(Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi)
Ngày mồng ba tết mỗi năm, Hội Thánh luôn dành riêng một ngày đầu năm để cầu nguyện xin Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm của mọi người giữa lúc con người đang mải mê ăn tết, có khi quên cả mặt thiêng liêng, đạo đức. Sở dĩ Hội Thánh dùng ngày mồng ba tết để cầu xin Thiên Chúa đổ muôn ơn phúc xuống trên mùa màng bởi vì Hội thánh ý thức:” Làm bởi bay, ban bởi Ta “ (L’homme propose, Dieu dispose). Hội Thánh cũng nhắc nhở tấm gương lao động của Thiên Chúa khi Ngài miệt mài sáng tạo vũ trụ, thế giới và con người. Giáo Hội cũng cho ta thấy gương lao động của Chúa Giêsu ở Nagiarét để chúng ta noi gương, bắt chước. Do đó, ngày mồng ba tết Giáo Hội dành riêng để xin ơn thánh hóa công ăn việc làm là để dạy con người:” Không làm thì đừng có ăn” như thánh Phaolô tông đồ đã viết.
THIÊN CHÚA TẠO DỰNG CON NGƯỜI ĐỂ CON NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM RA CỦA CẢI: Tất cả ba bài đọc trong thánh lễ ngày mồng ba tết đều xoay chung quanh việc lao động. Bài sách sáng thế cho thấy Thiên Chúa đặt con người trong vườn Eden và dạy con người trồng trọt nghĩa là lao động để làm ra của cải. Thiên Chúa muốn con người xây dựng thế giới, tô đẹp thế giới và làm cho thế giới càng ngày càng trở nên phong phú, tươi xinh theo ý của Thiên Chúa. Đoạn Tin Mừng nói về việc ông chủ trao cho đầy tớ các nén bạc để các đầy tớ làm lợi ra những nén bạc khác, làm ra nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên lao động chắc chắn đòi hỏi sự cố gắng của con người và nhiều khi làm cho con người mệt nhọc, nhưng lao động quả thực mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống:
LAO ĐỘNG LÀ BÀI CẢM TẠ TRI ÂN: Nói đến lao động là nói đế sự làm việc mà làm việc dù trí óc hay tay chân đều làm cho con người mệt mỏi, đòi hỏi con người phải phấn đấu hy sinh, có khi phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có miếng cơm mà ăn, có cần cù lao động với óc sáng kiến, với khả năng, với kỹ thuật mới mong có của ăn của để. Mặc dù như thế, nhưng lao động vẫn là sự vinh quang bởi vì phải lao động mới tốt đẹp được, mới đem lại cho con người sức sống. Giầu đâu đến kẻ ngủ trưa, sang đâu đến kẻ say sưa tối ngay, ca dao tục ngữ Việt Nam quả thực đã nói đến lý tưởng của lao động và đề cao giá trị của lao động. Đối với người công giáo lao động là bài ca tình yêu bất tận bởi vì con người làm nhưng chính Thiên Chúa định đoạt thành quả của việc làm. Do đó, lao động nói theo ngôn ngữ nhà đạo là bài ca tình yêu, là lời cảm tạ tri ân không ngừng bởi Thiên Chúa không ngừng lao động và Chúa Giêsu cũng đã lao động không ngừng.
LAO ĐỘNG NÂNG CAO PHẨM GIÁ CON NGƯỜI: Con người sẽ chẳng ra chi nếu không chịu làm việc. “ Đừng ngồi chờ sung rụng “, vâng, Thiên Chúa đã lao động không ngừng, Chúa Giêsu cũng đã noi gương Chúa cha làm việc không mệt mỏi. Do đó, con người cũng phải làm việc vì việc làm do trí óc, do bàn tay con người sẽ nâng cao giá trị của con người và làm cho việc làm có giá trị. “ Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa” (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh hóa công ăn việc làm). Lao động Chúa sẽ chúc lành nếu con người luôn hướng lao động theo ý Chúa:” Bốn mùa Chúa đổ hồng ân. Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi “ (Tv 64, 12) hoặc “ Bao lâu trái đất này còn, còn gieo còn gặt còn vun còn trồng. Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, ngày đêm thời tiết không ngừng luân phiên “.
LAO ĐỘNG MANG Ý NGHĨA GIẢI THOÁT, CỨU RỖI: Kinh tiền tụng ngày mồng ba tết viết:” Chính Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Cha và giao trách nhiệm trông coi trái đất. Cha còn sai Con Một giáng trần để chia sẻ thân phận người lao động, và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người, mà còn để làm rạng danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại trần thế “. Con người làm ra vật chất không chỉ để nuôi sống mình nhưng còn để chia sẻ cho những kẻ khó nghèo và như thế của bố thí với ý ngay lành sẽ có ý nghĩa cứu rỗi.
ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ: Con người được Chúa tạo dựng để góp tay với Chúa làm cho vũ trụ, thế giới đẹp hơn, ấm hơn. Bởi vì, khi làm ra của cải, con người tạo được no ấm và hạnh phúc cho mình, cho gia đình mình. Nhưng còn hơn thế, con người biết nghĩ đến kẻ khác nhờ đó họ sẽ làm cho của cải có giá trị đẹp và có tính cứu rỗi. Chính vì thế, giầu quý thực nhưng nếu không biết chia sẻ cho những người nghèo thì lời của Chúa:” Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào được nước Thiên Chúa “ quả thực sẽ là lời cảnh cáo mạnh mẽ đối với những con người ích kỷ, bo bo giữ của mà không biết sẻ chia cho những người bé nhỏ, khó nghèo.
Lạy Chúa, nhân dịp đầu xuân, cộng đoàn chúng con dâng lên Chúa lễ phẩm này, cùng với mọi công việc chúng con sẽ làm trong năm mới.Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và cho chúng con được cộng tác với Con Một Chúa, để thực hiện công trình cứu độ của Người.Amen.