5 ĐIỀU CÁC GIÁO LÝ VIÊN CÓ THỂ LÀM TỐT HƠN TRONG NĂM HỌC TỚI
Tôi viết bài này đúng 24 giờ trước khi các con trai tôi rước lễ lần đầu.
Tôi và chúng đều cảm thấy phấn khởi.
Toàn thể các thánh trên thiên đàng đều hân hoan.
Thế nhưng đâu đó vẫn còn một cảm giác chưa thỏa mãn.
Bạn thấy đấy, tôi là giáo viên tiểu học cho đến nay đã gần 20 năm và với tư cách là một nhà giáo chuyên nghiệp, tôi cảm thấy mình biết chút ít việc giúp bọn trẻ học. Tôi được đào tạo qua nhiều hệ thống và kinh nghiệm để nhận ra những lỗ hổng trong việc phát triển học thuật, để lấp đầy những lỗ hổng đó và cho phép kiến thức từ thế giới (và các tầng trời) lấp đầy tâm trí các em cho đến khi nó tuôn tràn ra những thành tựu.
Nhưng năm nay, ngay tại thời điểm này, tôi cảm thấy chúng ta vẫn chưa đạt được bất cứ điều gì.
Chắc chắn, các con tôi biết thêm một vài kinh, một ít câu chuyện về một số vị thánh mới, và một vài điều về bí tích Thánh Thể thực sự là gì (hoặc là ai).
Nhưng tôi không tin bọn trẻ hiểu đầy đủ nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu.
Tôi nghĩ không đứa trẻ nào được như vậy.
Các giáo lý viên ở mọi nơi đều nhận thức sâu sắc rằng dù chúng ta nghĩ rằng mình đã dạy rất hay cho học trò về tình yêu Thiên Chúa, việc chúng ta dạy vẫn không thể so sánh với tình yêu Thiên Chúa thực sự.
Vậy bạn dạy thế nào về tình yêu Thiên Chúa? Làm thế nào để sử dụng thủ bản buồn tẻ mà giáo phận yêu cầu bạn dùng để giảng dạy và từ những trang giấy vô hồn đó thắp lên ngọn lửa sự sống và tình yêu trong tâm hồn các em trong lớp giáo lý?
Đây là năm gợi ý cho những ai tìm cách xem xét lại hệ thống giáo lý hiện tại.
Đào tạo giáo lý viên
Giảng dạy là một hành vi phức tạp của đức ái. Tại bất kỳ thời điểm nào, tâm trí giáo viên đều đang đưa ra hàng trăm, có lẽ thậm chí hàng nghìn quyết định nhỏ. Chúng có thể bao gồm từ việc lấy tông giọng nào để truyền đạt một bài học cho đến việc chọn giáo trình nào để giảng dạy. Quá trình ra quyết định đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên năm thứ nhất, có thể khó khăn đến mức khiến họ chọn bỏ nghề luôn (thực tế đáng buồn là hầu hết bỏ nghề trong 5 năm đầu). Vấn đề đau đầu nhất? Quản lý lớp học.
Cách tối ưu duy nhất để cải thiện lớp giáo lý là đào tạo giáo lý viên biết quản lý lớp học đúng cách. Họ cần biết cách khen thưởng cố gắng của học sinh, duy trì không gian học tập tích cực và an toàn, đồng thời dập tắt ngay những hành vi tiêu cực tiềm ẩn trước khi chúng xảy ra. Tôi biết một thực tế là không phải mọi học sinh lớp giáo lý đều là những thiên thần như chúng ta mong ước, là một giáo lý viên, bạn cần biết cách thiết lập tương quan tích cực với các em để chúng có thể học biết cách mở lòng với vị Thầy tuyệt vời là Chúa Giêsu.
Điều đó khởi đầu từ việc quản lý lớp học.
Làm cho bài giáo lý mang tính hướng dẫn thiêng liêng nhiều hơn và bớt tính cách là một môn học
Có một sự khác biệt lớn giữa học và thực sự sống các sự kiện tôn giáo. Chúng ta đã rơi vào cái bẫy biến lớp giáo lý thành một lớp học chứ không phải một cung cách sống. Quá nhiều điều chúng ta dạy dựa trên giáo trình và thủ bản, quá nhiều đến nỗi các em liên tưởng hành trình đức tin với cấu trúc hệ thống trường lớp – nếu tôi học xong lớp này, tôi sẽ được “tốt nghiệp” và được rước lễ lần đầu hoặc thêm sức.
Các lớp dự bị hôn nhân không nên như vậy (ít nhất, tôi hy vọng là không!). Ngược lại, hầu hết các chương trình dự bị hôn nhân đều có sự tham gia của một cặp vợ chồng giàu kinh nghiệm với những cặp đôi sắp cưới để hướng dẫn những gì họ mong đợi. Đó là một quá trình dễ chịu hơn, tập trung nhiều vào việc hướng dẫn thiêng liêng hơn là chỉ toàn những sự kiện phải học. Quá trình đó vượt lên trên cái cơ bản để đi vào sự huyền nhiệm. Đó là cách thức mà mọi lớp giáo lý nên theo.
Gia tăng cầu nguyện
Như tôi đề cập trong bài viết trước, Giáo hội dạy có ba phương thức cầu nguyện: khẩu nguyện, tâm nguyện và chiêm niệm. Ở mọi cấp độ học giáo lý, cần phải tập trung cao độ vào việc giúp các em phát triển nhiều về đời sống cầu nguyện. Điều này nên được thực hiện một cách có kế hoạch để đảm bảo các em tiến triển từ phương thức này đến phương thức kế tiếp phù hợp với sự trưởng thành của chúng (và ân sủng Thiên Chúa). Trong khi chúng ta giảng dạy với hy vọng các em học được cách sống tốt đức tin, thì chính Chúa Thánh Thần là người sau cùng mở rộng tâm trí và tâm hồn để các em đón nhận những kiến thức và sự khôn ngoan đó. Chúng ta chỉ là những ống dẫn mang tính giáo dục qua đó ân sủng Thiên Chúa có thể đi vào tâm hồn các em. Cầu nguyện hợp nhất việc giảng dạy với ý Chúa không chỉ vì sứ mạng của chúng ta mà sau cùng còn vì ơn cứu độ của các em (và của chúng ta nữa!).
Đưa ra những con đường hướng tới hành động nội tại
Một trong những tình huống nghịch lý nội tại của việc giảng dạy đó là, mặc dù hầu hết các giáo viên đều có động lực giảng dạy, nhưng không phải mọi học sinh đều có động lực học tập. Số lớp học, dự án, kỳ thi… theo yêu cầu có khuynh hướng ít tạo nên động lực. Nếu bạn muốn làm cho điều gì trở nên ít được mong muốn hơn? Hãy biến nó thành một yêu cầu.
Đừng hiểu sai ý tôi, tôi hiểu (và trân trọng) việc dạy những kỹ năng cần thiết để đạt được những kỹ năng cao hơn. Khi chơi bóng rổ, tôi không thích chạy nước rút, chạy cự ly dài hay nâng tạ như yêu cầu trước mùa giải. Tuy nhiên, tôi thích cách chúng biến tôi trở thành một cầu thủ bóng rổ giỏi hơn.
Khi nói đến dạy giáo lý, yêu cầu rất cần thiết là dạy cho các em các câu kinh, mười điều răn và cách đọc Kinh thánh. Nhưng, thật không may, hầu hết các chương trình giáo lý chỉ dừng lại ở đó, và không tiếp tục đi vào khía cạnh biến đổi của huấn giáo. Lớp giáo lý chỉ đơn giản là một lớp học bắt buộc, nơi các em (yêu cầu phải tham dự) đọc các bản văn theo yêu cầu để đạt được các mục tiêu học thuật cần có.
Nếu chúng ta muốn xây dựng các chương trình giáo lý hoàn chỉnh, hãy khôn ngoan khi tập trung vào những mong muốn của các em cũng như vào các giáo thuyết nền tảng cần thiết trong đức tin. Hãy nói chuyện với từng em một. Làm cho chúng trở thành môn đệ. Tìm hiểu điều gì đang bùng cháy trong tâm hồn chúng và giúp hướng dẫn các em đến điều mà Thiên Chúa mời gọi chúng trở thành. Một khi đã phân định được, chúng sẽ có động lực và không gì ngăn cản được chúng.
Cho phép những em đã thêm sức mở ra con đường riêng
Nếu giáo xứ của bạn giống của tôi, một khi một thanh thiếu niên nam hay nữ được thêm sức, họ hiếm khi tham dự vào bất cứ điều gì khác mà Giáo hội đề nghị. Trong thực tế, đôi khi họ còn trốn tránh hoàn toàn và cùng nhau bỏ đạo.
Điều này không thể xảy ra được.
Nó giống như một người lính hoàn thành khóa huấn luyện chỉ để rời khỏi quân ngũ trước khi bước vào cuộc chiến mà anh ta được huấn luyện.
Cần có một chương trình hậu-Thêm sức, tập trung vào những khả năng của người vừa lãnh bí tích này để giúp phục vụ cộng đoàn mà họ đang sống. Chương trình này nên dựa trên 14 mối thương người, và cho phép những thành viên trẻ này của Giáo hội gặt hái những ơn ích thiêng liêng để sống đức ái hoàn hảo.
Cứ cho là vậy, nhưng chúng ta hiện có các chương trình ở hầu hết các giáo xứ mà những người mới thêm sức có thể tham gia – như đọc sách trong Thánh lễ, thừa tác viên ngoại thường của Bí tích Thánh Thể, người hướng dẫn, ca viên, phục vụ phòng thánh, giúp lễ, giới trẻ, giúp nhà trẻ, v.v..
Nhưng có thể có nhiều hơn nữa.
Không phải bạn trẻ nào cũng bị thu hút bởi những việc đó. Một số được lôi cuốn vào công việc truyền giáo, số khác vào lối sống một mình. Trong khi đó, có người được lôi cuốn vào lối sống chiêm niệm và nghiên cứu chuyên sâu hơn về đức tin. Thậm chí có một số bạn trẻ táo bạo tham gia vào việc phát triển quỹ hỗ trợ!
Chúng ta cần vượt ra khỏi các cơ hội phục vụ “thông thường” nơi giáo xứ và để cho những người mới thêm sức cho chúng ta biết họ muốn làm gì với tất cả những gì mà Thiên Chúa đã ban. Rất hy vọng rằng bí tích Thêm sức sẽ không còn được xem như ngày “tốt nghiệp” lớp giáo lý, mà là bước đầu để đi vào thế giới thực nơi “lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít” (Mt 9,37).
Như bạn có thể thấy, còn rất nhiều việc phải làm trên mặt trận giáo lý. Nếu bạn là một giáo lý viên, hoặc nếu bạn biết ai đó là giáo lý viên, hãy đưa năm đề xuất này đến Trưởng Ban Giáo lý và quyết định cách bạn có thể đem hệ thống hiện tại của mình tích hợp với năm đề xuất này để tạo ra một chương trình mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
T.J. Burdick (*)
Nhóm Sao Biển
Chuyển ngữ từ Catholicexchange.com
Nguồn: stellamaris.edu.vn (16.06.2022)
(*) Tác giả T.J. Burdick là tác giả của một số cuốn sách và bài báo về đức tin Công giáo. Anh viết và thuyết trình về cách lớn lên trong sự thánh thiện giữa những phiền nhiễu và khó khăn của thời đại hiện nay. Bên cạnh việc dành thời gian cho gia đình hoặc viết sách, bạn có thể thấy anh ấy dạy các khóa về đức tin Công giáo thông qua chương trình Signum Dei (signumdei.com). Để biết thêm về T.J., hãy truy cập trang web của anh tại tjburdick.com.