BÀI THAM LUẬN CỦA GIÁO DÂN VỀ ĐỀ TÀI
“GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO: THỰC TRẠNG VÀ MONG ƯỚC”
Sống theo tinh thần chủ đề của Năm Công Nghị này là Canh Tân Đời Sống Đức Tin thì mỗi gia đình được coi là một Hội thánh tại gia nhỏ cần có sự canh tân, thay đổi. Tuy nhiên trước guồng quay của thời đại, đời sống đức tin của gia đình đang gặp nhiều ảnh hưởng và có những mảng khuất rất cần đến sự chèo lái của Giáo Hội để ổn định lại.
- Những khó khăn, thách đố với gia đình trong cuộc sống hiện tại
1.1. Cám dỗ về vật chất, danh vọng
– Điều đầu tiên và rõ ràng nhất đó là những cám dỗ về của cải vật chất và danh vọng. Con người ngày nay lao vào công việc, kiếm tiền để hướng đến cuộc sống hưởng thụ, khoe khoang trên các mạng xã hội.
– Cùng với đó sự phát triển của các khu công nghiệp ở khắp mọi nơi, nhiều gia đình trẻ làm việc tại công ty, nhà máy, nên tình trạng cha mẹ làm ca kíp lệch nhau, tăng ca 4 đến 5 tiếng mới về, con cái giao phó cho ông bà chăm là điều dễ thấy. Áp lực cơm áo gạo tiền khiến chúng con bỏ bê việc giữ đạo, và cả bổn phận giáo dục đức tin cho con cái.
– Thậm chí, nhiều người còn trùm lên mình tư tưởng “đạo tại tâm,” giữ đạo trong lòng là được, đâu cần đi thờ đi lễ. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho nhiều Kitô hữu thoái thác việc đi lễ, né tránh việc tham gia vào các công việc mục vụ của Giáo họ, Giáo Xứ.
1.2. Thiếu hiểu biết, kiến thức chung về đạo
– Trong dân gian Việt Nam có câu “vô tri, bất mộ” – nghĩa là không biết thì không yêu mến. Sự thiếu hiểu biết về đạo chủ yếu xuất phát từ việc lười tìm hiểu đạo của mỗi người. Do ảnh hưởng của thời đại kỹ thuật số làm cho chúng con bị quá phụ thuộc vào smart phone và internet, nhiều khi bị cám dỗ xem/đọc những tin thiếu lành mạnh hơn là những thông tin có tính chất xây dựng nhân bản đạo đức và kiến thức về đạo.
– Nhiều cha mẹ ngày nay cũng mải chạy theo xu hướng cho con học văn hóa, bồi dưỡng kỹ năng sống (như đàn, múa, hát…), nhưng việc dạy giáo lý cho con thì coi nhẹ. Nhiều khi cũng muốn dạy nhưng lại không tự tin vì thiếu kiến thức về giáo lý, sợ nói ra thì sai nên cứ phó mặc con cho các giáo lý viên. Sáng Chủ nhật bắt con đi lễ, học giáo lý là an tâm. Về nhà thì cha mẹ không hỏi lại xem con mình đã học được những gì, con cảm nhận ra sao về Chúa.
1.3. Tư tưởng sống đạo của người trẻ ngày nay đã thay đổi
– Bên cạnh đó tư tưởng về sống đạo của các bậc cha ông dường như không còn phù hợp với lối sống lớp trẻ ngày nay. Họ ít đọc kinh sáng tối và không thường xuyên tham dự chầu thánh thể, xưng tội, rước lễ như các bậc ông bà xưa. Tệ hơn, một số người dần chạy theo chủ nghĩa vô thần vì không muốn bị ràng buộc bởi các luật lệ. Một số bạn trẻ kết hôn khác đạo tham gia các khóa giáo lý hôn nhân, chịu phép đạo chỉ để làm hài lòng ông bà cha mẹ và được cử hành lễ cưới trong nhà thờ.
- Những mong ước từ góc nhìn của người giáo dân
2.1. Về kiến thức và tư liệu
– Chúng con mong muốn những khóa Giáo lý hôn nhân sẽ mở rộng thời gian chia sẻ, nêu ý kiến của các đôi hôn phối về các vấn đề thay vì buộc các bạn ngồi hàng giờ đồng hồ nghe thuyết giảng. Giáo lý viên có thể cởi mở hơn để buổi học trở nên vui vẻ, thoải mái, từ đó người học sẽ dễ cảm mến và tiếp thu được nhiều kiến thức hơn.
– Chúng con cũng mong có những buổi tĩnh tâm, hội thảo gia đình cho các cặp đôi đã kết hôn, để giúp chúng con hâm nóng lại tình yêu hôn nhân và nâng cao kiến thức về giáo lý, nhân bản, và đức tin, đông thời cũng giúp họ giải đáp những thắc mắc trong việc nuôi dạy con cái theo tinh thần Phúc Âm.
– Chúng con mong ước có một hòm thư hoặc một văn phòng tư vấn, nơi sẽ có những vị chuyên môn giúp chúng con giải đáp những thắc mắc về hôn nhân và gia đình cách hữu hiệu, thay vì chỉ tìm đến cha xứ hoặc tìm kiếm giải đáp trên mạng – mà thông tin trên mạng nhiều khi lại thiếu sự tin cậy.
2.2. Sự kết nối giữa Giáo Phận, Giáo xứ và Gia đình
– Bên cạnh đó, chúng con mong muốn được xây dựng giờ kinh tối liên gia giữa các gia đình trẻ khởi đi từ sự ủng hộ của quý Cha xứ, nhằm giúp chúng con có sự liên kết, nâng đỡ nhau trong đời sống hôn nhân và đức tin.
– Đối với những hôn nhân bị đổ vỡ, chúng con mong các đấng các bậc đồng hành và nâng đỡ họ, để họ cảm nghiệm được lòng xót thương của Đức Kitô nơi Giáo hội hơn là sự kết án. Còn với những hôn nhân khác đạo, chúng con mong các đấng giúp họ học hiểu về đạo Công giáo và những nghĩa vụ của người Kitô hữu một khi đã rửa tội, đồng thời học cách sống dung hoà với đạo của người phối ngẫu.
– Là những bậc vợ chồng chúng con cần quan tâm và sống cho đúng với cam kết bằng việc sống chung thủy, yêu thương và tôn trọng nhau. Vì tình yêu hôn nhân của chúng con là tượng trưng cho tình yêu của Đức Kitô với Hội Thánh. Như Thánh Phaolô nói, “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. (32) Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh. (33) vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng” (Ephêsô 5: 31-32). Có như vậy, “…ân sủng của Bí tích hoàn thiện tình yêu nhân bản của vợ chồng, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly của họ và thánh hóa họ trên con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu”.
– Là những bậc cha mẹ, chúng con cần hiểu tầm quan trọng và ảnh hưởng của mình trong việc giáo dục đức tin cho con cái. Theo nhà tâm lý học người gốc Canada, Albert Bandura, trẻ em học bằng cách bắt trước và làm theo hành vi của người lớn. Do vậy, việc giáo dục con cái bằng gương sáng về sống yêu thương, bác ái, cầu nguyện, học hỏi giáo lý, đọc kinh thánh được coi là phương cách hữu hiệu cho giáo dục con trẻ. Làm sao chúng con có thể diễn tả về tình yêu của Thiên Chúa cho con cái, khi chúng con không yêu thương và tha thứ cho nhau? Lời nói đôi khi qua tai này rồi sang tai kia nhưng con cái sẽ không thể quên được những hành động yêu thương của cha mẹ. Chăm sóc con cái không phải chỉ là bổn phận, nhưng còn là vinh dự lớn lao của chúng con khi được cộng tác với Chúa trong việc chăm sóc những mầm xanh mà Chúa ban.
Chị Maria Nguyễn Thị Thu Hương