Suy niệm Kinh Mân Côi
Trong Gia Đình
Năm Sự Mừng
DẪN VÀO CÁC MẦU NHIỆM MÙA MỪNG
Việc chiêm ngắm dung nhan của Đức Kitô không thể dừng lại ở hình ảnh của Đấng chịu đóng đinh. Người đã sống lại rồi. Kinh Mân Côi luôn luôn diễn tả sự hiểu biết sinh ra từ lòng tin này và mời gọi người tín hữu vượt qua bên kia bóng tối của cuộc Thương khó để đến chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Kitô trong cuộc Phục sinh và Thăng thiên… Các mầu nhiệm mùa Mừng nuôi dưỡng nơi người tín hữu niềm hy vọng vào đích điểm cánh chung mà hiện nay họ đang tiến đi với tư cách là phần tử của Dân Thiên Chúa đang lữ hành qua dòng lịch sử. Điều ấy còn có thể thôi thúc họ nêu lên chứng từ quả cảm cho “Tin Mừng” mang lại ý nghĩa cho cho toàn thể cuộc đời của họ (Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria 23).
Mầu nhiệm thứ nhất :
Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết
Khi chiêm ngưỡng Đấng Phục sinh, các Kitô hữu tái khám phá những lý do của lòng tin riêng của mình (x. 1Cr 15,14) và sống lại niềm vui không phải chỉ của những người đã được thấy Đức Kitô hiện ra với các tông đồ, cô Maria Mađalêna và các môn đệ trên đường Emmaus, nhưng còn cả niềm vui của Đức Maria. Chắc chắn Đức Mẹ cũng phải có một kinh nghiệm cao độ về đời sống mới của Người Con của Mẹ được vinh quang (Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria 23).
1. Lời Chúa
“Hai người đàn ông y phục sáng chói đứng bên họ và nói:’ Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi.'” (Lc 1,38).
2. Suy niệm
Xưa kia, Chúa Phục sinh đã để lại các môn đệ một vài dấu chỉ để nhận biết Người : ngôi mộ trống, tấm khăn liệm được gấp lại và được đặt dưới đất, những lần hiện ra với các phụ nữ và các tông đồ. Ngày nay, tuy dưới hình thức khác, Chúa Phục sinh cũng còn để lại vài dấu chỉ : biết bao nhiêu tín hữu sống đời đức hạnh cách âm thầm, biết bao nhiêu sinh lực của hoạt động bác ái, bí tích Thánh Thể. Mỗi người hãy biết nhận ra những dấu chỉ đó, để tin vào Chúa Kitô giống như các môn đệ xưa kia, và giúp cho anh chị em mình thêm vững tin bất chấp những cuộc bách hại.
3. Quyết tâm
Đức tin : “Phúc cho những ai tin tuy dù không thấy dấu lạ” (Ga 20,29).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, xin dạy chúng con biết tin rằng Chúa Kitô đã sống lại, và chúng con cũng sẽ được sống lại như Người.
Mầu nhiệm thứ hai :
Chúa Giêsu lên trời
và ngự bên hữu Chúa Cha
Trong cuộc Thăng thiên, Đức Kitô được cất lên trong vinh quang bên hữu Chúa Cha (Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria23).
1. Lời Chúa
“Ðang khi chúc lành cho các môn đệ, Ðức Giêsu rời khỏi các ông và được đem lên trời.” (Lc 24,51).
2. Suy niệm
Trong cuộc Thăng thiên của Chúa Giêsu, lòng tin của các môn đệ được củng cố vì biết rằng Người thực sự đã sống lại và hiện diện ở giữa họ : “Này đây, Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) ; lòng hy vọng của các môn đệ được bảo đảm vì Người đã hứa sẽ đem họ về với mình : “Thầy đi dọn chỗ cho các con” (Ga 14,2). Đồng thời họ cũng được uỷ thác một trọng trách là làm chứng nhân của Chúa ở giữa trần thế, đảm nhận trách nhiệm của bổn phận mình trong gia đình, ngoài xã hội.
3. Quyết tâm
Đức cậy (Hy vọng) : “Thầy sẽ trở lại và đem các con về với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó” (Ga 14,3).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, xin giúp chúng con đi lên tới chỗ mà Chúa Giêsu đã dọn cho chúng con.
Mầu nhiệm thứ ba :
Chúa Thánh Thần ngự xuống
trên Đức Trinh nữ Maria
và các tông đồ cầu nguyện tại phòng Tiệc Ly
Cuộc Hiện xuống bộc lộ cho thấy dung nhan của Hội Thánh như thể là một gia đình được qui tụ lại cùng với Đức Mẹ, gia đình ấy được sống nhờ Thánh Thần được tuôn đổ tràn đầy và sẵn sàng ra đi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng (Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria 23).
1. Lời Chúa
“Ai nấy đều được tràn đầy on Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2,4).
2. Suy niệm
“Nếu thiếu Thánh Thần, thì Thiên Chúa trở thành xa vời, Đức Kitô thuộc về quá khứ xa xưa, Phúc âm là chữ chết, Giáo Hội là một tổ chức phàm trần, quyền bính là cường lực, truyền giáo là tuyên truyền, phụng tự là phong tục dân gian, luân lý là nghĩa vụ của nô lệ.
Nhưng trong Thánh Thần, loài thọ tạo được nhấc lên cùng Thiên Chúa, Đức Kitô phục sinh đang hiện diện, Phúc âm chứa đầy sinh lực, Giáo Hội thể hiện tình hiệp thông, quyền bính trở thành phục vụ, phụng vụ làm cho mầu nhiệm Vượt qua được hiện thực, hành động của con người được thiên hoá” (Thượng phụ Athenagoras).
3. Quyết tâm
Sự hiệp nhất : “Lạy Cha, cũng như Cha ở trong con và con ở trong Cha thế nào, thì xin cho họ tất cả đều nên một” (Ga 17,21).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, Mẹ của Hội thánh, xin cầu cho chúng con ơn hiệp nhất.
Mầu nhiệm thứ bốn :
Đức Maria được đem về trời cả hồn và xác
Trong cuộc Mông triệu, Đức Maria được hưởng trước, do một đặc ân độc nhất vô song, vận mệnh dành cho mọi người công chính vào ngày kẻ chết phục sinh (Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria 23).
1. Lời Chúa
“Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời, người ấy thi là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50).
2. Suy niệm
“Cũng như ở trên trời, Thân mẫu của Chúa Giêsu được hiển vinh cả thân xác và linh hồn là hình ảnh và trái đầu mùa của Hội Thánh vào thời viên mãn trong tương lai như thế nào, thì ở dưới đất, Người cũng chiếu rạng như một dấu chỉ hy vọng chắc chắc và an ủi cho Dân Thiên Chúa trên đường lữ hành như vậy” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 972).
“Chúng ta tin rằng Thân Mẫu chí thánh của Chúa, và cũng là Thân Mẫu của Hội thánh tiếp tục trên trời vai trò làm hiền mẫu đối với hết mọi phần tử của Hội thánh” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 975).
3. Quyết tâm
Nên thánh : “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1Tx 4,3). “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta… Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyên thánh thiện” (Ep 1,3.5).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, xin giúp chúng con luôn hướng về vinh quang đang chờ đợi, và sau cuộc đời này, xin Mẹ đem chúng con về Trời với Mẹ.
Mầu nhiệm thứ năm :
Đức Maria lãnh triều thiên của Nữ hoàng
Được tôn lên trong vinh quang, Đức Maria rạng rỡ như là Nữ Vương các thiên thần và các thánh, như thể là sự tham dự trước và là sự hoàn thành tối hậu của tình trạng cánh chung của Hội thánh (Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria 23).
1. Lời Chúa
“Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.” (Lc 2,46).
2. Suy niệm
Đức Maria làm Nữ hoàng. Sau khi đã chọn Đức Maria làm Thân Mẫu của Con mình, Thiên Chúa Cha muốn đặt Người ngự bên cạnh Đức Kitô trên ngai vua. Khác với chúng ta là những kẻ thích tuyên dương công trạng, Đức Maria biết rằng mình đã nhận lãnh tất cả bởi Thiên Chúa, và duy có Chúa mới thực là Đấng Cao cả. Thiên Chúa là Đấng che chở người nghèo khó, hạ bệ kẻ kiêu căng, đổ tràn ân phúc cho kẻ đói khát, và là Đấng đã trao cho mình sứ mạng làm Thân Mẫu của Con Chúa. Đức Maria đã đáp lại bằng lời “Xin vâng”. Từ lúc ấy, Chúa đã đặt ngai ở trong tâm hồn của Mẹ.
3. Quyết tâm
Phục vụ. Đức Maria thưa với sứ thần : “Này đây là tôi tớ của Chúa, xin để cho lời của Ngài thực hiện nơi tôi” (Lc 1,38). “Hễ ai muốn phục vụ tôi thì hãy đi theo tôi ; tôi ở đâu thì kẻ phục vụ tôi cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ tôi thì Cha của tôi sẽ tôn vinh kẻ ấy” (Ga 12,26).
4. Cầu nguyện
Ôi Maria, Nữ vương trời đất, xin dạy chúng con biết phục vụ để mai sau cũng được hiển trị với Mẹ trong vinh quang.
Nguồn: kinhmancoi.net