GIÁO DỤC MÀ KHÔNG CHÊ BAI: 7 CÂU KHÔNG NÊN NÓI VỚI TRẺ
Giao tiếp đóng vai trò quan trọng trong mối tương quan của chúng ta với con cái và với tâm hồn non nớt, mong manh của trẻ. Điều này cũng áp dụng cho mối tương quan giữa trẻ với ông bà, thầy cô và những người chăm sóc chúng.
Dưới đây là một số ví dụ về những lời không nên nói với trẻ để giúp nuôi dưỡng lòng tự trọng của trẻ, đồng thời giúp chúng hiểu khi nào mình sai.
Việc khiển trách và chỉ ra lỗi sai là một phần cần thiết trong quá trình nuôi dạy trẻ, nhưng điều này cần được thực hiện sao cho không làm suy giảm sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ.
Sau đây là 7 câu nói cần tránh:
1. “Con thật tệ!”
Thay vì sử dụng một câu khẳng định dứt khoát khiến trẻ không có cơ hội để cải thiện và vô tình gán nhãn con người của trẻ, hãy nói: “Hành động như vậy là không đúng vì…”Như vậy, bạn tránh được việc định nghĩa tính cách của trẻ bằng những từ ngữ cứng nhắc khiến trẻ có thể tự đồng nhất với bản thân theo hướng tiêu cực.
2. “Lúc nào con cũng thế,” “Lúc nào con cũng làm vậy”
Việc đồng nhất một con người – trong trường hợp này là một đứa trẻ – với một lỗi lầm hay hành vi không tốt là không có ích. Thay vào đó, hãy nói: “Những gì con làm (chỉ rõ thời gian: hôm nay, vừa nãy, hôm qua, v.v.) là không đúng vì…” Điều quan trọng là xác định và làm rõ lỗi sai, để trẻ không nghĩ rằng mình “sai lầm không thể sửa chữa”.
3. “Con làm mẹ/bố mệt mỏi quá; mẹ/bố không chịu nổi con nữa”
Một đứa trẻ không nên cảm thấy sự hiện diện của mình là một gánh nặng. Đúng là đôi khi trẻ có thể khiến chúng ta mất kiên nhẫn, điều này không thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta không làm cho trẻ cảm thấy mình là một “phiền toái“, ngay cả khi một số hành vi của chúng có thể gây khó khăn trong cuộc sống chung. Thay vào đó, hãy nói: “Khi con hành động như vậy, người khác có thể cảm thấy tổn thương hoặc khó chịu vì…”
Hãy đưa ra lý do về cảm xúc và nhận thức của chúng ta đối với hành vi của trẻ, thay vì khiến chúng cảm thấy khó xử hoặc nghĩ rằng sự có mặt của mình là điều không thể chịu đựng được.
4. “Đừng để ý đến nó, nó vốn dĩ như vậy rồi”
Bị xem thường trước mặt bạn bè, bạn cùng lớp hay những người đồng trang lứa là một điều rất tủi thân đối với trẻ.
Việc sửa lỗi, khuyên bảo và đưa ra gợi ý về cách giải quyết vấn đề là những hành vi lành mạnh, trong khi việc không xem trẻ đáng để sửa sai có thể làm tổn thương chúng. Hãy nói: “Sao con không thử giải quyết theo cách này?”. Việc đưa ra các chiến lược giải quyết vấn đề sẽ tốt hơn nhiều so với việc khiến trẻ cảm thấy mình là một “vấn đề không thể giải quyết”.
5. “Con ngốc à?”, “Con có bị đần không?”
Trẻ em có thể chưa hiểu ngay được nhiều điều mà đối với người lớn đã trở nên hiển nhiên nhờ kinh nghiệm sống. Trong một số trường hợp, trẻ có thể chưa thực sự tiếp thu những thông tin mà chúng ta đã giải thích trước đó. Điều này đôi khi dễ khiến người lớn mất kiên nhẫn. Tuy nhiên, đối với một tâm trí non nớt đang phát triển, điều quan trọng là trẻ cần biết rằng người lớn không đánh giá tiêu cực một ai đó chỉ vì họ còn nhiều điều phải học hỏi.
Chỉ khi trẻ cảm thấy được chào đón, không bị xem thường vì chưa biết điều gì đó, chúng mới dám đặt câu hỏi, tương tác với người lớn và học hỏi được nhiều điều mới mẻ.
Thay vì phán xét, hãy lặp lại một cách kiên nhẫn: “Nhìn này, đây là cách làm đúng”, hoặc “Con còn nhớ lần trước mẹ/bố đã giải thích thế nào không?”
6. “Đủ rồi! Đừng hỏi thêm nữa!”
Trẻ nhỏ luôn có vô vàn câu hỏi trong đầu. Có một giai đoạn trong thời thơ ấu, thường được gọi là “giai đoạn tại sao”, khi trẻ thắc mắc về mọi thứ xung quanh. Người lớn không phải lúc nào cũng có đủ năng lượng và kiên nhẫn để trả lời hết tất cả câu hỏi đó. Tuy nhiên, việc cố gắng không làm trẻ cảm thấy sự tò mò của mình là một điều phiền phức nên là mục tiêu quan trọng. Trẻ có quyền được tìm hiểu, và thật tuyệt vời khi chúng có sự hiếu kỳ với thế giới. Nếu chúng ta đang bận, có thể hoãn lại việc trả lời bằng cách nói: “Tối nay, trước khi đi ngủ, mẹ/bố sẽ giải thích cho con nhé”. Cách này giúp trẻ cảm thấy mình quan trọng, rằng nhu cầu tìm hiểu của chúng – dù không phải lúc nào cũng được ưu tiên hàng đầu – vẫn có giá trị đối với người lớn.
7. “Con giống hệt bố/ mẹ con”
Khi được sử dụng với ý chê bai, những câu nói này có thể sắc bén như lưỡi dao, gây tổn thương sâu sắc.
Trẻ em có thể thừa hưởng một số thói quen hoặc tính cách từ cha mẹ. Khi vợ chồng có mâu thuẫn, điều này có thể trở thành một yếu tố làm gia tăng căng thẳng. Tuy nhiên, trẻ không liên quan đến những bất đồng của người lớn. Bảo vệ trẻ khỏi những cuộc cãi vã và tình huống căng thẳng là một cách giúp chúng phát triển lành mạnh. So sánh trẻ với một trong hai phụ huynh theo cách tiêu cực sẽ khiến chúng cảm thấy bị ép buộc phải đứng về phía ai đó – điều mà trẻ không nên làm.
Thực tế là chẳng ai có thể hoàn toàn tránh khỏi sai lầm khi nói chuyện với trẻ. Luôn hoàn hảo, luôn xây dựng và luôn bảo vệ trẻ khỏi những tâm trạng xấu hoặc áp lực của người lớn là điều không phải lúc nào cũng làm được. Tuy nhiên, nếu chúng ta có ý thức rõ ràng về cách mình muốn xây dựng mối tương quan với con cái, chúng ta có thể điều chỉnh những sai lầm, định hướng lại bản thân mỗi khi cần. Bởi lẽ, lời nói của chúng ta – dù được chọn lọc hay không – đều có ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của trẻ.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: familyandmedia.eu (20/01/2025)