Mầu nhiệm Giáng Sinh và Sự Sống
***
“Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu.” (Tv 139: 13, 15)
Chúa Giáng Sinh làm người là một mầu nhiệm. Sự kiện lịch sử Chúa được hạ sinh bởi một người nữ – Mẹ Maria đáng để tất cả mọi người chiêm ngắm.
Suy gẫm về việc Chúa được sinh ra, tôi se thắt lòng hướng về Việt Nam nơi những người cha người mẹ – những kẻ đã và đang nhẫn tâm giết hại chính con mình. Những kẻ tàn nhẫn đó thường viện đủ lý do. Có người nói do “có thai ngoài ý muốn”, có người “vì tình thế áp lực”, lại có người là vì “thương con sẽ khổ” nên mới không cho các em được sinh ra đời, v.v… Nói chung là họ viện ra đủ mọi lý do để biện minh cho tội ác giết chính con của mình. Mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh đánh bại tất cả mọi ngụy biện đó. Mầu nhiệm giáng sinh thúc giục mỗi người tự vấn lại chính mình về sự sống của mình và của người khác.
Có thai ngoài ý muốn?
Với những người nói đứa con họ đang mang là “ngoài ý muốn”. Những ai nói như vậy xin hãy nhìn lên gương mẫu của Mẹ Maria. Nói một cách nào đó, Mẹ Maria cưu mang Chúa Giêsu là “ngoài ý muốn”. Tại sao? Vì Maria hoàn toàn bất ngờ và không biết gì về chương trình này trước đó. Hơn nữa, Mẹ chưa hề nghĩ đến chuyện vợ chồng: “Chuyện đó xảy ra thế nào được, vì tôi chưa biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34). Do đó, những ai vì dâm dật để rồi có thai mà nói như vậy hãy tự xét lại mình.
Phá thai do “tình thế áp lực”?
Có những người, nhất là những người trẻ chưa lập gia đình, sau khi có thai thường bị yêu cầu hủy bỏ cái thai. Áp lực đó có thể đến từ ông bà, cha mẹ hoặc thậm chí là kẻ đã cộng tác để có nên bào thai đó. Áp lực đó quả là lớn, nhiều lúc có thể đè chết những người nữ đang mang thai. Nhưng thử nhìn lại áp lực mà Mẹ Maria phải gánh lấy và thử so sánh coi. Với xã hội và giáo hội Do Thái ngày xưa những người mà chưa chồng mà có con hay nói nặng hơn là “chửa hoang” thì sẽ thế nào ngoài cái án ném đá cho đến chết. Áp lực nào hơn khi mà đứa con sắp sinh ra không có bố? Áp lực nào hơn khi chưa có bất kì kinh nghiệm làm mẹ lúc nào? Áp lực nào hơn khi mà những người xung quanh nhìn vào khinh miệt? Áp lực nào hơn khi để lại tiếng xấu cho gia đình vốn là đạo hạnh? Cha mẹ sẽ sống làm sao? Vâng đó là những áp lực, những thách đố cho Mẹ Maria khi cưu mang Chúa Giêsu. Nhưng dầu khó khăn như vậy thì Mẹ đâu có chọn như nhiều bậc cha mẹ ngày nay chọn lựa.
Vì “thương con khổ” nên mới bỏ?
Có người biện luận là vì hoàn cảnh gia đình, vì nghèo, vì sợ đứa bé sẽ khổ. Thật nực cười, thương mà lại đi giết chính con mình, thương mà không cho em có cơ hội được bươn chải, được vui được cười như bao đứa trẻ. Nhìn vào hang Bêlem, nhìn vào hang bò lừa đó có ai dám nói mình nghèo hơn Chúa Giêsu khi sinh ra, có ai còn khổ hơn, nhục nhã hơn Chúa Hài Đồng? Nhưng những cái đó đâu làm Chúa bất hạnh, ngài hạnh phúc ngay cả khi đồng hóa mình với những kẻ thấp hèn nhất trong xã hội, nhục nhã nhất trong xã hôi. Nhìn thấy cái khổ của Chúa Giêsu, của Mẹ Maria, của thánh Giuse liệu còn ai nói mình khổ hơn?
Mầu nhiệm Giáng Sinh – Mầu nhiệm sự sống
Chúa sinh ra nơi thấp hèn, trong đêm đông giá lạnh và u tối, sinh ra giữa nơi bò lừa và những mục đồng đó để chung chia thân phận con người, để xóa tan đêm trường băng giá và đưa lại niềm vui, hạnh phúc cho những ai đến triều bái người. Là người Công Giáo: Chúa Giêsu Giáng Sinh nhắc cho chúng ta về món quà sự sống vô giá mà Chúa ban. Lời mời gọi thăng tiến sự sống, lời mời gọi đem yêu thương và bình an lan tỏa khắp nơi đang thúc giục tất cả chúng ta.
Paul Minh Nhật