GIÁO DỤC LÒNG TIN TƯỞNG
Chúng ta không thể bảo vệ con cái mãi mãi trong cuộc sống và chúng ta cũng không thể làm điều đó. Điều quan trọng là luyện cho con cái sự can đảm và sức mạnh cần thiết để đối diện với những vấn đề trong cuộc sống.
– “Này con, ra đường phải cẩn thận. Đừng tin vào ai!”.
– “Không biết có nên tin điều anh ta nói hay không?”.
– “Cô ta nói thế, nhưng đằng sau là cái gì, ai mà biết được?”.
– “Đừng tin ai, ngay cả người thân!”
Đây là những băn khoăn và lời dậy rất thường hay nghe trong đời thường. Nhiều lúc chúng ta cảm thấy hụt hẫng bởi không biết đặt niềm tin vào ai, và nỗi nghi ngờ trở thành nhãn quan ta phóng chiếu trên mọi cuộc gặp gỡ. Và hậu quả là nỗi bất an, sợ hãi bủa vây, không ai dám tin vào ai, ngay cả sự thiện.
Trong tình thế ấy, là những nhà giáo dục, là các bật phụ huynh, chúng ta có thể làm gì để sửa chữa để tâm hồn con cái cảm nhận được sự an toàn, lấy lại được niềm tin, vì niềm tin chính là nền tảng của mọi mối tương quan.
Làm thế nào để giáo dục niềm tin tưởng?
Giáo dục cảm thức tin tưởng vào chính mình và người khác là một trong những khía cạnh nền tảng mà cha mẹ cần truyền đạt cho con cái. Nhưng trong thực tế đây không phải là điều dễ dàng, bởi ngoài những cản trở trong việc sống niềm tin ta thường gặp trong cuộc sống, thì sự khó khăn ấy còn có thể đến từ chính lối giáo dục của cha mẹ.
Trước tiên vì nhiều cha mẹ dễ dàng rơi vào lỗi lầm của thái độ bảo vệ quá mức đối với con cái. Một người mẹ bảo vệ quá mức đối với con cái là một người mẹ “khủng bố”; bà sợ có thể sẽ xảy ra chuyện gì đó cho con cái nếu chúng ở ngoài tầm mắt của bà. Bà có ý bảo vệ con cái khỏi mọi nguy hiểm, tất nhiên tâm trạng ấy là tự nhiên và bình thường, nhưng nếu thái quá thì mắt bà sẽ thấy nguy hiểm ở khắp mọi nơi.
Mong muốn bảo vệ những đứa trẻ khỏi mọi rủi ro có thể gây ra một hiện tượng tiêu cực là làm cho đứa trẻ trở nên yếu đuối và lệ thuộc. Nguyên do thứ hai ẩn giấu đằng sau thái độ bảo vệ quá đáng là sự thiếu lòng tin của cha mẹ vào khả năng tự chăm sóc của trẻ.
Do vậy, cha mẹ cần phải làm mọi cách để kiện cường lòng tin vào bản thân nơi trẻ nhỏ. Làm tăng trưởng niềm tin nơi trẻ nhỏ tức là nhận thức được rằng đứa trẻ là một con người quan trọng, đặt vào em ánh nhìn có sức khơi dậy ước muốn được lớn lên, một ánh nhìn hiểu biết về tính độc đáo duy nhất không thể thay thế của em. Sau đây là một vài gợi ý giúp giáo dục lòng tin tưởng nơi trẻ.
Lắng nghe những gì mà đứa trẻ đang trải qua. Điều quan tâm thứ nhất cần nói đến là việc lắng nghe, chẳng hạn khi đứa bé khóc thì cha mẹ phải biết tiếng khóc ấy mang thông điệp gì và cần phải đáp ứng thế nào. Hoặc trong giờ phút đó cha mẹ phải biết nói: “Hãy nghe mẹ nói đây: Mẹ không thể làm điều ấy cho con lúc này, nhưng mẹ đang lắng nghe con”. Đứa trẻ phải trải nghiệm rằng nó được lắng nghe, không bị phớt lờ trong cuộc sống. Điều này muốn nói rằng mọi sự phiền toái của em được chấp nhận và coi trọng.
Lắng nghe cũng có nghĩa là biết giải mã những gì còn đang ẩn giấu phía sau thái độ của đứa trẻ, điều mà đứa trẻ không nói thành lời.
Nhận biết những tài khéo và khả năng của đứa trẻ. Nhận biết những tài năng của đứa trẻ là một cách thức phát biểu: “Cha mẹ yêu con như con là”, “Con là duy nhất và hết sức độc đáo”. Một trong những điều cha mẹ cần lưu tâm là do nỗi lo làm sao để cho con mình thành công, em phải đạt điểm cao ở trường, có nhiều thành quả hơn người khác và nhiều giấc mơ cao đẹp, nên họ thường không nhận ra những điều hay nơi đứa trẻ.
Vì thế, để khắc phục, cha mẹ cần phải học cách quan sát trẻ và biết cách nói: “Cách đây một tháng con còn chưa biết xếp gạch cho trò chơi xây dựng, vậy mà bây giờ…”, hay khám phá ra khả năng độc đáo của em: “Thằng bé luôn luôn cười và làm cho bầu khí gia đình lúc nào cũng an bình”, hay “Ngược lại, con bé thì thích chơi với cô em họ, nó có khiếu dỗ em”.
Nhận biết khả năng đặc biệt của đứa trẻ và nói cho em biết, điều đó có nghĩa là cho đứa trẻ cơ hội để nhận biết rằng mình không là người khác, rằng mình có những nét độc đáo riêng của mình. Sự nhận biết này không nhằm tuyên bố rằng em không hơn người khác (cần nỗ lực tìm cách để em sống như mình là), nhưng em khác biệt với người khác. Sự xem xét tích cực này sẽ là nền tảng để từ đó giúp con trẻ đối diện với sự thất bại và khó khăn.
Cho phép con cái trở nên tự lập. Đó là một tiến trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và thời gian, nhưng các bậc cha mẹ thường thiếu nguồn sức mạnh này, nên thường họ để đứa trẻ tự xoay sở một mình. Để luyện cho con cái, hãy tìm thời gian để cho đứa trẻ có thể rửa chén cùng mẹ, tất nhiên khi rửa bé sẽ làm cho nước bắn ra tung tóe để chứng tỏ mình có năng lực, nhưng đừng nên la mắng bé. Hãy cho bé một mình đi mua vài món đồ nhỏ, tại cửa hàng gần nhà. Đối mặt với sự tin tưởng, đứa trẻ nhận ra ngay, em có thể nói với chính mình: “Nếu mẹ nói mình có thể làm thì điều đó có nghĩa là mình có khả năng, mình có thể thử làm điều này”. Và như thế, khả năng tự lập của em được lớn lên.
Tin tưởng vào người khác là một con đường quan trọng không hề kém mà cha mẹ cần lưu tâm. Trong mối tương quan liên vị, việc tin tưởng vào người khác là nền tảng. Để đứa trẻ học tin tưởng vào người khác, thì trước tiên người lớn phải đáng tin, và là những người biết giữ lời đã hứa. Nếu như lý do bên ngoài không cho phép chúng ta giữ lời hứa vào thời điểm đã định, thì cha mẹ phải cần giải thích cho con cái biết lý do. Điều này cũng đúng với việc trách phạt (đôi lần cần phải nhượng bộ chút ít đối với một đứa trẻ khó): Khi chúng ta đề nghị một hình phạt, thì trước tiên cha mẹ hãy thực hành những gì chúng ta thiết định.
Cả ông bà cũng phải có những sáng kiến riêng sau cha mẹ. Và nếu như có những ứng xử khác biệt trong nhà của mình, thì ông bà cũng cần giải thích cho em biết những khác biệt ấy. Nếu như em được giải thích cách rõ ràng và nhất quán thì em sẽ biết phải ứng xử thế nào đối với những người lớn sống gần em. Em sẽ học cách tiến bước trên con đường tin tưởng vào Thiên Chúa và người khác.
Trong việc truyền đạt đức tin, giáo dục niềm tin tưởng là điều sống còn, bởi tin có nghĩa là “có niềm tin tưởng” và chấp nhận mình không “biết hết”. Nó nhắm đến việc dần dần học biết tin tưởng vào một AI ĐÓ: Cần phải có sự mạo hiểm để có lòng tin vào Thiên Chúa, như tất cả mọi chứng nhân đã làm thế. Niềm tin tưởng làm cho chúng ta trở nên tương hợp với Thiên Chúa, xác tín rằng Thiên Chúa Ngài tin vào chúng ta trước. Tận phía sâu thẳm của lòng người, niềm tin vào bản thân, vào người khác, vào Thiên Chúa là cột sống cho hiện hữu của con người.
Ban Truyền Thông SDB.
Nguồn: sdb.vn (28.03.2023)