Các ông bà nội ngoại chìu cháu quá… có làm hư cháu không?
***
Các cha mẹ thường chỉ trích ông bà thương cháu không giới hạn, không điều kiện, xin gì cho đó. Nhưng thật là nghịch lý, những “sai lầm giáo dục” này lại có một giá trị quý giá vô ngần.
Cô Anne-Fleur, 37 tuổi là mẹ của hai con còn nhỏ. Cô ở trong ban điều hành của một công ty mỹ phẩm lớn, địa vị của cô buộc cô làm những giờ trái khoáy, ngày làm việc dài, điện thoại-hội họp liên vùng bất cứ lúc nào để phù với múi giờ các nơi, phải chuẩn bị phần trình bày cho cuối tuần… Còn chồng của cô thì đi du lịch làm ăn trong tuần rất nhiều, ông là “người cha cuối tuần”. Nếu không có ông bà nội ngoại giúp thì cô bó tay: “Khi tôi phải làm việc khuya, tôi chỉ cần gọi mẹ tôi, bà đến ngay lập tức”.
Cô Anne-Fleur công nhận: “Bà luôn sẵn sàng giúp chúng tôi. Chỉ có điều là bà không theo các chỉ dẫn căn dặn của tôi. Bà cho cháu nhảy lên ghế, để cháu ngồi ăn trước máy truyền hình, cho chúng ăn gì chúng thích, pizza, McDo bà cho tất cả… thoải mái. Tôi cấm là chỉ cấm trên nguyên tắc. Tôi có cảm tưởng tôi phải canh mẹ tôi khi bà đến giữ cháu!”.
Các cha mẹ thường có khuynh hướng trách ông bà, nhưng họ không nhận ra ông bà đã làm những điều quý báu cho cả nhà. Nghịch lý thay, những gì họ cho là sai lầm trong giáo dục thì lại có một giá trị rất quý. Một giá trị mà cha mẹ không thể nào trao truyền cho con cái mình.
Một đà tiến cho cuộc sống
Tình thương không điều kiện của ông bà không phá đi quyền uy của cha mẹ. Các nguyên tắc giáo dục không vì thế mà phải đặt lại vấn đề. Một cách nhanh chóng, trẻ con nhận ra ngay lập tức có hai vũ trụ khác nhau: vũ trụ của cha mẹ và vũ trụ của ông bà. Khi đó chúng học để thích ứng. Và đó đúng là đà nhảy, một gia tài thật sự phong phú cho tương lai của chúng, giúp chúng sau này dễ dàng đối diện với các trạng huống khác nhau, với những người khác nhau. Với một số người, nó sẽ dè chừng, với một số người khác, nó sẽ cảm thấy tự nhiên hơn, phóng khoáng hơn.Đối với trẻ con, tình thương không giới hạn này là một gia tài đích thực cho cuộc sống của chúng. Một gia tài triển nở, sưởi ấm tâm hồn và làm cho chúng mạnh hơn. Một thăng bằng rất quan trọng cho các quan hệ người lớn, tình thương không điều kiện của ông bà bù đắp cho các quan hệ thường là vụ lợi và có điều kiện mà than ôi chúng thường hay gặp trên đường đời.
Không thể nào ngăn mẹ của cô Anne-Fleur chiều cháu… bà vui vẻ chiều và không hối hận! Ngược lại, ông ngoại thì xây một tình bạn giữa ông và cháu. Mọi người đều được hưởng lợi! Khi gia đình mở rộng ra với ông bà thì nhân cách, sức sáng tạo và cách diễn tả tình thương mang một giá trị cao.
Một núi tình thương
Khi cha mẹ bắt phải tôn trọng nguyên tắc luật lệ, phải sát sao theo lịch sinh hoạt dày đặc mỗi ngày, thì các ông bà chỉ cần có sự hiện diện của mình. Vai trò của họ là vai trò… vui vẻ hàng ngày. Là mơ, là tự do, là làm hội. Không tạo áp lực, không hấp tấp cũng không theo thông lệ nhàm chán.
Ông bà không phải là bản sao của cha mẹ. Cũng không phải là nhân viên tự nguyện, họ là một núi tình thương! Về phần mình, cha mẹ có nhiệm vụ giáo dục, dạy bảo, coi sóc sự phát triển của trẻ con. Còn với ông bà, trẻ con vui được ở bên cạnh người thương mình vì mình, gần như là lý tưởng. Với những người che chở mình, cuộc sống của trẻ con là giây phút này và ở đây! Hành trình vui vẻ, tự tin, can đảm sẽ mang lại cho chúng một sức mạnh đáng kể sau này.
Trung gian hòa giải nhân hậu
Đó là vì sao một cách trực giác, trẻ con biết mình có thể nói tất cả cho bà nội/ngoại nghe: chúng than phiền về cha mẹ, chúng thổ lộ tâm tình, chúng tha hồ khóc vì chúng biết mình sẽ được dỗ. Quan hệ liên thế hệ này tránh được các nguy hại, các hiểm nguy của quan hệ cha mẹ-con cái. Thêm nữa, đó là chỗ ẩn náu có tác động của một hệ thống báo động khi có vấn đề. Một hệ thống hiệu quả vì hệ thống này có thể can thiệp ngay lập tức. Làm sao mơ có một người trung gian hòa giải hiệu lực như một người ông, một người bà, họ chăm chú quan tâm, luôn sẵn sàng và nhân hậu?
Bí mật nhỏ và đồng minh lớn
Các tâm lý gia chuyên gia trong sự phát triển trẻ con nhận thấy, một quan hệ triển nở với ông bà giúp trẻ con có một đời sống xã hội phong phú hơn. Thì giờ và lòng kiên nhẫn của ông bà gp trẻ con hiểu được sự thông cảm. “Con giúp em. Con chia sẻ đồ ăn với bạn. Con đi với ông bà cho vịt ăn hôm nay, hôm nay chúng lạnh lắm!”
Trẻ con cũng học để thấy các bí mật nhỏ, để biết dệt các quan hệ đồng minh đầu tiên. Dù các vẻ bên ngoài, lòng nhân hậu và sự thiếu hệ quả, đôi khi ông bà mang lại cho trẻ con một hình thức độc lập nào đó có thể làm thuận lợi cho sự phát triển tính hiếu kỳ và lòng can đảm của chúng. Vì sao? Vì trẻ con nhìn ông bà dưới một khía cạnh đặc biệt, không phải như khi chúng nhìn một người giữ trẻ.
Hãy để cho ông bà giúp trẻ con khám phá ra một thế giới khác!
Vậy thì hãy để cho ông bà làm theo đúng bản chất của mình, để lợi cho cả nhà! Chúng ta hãy để cho trẻ con khám phá một thế giới khác! Phải đặt tầm quan trọng của thế hệ lớn tuổi lên cao, họ có vai trò trao truyền ký ức và giá trị rất lớn.
Đưa con đi học lớp nhảy, đi chơi thể thao thì ai cũng làm được. Nhưng ai sẽ là người kể câu chuyện gia đình, nhắc tên của các ông bà, kể ý nghĩa di sản của gia đình cho các con nghe? Tất cả những chuyện này cũng quan trọng, nếu không muốn nói là rất quan trọng, cũng như các sinh hoạt khác của trẻ con… Dĩ nhiên sức mạnh nội tâm của mỗi người đến từ tài năng đa dạng và tuyệt vời, nhưng nhất là đến từ cảm nhận mình thuộc về và có căn tính gia đình.
Chúng ta đừng khuyên ông bà phải thương cháu như thế nào. Vì khi cha mẹ cố gắng hết sức mình để con mình “thành một người”, nhưng ông bà dạy cho trẻ con “làm thế nào sống theo bản chất của mình”. Họ biết điều gì là thiết yếu và tình thương hoàn toàn vô điều kiện của họ bổ túc cho tình thương của cha mẹ.
Marta An Nguyễn dịch