MỘT TRONG NHỮNG THÀNH CÔNG LỚN NHẤT TRONG CUỘC SỐNG: MỘT GIA ĐÌNH GẮN KẾT
WHĐ (19.05.2023) – Trong cuộc sống, bạn thường tự hào về điều gì nhất? Tiêu chuẩn của sự thành công của bạn là gì? Nhà tâm lý học Guillermo Dellamary cho rằng, một trong những thành công lớn nhất trong cuộc sống đó là có một gia đình gắn kết với nhau.
Cách đây vài ngày, một người nói với tôi rằng anh ấy đã rất ấn tượng khi nghe một người nổi tiếng trả lời phỏng vấn rằng thành công quan trọng nhất của một người cha là khi những đứa con tuổi teen muốn dành thời gian cho mình. Và người ấy cũng nói rằng, thành công đó sẽ lớn hơn nữa nếu bọn trẻ muốn đi du lịch cùng ông.
Đây quả là một ý tưởng tuyệt vời về ý nghĩa của sự thành công thực sự, bởi vì hầu hết mọi người đều coi “thành công” là thành tựu kinh tế hoặc nghề nghiệp. Nhiều người không nhận ra giá trị lớn lao của một gia đình muốn được ở bên nhau.
Cân bằng khó khăn
Một người khác nói với tôi rằng cô ấy nghĩ chồng mình rất ích kỷ khi muốn về thăm bố mẹ anh ấy nhiều như vậy. Và cô cảm thấy rằng một khi bạn đã kết hôn, bạn không nên quá coi trọng gia đình gốc của mình mà nên tập trung nhiều hơn vào người bạn đời và con cái của mình.
Tất nhiên, đây là một vấn đề phức tạp, bởi vì không dễ để có sự cân bằng minh bạch giữa việc dành sự quan tâm cho cuộc sống mới và giữ mối tương quan lành mạnh với cha mẹ và anh chị em ruột của bạn.
Có những người cho rằng, một khi bạn đã kết hôn thì bố mẹ bạn trở nên ít quan trọng hơn. Trong khi đó, cũng có những người khác không đồng ý và kết luận rằng vấn đề không phải là ưu tiên người này hơn người khác, mà là phải tử tế và quan tâm đến mọi người trong gia đình.
Điều chúng ta cần làm là giữ một sự cân bằng khôn ngoan và cố gắng chăm sóc mọi người cách đúng mực. Những người có khuynh hướng thích chiếm hữu, dù là cha mẹ hay bạn đời, sẽ luôn có cảm giác rằng họ phải là người duy nhất được vợ/chồng hoặc con cái quan tâm trọn vẹn, và không ai khác có thể chiếm đoạt vị trí số một của họ.
Điều này sẽ nảy sinh rất nhiều sự ghen tuông, tức giận và cảm giác buồn bã vì không nhận được mọi thứ bạn muốn từ người bạn đời hoặc con cái của mình.
Mục tiêu thực sự phải là giữ cho gia đình gắn kết với nhau và để trẻ em, ở mọi lứa tuổi, muốn ở bên gia đình của chúng.
Việc giữ được gia đình gắn kết với nhau là một thành công lớn. Đôi khi điều này không hoàn toàn nằm trong tay của chúng ta với tư cách là bậc cha mẹ—vì trong thực tế, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến gia đình và từng đứa con của chúng ta—Vấn đề quan trọng là chúng ta phải dạy cho con cái giá trị cao quý của việc khao khát đạt được thành công trổi vượt này chứ không chỉ mong muốn đạt được của cải vật chất, danh tiếng, tiện nghi và xa hoa.
Chúng ta cần làm gì để đạt được mục tiêu này?
Hãy bắt đầu duy trì sự gần gũi và gắn kết trong gia đình bằng việc tạo ra một môi trường thoải mái, thân thiện và tôn trọng. Khi được lớn lên trong một môi trường gia đình tích cực ngay từ thuở ấu thơ, bọn trẻ sẽ thích ở nhà, và cảm thấy rằng ngôi nhà là một không gian an toàn, nơi chúng nhận được tình yêu thương, sự nồng ấm, và thấu hiểu, cùng với những thứ vật chất cần thiết, đủ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản.
Điều quan trọng là các bậc cha mẹ phải cố gắng để thực sự biến ngôi nhà thành nơi ở tốt nhất. Nhờ đó, mọi người luôn cảm thấy bình an, thoải mái, vui vẻ mà không cần phải tìm kiếm sự bù đắp từ những nơi khác.
Gương sáng của cha mẹ là yếu tố nền tảng
Ngôi nhà phải là không gian nơi các giá trị đích thực được vun đắp và thực hành mà không cần đến sự la mắng hoặc bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào. Uy quyền của cha mẹ cần được thể hiện như một nguồn khôn ngoan và gương sáng, chứ không phải như một cai ngục sửa sai, khen thưởng hay trừng phạt.
Trẻ em cần cảm nhận được sự bảo vệ và hướng dẫn của cha mẹ, để có thể lớn lên với sự an toàn và nguồn cảm xúc cần thiết để có được sự tự tin lành mạnh.
Chúng ta được xem là thành công nếu ngay từ bé, trẻ thoải mái chọn ở nhà, thay vì muốn đi xa; nếu trẻ thích nói chuyện với cha mẹ và có mối tương quan thân thiện với anh chị em của mình.
Ngôi nhà là nơi cư trú tuyệt vời nhất mà chúng ta có được, nơi mà trẻ em lớn lên trong hạnh phúc khi biết rằng đây là nơi đẹp nhất mà chúng có thể ở.
Liệu có ai muốn rời xa một nơi như vậy?
Khi đến tuổi vị thành niên, tự nhiên trẻ sẽ tham gia nhiều hơn vào việc giao tiếp xã hội bên ngoài gia đình và khám phá những thế giới mới cũng như những thách thức phải đối diện. Tuy nhiên, trong lòng các em cần giữ nguyên cảm giác rằng mái nhà là một nơi đặc biệt và các thành viên trong gia đình là những người hiếm có. Trẻ không bị cảm giác cần phải rời đi hoặc muốn trốn chạy vì sợ hãi và thù hằn, hoặc vì mái nhà là một nơi không thoải mái, nơi họ phải đối diện với thái độ gây hấn hoặc độc đoán.
Nếu được lớn lên trong một môi trường an toàn, luôn cảm thấy có mối tương quan thân thiết và tích cực với cha mẹ và anh chị em, con cái chúng ta sẽ luôn muốn nắm giữ và trân quý những món quà này. Bọn trẻ sẽ không muốn đi xa và kiếm cớ để tránh dành thời gian cho gia đình.
Hơn nữa, là gia đình công giáo, ngôi nhà của chúng ta không chỉ là nơi mang lại cho con cái cảm giác an toàn, đầy đủ, và được yêu thương mà thôi, nhưng còn phải là nơi, trẻ được nuôi dưỡng đời sống đức tin, biết hiếu kính với ông bà, cha mẹ, và nhường nhịn, nâng đỡ nhau, cũng như mở lòng để quan tâm đến người khác.
Được như vậy, có thể nói, chúng ta đã thành công khi trẻ cảm nhận được tình yêu thương và sự gắn kết trong gia đình, giống như mái ấm của Thánh gia, để không cảm thấy trống rỗng, tù túng, căng thẳng khiến chúng phải tìm cách bù đắp tình cảm ở nơi đâu khác.
Guillermo Dellamary
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (15. 5. 2023)