CN 2 Phục Sinh – Năm B – CHÚA NHẬT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
NIỀM VUI PHỤC SINH
Bài đọc 1: Cv 4, 32-35
Bài đọc 2: 1Ga 5, 1-6
Tin Mừng: Ga 20, 19-31
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
***
Nếu bây giờ đột nhiên có một ai đó hỏi chúng ta: “Bạn ước mơ gì?”. Chắc có lẽ mỗi người sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau phản ánh biết bao những ưu tư khắc khoải, những trăn trở băn khoăn về cuộc sống của chúng ta, nhưng tựu trung là: “được sống mãi và sống bình an”. Đây cũng chính là ước mơ của các môn đệ sau khi Chúa chết. Hiểu được tâm tư của các môn đệ và của chúng ta, ngay khi hiện ra với các môn đệ, lời đầu tiên của Ngài là: “Bình an cho các con”. Chính sự hiện diện của Đấng Phục Sinh cùng vời lời của Ngài đã đem lại niềm vui mừng cho các tông đồ.
Không chỉ là niềm vui bình an, Phục Sinh còn là một niềm vui, một tin mừng vĩ đại, vì nó làm thoả mãn một ước vọng lớn nhất của từng người chúng ta, đó là được sống mãi, như lời kết trong bài Tin mừng hôm nay: “Các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người”.
- Tin mừng bình an:
Niềm vui đầu tiên mà Đấng Phục Sinh đem lại cho các môn đệ là “sự bình an”. Ngay trong đoạn Tin mừng hôm nay, lời chúc: “Bình an cho các con” đã được Đức Giêsu Phục Sinh lập lại đến ba lần. “Bình an”. Chỉ hai chữ thật đơn giản, nhưng đáp ứng một khát vọng từ trong sâu thẳm của từng người chúng ta. Lắng nghe trong các cuộc trao đổi hàng ngày, tôi vẫn thường nghe: “Cho tôi xin hai chữ bình an”. Đó cũng là tâm tư của các môn đệ lúc đó, những người đang ở trong nhà cửa thì đóng kín vì sợ người Do thái.
Để thấy hết được giá trị của hai chữ “bình an” đối với các môn đệ khi gặp được Đấng Phục Sinh, chúng ta cần dừng lại để tìm hiểu về tâm trạng của các ông lúc bấy giờ. Khi đó, sau khi thấy Thầy bị chết treo trên thập giá, các ông đang lo lắng sợ hãi, không biết lúc nào sẽ đến lượt mình, số phận mình rồi sẽ ra sao. Ba năm theo Thầy đi khắp các nẻo đường Palestine, họ đã từng nghe biết bao lời hiền lành thốt ra từ miệng Thầy, từng chứng kiến biết bao phép lạ Thầy làm cho dân. Họ cũng đã cùng với đám đông hoan hô khi Thầy tiến vào thành Giêrusalem. Thế nhưng, trong tâm trí các ông chắc không thể nào quên được sự hung hăng và tiếng la hét của đám đông ngay sau đó: “Giết đi! Giết đi! Đóng đinh nó đi!”. Có lẽ giờ đây, nghĩ đến thân xác Thầy trong mộ, các ông thương cho số phận của Thầy đã bị dân chúng đối xử tệ bạc, vô ơn, nhưng cũng băn khoăn về những ngày sắp tới của bản thân mình. Các ông chỉ còn biết tụ họp lại với nhau, nhưng không ai muốn mở miệng, còn cửa nhà thì đóng kín vì sợ người Do thái.
Ngay giữa cảnh u buồn đó, Đấng Phục Sinh đã đến và hiện diện giữa họ cùng với lời chúc: “Bình an cho các con”. Ngài đến với họ ngay trong ngôi nhà đang đóng kín cửa, hơn nữa, “Người còn cho các ông xem tay và cạnh sườn Người”. Đấng Phục Sinh đã đến với các tông đồ ngay trong cuộc sống hiện tại của họ, cùng với những khó khăn họ đang phải đối diện. Ngài đến với họ bằng chính con người của Ngài trong cuộc thương khó với các dấu đinh và đòn đánh. Như thế, sự hiện diện của Đức Giêsu không làm thay đổi ngoại cảnh, nhưng làm thay đổi cách nhìn, thay đổi tâm hồn của chúng ta. Sự hiện diện của Chúa đã đem lại cho các môn đệ một niềm hy vọng, một niềm vui và nhất là một sự bình an sâu thẳm từ trong tâm hồn không ai lấy mất được. Tin mừng ghi nhận: “Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì được xem thấy Chúa”.
Như vậy, với sự Phục Sinh của mình, Đức Giêsu đã thực hiện trọn vẹn lời Ngài đã hứa trước đó: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14, 27). Đây quả là tin vui cho tất cả chúng ta.
Nhận được Tin mừng bình an của Đấng Phục Sinh không cho phép chúng ta giữ cho riêng mình nhưng chúng ta phải chia sẻ cho anh chị em đang sống quanh ta.
- Loan báoTin mừng:
Trước hết đó là sự loan báo bằng lời nói. Các tông đồ, sau khi gặp được Đấng Phục Sinh đã báo cho Tôma: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Loan báo Tin mừng là nghĩa vụ hàng đầu của mỗi kitô hữu chúng ta. Đây không phải là điều Giáo Hội nghĩ ra, hay là do ý muốn của chúng ta, nhưng đây là lệnh truyền đầu tiên của chính Đấng Phục Sinh ngay khi Ngài hiện ra với các môn đệ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Sứ mạng này được uỷ thác không những cho các tông đồ, nhưng là cho tất cả những ai nhận Đức Kitô làm Cứu Chúa của mình. Vì thế, khi xức dầu thánh cho thụ nhân trong nghi thức Rửa tội, linh mục đọc: “Chính Người xức dầu cứu độ cho ông (bà, anh, chị, em…) để sau khi nhập đoàn với dân Người, ông (bà, anh, chị, em…) mãi mãi làm chi thể của Đức Kitô là tư tế, ngôn sứ và vương đế cho đến cõi sống muôn đời”. Chúng ta được xức dầu thánh để làm ngôn sứ, nghĩa là chúng ta có sứ mạng loan báo cho mọi người về Tin mừng Phục Sinh, Tin mừng của sự sống và bình an cho mọi người.
Việc loan báo này không chỉ bằng lời nói, nhưng hơn tất cả là bằng chính đời sống của từng người chúng ta, nhất là trong thời đại hôm nay. Một thời đại mà mọi người đang bị tấn công bởi quá nhiều những lời quảng cáo, và hứa hẹn. Do đó, con người hôm nay cần nhìn thấy đời sống yêu thương, bác ái, hoà bình của chúng ta hơn là nghe chúng ta nói. Chúng ta cần loan báo Tin mừng bình an của Đức Giêsu cho mọi người bằng chính cuộc sống yêu thương của chúng ta. Nếu chúng ta có một tình yêu thật đối với Thiên Chúa và Đức Kitô, thì tình yêu đó lập tức thúc đẩy bước chân chúng ta đến với anh chị em mình, như lời thánh Gioan trong bài đọc hai: “Ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu mến kẻ sinh ra bởi Đấng đó”. Thánh nhân còn nói tiếp: “Cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến con cái Thiên Chúa, là khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn Người”.
Vâng dấu chỉ rõ ràng nhất của tình yêu là thực hiện những điều mà người yêu mình mong muốn. Mà ý muốn của Thiên Chúa là gì? Chẳng phải là Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau sao? Thật vậy, trong suốt cuộc đời rao giảng của mình, Đức Giêsu chỉ để lại cho tất cả chúng ta một giới răn duy nhất, đó là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12). Ý thức điều đó, nên các tín hữu thời sơ khai đã sẵn sàng chia sẻ những gì mình có với các anh chị em khác. Sách Tông đồ Công vụ đã mô tả lại đời sống của cộng đoàn Giáo Hội thuở ban đầu đó với những lời thật đẹp như sau: “Lúc bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung… Vì thế, trong các tín hữu không có ai phải túng thiếu”.
Như thế, chúng ta thấy sự Phục Sinh của Đức Kitô quả thật là một Tin mừng vĩ đại cho tất cả chúng ta. Chính nhờ sự Phục Sinh của Ngài, từng người chúng ta cũng được bảo đảm có một sự sống mới. Có Chúa Phục Sinh cùng đồng hành, cho dù cuộc sống vẫn còn những khó khăn, nghịch cảnh… chúng ta không còn sợ hãi, nhưng tâm hồn sẽ luôn được bình an. Tuy nhiên, niềm vui này chúng ta không được giữ cho riêng mình, nhưng phải loan báo cho anh chị em mình, để tất cả mọi người cùng được chung hưởng niềm vui đó. Và việc loan truyền này, không chỉ là những lời nói suông, nhưng cần được thực hiện bằng chính đời sống hiệp nhất, bác ái, chia sẻ của chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Có lẽ mỗi ngày tôi cần phải tự hỏi: “Tôi đã làm gì để chứng tỏ rằng mình tin vào Chúa Phục Sinh? Tôi đã làm gì để tuyên xưng niềm tin đó?”