CÁC BÍ QUYẾT CỦA MỘT HÔN NHÂN HẠNH PHÚC
03 – BÍ QUYẾT ĐỒNG LAO CỘNG TÁC
WHĐ (16.2.2021) – Trong đời hôn nhân, Một lớn hơn Hai.
Một làm sao lại lớn hơn Hai được? Ai cũng biết Một cộng Một là Hai. Và dĩ nhiên, ai cũng biết Hai thì lớn hơn Một.
Nhưng trong thực tế Một thực sự có thể lớn hơn Hai. Đó là bí quyết của sự đồng lao cộng tác.
P và H. đã dạy tôi “bài toán học” này. Khi đã kết hôn được hơn năm mươi năm tôi gặp họ lần đầu tiên, họ sống rất giản dị. Ông P. đã từng là công nhân xây dựng và làm quản đốc. Bà H. làm nhân viên thủ thư một thư viện lâu năm trước khi nghỉ hưu. Họ có ba người con trai đã lớn và đã có gia đình.
Trong cuộc sống hưu trí lặng lẽ ấy hai người làm gì cũng có nhau. Họ đi dạo với nhau. Họ đọc sách với nhau. Họ cùng nhau làm việc thiện nguyện ở giáo xứ. Họ hầu như lúc nào cũng ăn với nhau. Nhất là họ cùng làm đất làm vườn với nhau.
Khó mà nói ai, ông hay bà, vui thú việc điền viên này hơn. Dù thế nào, mảnh vườn của họ cũng “ngon” nhất, cả cộng đồng xóm giềng phải ganh tị. Khu vườn của họ không quá to tát cũng không quá nhỏ, nhờ bàn tay của hai người nó sinh hoa kết trái xum xuê hàng năm. Họ trồng cà chua và bí, một ít bắp và đậu, và một loạt các loại rau khác đôi bạn dùng trong các bữa ăn đãi khách hay cho chính họ.
Nhưng trên hết, ông bà trồng hoa hồng. Thật ra, trồng hoa hồng là niềm đam mê của họ. Họ đã thử nghiệm nhiều giống hoa hồng khác nhau, và hàng năm sản sinh ra một loài với một màu một vẻ duy nhất từ mảnh đất vườn dành riêng đó. Dĩ nhiên, hai người rất hào phóng sẵn sàng chia sẻ các bông hoa của họ cho mọi người. Những bông hoa tươi đẹp đó xuất hiện trên các cổng chào các ngôi nhà trong xóm làng, tại nhà thờ, và trong các giỏ hoa ông P. hay bà H. đem tặng khi đi thăm bạn bè, người thân của họ.
Khi các con gái nhà tôi chào đời, ông bà đến thật sớm ngay sau đó cùng với chiếc bình đầy hoa hồng tươi thắm chúc mừng. Hoa hồng là biểu trưng cho sức sống, vẻ đẹp, và lòng nhân hậu của cặp vợ chồng này. Họ cùng nhau chăm chút và trồng tỉa cẩn thận vườn hoa hồng của họ. Họ cùng nhau cười vui chia sẻ thành quả lao động của họ cho người khác.
Nhiều năm sau khi chúng tôi dọn đi nơi khác, vợ tôi và tôi được mời về thăm. Ông P. mới qua đời cách đó không lâu, chúng tôi chưa gặp lại bà H. kể từ khi chồng bà ra đi. Chúng tôi định đến chào và thăm hỏi sức khỏe và cuộc sống của bà H. thế nào, bà sống một thân một mình từ nay.
Buổi chiều chạng vạng, A. và tôi dừng xe ở nhà thờ để ngắm nhìn lại khung cảnh êm đềm vùng quê một lúc. Thật ngạc nhiên, chúng tôi nhận ra bà H. đã ở đấy, đang cắm hoa cho nhà thờ những bông hoa đẹp nhất của bà – hoa hồng, đỏ, trắng, những bông hoa hồng Double Delight cực xinh tươi, đơn sơ mà lộng lẫy.
Không cần phải nói, chúng tôi rưng rưng cảm động được gặp lại bà H. và vui sướng lại thấy những hoa quả của bàn tay khéo léo tỉa tót của bà. Tôi ôm bà và nói: “Hoa hồng của bác rất đẹp. Thật là tuyệt vời được gặp lại bác và những bông hoa tươi thắm của bác”.
Bà H. phấn khích tươi cười, mãn nguyện về những cánh hoa khoe sắc, ngưng giây lát rồi cất tiếng nói “Anh chị nghĩ thế hả? Tôi những tưởng liệu những bông hoa này có khoe nở được không nếu không có ông ấy”.
Bà đã thấy khó hình dung được mình sẽ làm vườn thế nào đây mà không có P. bên cạnh. Ông là một phần của bà, và bà là một phần đời ông. Bà thật sự không thể thấy được mình kết thúc công việc ở đâu và ở đâu ông việc ông P. bắt đầu, cũng như ngược lại. Hai cuộc sống quấn chặt vào nhau đến nỗi không thể nghĩ đến cuộc sống của người này mà không có người kia. Quả thật, Một thì lớn hơn Hai. Những bông hoa hồng ấy là hiện thân của một cuộc sống duy nhất như thế đó. Hai người đã cùng nhau vun trồng những bông hoa hồng trong bao nhiêu năm, và họ đã đồng lao cộng tác như thế thật là đẹp và sinh nhiều kết quả. Nhưng bây giờ, bà H. không thể tưởng tượng được lao công của họ sẽ bị chia cắt như thế nào. Công việc của họ làm cùng nhau như thể là công trình của một nghệ nhân lành nghề duy nhất chứ không phải là của hai con người.
Đức Giêsu, khi được chất vấn về hôn nhân, trả lời rằng “lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân li” (Mc 10,6-9).
Dĩ nhiên, người ta có thể hiểu đoạn văn này theo nghĩa hành vi tính dục vợ chồng. “Cả hai sẽ thành một xương một thịt” hiển nhiên bao hàm yếu tố xác thịt. Điều đó chắc chắn là một phần trong những gì Đức Giêsu đang diễn tả. Đó là sự kết hợp hai thân xác thành một diễn ra trong hành vi yêu thương của sự thân mật vợ chồng.
Thế nhưng, mầu nhiệm hôn phối còn sâu xa hơn nhiều hành vi giao hợp tính dục thể xác. Một cuộc hôn nhân lành mạnh nhất, một hôn phối thánh thiện, còn thực hiện điều gì hơn nữa chứ không chỉ trộn lẫn hai thể xác thành một. Hai linh hồn, hai trái tim, hai cuộc đời dần dần nên một theo năm tháng ngày giờ. Hai con người, hai nhân vị hoàn toàn giờ thành một.
Đó là điều Hội Thánh dạy khi nói «Sự ưng thuận là ‘một hành vi nhân linh qua đó hai người phối ngẫu trao thân cho nhau và đón nhận nhau’: “Anh nhận em làm vợ anh…”; “Em nhận anh làm chồng em…”. Sự ưng thuận này kết hợp hai người phối ngẫu với nhau, đạt đến sự hoàn hợp khi hai người “trở nên một xác thịt”» (GLHTCG 1627).
P.và H. không còn chỉ là hai cá thể yêu nhau. Họ đã trở thành P. và H., một toàn thể hợp nhất bất khả phân li. Là Một.
Các huấn luyện viên khơi cảm hứng cho các cầu thủ, họ dạy họ nói làm sao để tất cả đội bóng trở thành một toàn thể “ăn ý” với nhau, một toàn thể hợp ý hợp lực thì mạnh hơn một tập thể gồm thành phần các cá nhân cầu thủ tài giỏi mà rời rạc. Một đội bóng vô địch thường không bao gồm hầu hết thành viên là ngôi sao. Đội vô địch là một đội biết phối hợp kì diệu các tài năng cá nhân thành phần, sao cho cả đội hợp lực thì mạnh hơn các thành phần của mình. Các nhân viên kinh doanh trong một doanh nghiệp cũng như vậy. Sự đồng lao cộng tác của các thành viên cùng nhau làm việc thống nhất sẽ tạo hiệu quả hơn rất nhiều so với một tập thể những người xuất sắc nhưng làm việc độc lập, riêng biệt.
Trong hôn nhân sự tình cũng đúng như thế, nhưng các thành viên sống tâm tình ấy một cách thân mật sâu xa hơn, phong phú, thiêng liêng hơn. “Bài toán mới” này, Một thì lớn hơn Hai, quả thật là huyền nhiệm. Bởi đó, người ta thấy tại sao nhiều người góa bụa đã chiến đấu để cố tìm lại được sự thăng bằng cuộc sống sau cái chết của người bạn đời. Họ không chỉ mất “một nửa kia” của mình. Cái họ mất mát thì sâu xa hơn nhiều. Họ mất đi một phần của chính bản thân mình. Họ mất một phần suy tưởng của mình, một phần niềm tin, ngay cả một phần thú đam mê (như việc điền viên) của họ cũng biến mất. Kí ức chung của họ đã bị cắt đứt. Quả thực, Một thì lớn hơn Hai, khi một người phối ngẫu mất đi, người còn lại bị thay đổi sâu sắc. Một phần thâm sâu bản thân đã bị mất.
Và điều tương tự cũng xảy ra như vậy trong hoàn cảnh những người li dị.
Nước mắt nhòe nhoẹt, cảm xúc hỗn độn chênh vênh, K. ngồi trong văn phòng của tôi vào ngày sau khi anh li dị vợ. Vợ anh đã bỏ đi với người đàn ông khác, bây giờ K. cầm trong tay tờ chứng nhận li hôn như di tích duy nhất còn lại của cuộc hôn nhân mười năm đã vuột qua. Tòa án tuyên bố dứt khoát: “Bằng quyết định này Tòa án tuyên bố cho li hôn…, khế ước hôn nhân hoàn toàn bị tiêu hủy kể từ hôm nay, … sẽ được coi như là những người độc lập, không còn liên kết với nhau bởi một quan hệ vợ chồng hay bất cứ hợp đồng dân sự nào”.
K đưa tôi xem tờ Quyết định và hỏi: “Làm sao người ta có thể tuyên bố được chúng tôi không còn một kết nối với nhau nào nữa? mối liên kết chúng tôi hoàn toàn bị gỡ bỏ rồi sao? Cô ấy là vợ tôi, vì Chúa. Cô ấy là mẹ của các con tôi. Cắt đứt ư? Cô ấy là một phần bản thân tôi. Chúng tôi sẽ phải kết hợp với nhau mãi mãi”. Những năm sau đó, mỗi khi gặp lại K., anh không bao giờ ngưng nói rằng anh đã mất một phần mình không bao giờ lấy lại được.
Các nghiên cứu cho thấy rằng khi hai người đã hòa hợp làm một trong đời hôn nhân, họ sống một cuộc sống rất khác. Đặc biệt, trí khôn họ như một cặp đôi trở nên thông minh sáng suốt hơn rất nhiều so với hai con người cá thể riêng biệt. Trong tư thế một cặp đôi họ có thể đưa nhau đi tới được những chỗ mới. Trí tưởng tượng của họ phóng khoáng, rộng mở, chia sẻ với nhau những chuyện đời, tuổi thơ, những chuyến du lịch nghỉ hè, và cả những sự kiện gây tổn thương cá nhân, những thứ ấy giúp triển nở trí khôn. Một khi chia sẻ được những kinh nghiệm sống ấy, những kinh nghiệm đó hòa lẫn vào trong cuộc sống chung từng ngày của đôi bạn, chúng trở thành một phần thường trực của con người bạn, trong tư cách như một cá vị cũng như một cặp đôi.
Trí thông minh kết nối với nhau như thế còn mở rộng ra trong đời sống thực tế. Chẳng hạn như chồng có thể bắt đầu trông cậy vào tài tháo vát của vợ mình giải quyết các vấn đề chi tiêu tài chánh gia đình – không chỉ thanh toán các thứ hóa đơn hàng tháng, nhưng còn đầu tư cho tương lai khi vợ chồng sẽ về hưu vẫn sát cánh với nhau, gởi tiền tiết kiệm, sắm bảo hiểm, thẻ tín dụng. Người vợ thu thập thông tin cho gia đình về tình hình tài chính. Người vợ có thể trông nhờ vào sự khôn ngoan tích lũy được của người chồng để ông hướng dẫn trong lãnh vực tinh thần. Gia đình có thể trông cậy vào ông chỉ ra những cách thế sống thực hành cầu nguyện, phục vụ, và đức tin.
Hợp sức trong đồng lao cộng tác mở rộng cách mới mẻ khi gia đình gia tăng nhân khẩu. Một đứa trẻ là thành viên của gia đình có thể được trông nhờ vào khả năng và sáng kiến áp dụng kĩ thuật công nghệ mới giúp ích cho cuộc sống gia đình, như sử dụng các điện thoại thông minh đời mới với các phần mềm ứng dụng cho gia đình xem phim ảnh và giải trí. “Con giúp mẹ hiểu vận hành làm sao trả phí điện thoại này được không?” Một đứa con khác có thể rành rẽ việc lướt mạng thông tin để tìm trên các bản đồ những nơi nghỉ mát thú vị, hay những chỗ đậu xe khi đi thăm bạn bè, hoặc khám phá những công cụ hữu ích khi đi du lịch. “Những vật dụng hay những điều gì chúng ta cần chuẩn bị, sắm sửa cho chuyến đi nghỉ hè năm nay vậy há?”
Các nhà xã hội học khám phá thấy rằng các cặp vợ chồng, và các thành viên gia đình tự động phân chia các việc và các lãnh vực thông tin, và bắt đầu tin cậy vào nhau. Như thể tận dụng nguồn lực gia công tìm kiếm thông tin nơi các thành viên khác nhau của gia đình. Họ gặt hái được hiệu quả nhiều nhờ có một bộ óc tập thể phục vụ cho cả cộng đoàn gia đình mà không một trí thông minh cá nhân nào làm được vì hạn chế khả năng và thời gian. Thực ra, khi một người bố, hay người mẹ qua đời, hay khi gặp tình trạng li hôn, cả gia đình phải chiến đấu vì một phần nguồn lực trí tuệ và khả năng xử lí thông tin của họ bị thiệt hại. Xét mặt đời sống thực tế, nguồn lực trí tuệ tập thể này chứng tỏ một cách khác Một thì lớn hơn hai rất nhiều. Người bạn còn sống hay phần gia đình còn lại, về mặt nào đó, trở nên kém cỏi hơn vì mất mát một nguồn thâu nhập thông tin và bộ phận xử lí. Một đôi thì mạnh hơn hai cá thể độc lập.
Chắc chắn điều này đúng cho A. và tôi khi chúng tôi sống quan hệ với những người khác. Cả hai chúng tôi đều có khuynh hướng hướng ngoại, nhưng theo cách khác nhau. Tôi thích gặp gỡ những người mới và chuyện trò qua loa. Có lẽ tôi là một nhân viên chào hàng thích hợp cho Walmart. Quả thực, đó là ý định của tôi khi về hưu đấy! Tôi có thể nhớ rất tốt hầu hết những cái tên, danh mục.
Còn A. không thể nhớ được như vậy. Nhưng cô ấy có khả năng nắm bắt rất chính xác về con người, người này có tính khí thế này, người kia có ưu điểm kia, và họ có đáng tin cậy không. Cả hai chúng tôi đều vui với người khác, nhưng chúng tôi giúp nhau triển nở. Tôi nhớ được những cái tên người ta, và cô ấy thì hiểu được họ sâu sắc. Chúng tôi cùng hợp sức phục vụ thì sẽ tốt hơn hành động riêng rẽ. Một thì mạnh hơn Hai.
Sự hợp lực trong đồng lao cộng tác rất kì diệu trong hôn nhân. Đó là điều Đức Giêsu có ý khi Người nói “cả hai sẽ thành một xương một thịt”. Một quả thực lớn hơn Hai. P. và H. đã chứng minh cho chân lí đó. Và các bông hồng của họ cũng nói lên như vậy.
Đó là bí quyết của Đồng lao Cộng tác.
Tác giả: Dr. Allen Hunt
Chuyển ngữ: Louis Tuấn
Trích từ: “The 21 Undeniable Secrets of Marriage”
Xem thêm: