Giáo hội dành ngày mùng hai tết để cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, và cũng là để nhớ đến công ơn của các ngài. Giáo hội nhớ đến và cầu nguyện cho các ngài là bởi vì, tổ tiên, ông bà, cha mẹ là những người có công sinh thành, dưỡng dục và xây dựng cuộc đời cho chúng ta. Các ngài tận tụy dậy dỗ mình sống đời sống làm người, và đặc biệt nhờ các ngài mà mình được biết Chúa và yêu mến Ngài. Công lao của các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ thật bao la trời biển.
“Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Quả thật, truyền thống cha ông chúng ta rất coi trọng chữ hiếu. Chính vì vậy mà để đánh giá tư cách của một người nào, các cụ ngày xưa thường dựa vào cách người đó đối xử với cha mẹ của mình như thế nào. Thậm chí, các cụ coi việc báo hiếu còn quan trọng hơn cả việc đi tu:
“Tu đâu cho bằng tu nhà,
thờ cha kính mẹ, ấy là chân tu”.
Và hơn nữa, đối với người kitô hữu, việc thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của Thiên Chúa. Nhìn lại bản thập giới, ngay sau ba giới răn nói về bổn phận của con người đối với Thiên Chúa, thì giới răn “thảo kính cha mẹ” được đặt đầu tiên trong các giới răn nói về mối tương quan của con người với nhau.
Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô cũng nhắc: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo”.
Và đặc biệt trong bài Tin mừng, Đức Giêsu nhắc lại với Pharisiêu, với kinh sư và với con người mọi thời rằng: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”. Rõ ràng, đối với Chúa Giêsu, việc hiếu thảo đối với cha mẹ là điều hết sức quan trọng và là bổn phận hàng đầu của mỗi người kitô hữu.
Như thế, việc thảo kính cha mẹ không còn tùy thuộc vào ý thích cá nhân, nhưng đó là thánh ý của Thiên Chúa, đó là lệnh truyền của Thiên Chúa, và đó là đòi buộc của Thiên Chúa.
Ngày đầu xuân Giáo hội nhắc lại sự đáp trả, báo ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên là việc làm rất ư cần thiết. Thế nhưng, ta phải có những thái độ nào, phải có những cách hành xử như thế nào, để đạo “thờ cha, kính mẹ” cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa? Đó có phải chỉ là cấp tiền nuôi dưỡng cha mẹ? Hay đó có phải chỉ là đến ngày, đến tháng vào xin một thánh lễ cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên là xong?
Trong sách xưa có một bài về đạo hiếu rất hay và cũng phù hợp với tinh thần Kitô giáo:
“Hiếu hữu tam:
Đại hiếu tôn thân
Kỳ thứ phất nhục
Kỳ thứ năng dưỡng”
Tạm dịch là:
Đạo hiếu có ba điều:
Hiếu lớn nhất là tôn vinh cha mẹ
Hai là không làm nhục cha mẹ mình
Ba là có thể nuôi dưỡng cha mẹ mình.
Vậy, thế nào là tôn vinh cha mẹ? Thế nào là không làm nhục cha mẹ? Và thế nào là dưỡng nuôi cha mẹ mình?
1. Tôn vinh cha mẹ trước mặt Thiên Chúa và con người
Theo quan niệm của Kitô giáo, thì sự tôn vinh cha mẹ ở cấp độ cao nhất đó là sự tôn vinh cha mẹ, làm rạng rỡ cha mẹ ở trước mặt Thiên Chúa. Niềm vinh dự lớn lao của cha mẹ đó là được tôn vinh trước mặt Thiên Chúa. Thành ra, người có hiếu lớn nhất đó là người sống ngay lành, làm điều tốt trước mặt Thiên Chúa: sống theo thánh ý Chúa, sống theo luật Chúa đó là tốt nhất. Do đó khi sống đạo tốt, đó là mình thể hiện cái hiếu lớn nhất đối với cha mẹ.
Mặt khác, tôn vinh cha mẹ không chỉ trước mặt Thiên Chúa mà còn là tôn vinh, làm rạng danh cha mẹ trước mặt người đời. Mình không thể nói là có hiếu với cha mẹ khi mà đời sống của mình bê bối đủ điều. Mình không thể nói là có hiếu nếu mình cứ sống một cuộc sống mua gian bán lận, một cuộc sống thiếu yêu thương bác ái đối với người khác, một cuộc sống muốn loại trừ những người khác. Do đó, cái hiếu đối với cha mẹ, đó còn là việc thể hiện một đời sống tốt trước mặt người đời. Bởi vì khi mình sống tốt trước mặt người đời là mình đang làm rạng danh, đang tôn vinh cha mẹ mình.
Hơn thế nữa, cái hiếu lớn nhất là tôn vinh cha mẹ, không chỉ là tôn vinh cha mẹ trước mặt Thiên Chúa và tôn vinh cha mẹ trước mặt người đời, nhưng còn là thể hiện cái hiếu qua việc tôn vinh cha mẹ trước mặt chính mình. Tôn vinh cha mẹ trước mặt chính mình đó là khi mình biết vâng lời cha mẹ, tôn kính cha mẹ. Do đó, mình không thể nói là có hiếu trong khi mình cứ luôn cãi lời cha mẹ, không biết tôn kính cha mẹ.
2. Cái hiếu thứ hai đó là không làm nhục cha mẹ
Trước hết chúng ta xét đến tương quan với Thiên Chúa, đó là đừng làm nhục cha mẹ trước mặt Thiên Chúa. Nghĩa là, khi xa lánh tội lỗi, không làm điều xấu đó là mình thể hiện cái hiếu đối với cha mẹ. Chúng ta không thể là người có hiếu nếu cứ sống trong tình trạng lầm lạc, trong những đam mê, những thú vui tội lỗi. Khi chúng ta phạm tội đó là mình đang làm nhục cha mẹ trước mặt Thiên Chúa, và như thế thì không thể nói là mình đang sống trọn chữ hiếu với cha mẹ được. Và chúng ta không chỉ đừng làm nhục cha mẹ trước mặt Thiên Chúa mà còn không làm nhục cha mẹ trước mặt người đời. Mình đừng để cho người đời vì mình mà chửi cha mẹ mình. Con cái đi làm điều bậy bạ để rồi cha mẹ phải lãnh lấy hậu quả, bị người đời coi thường, khi đó chúng ta không thể là người sống có hiếu được.
3. Và cái hiếu thứ ba đó là có thể nuôi dưỡng cha mẹ
Nuôi dưỡng hay chu cấp cho cha mẹ ở đây không chỉ là về những nhu cầu vật chất nhưng là còn về tinh thần.
Trước mặt Thiên Chúa, mình cầu nguyện cho cha mẹ đó là nuôi dưỡng cha mẹ. Khi cha mẹ còn sống hay đã qua đời, lời cầu nguyện của chúng ta cho cha mẹ thể hiện lòng hiếu thảo đối với cha mẹ.
Trước mặt người đời, người có hiếu là người có thể phụng dưỡng cho cha mẹ về vật chất cũng như tinh thần, đem lại niềm vui, đem lại niềm hạnh phúc cho cha mẹ.
Như vậy, cái hiếu lớn nhất của mỗi người đó là tôn vinh cha mẹ, làm rạng danh cha mẹ trước mặt Thiên Chúa, trước mặt người đời và trước mặt chính mình.
Cái hiếu thứ hai đó là không làm nhục cha mẹ trước mặt Thiên Chúa, không làm nhục cha mẹ trước mặt người đời.
Cái hiếu thứ ba đó là nuôi dưỡng cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ trước mặt Thiên Chúa, trước mặt người đời.
Làm được như thế đó là mình sống trọn lòng hiếu thảo đối với cha mẹ như lòng Chúa mong muốn.
Lắng nghe lời Chúa trong ngày đầu năm này, ước gì mỗi người một lần nữa ý thức hơn về những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho mình qua ông bà cha mẹ, để hết lòng tri ân và cảm tạ các ngài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội thuận tiện để mình duyệt xét lại lòng thảo hiếu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Việc thảo kính này, không chỉ là dâng một ít quà hay một lời cầu chúc trong ngày đầu năm, nhưng lòng thảo hiếu này, cần được kéo dài trong suốt cuộc đời mỗi người.
Xin Chúa cho mỗi người có được lòng mến yêu, có được một tinh thần thảo hiếu, để chúng ta có thể luôn biết thể hiện lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ.
Hai Lúa