. Trong xe, người mẹ đang dỗ dành đúa con trai ăn chiếc bánh kem. Đứa bé con nhà giàu không biết giận dỗi điều gì, đã hất văng chiếc bánh kem qua cửa xe, rơi xuống đường, sát mép cống. Sau đó chiếc xe hơi rồ máy chạy đi. Có 2 đứa trẻ đang moi rác gần đó, thấy chiếc bánh rơi xuống đất liền chạy tới lượm lên. Chiếc bánh lấm láp bụi cát, đứa con gái nuốt nước miếng bảo thằng con trai : – Anh Hai thổi sạch đi rồi mình ăn. Thằng anh phùng má thổi. Đứa em sốt ruột cũng ghé miệng thổi tiếp. Chính cái miệng háu đói của nó đã làm chiếc bánh rơi tõm xuống cái cống hôi hám và chìm hẳn. Con bé thút thít khóc, bảo anh nó : – Ai bảo Anh Hai thổi chi cho mạnh. Thằng anh dỗ em : – Ừ ! Tại anh. Nhưng kem còn dính tay nè ! Cho em ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi. Câu chuyện vừa “buồn cười”, vừa đau xót. “Buồn cười” vì hình ảnh 2 anh em chia nhau 5 ngón tay dính kem. Đau xót vì ngày nay còn nhiều người nghèo đói quá. Chiếc bánh kem của người giàu dù đã rớt xuống đất cũng trở thành nỗi thèm khát của người nghèo. Cái nghèo luôn đi đôi với cái đói. Cái nghèo dẫn con người đến cái đói. Khi đói, người ta đánh mất cả lòng tự trọng và phẩm giá của mình. Cái đói cũng còn có thể dẫn người ta tới cái chết, mất tình yêu thương và tạo nên hố sâu ngăn cách giữa người với người. Ngày nay, xã hội mong muốn “xoá đói giảm nghèo”, người ta thao thức và trăn trở tìm kiếm lương thực nuôi sống con người. Sự nghèo đói vật chất quan trọng đến thế, sự nghèo đói tinh thần còn quan trọng đến đâu ? Hôm nay, chúng ta sốt sắng cử hành Lễ Tiệc Ly. Từ chiếc bánh kem, chúng ta suy nghĩ về tấm bánh Thánh Thể, tấm bánh của sự sống, tấm bánh tình yêu và cũng là tấm bánh hiệp thông. Tấm bánh sự sống. Những tấm bánh trong cuộc sống hàng ngày luôn là lương thực quen thuộc và cần thiết cho con người. Từ những chiếc bánh cao cấp trong những tủ kính lộng lẫy, những tấm bánh được dọn ra trong những bữa tiệc sang trọng, đến những chiếc bánh tầm thường trong những gánh hàng rong, hay trên bàn ăn của người nghèo, tất cả đều cho thấy bánh luôn có ý nghĩa to lớn đối với con người. Bánh là nhu cầu để con người sống và sinh tồn. Ngoài sự sống thể xác còn có sự sống tâm hồn. Vì thế, Chúa đã hóa thân thành tấm bánh để không những trở nên gần gũi và đi vào sinh hoạt thường ngày của con người, nhưng Chúa trở thành tấm bánh còn để mời gọi con người lãnh nhận mà ăn, cho tâm hồn được sống và sống dồi dào. Chúa biến nên tấm bánh bị bẻ ra, bị tan biến, bị tiêu hóa để mang lại sự sống thần linh cho con người. Tấm bánh tình yêu. Để làm thành một chiếc bánh, người ta phải xay bột, nghiền nát, nhào nặn, rồi đem nướng hoặc nấu chín. Cũng vậy, để trở nên tấm bánh thần linh cho con người, Chúa cũng chịu nghiền nát, bị huỷ diệt nơi thập giá và cuộc tử nạn. Để trở thành tấm bánh nuôi dưỡng tâm hồn con người, Chúa chấp nhận chịu đau đớn, chịu huỷ hoại, chịu chết để con người được sống. Chúa đã làm tất cả những điều ấy chỉ để diễn tả một tình yêu vô cùng mãnh liệt dành cho con người. Chúa không giữ lại gì cho mình. Nếu có giữ điều chi, chỉ là tình yêu tự hiến đến tột cùng. Chúa là tấm bánh mang dấu ấn tình yêu. Tấm bánh ấy biểu lộ rõ nét nhất một tình yêu đầy sáng kiến và thật lạ lùng. Tấm bánh hiệp thông. Bánh là lương thực để nuôi sống con người. Để trở thành chất bổ dưỡng cho thân xác, bánh phải được hòa tan vào từng mạch máu, từng thớ thịt con người. Chúa trở thành tấm bánh để biến tan trong máu thịt con người. Đó chính là sự kết hiệp sâu xa và độc đáo nhất khi Ngài bẻ tấm bánh đời mình trao hiến cho nhân loại (Bài đọc II). Khi ngồi chung một bàn ăn hay cùng nhau chia đôi một chiếc bánh, người ta thường là bạn chí thiết của nhau. Chia bánh cho nhau là chia cho nhau tình cảm nồng ấm thiết tha (Bài Tin Mừng). Chúa cũng là tấm bánh duy nhất được bẻ ra để con người chia sẻ cho nhau trong tình huynh đệ thắm thiết. Nói cách khác, khi cùng nhau chia sẻ một trấm bánh duy nhất là Đức Kitô, con người được quy tụ trong một Thân Mình là chính Ngài. Điều đó làm nên sự hiệp thông đẹp đẽ biết bao. Hôm nay, thánh lễ Tiệc Ly còn gợi nên ý nghĩa sâu xa và cao đẹp của bữa tiệc tình yêu. Trong bữa tiệc ấy, không những Chúa lập bí tích Thánh Thể khi hóa thân thành tấm bánh trao hiến cho con người, Ngài còn lập chức Linh Mục để tấm bánh tình yêu ấy luôn được bẻ ra cho đến tận cùng thế giới. Bàn tay nối tiếp bàn tay cho đi, nhờ vậy, tấm bánh ấy mãi mãi được bẻ ra trong suốt cuộc hành trình trần thế của Giáo Hội. Trong bữa tiệc tình yêu hôm nay, Chúa còn thực hiện một cử chỉ thật lạ lùng : Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ “đến cùng”. Sự tận cùng của tình yêu đã được Ngài thực hiện qua việc trở nên tấm bánh tình yêu nuôi sống nhân loại. Nhưng dường như tình yêu ấy còn ẩn giấu và đầy bí nhiệm. Vì vậy, Chúa cúi xuống rửa chân cho các môn đệ để biểu lộ tình yêu rõ ràng hơn, qua hành động cụ thể bên ngoài : Chúa rửa chân cho các môn đệ như người nô lệ rửa chân cho chủ mình. Cũng qua hành động táo bạo của tình yêu tận cùng đó, Chúa cũng dạy các môn đệ : hãy biết thương yêu nhau “đến cùng” : hãy biết cúi xuống rửa chân cho nhau. Trước đây có một bộ phim diễn lại thảm họa hai triệu người dân miền Bắc chết đói năm Ất Dậu 1945. Trong phim có cảnh thật đau thương : vì người chết đói la liệt đầy đường xá, người ta phải dùng những chiếc xe lôi đem xác chết đi chôn tập thể. Có người phu kia kéo xác đi chôn. Khi đến miệng hố chôn tập thể, bỗng ông ta nghe thấy có tiếng người rên rỉ giữa những cái xác trên xe : “Bác ơi, tôi còn sống !”. Thì ra có một người còn thoi thóp sống giữa những tử thi. Chẳng nói chẳng rằng, người phu kéo xe vẫn đổ ập những cái xác xuống hố. Người chết đói quá nhiều, đến nỗi người ta chẳng còn quan tâm đến việc còn sống hay đã chết. Họ chôn cả người còn đang sống. Ngày nay, có lẽ không còn cảnh chết đói khủng khiếp như thế, nhưng vẫn còn đó rất nhiều tâm hồn đang chết đói tình yêu. Sống bí tích Thánh Thể là gì, nếu không phải là đem tình yêu thương đến cho anh em mình ?