Đức Hồng y Farrell: hãy là “Giáo hội tại gia” trong đại dịch
Hôm 21/3, Đức Hồng y Kevin Joseph Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã cho công bố một bài suy tư dành cho các gia đình, trong đó Đức Hồng y tập trung suy tư về sức mạnh mặc nhiên trong mối tương quan trao dâng của vợ chồng và về cách thức gia đình sống trong thời điểm đại dịch, một thời gian có thể dành cho việc luyện tập, tăng trưởng và tiền loan báo Tin Mừng.
Mở đầu Đức Hồng y trích dẫn số 315 của Tông huấn Niềm vui Yêu thương – Amoris Laetitia: “Thiên Chúa cư ngụ trong các gia đình cụ thể, có thực chất, với mọi rắc rối và đấu tranh, mọi vui tươi và hy vọng hàng ngày của họ”.
“Trong Giáo hội chúng ta có một kho báu ẩn kín đó chính là gia đình. Chúa luôn đồng hành với dân Ngài trong mọi khủng hoảng cùng với những sứ điệp ngoại thường; và dường như Ngài cũng đã làm theo cách đó trong đại dịch này: tất cả chúng ta phải rút lui trở về nhà. Các cử hành bị đình chỉ, nhiều nhà thờ phải đóng cửa. Chúng ta cảm thấy đơn độc, bị cách ly và chính trong sự cô lập này, Chúa Thánh Thần nhắc nhở chúng ta tái khám phá bí tích hôn nhân. Với sức mạnh của Thánh Thần, sự hiện diện của Chúa Kitô trong tương quan hiến trao cho nhau của vợ chồng, các gia đình trở hành một Giáo hội nhỏ tại gia”.
Đức Hồng y trích dẫn số 67 của Tông huấn Niềm vui Yêu thương giải thích việc gia đình là Giáo hội tại gia: “Chúa Kitô tự làm Người hiện diện với vợ chồng Kitô hữu trong bí tích hôn nhân và ở lại mãi với họ. Chúa Giêsu không đi xa, nhưng vẫn ở với vợ chồng và hiện diện trong nhà của họ không chỉ khi họ tập hợp và cầu nguyện, mà ngay lập tức”.
Nhờ thực tế này, chúng ta có thể sử dụng thời gian đặc biệt này như thời gian mà mọi gia đình Kitô hữu có thể tái khám phá: biểu hiện chân thực của mầu nhiệm, đó là Giáo hội là thân thể của Chúa Kitô. Trên thực tế, vợ chồng “xây dựng Thân thể Chúa Kitô và tạo thành một Giáo hội tại gia” (Amoris Laetitia 67). Mỗi gia đình là một phần thiết yếu, được xây dựng bắt đầu từ những cử chỉ nhỏ hàng ngày, nơi Chúa Giêsu luôn hiện diện.
Đức Hồng y suy tư một cách cụ thể về những cơ hội mà các gia đình có thể thực hiện trong thời gian này:
Thứ nhất: thời gian huấn luyện. Một thời gian làm cho chúng ta sống gần nhau hơn, chúng ta được mời gọi thực hiện các bài tập bác ái. Chúa cho chúng ta cơ hội để cha mẹ nhìn con cái với sự dịu dàng, giáo dục con cái biết cách sử dụng tốt thời gian kéo dài ở nhà; vợ chồng bày tỏ sự kiên nhẫn yêu thương; mọi người có thể hạ giọng nói ngay cả khi một rối loạn bất ngờ ngự trị xung quanh, đối thoại bằng cách lắng nghe nhau cách bình tĩnh, tôn trọng.
Thứ hai: thời gian tăng trưởng. Trong thời gian này chúng ta phải học cách hòa nhịp sống, không còn bị công việc bận rộn kiểm soát. Chúng ta có giờ dành khả năng của chúng ta cho người thân trong những bức tường chật hẹp của căn nhà. Điều quan trọng là, trong chiều kích mới mà chúng ta bị ném vào, người chồng và người vợ biết nhìn vào mắt nhau và nói chuyện với nhau, cùng nhau lên kế hoạch từng giờ trong ngày. Cố gắng nhận ra bên trong các bức tường của căn nhà có một sự hiện diện đẹp nảy sinh từ mối quan hệ của họ: Chúa Giêsu.
Thứ ba: thời gian tiền loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng trong nhà và cùng với mọi nhà, như thời các cộng đoàn Kitô tiên khởi. Chúa mời gọi chúng ta tụ họp lại như những gia đình, để cùng nhau cầu nguyện, xung quanh một ngọn nến thắp sáng, nhằm nhắc nhở chúng ta rằng có Một Người kết nối chúng ta lại với nhau và trong tình trạng khó khăn cấp bách này, Đấng đó yêu mến chúng ta. Sau này, khi thảm họa chấm dứt, chúng ta trở lại và tiếp tục tham dự các cử hành trong Giáo hội, chúng ta ý thức mạnh mẽ hơn về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Vì thế, chúng ta hãy cố gắng đón nhận lời mời Chúa gửi đến chúng ta trong ngôi nhà của chúng ta: vào Chúa Nhật, chúng ta hãy tập họp, như một gia đình, cử hành một cách trang trọng phụng vụ tại gia. Cách thực hiện rất đơn giản: tất cả quy tụ trong một căn phòng, đọc một bài thánh vịnh ngợi khen, xin lỗi nhau, đọc Tin Mừng Chúa nhật, chia sẻ những gì Lời Chúa đánh động nơi mỗi người. Từ những chia sẻ này tạo nên một lời cầu nguyện chung cho nhu cầu của gia đình, của những người thân, cho Giáo hội và thế giới. Và cuối cùng, phó thác gia đình và các gia đình mà chúng ta biết cho Đức Maria. Tất cả các gia đình đều có thể làm điều đó, bởi vì Chúa Giêsu đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).
Cuối cùng, qua phương tiện internet các gia đình hãy kết nối, tạo thành một cộng đoàn, cùng nhau chia sẽ những vui buồn cũng như những sáng kiến để giúp nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đó chính là loan báo Tin Mừng. (CSR_1734_2020)
Ngọc Yến – Vatican
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt