MỤC VỤ GIÁO LÝ CHO NHỮNG NGƯỜI CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT TẠI GIÁO XỨ
Mục lục
1. Người có hoàn cảnh đặc biệt.
2. Bình thường hóa và hòa nhập xã hội
3. Mục vụ giáo lý cho người có hoàn cảnh đặc biệt.
4. Mục vụ giáo lý cho người bị khuyết tật.
Thật khác với chúng ta, khác với cả chính bản thân người bất toại chỉ thấy và muốn đáp ứng nhu cầu vật chất, nhu cầu thể lý mà quên mất nhu cầu tinh thần.WHĐ (14.6.2021) – Khi người ta dỡ mái nhà để thòng xuống trước mặt Chúa Giêsu một người bất toại xin Ngài chữa lành anh ta, Chúa Giêsu lại nói với anh “Này con, tội con đã được tha!” (Mc 2,5).
Chúa Giêsu đã dạy chúng ta bài học quan tâm đến nhu cầu mục vụ trước tiên cho những người có hoàn cảnh đặc biệt.
Trước hết, xin trình bày về khái niệm “người có hoàn cảnh đặc biệt”; kế đến là nhu cầu “bình thường hóa và hòa nhập xã hội” của họ; cuối cùng là “mục vụ giáo lý cho người có hoàn cảnh đặc biệt”, đặc biệt “mục vụ giáo lý cho người bị khuyết tật” tại giáo xứ.
1. Người có hoàn cảnh đặc biệt.
Có thể hiểu người có hoàn cảnh đặc biệt (NCHCĐB) là người không bình thường về thể chất hoặc tinh thần, không đủ điều kiện để thực hiện quyền cơ bản và hoà nhập với gia đình, cộng đồng. Vậy người có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm:
– Người có nơi kiếm sống và nơi cư trú không ổn định; đi lang thang.
– Trẻ em mồ côi hoặc người già không nơi nương tựa.
– Người vi phạm pháp luật, sống tập trung hoặc bị ở tù.
– Người bị xâm hại tính dục, các phụ nữ lầm lạc, người nghiện ma túy…
– Người mang bệnh xã hội: bệnh nhân phong, người bị nhiễm HIV/AIDS…
– Nạn nhân của chất độc hóa học, bị dị tật do hậu quả chất độc hóa học.
– Người bị mắc khuyết tật.
2. Bình thường hóa và hòa nhập xã hội
Trừ những người bị bắt buộc sống tập trung hoặc đang ở tù, NCHCĐB cần có một cuộc sống bình thường và hòa nhập xã hội. Họ cần tình thương của gia đình, cộng đồng, sự chấp nhận của xã hội, và quyền được tham gia cũng như gần gũi đến mức tối đa với những tình huống sống của người bình thường trong xã hội. Bình thường hoá bao gồm ít nhất 3 khía cạnh: sự tôn trọng cá nhân, phù hợp với độ tuổi, có cơ hội tham gia vào cuộc sống bình thường.
NCHCĐB cần sự tôn trọng của cộng đồng dù vẻ bên ngoài của họ như thế nào. Cuộc sống của họ phải phù hợp với lứa tuổi sinh lý của họ; họ cần được sống, được cư xử và tôn trọng như các bạn đồng trang lứa.
Sống nhịp độ bình thường có nghĩa là: Nhịp độ ngày bình thường; nhịp độ tuần bình thường; nhịp độ năm bình thường. Sau đây là những sinh hoạt hàng ngày mà mọi người cần phải có khả năng làm:
Một ngày bình thường
– Thức dậy như người bình thường – không thức trễ hoặc sớm hơn
– Đánh răng rửa mặt thay quần áo
– Nếu ở tuổi đi học, cần phải được đi học; nếu ở tuổi trưởng thành, đi làm việc tùy theo khả năng.
– Ăn chung với gia đình hoặc những người sống chung – không ăn riêng
– Làm việc nhà theo khả năng
– Không đi ngủ sớm hơn hoặc trễ hơn người bình thường
Một tuần bình thường
– Xem tivi, giải trí
– Đi chơi với gia đình
– Đi lễ nhà thờ, hoặc chùa nếu gia đình cùng đi
– Cuối tuần được nghỉ ngơi
– Đi thăm ông bà, bà con…
Một năm bình thường
– Tham gia vào những dịp lễ trong năm như Tết, Giáng Sinh, các lễ hội…
– Các ngày đặc biệt, ngày hội của gia đình…
– Có ngày nghỉ trong năm: nghỉ hè, nghỉ phép…
Ngoài ra, NCHCĐB cần có những kinh nghiệm bình thường của chu kỳ sống: lúc tuổi thơ, tuổi đến trường, người lớn, lúc già; sự tôn trọng bình thường; sống trong một thế giới có quan hệ giới tính bình thường; những tiêu chuẩn kinh tế bình thường; những tiêu chuẩn môi trường, văn hóa, và xã hội bình thường.
Áp dụng nguyên tắc bình thường hoá không làm cho một NCHCĐB trở nên “bình thường” hoặc không còn “đặc biệt” nhưng nó sẽ làm cho điều kiện sống của người đó có thể trở nên bình thường ở mức tối đa, trong đó có tính tới các mức độ khuyết tật và trở ngại gây ra do khuyết tật. Nguyên tắc này thúc đẩy mạnh mẽ sự giúp đỡ đối với NCHCĐB trong những môi trường “bình thường” như gia đình, hàng xóm, các trường học phổ thông, các môi trường làm việc bình thường, các giáo xứ.
Là những người không đủ điều kiện để thực hiện quyền cơ bản và hoà nhập với gia đình, cộng đồng; trước tiên họ rất cần hỗ trợ để có thể thực hiện quyền cơ bản và hoà nhập. Thái độ của cộng đồng đối với NCHCĐB rất quan trọng; đặc biệt quan trọng với những người có bề ngoài khiếm khuyết, dị dạng, những người lỡ lầm, những người mang bệnh xã hội…. Về mục vụ, tại các giáo xứ, họ cần được hỗ trợ để có thể cùng dâng lễ, học giáo lý và lãnh nhận các bí tích.
3. Mục vụ giáo lý cho người có hoàn cảnh đặc biệt.
Trong 3 năm mục vụ công khai, Đức Giêsu đã rất quan tâm đến những NCHCĐB: ngài chọn gọi Lê-Vi, người thu thuế tội lỗi (Mc 2,13-17), cứu người phụ nữ ngoại tình (Ga 8,1-10), chữa lành người câm điếc (Mc 7, 31-37), người mù (Ga 9,1-41), người bất toại (Mc 2,1-12), người bị quỷ ám (Mt 15:22-28), người phong cùi (Lc 17:11-18)… Ngài không những chữa lành những bệnh tật bên ngoài mà còn chữa lành tâm linh, mang cho họ sự bình an.
Viết về mục vụ giáo lý cho những NCHCĐB, sách “Hướng dẫn đại cương về việc dạy giáo lý” năm 1997, Bộ Giáo sĩ nêu rõ: “Vì tuy những anh chị em có hoàn cảnh đặc biệt là những người tàn tật về thể lý và tinh thần, những người đau khổ, nhưng họ là những người được thiên Chúa yêu thương đặc biệt, họ có quyền được đón nhận một thứ huấn giáo thích hợp. Hơn nữa, Tình yêu của Chúa Cha đối với những người con ốm yếu đó và sự hiện diện thường hằng của Đức Giêsu và Thánh Thần của Người, khẳng định rằng mọi người đều có khả năng lớn lên trong sự thánh thiện cho dầu có khiếm khuyết bất toàn (HDTQ.VDGL, s. 189).
Có thể vì những khó khăn riêng, vì mặc cảm, vì thiếu nhiệt thành… NCHCĐB không thể tự mình đi đến với giáo xứ. Họ ước mong các mục tử và các thừa tác viên đến với họ và cộng đoàn giáo xứ hoan hỉ, giang rộng vòng tay đón tiếp, hỗ trợ họ… Trong thực tế, nhiều nơi cha xứ đã khuyến khích, chấp nhận, dành chỗ riêng cho NCHCĐB; đồng thời giải thích để các hành vi gây “lo ra chia trí” của họ được cộng đoàn dân Chúa chấp nhận. Nếu mọi giáo xứ đều có quan tâm như thế thì thật tuyệt vời! Muốn NCHCĐB dễ dàng hòa nhập, sống cuộc sống bình thường như mọi người, ngoài sự hiểu biết, chấp nhận của các đấng bản quyền còn cần phải làm tốt công tác truyền thông cho cộng đoàn dân Chúa.
Theo nguyên tắc bình thường hóa, tất cả những người có thể tham gia mục vụ tại giáo xứ, cần được khuyến khích và tham gia như những người bình thường: dâng lễ chung với cộng đoàn, học các lớp giáo lý được tổ chức tại giáo xứ, lãnh nhận các Bí Tích… chỉ có những người không thể di chuyển được mới cần hỗ trợ tại nhà. Câu chuyện người bất toại đã được người ta trổ mái nhà để có thể được đưa đến với Chúa Giêsu và anh ta đã được Chúa Giêsu ban Bí Tích Hòa Giải (Mc 2,1-12) đã cho thấy nếu được cộng đồng hỗ trợ, NCHCĐB có thể đi đến để lãnh nhận các bí tích.
4. Mục vụ giáo lý cho người bị khuyết tật.
Khuyết tật là gì?
Khuyết tật là một khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần, gây ra những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Những loại khuyết tật chính bao gồm:
– Khuyết tật vận động: gặp khó khăn khi di chuyển, không đi lại được, tay chân không cử động bình thường được.
– Khiếm thính: có khó khăn khi nghe, bị điếc, nghe không rõ.
– Khiếm thị: có khó khăn khi nhìn, bị mù, hoặc nhìn không rõ.
– Khuyết tật trí tuệ (KTTT): không thông minh bằng những người cùng trang lứa, khi học một điều gì thì rất chậm, có khó khăn trong những lãnh vực như ngôn ngữ, giao tiếp, tự chăm sóc… Những người bị khuyết tật trí tuệ rất nặng có trí khôn trong khoảng từ 0-2 tuổi. Những người bị khuyết tật trí tuệ nặng có trí khôn trong khoảng từ 2- 4 tuổi. Những người bị khuyết tật trí tuệ trung bình có trí khôn trong khoảng từ 4- 6 tuổi. Những người bị khuyết tật trí tuệ nhẹ có trí khôn trong khoảng từ 6- 12 tuổi. Có thể nói người bị khuyết tật trí tuệ gặp rất nhiều khó khăn trong việc hòa nhập xã hội và tham gia mục vụ giáo xứ. Dù có tuổi đời và thân xác trưởng thành nhưng trí khôn của người bị KTTT nhẹ nhất tối đa cũng chỉ đạt đến 12 tuổi; thậm chí có người bị KTTT rất nặng trí khôn tối đa chỉ đạt được 1 hay 2 tuổi.
Các bệnh và hội chứng kèm theo
Ngoài những khuyết tật trên, người bị khuyết tật còn mắc những bệnh và hội chứng khác kèm theo. Một số bệnh và hội chứng thông thường nhất bao gồm: Động kinh, Bại não, Hội chứng Down, Tự kỷ, Hiếu động- giảm tập trung (ADHD), Rối loạn tâm lý…
Người khuyết tật cần có một cuộc sống bình thường, hòa nhập và cần được chăm sóc mục vụ thường xuyên, bền vững.
Cũng như NCHCĐB, người bị khuyết tật có nhu cầu học giáo lý. Giáo lý viên làm mục vụ giáo lý cho người bị khuyết tật phải nhạy bén và sáng tạo. Họ cần được đào tạo chuyên môn. Những giáo viên giáo dục đặc biệt Công Giáo cần được khuyến khích, hỗ trợ để phục vụ nhóm người bị khuyết tật.
Nhu cầu mục vụ của nhóm người bị khuyết tật vận động
Người bị khuyết tật vận động có trí khôn và các giác quan bình thường cần được gia đình và cộng đồng khuyến khích để tham dự thánh lễ, giáo lý, lãnh nhận các bí tích và tham gia các hoạt động của giáo xứ. Giáo lý viên, hội đoàn và bạn bè được khuyến khích để cùng đưa người khuyết tật đến nhà thờ, đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho họ trong những trường hợp gia đình họ không thể đi kèm. Các nhà thờ cần thu xếp cách nào để có chỗ cho xe lăn đi vào. Trong nhà thờ cần có chỗ dành riêng cho xe lăn. Những người khuyết tật vận động không đi được có thể được các thừa tác viên ưu tiên cho rước lễ tại chỗ. Những người này nên theo học các lớp giáo lý bình thường.
Những người bị khuyết tật vận động rất nặng không thể đi đến giáo xứ vẫn rất ao ước được nghe, đọc Lời Chúa, được học Giáo Lý, lãnh nhận các Bí Tích. Sự thăm viếng, chia sẻ, sách vở, phim ảnh, bài hát, bài giáo lý… được phát sóng hay thu vào đĩa CD, DVD… rất hữu ích. Không nên đánh giá họ qua vẻ bên ngoài, có những người bị khuyết tật vận động rất nặng, không nói được, không đi được… nhưng trí thông minh bình thường.
Nhu cầu mục vụ của nhóm người bị khiếm thị
Người bị khiếm thị không hẳn là mù hoàn toàn. Sức nhìn và tầm nhìn của họ tùy theo khả năng của mỗi người rất khác nhau; nói chung là họ có khó khăn về nhìn. Nhóm người bị khiếm thị có rất nhiều khó khăn trong vấn đề di chuyển. Khi có nhu cầu cùng dâng lễ, họ cần được đưa đến nhà thờ, hỗ trợ và đáp ứng các nhu cầu. Họ cũng cần chỗ dành riêng có thể nghe được âm thanh tốt nhất trong nhà thờ và có thể được ưu tiên cho rước lễ tại chỗ. Những người bị khiếm thị cũng có thể xếp hàng di chuyển đến để lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể nhưng họ xin các thừa tác viên đọc lớn tiếng câu “Mình Thánh Chúa Kitô” để họ có thể đưa tay ra đúng lúc và người bị khiếm thị đứng sau chuẩn bị.
Người bị khiếm thị được khuyến khích theo học các lớp giáo lý bình thường. Họ có thể tự ghi chép bằng chữ nổi, sử dụng máy thu âm hoặc nhờ người nhà, bạn bè giúp đọc Lời Chúa và các ghi nhớ. Có những phần mềm vi tính hỗ trợ người bị khiếm thị sử dụng máy vi tính rất ích lợi. Khi học giáo lý, người bị khiếm thị cần được mô tả kỹ lưỡng, được cảm nhận bằng xúc giác những gì có thể; nếu được phép của đấng bản quyền họ có thể được sờ những dụng cụ thánh: bàn thờ, chén thánh… mới có thể hình dung được những dụng cụ thánh đó.
Khi tham dự những thánh lễ đặc biệt như Tam Nhật Vượt Qua, người bị khiếm thị cần có những phần dẫn lễ mô tả những gì đang diễn ra (việc làm này cũng hữu ích cho những người đứng ở chỗ khuất, không thể nhìn thấy chủ tế).
Những người bị khiếm thị sống tại những mái ấm, trung tâm… do người Công Giáo hay các dòng tu đảm nhận có thể được đáp ứng rất đầy đủ mục vụ giáo lý nhưng vẫn nên khuyến khích họ ra ngoài hòa nhập vào giáo xứ, chuẩn bị hòa nhập cộng đồng.
Nhu cầu mục vụ của người bị khiếm thính
Người bị khiếm thính là những người có khó khăn về nghe. Sức nghe của họ cũng rất khác nhau nhưng không thể nghe được trọn vẹn lời nói. Những người bị khiếm thính được can thiệp sớm và được đi học có thể nhìn khẩu hình miệng để hiểu lời nói và có thể đối đáp được. Trong thánh lễ, những người bị khiếm thính cần có chỗ dành riêng nơi họ có thể nhìn thấy rõ miệng của chủ tế, các thừa tác viên đọc sách thánh và màn hình (nếu giáo xứ có màn hình). Nếu trong giáo xứ có người phiên dịch bằng dấu tay, có thể dùng hình thức này trong các bài giảng thì rất đẹp. Nếu giáo xứ có sử dụng màn hình, những người khiếm thính biết đọc ao ước các bài đọc và bài giảng trong Thánh Lễ được chiếu lên.
Người bị khiếm thính cần có một chương trình giáo lý riêng và có lớp giáo lý riêng do các giáo lý viên có chuyên ngành Giáo Dục Đặc Biệt cho người bị khiếm thính đảm nhận. Các lời đối đáp, ý nghĩa biểu tượng trong thánh lễ cần được giải thích kỹ lưỡng vì từ ngữ trong phụng vụ rất mới mẻ và trừu tượng đối với người bị khiếm thính. Do có khó khăn về nghe, tốc độ học của người bị khiếm thính chậm hơn người bình thường nên chương trình giáo lý dành cho đối tượng này cần giản lược rõ ràng. Họ có nhu cầu có những bản tóm lược cách xưng tội, dâng lễ có hình đơn giản để có thể tham gia tích cực hơn trong các cử hành phụng vụ hầu đức tin của họ được đào sâu. Người bị khiếm thính biết viết, đọc thường xưng tội bằng giấy và cha giải tội cũng viết các lời khuyên và việc đền tội cho họ.
Sẽ có rất nhiều giáo xứ không có chuyên viên giáo dục đặc biệt cho người bị khiếm thính nên phải nghĩ đến nhu cầu đào tạo giáo lý viên hoặc mời gọi giáo viên các trường chuyên biệt trong giáo xứ tham gia đội ngũ giáo lý viên của giáo xứ (cách thức này hiệu quả). Cũng có thể tổ chức các lớp giáo lý, thánh lễ ngày Chúa Nhật… dành cho người khiếm thính theo giáo hạt.
Tại các trung tâm, các trường tư, mái ấm… thuộc các dòng tu dành cho người bị khiếm thính có thể tổ chức các lớp giáo lý tại chỗ. Những người bị kiếm thính ở các giáo xứ lân cận có thể đến xin học, lấy chứng chỉ và về giáo xứ chịu các phép bí tích.
Nhu cầu mục vụ của nhóm người bị khuyết tật trí tuệ
Người bị khuyết tật trí tuệ cần được chăm sóc đặc biệt hơn nữa vì trí khôn của họ thấp hơn rất nhiều so với vẻ bên ngoài của họ. Ngoài vấn đề về trí tuệ nhiều người còn kèm theo các bệnh và hội chứng khác nên càng khó khăn hơn. Một số người còn mắc hội chứng hiếu động giảm tập trung nên không thể ở yên trong các lớp giáo lý và trong thánh lễ; cộng đồng và những bạn bè đồng lứa hay giáo lý viên và cha chủ tế có thể không hiểu, loại trừ họ. Trí tuệ của nhóm người này biến thiên từ 0-12 tuổi, chưa kể các bệnh và hội chứng kèm theo nên họ có thể có những khó khăn về nghe, nhìn, tập trung, vận động; có những khó khăn về các kỹ năng sống: vận động, giao tiếp, tương quan xã hội, quyết định… Nhìn họ bên ngoài, cộng đồng có kỳ vọng với họ nhiều hơn khả năng của họ nên người bị KTTT rất khó hòa nhập và sống bình thường như mọi người.
Như đã nêu trên, trí khôn của họ nằm trong khoảng giới hạn từ 2 đến 12 tuổi, không đều nhau, lại thêm rất nhiều hành vi, bệnh và hội chứng kèm theo nên phải làm cho mỗi người một kế hoạch mục vụ khác nhau. Tùy theo khả năng và nhu cầu, mỗi người có những chỗ ngồi thích hợp trong nhà thờ khi cùng dâng lễ với cộng đoàn. Với người bị hiếu động, giảm tập trung cần phải được luyện tập mới có thể tập trung hết thánh lễ. Người bị KTTT cũng được khuyến khích để tham dự các lớp giáo lý bình thường, nhưng giáo lý viên trong các lớp giáo lý có đối tượng này cần có kỹ năng sư phạm tốt để quản lý hành vi của họ. Ngoài giờ dạy chung, giáo lý viên cần kèm riêng cho từng đối tượng. Nếu trong giáo xứ có người làm giáo viên dạy trẻ bị KTTT, giáo xứ cũng động viên các giáo viên này làm giáo lý viên và theo hỗ trợ người khuyết tật trong Thánh Lễ và các giờ giáo lý. Đối với mục vụ giáo lý cho người bị KTTT, cần xác định trí tuệ của họ đang ở độ tuổi nào; quyết định xem để lãnh nhận từng bí tích họ phải đạt được những hiểu biết nào. Sau khi đã có kế hoạch cá nhân về giáo lý cho mỗi đối tượng, giáo lý viên sẽ tập trung dạy cho đạt mục tiêu này. Nói cách khác, chương trình giáo lý cho người bị KTTT cần được soạn riêng cho từng người, tùy theo khả năng của họ và phải có giờ mục vụ riêng cho từng người. Hiện nay, chưa có văn bản chính thức nào của huấn quyền hướng dẫn phần giáo lý căn bản cần thiết phải dạy cho đối tượng tuổi trí tuệ tối đa chỉ trong khoảng từ 0 đến 12 tuổi nên quyết định cho lãnh nhận các bí tích là tùy thuộc quí linh mục và giáo lý viên tại giáo xứ. Có những nơi hoàn toàn không cho người bị khuyết tật trí tuệ học giáo lý, lãnh nhận bí tích Hòa Giải, Rước Mình Thánh, Thêm Sức… có những nơi cho họ vào học các lớp giáo lý và buộc phải đạt được những tiêu chuẩn như những người bình thường nên chỉ có một số bị KTTT dạng nhẹ là được lãnh các Bí Tích. Cũng có rất nhiều giáo xứ, các linh mục chỉ yêu cầu người bị KTTT đạt được hiểu biết cơ bản là cho họ lãnh nhận các Bí Tích. Người bị KTTT có quyền được tham gia đầy đủ mục vụ của Giáo Hội nhờ sự cho phép huấn quyền.
Trong một số trường hợp, hôn nhân của người bị khuyết nói riêng và của NCHCĐB nói chung không được sự đồng tình của cộng đồng. Cần có mục vụ giáo lý hôn nhân cho họ.
Noi gương Chúa Giêsu, sự quan tâm đến người nghèo, những người bị bỏ rơi, bị loại trừ… của Giáo Hội luôn là chứng tá sống động về lòng thương xót Chúa và làm cảm kích lòng người.
Thật may mắn, trong thời đại này, Thiên Chúa đã ban cho Hội Thánh Công Giáo một Đức Giáo Hoàng luôn quan tâm đến những người bị xã hội ruồng bỏ – những NCHCĐB. Trong hầu hết các chuyến đi, Đức Thánh Cha luôn gặp gỡ những người bị “loại trừ” trong xã hội. Chẳng hạn như người nghèo ở Brazil; người bị khuyết tật ở Trung Tâm Phục Hồi tại Kkottongnae, Hàn Quốc; các trẻ em đường phố ở Manila; các bệnh nhân ở Assisi. Vào năm 2001, ngài thăm viếng một nhà tế bần, ở đó ngài hôn và rửa chân cho 12 bệnh nhân AIDS. Lễ Rửa chân năm 2013, ngài quỳ gối hôn chân cho 12 trẻ em ở nhà tù Casal. Năm 2014, ngài đã chủ sự Thánh lễ và nghi thức rửa chân tại một cơ sở phục hồi chức năng cho người già và người khuyết tật ở ngoại ô Rôma.
Hy vọng một tương lai tươi sáng về mục vụ giáo lý cho NCHCĐB.
Maria Nguyễn Ngọc Mai Hương, Nữ Tử Bác Ái
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 89 (Tháng 7 & 8 năm 2015)
#mucvugiaoly #nhunggnuoicohoancanhdacbiettaigiaoxu #mucvugiaolychonhungnguoicohoancanhdacbiet