GIA ĐÌNH HIỆP THÔNG
WHĐ (15.02.2024) – HIỆP THÔNG là từ ngữ nhà đạo nhằm nói lên mối tương quan tích cực giữa một cá nhân với những người thân cận, với cộng đồng nhằm mang lại những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Trong xã hội dân sự, chúng ta cũng gặp thấy nhiều từ ngữ cũng được dùng để diễn tả khái niệm này: đồng thuận đồng lòng, đồng tâm nhất trí, thuận vợ thuận chồng.
Tuy nhiên, với ý niệm Hiệp Thông trong nhà đạo, chúng ta thấy là ngoài tương quan hướng tha (tương quan tha nhân), còn có chiều kích hướng thần nữa (hiệp thông với Thiên Chúa). Và bài viết này xin được giới hạn việc HIỆP THÔNG (trong) GIA ĐÌNH để chúng ta tìm hiểu xem hiệp thông là gì, cần phải làm gì để có, để giữ, để phát triển được sự hiệp thông, và hoa trái mà mỗi thành viên được hưởng nhờ từ sự hiệp thông mang lại. Xin kính mời quý bạn đọc cùng theo dõi để chúng ta cùng tìm hiểu và luận bàn.
1. Hiệp thông là gì?
a. Hiệp thông nơi gia đình hạt nhân b. Hiệp thông trong gia đình truyền thống nhiều thế hệ |
Hiệp thông là một hạn từ quen thuộc đối với các Kitô hữu chúng ta. Đặc biệt trong những năm gần đây Hiệp thông là phương châm sống và hoạt động, là mục tiêu mà Giáo hội mời gọi mọi Kitô hữu hướng đến, đồng thời hiệp thông cũng là một lối sống của người Kitô hữu trong thời đại hôm nay. Hiệp thông bắt nguồn từ gia đình, mở rộng đến các cộng đoàn địa phương và toàn thể Giáo hội.
Hiệp thông được dịch từ chữ Koinonia, là một từ Hy Lạp xuất hiện 20 lần trong Kinh thánh. Ý nghĩa chính của Koinonia là “sự tương giao, sự chia sẻ chung, sự hiệp thông.” Sự xuất hiện đầu tiên của Koinonia là ở Công vụ 2,42: “Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện”[1]. Trong tiếng La Tinh thuật ngữ communio có nghĩa là cộng đoàn hay là sự tham gia vào cộng đoàn. Communio cũng chỉ việc Hiệp lễ (rước lễ) là lúc các tín hữu đón nhận Mình vào Máu Chúa Kitô như sự tham gia với cộng đoàn và hiệp nhất với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Hay nói rõ hơn, hiệp thông là sự tương giao, kết hợp giữa các Kitô hữu với Thiên Chúa được thể hiện qua việc cầu nguyện, rước lễ và các hình thức phụng vụ; đồng thời hiệp thông cũng nói lên mối liên hệ giữa các Kitô hữu với nhau thể hiện qua tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc và cầu nguyện cho nhau…
Như vậy, chúng ta thấy rằng hiệp thông thật cần thiết cho từng cá nhân và cho các gia đình và mỗi cộng đoàn. Hiệp thông còn là một tâm thức mà mỗi người cần phải có, phải sống để giữ gìn, bảo vệ cộng đoàn (mà mình là thành viên) và hơn nữa, hiệp thông còn làm tăng phẩm chất sống cho các thành viên và còn làm lan tỏa, mở rộng và phát triển cộng đoàn.
Trong cái nhìn của người Công giáo, chúng ta biết rằng gia đình là tập hợp những người cùng chung sống thành một đơn vị nhỏ nhất trong cộng đồng xã hội. Cha mẹ là một cặp bất khả phân ly, gắn bó với nhau trong bí tích Hôn phối. Một gia đình Công giáo thường có vài thế hệ chung sống như ông bà, cha mẹ, con cái. Họ bình đẳng về phẩm giá và cùng nhau sống đức tin, đức cậy, đức mến trong sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Gia đình là Hội thánh tại gia, là vườn ươm hạt giống và thông truyền đức tin, là nơi ươm mầm và bảo vệ sự sống, là viên đá để xây dựng tòa nhà Giáo hội[2].
Như vậy, để gia đình được bình an, được hạnh phúc an vui thì chắc hẳn việc hiệp thông trong gia đình phải là điều quan trọng và được đặt lên hàng đầu trong mọi mục tiêu và là mối quan tâm lớn của mỗi gia đình.
a. Hiệp thông nơi gia đình hạt nhân
Trước hết sự hiệp thông này được biểu hiện nơi từng thành viên trong mỗi gia đình, tức là giữa cha mẹ (vợ chồng với nhau) và các con. Với định nghĩa của hạn từ hiệp thông đã nêu ở phần trên được áp dụng cho gia đình hôm nay thì – chúng ta thấy – sự hiệp thông được bày tỏ nơi cuộc sống mỗi ngày qua việc tương giao với Thiên Chúa trong việc cầu nguyện, rước lễ (tham dự thánh lễ) và cử hành phụng vụ; và tương giao với nhau được thể hiện qua tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc và cầu nguyện cho nhau và cho mọi người.
Với một vài câu chữ ngắn gọn dễ đọc, dễ hiểu… nhưng trong thực tế thì việc đi từ lý thuyết đến thực hành; từ sách vở đến cuộc sống, thật là một khoảng cách xa thẳm diệu vợi và các gia đình không phải lúc nào cũng thành công trong khi sống sự hiệp thông này.
Cách riêng với các gia đình Công giáo Việt Nam đang sống trong Giáo hội Việt Nam hiện nay, so sánh với ngày xưa đã có nhiều khác biệt lắm rồi.
Ngày xưa, trong xã hội nông nghiệp, người dân Việt Nam; cách riêng là các tín hữu chỉ sống xung quanh và được bao bọc bởi lũy tre, nơi đình làng, nơi giáo xứ và tình hiệp thông trong láng giềng cũng như nơi xứ đạo và trong mỗi gia đình được gắn bó chặt chẽ và thật tròn đầy.
Ngày nay với sự hội nhập vào một thế giới đa phương đa diện, cộng với việc thay đổi cơ cấu kinh tế, từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế thị trường và hơn nữa – ngôi làng toàn cầu – trong tương quan nơi cộng đồng nhân loại đã làm thay đổi bộ mặt xã hội, thay đổi cuộc sống mà ở đó từng gia đình và mỗi cá nhân đều bị ảnh hưởng cách đáng kể: cuộc sống hôm nay cũng như mọi sinh hoạt thường ngày thật phong phú đa dạng chứ không còn đơn điệu trong một xã hội thuần nông. Kinh tế phát triển làm gia tăng khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trong nhiều lãnh vực và hơn nữa hiện tượng di dân để tìm vùng đất mới, tìm công việc mới, tìm cuộc sống mới đã tác động rất mạnh trên mỗi cá nhân, cũng như mỗi gia đình. Sự tác động này có nguy cơ cao là phá vỡ đi sự hiệp thông nơi mỗi cá nhân, trong mỗi gia đình.
Đây là một thách đố và cũng là cơ hội mà mỗi cá nhân cũng như mỗi gia đình cần phải vượt qua và hướng đến. Vượt qua để hội nhập với sự biến chuyển trong một thế giới mới toàn cầu hóa; và vượt qua để bảo vệ và gìn giữ sự hiệp thông trong mỗi gia đình.
Đứng trước tình hình thực tế (này) đang diễn ra nơi các gia đình là sự hiệp thông đang ở trong tình trạng mong manh, dễ “vỡ”. Giáo hội hoàn vũ cũng như từng Giáo hội địa phương đã đưa ra nhiều kế sách và giải pháp – dài hạn, ngắn hạn – để giúp các gia đình. Thiết nghĩ việc làm cụ thể, sát sườn và dễ thực hiện mà người viết bài này xin được góp lời như một giải pháp: đó là các gia đình cố gắng – hết sức có thể – để thực hiện và duy trì hai việc này: giờ kinh gia đình và bữa cơm gia đình.
Như đã nói ở trên trong phần định nghĩa hai chữ Hiệp thông, giờ kinh gia đình và bữa cơm gia đình là lúc mà mỗi người cùng sống với nhau trong tương quan với Chúa, và tương quan với nhau trong nhà. Kinh nghiệm cho thấy rằng hai “động tác” này thật cần thiết; bởi lẽ sự mong manh, dễ “vỡ”, có khi là đã “vỡ” rồi nơi nhiều gia đình mà chúng ta được nghe, được thấy đó đây là do các gia đình đang xem nhẹ và bỏ lơ không thực hiện hai “động tác” này.
b. Hiệp thông trong gia đình truyền thống nhiều thế hệ
Có thể nói đây là tính đặc thù của gia đình Việt Nam: Ba hay bốn thế hệ ở chung trong một mái nhà. Điều này thật diễm phúc khi các thế hệ cao niên thấy phía sau mình là cả một lũ cháu đàn con; và cũng là một niềm tự hào cho con cháu khi họ đang sống trong một gia đình tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường.
Tuy nhiên, như đã nói ở phần trên thì việc hội nhập với thế giới mới trong “làng toàn cầu” cũng gây ra nhiều chông chênh, lạc điệu cho các thành viên trong một đại gia đình. Người trẻ thì thích điều mới, ưa phiêu lưu mạo hiểm để khám phá những chân trời mới lạ. Ngược lại các bậc cao niên luôn dè dặt, dị ứng và khó hội nhập với những điều mới mà những điều này ra như phá đi những lề thói, những kỷ cương mà thế hệ cha ông lâu nay vẫn giữ. Hệ quả là giữa các thế hệ không tìm được tiếng nói chung mà theo dòng suy nghĩ của bài viết này thì sự hiệp thông của các thế hệ trong một đại gia đình xem ra khá là mờ nhạt và đôi khi là thiếu vắng… Điều này thậm chí còn xảy ra nơi gia đình hạt nhân giữa cha mẹ và con cái mà đó đây chúng ta vẫn nghe thấy với những lời ca thán đại loại là: “cha mẹ hôm nay không hiểu gì bọn trẻ” và các bậc cha mẹ thì cứ nghĩ rằng các bạn trẻ hôm nay thì như là “cứ cầm đèn chạy trước ô tô” hay những lời cảm thán, than phiền tương tự.
Ngay nơi gia đình hạt nhân mà sự hiệp thông còn chưa trọn, còn nhiều khiếm khuyết; thì trong các gia đình truyền thống thiết nghĩ rằng, mỗi thành viên trong các thế hệ cần phải nhận thức rõ để mỗi người cùng nỗ lực nối kết hầu kiến tạo một sự hiệp thông trong đại gia đình.
Trong Ngày Thế giới Dành Cho Người Cao Tuổi lần thứ III (7/2023) tổ chức tại Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi người già và người trẻ, ông bà và con cháu, lớn lên cùng nhau, lắng nghe nhau, nói chuyện với nhau và hỗ trợ nhau. Ngài nhắc nhở đừng quên ông bà hay người lớn tuổi, vì họ đã từng trợ giúp khi chúng ta gặp khốn khó, đã hy sinh vì chúng ta. Đừng để họ nằm ngoài danh sách ưu tiên của chúng ta[3].
Cách riêng với các bạn trẻ, lời nhắn nhủ trong Tông huấn Christus Vivit gởi các bạn trẻ thật đáng cho các mục tử hôm nay cũng như các thế hệ con cháu lưu tâm và thực hành. Với các mục tử và những vị linh hướng, Văn kiện Kết thúc Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV có viết: “Giúp người trẻ khám phá một quá khứ phong phú và sống động, bằng cách nhớ đến quá khứ và dựa trên đó để thực hiện những chọn lựa và phát triển tiềm năng, đó là hành động vì yêu thương đích thực dành cho họ, tạo điều kiện cho họ trưởng thành, để họ thực hiện những chọn lựa nên làm”[4]. Cách riêng với các bạn trẻ – trong tương quan với các thế hệ cao niên trong gia đình – Đức Giáo Hoàng viết trong Tông huấn Christus Vivit: “Thế giới chưa bao giờ, và cũng sẽ không bao giờ hưởng lợi ích gì từ sự đoạn tuyệt giữa các thế hệ. Đó là những bài ca quyến rũ làm mê ngủ về một tương lai không cội rễ và mất gốc… Khi có mối liên kết giữa các thế hệ, thì người ta sẽ nuôi giữ một ký ức tập thể trong các cộng đồng, vì mỗi thế hệ khi ấy sẽ tiếp nhận những giáo huấn từ những người đi trước rồi chuyển giao những di sản đó cho thế hệ theo sau. Bằng cách này người ta có một khung tham chiếu để kiến thiết một xã hội mới vững chắc. Như châm ngôn người xưa có nói: ‘nếu như người trẻ có sự hiểu biết và người già có sức mạnh thì không có gì không thể làm được”[5].
Như để nhắc nhớ khích lệ và làm tăng trưởng sự hiệp thông giữa các thế hệ trong một gia đình, Tông huấn Familiaris Consortio có viết: “Các tương quan giữa những phần tử trong cộng đồng gia đình được phát triển dưới sự thúc đẩy và hướng dẫn của luật “cho không” bằng cách kính trọng và vun trồng nơi mọi người cũng như nơi mỗi người phẩm giá con người như tước hiệu duy nhất có giá trị, trở nên sự tiếp đón nồng nhiệt, gặp gỡ và đối thoại sẵn sàng vô vị lợi, quảng đại phục vụ và tương trợ sâu xa”[6]. Thêm vào đó, trích lại từ lời của Hiến chế Gaudium et Spes của Công đồng Vaticanô II số 52, Tông huấn Familiaris Consortio số 43 nói tiếp: “Gia đình là nơi mà nhiều thế hệ gặp gỡ và giúp đỡ nhau trở nên khôn ngoan đầy đủ hơn cũng như giúp nhau hòa hợp những quyền lợi cá nhân và những đòi hỏi khác của cuộc sống xã hội”. Thiết nghĩ, các gia đình và mỗi thành viên của đại gia đình chỉ thực hiện được điều này khi gia đình đó đang có được sự hiệp thông.
3. Gia đình Hiệp thông trong một Hội Thánh Hiệp hành
Hiệp hành là “động thái” được Giáo hội Công giáo nhấn mạnh trong thời gian này, bởi lẽ đây là chủ đề và là mục tiêu của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 đã diễn ra và sẽ được đúc kết vào tháng 10/2023 này: Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ. Trong “Giáo hội hiệp hành”, chúng ta thấy có việc hiệp thông mà chúng ta vừa bàn đến. Như vậy, để có một Giáo hội Hiệp hành tiến vào thiên niên kỷ thứ III như lời Đức thánh cha Phanxicô, mọi thành phần trong Giáo hội cần phải hiệp thông với nhau. Hay nói cách khác, cách sống hiệp thông nơi mỗi người, mỗi gia đình và từng giáo hội địa phương cũng như toàn Giáo hội là điều cần thiết phải có để Giáo hội có thể hiện diện và đồng hành với con người trong thiên niên kỷ này. Đây vừa là một hồng ân, vừa là một nhiệm vụ[7]. Các gia đình Công giáo và mỗi tín hữu chúng ta không ai đứng ngoài tiến trình này[8].
Theo sự hướng dẫn từ các văn kiện của Giáo hội trong thời gian gần đây, chúng ta thấy là để mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn có được sự hiệp thông thì người viết xin đề nghị một vài việc làm sau đây – góp nhặt từ các giáo huấn của Giáo hội – mà mọi người cần giữ, cần áp dụng để kiến tạo sự hiệp thông đó là: Gặp gỡ – Lắng nghe – Thi hành sứ vụ.
a. Gặp gỡ
Đây là việc làm đầu tiên mà mỗi người cần phải thực hiện để có được sự hiệp thông. Muốn hiệp thông phải gặp gỡ, phải đến với “người bên kia”. Gặp gỡ là ra khỏi chính mình, phải dám phiêu lưu mạo hiểm bước ra khỏi sự an toàn của bản thân để kết nối và giao lưu với người khác. Nhờ việc gặp gỡ mà mỗi người sẽ gỡ bỏ và vượt qua được thái độ e dè, lo ngại và có khi là sự hờ hững, vô tâm đối với anh chị em của mình. Nét đặc thù trong các cuộc gặp gỡ liên vị là khả năng ngồi xuống và lắng nghe người khác; khả năng này là khuôn mẫu cho thái độ chào đón của người vượt qua chính mình và chấp nhận người khác, quan tâm đến họ và mời họ đi vào trong cuộc đời mình[9].
Trong một chiều hướng khác, “Thông điệp về tình huynh đệ” – Fratelli Tutti – còn chỉ rõ ra động lực để mỗi người có thể tạo ra tình hiệp thông, sống hiệp thông và gìn giữ mối hiệp thông trong gia đình, trong cộng đoàn của mình, đó chính là tình yêu mà mỗi người dành cho nhau trong cuộc sống: “Sau hết, tình yêu thúc đẩy chúng ta hiệp thông với hết mọi người. Không ai có thể trưởng thành và đạt tới mức thành toàn khi sống tách biệt người khác. Bởi tính năng động của nó, tình yêu đòi ngày một mở rộng, ngày càng có khả năng đón nhận người khác, bằng cách thực hiện một cuộc phiêu lưu không ngừng nghỉ làm cho tất cả các vùng ngoại vi cùng hướng đến cảm thức thật sự thuộc về nhau. Như Đức Giêsu đã nói với chúng ta: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23,8).[10]
b. Lắng nghe
Song song với việc gặp gỡ là việc lắng nghe. Lắng nghe để biết, để hiểu, để cảm thông và để “ở trong người khác”. Có gặp gỡ mà không lắng nghe thì việc hiệp thông hầu như là không có kết quả. Trong một thế giới ồn ào nhiều biến động, trong một thế giới cạnh tranh mà ở đó mỗi người đều muốn chứng tỏ mình, và thiếu hẳn đi khả năng lắng nghe để thấu hiểu và hiệp thông với người khác… thì Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã lên tiếng để nhắc nhở chúng ta phải biết vận dụng và thực hành khả năng này trong tương giao với người thân cận: “Tuy nhiên thế giới ngày nay phần lớn là thế giới của người khiếm thính… Đôi khi, sự vội vã và cuồng loạn của thế giới hiện đại cản trở chúng ta để ý lắng nghe người khác. Chúng ta ngắt lời và phản bác khi họ chưa dứt lời. Xin đừng đánh mất khả năng biết lắng nghe”[11].
c. Thi hành sứ vụ
Nhờ việc gặp gỡ và lắng nghe, các thành phần trong gia đình bao gồm nhiều thế hệ sẽ có được sự hiệp thông. Từ sự hiệp thông đó, mọi người trong gia đình đồng lòng thi hành sứ vụ của mình, của gia đình mình. Sứ vụ đối với bản thân, sứ vụ đối với gia đình mà mỗi người đang đảm trách, sứ vụ xây dựng xã hội trần thế và sứ vụ của một công dân Nước Trời. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Điều này thật đúng với đề tài Gia đình Hiệp Thông mà bài viết này đang bàn đến.
Trong bầu khí của một Giáo hội Hiệp hành, tất cả chúng ta được mời gọi để Hiệp hành với Giáo hội khi cùng Hiệp thông, cùng Tham gia để Thi hành sứ vụ của mình. Các gia đình Kitô hữu xây dựng tình hiệp thông giữa các thành viên, giữa các thế hệ bằng việc gặp gỡ để lắng nghe nhau và từ đó mọi người cùng tham gia và thi hành sứ vụ của mình, của gia đình mình. Điều này thật cần thiết, là lẽ sống còn của Giáo hội chúng ta trong thiên niên kỷ mới. Chính vì lẽ đó mà mọi người chúng ta, là tất cả mọi thành phần trong Giáo hội – trong đó có mỗi gia đình – đều tích cực tham gia vào tiến trình này[12].
Tiến trình Hiệp hành của Giáo hội đang tiến bước có được kết quả tốt và sự vững bền hay không trong thế giới này tùy thuộc rất nhiều vào sự hiệp thông của các gia đình. Bởi lẽ gia đình là nền tảng của Giáo hội và của xã hội. Xin được mượn lời của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gởi các gia đình như để kết thúc cho những dòng suy tư này: “Tương lai của nhân loại sẽ đến qua gia đình. Thế nên thật trọng yếu và cấp bách, tất cả mọi người thiện chí đều phải hết sức mình bảo vệ và thăng tiến các giá trị và các đòi hỏi của gia đình”[13].
Lm. Lê Văn La Vinh, OP
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 137 (Tháng 9 & 10 năm 2023)
Các bài trong Bản tin Hiệp thông của Hội đồng Giám mục Việt Nam số 137 (tháng 9 & 10 năm 2023) với chủ đề: Gia đình hiệp thông, Giáo xứ hiệp thông.
[1] Hiệp thông huynh đệ cả tinh thần (nghe các Tông đồ giảng dạy, bẻ bánh, cầu nguyện, hiệp nhất) lẫn vật chất (để làm của chung, chia cho mỗi người tùy theo như cầu, dùng bữa với nhau) theo chú giải của Nhóm CGKPV
[2] X. Lê Văn La Vinh, OP. Thực trạng gia đình Việt Nam hôm nay, Bản tin Hiệp Thông số 123 năm 2021 “Người Trẻ Trong Gia Đình”, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thuc-trang-gia-dinh-viet-nam-hom-nay-42206
[3] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-07/dtc-phanxico-ngay-thegioi-ong-ba-nguoi-cao-tuoi-lan-thu-ba.html, truy cập ngày 25/7/2023
[4] Tông huấn Christus Vivit, số 187.
[5] Ibid., số 191.
[6] Tông huấn Familiaris Consortio, số 43
[7] Xc CẨM NANG cho Thượng Hội đồng về Tính Hiệp Hành số 1.2
[8] Với chủ đề bài viết là GIA ĐÌNH HIỆP THÔNG, người viết chỉ xin dừng lại ở chiều kích Hiệp Thông để bám sát chủ đề và giữ sự thống nhất cho bài viết mà không triển khai hai chiều kích còn lại của “Giáo Hội Hiệp Hành”.
[9] Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội. số 4
[10] Ibid., số 95
[11] Ibid., số 48
[12] Xc CẨM NANG cho Thượng Hội đồng về Tính Hiệp Hành, số 2.1
[13] Tông huấn Familiaris Consortio, số 86