NHỮNG “BÓNG ĐEN”
TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
***
Trải qua bao thăng trầm của thời yêu nhau, cuối cùng ngày cưới của anh chị cũng diễn ra tốt đẹp. Người ngoài nhìn vào sẽ nhận xét họ là một đôi đũa lệch, một “cặp đôi không hoàn hảo”. Mà thật vậy, chị trắng trẻo, xinh xắn, có học thức, gia đình khá giả, trong khi anh xuất thân từ gia đình nghèo, ít học, ngoại hình trung bình…Thế nhưng, như Ông Hoàng Thơ Tình Xuân Diệu đã từng thốt lên: “ Làm sao định nghĩa được tình yêu?” ; hoặc như ca dao Việt Nam khẳng định:
“ Yêu nhau muôn sự chẳng nề.
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.”
Đúng vậy, trái tim luôn có lý lẽ riêng mà ta không thể giải thích cho thỏa đáng hay ra đáp án chính xác như 1+1=2 của toán học được, mà chỉ có thể cảm nhận bằng cảm xúc và sự rung động của con tim mà thôi.
Anh chị đã đến với nhau bằng một tình yêu trong sáng, không toan tính, vụ lợi, vượt qua rào cản môn đăng hộ đối, sự chênh lệch về trình độ văn hóa, ngoại hình…Thế nhưng, chính những cái chênh lệch này lại là nguyên nhân của sự rạn nứt, đổ vỡ không thể hàn gắn được trong đời sống hôn nhân của họ.
Sau ngày cưới, anh về ở rể, vì chị là con một. Như bao đôi vợ chồng trẻ khác, anh chị đã từng có những ngày chồng vợ mặn nồng, hạnh phúc, đã cùng nhau vượt qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống. Và rồi, kết tinh tình yêu của anh chị là một bé gái xinh xắn chào đời trong niềm vui mừng khôn cùng của hai bên nội, ngoại.
Những tưởng gia đình bé nhỏ ấy luôn tràn ngập hạnh phúc, yêu thương của những ngày mùa xuân ấm áp. Thế nhưng, như bao nhiêu gia đình khác, anh chị cũng đã trải qua những ngày mùa đông lạnh lẽo, dài lê thê của những giận hờn, trách móc, hay những ngày hè rực lửa của những trận cãi vã ngày càng tăng theo cấp số nhân. Ngày qua ngày, những gợn sóng lăn tăn trên mặt biển đã trở thành những đợt sóng ngầm không ngừng xô vào ghềnh đá: dữ dội, mạnh mẽ và quyết liệt. Giông bão cứ mãi thét gào và mây đen kéo về bao trùm nơi mà họ từng gọi là “mái ấm”.
Thật vậy, khi đứa bé đến tuổi đi nhà trẻ, chị đã xin được một công việc phù hợp với khả năng nhờ vốn kiến thức có sẵn cộng với một chút sắc đẹp trời cho. Còn anh ở nhà chăm sóc cha già, đưa đón con đi học và lo việc nội trợ. Vì bản chất công việc, chị thường xuyên vắng nhà, khi về nhà thì mệt mỏi chỉ lăn ra ngủ, thời gian chị dành ở bên anh thật hiếm hoi. Anh giật mình nhận ra là đã lâu lắm rồi hai vợ chồng không còn trò chuyện, chia sẻ và quan tâm đến nhau. Anh cũng nhận thấy dạo gần đây chị thay đổi rất nhiều: chị ăn mặc đẹp hơn, trang điểm kỹ hơn mỗi khi ra ngoài, lơ là việc chăm sóc gia đình…một cảm giác bất an xâm chiếm tâm hồn anh. Càng ngày cái mặc cảm mình là người đàn ông vô dụng sống nhờ vào gia đình vợ và tiền lương của vợ ngày càng lớn, những cơn ghen ngấm ngầm đã khiến cuộc sống vợ chồng trở nên nặng nề, ngột ngạt. Chị vắng nhà thường hơn, còn anh thì tìm quên trong những cơn say. Chỉ tội cho đứa con nhỏ phải chứng kiến những trận cãi vã thường xuyên của ba mẹ. Nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ không còn, chỉ còn thấy một đôi mắt buồn xa xăm, những câu nói ngây thơ mà sao đau lòng đến tội:
– Dì ơi, đêm qua ba mẹ con lại cãi nhau, ba còn đánh mẹ nữa!
Và rồi, sau những cãi vã, nghi ngờ, ghen tuông…cuối cùng anh cũng biết được một sự thật đau lòng: chị ngoại tình. Anh chết lặng, trái tim như bị ai bóp đến nghẹt thở. Nỗi đau quá lớn khiến anh không còn cảm giác đau đớn nữa. Mọi tế bào trong cơ thể dường như tê liệt.
Sau ngày anh phát hiện sự thật, chị chủ động ly hôn, anh dù rất hận chị phản bội, nhưng vì nghĩ đến đứa con bé bỏng sẽ thiếu vắng tình thương cha mẹ, nên anh không đồng ý. Sau những giằng co, tranh cãi, chị đơn phương nộp đơn ly dị và xin giành quyền nuôi con. Đến nước này, anh đành lặng lẽ ký tên vào tờ ly hôn, chấm dứt một tình yêu và mọi ràng buộc của đời sống vợ chồng. Anh chua xót nhận ra rằng: khi trái tim người ta không còn thuộc về mình và tình yêu trong lòng đã chết, thì hãy buông tay nhau đi, vì cố níu kéo cũng chỉ làm khổ nhau thêm mà thôi. Anh chỉ tiếc cho mái ấm gia đình mà anh chị đã cố gắng vun vén và gìn giữ bỗng chốc tan biến như bong bóng xà phòng.
Tại sao thế? Nguyên nhân nào khiến cho tình yêu của anh chị khởi đầu rất tốt đẹp lại có một kết cục đáng buồn như vậy? Nhìn vào toàn bộ câu chuyện, ta dễ dàng nhận ra những nguyên nhân sau đây:
1. Sự ích kỷ:
Là liều thuốc độc giết chết tình yêu một cách nhanh nhất.
Tự bản chất, đàn ông muốn độc lập, muốn là trụ cột gia đình, muốn làm chủ. Đối với đàn ông Việt Nam, để vợ đi làm kiếm tiền nuôi sống gia đình là một sự nhục nhã, mặc dù xã hội ngày nay đề cao sự bình đẳng giới,việc phụ nữ đứng ra gánh vác gia đình là chuyện không còn mới nữa. Thế nhưng, vì xem mình là phái mạnh, nên đàn ông lấy làm khó chịu khi phải dựa dẫm vào đàn bà, bị xem là ” cái bóng mờ” bên cạnh vợ và chịu sự sai khiến của vợ. Vì thế, phản ứng thông thường của họ là tự ái,ích kỷ, cấm đoán vợ, độc tài… từ đó nảy sinh nhiều bất đồng, ghen tuông… khiến bầu khí gia đình nặng nề và ngột ngạt.
Nên nhớ rằng: thuở ban đầu, Thiên Chúa dựng nên người nữ là để bổ túc và tương trợ người nam: ” Con người ở một mình không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” ( St 2,18) để rồi từ đó họ trở thành “một xương một thịt” và ” bất khả phân ly”. Vì thế, tình yêu vợ chồng chỉ thật sự hạnh phúc khi cả hai biết hy sinh cho nhau, chấp nhận những dị biệt, những thiếu sót cũng như hoàn cảnh hiện tại, vì không có hy sinh, tình yêu sẽ cằn cỗi và sẽ chết. Hãy nhìn lên thập giá để học thuộc bài học hy sinh, tự hiến đến cùng vì tình yêu của Con Thiên Chúa: ” Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì người mình yêu.” (Ga 15,13)
2. Thiếu quan tâm đến nhau:
Đây là điều mà các đôi vợ chồng hay mắc phải. Sau tuần trăng mật, họ thường đối diện với một thực tế phủ phàng: chàng/ nàng của mình sao mà khác quá. Hình ảnh một người đàn ông lý tưởng, ga-lăng hồi còn yêu nhau đâu rồi? hay hình ảnh một người phụ nữ dịu dàng,e ấp, kín đáo, tế nhị biến đâu mất? Thật vậy, nhiều người quan niệm rằng: đã là vợ chồng thì cần gì khách sáo. Họ xem việc biểu lộ tình yêu, sự quan tâm, khen ngợi, cám ơn nhau là một việc “xa xỉ” của phép lịch sự và xã giao chỉ dành cho người ngoài mà thôi. Điều này thật sai lầm, bởi lẽ tự bản chất ai cũng có nhu cầu được người khác quan tâm, chăm sóc. Thật ra, quan tâm đến nhau đâu phải là chuyện gì to tát. Có thể là một lời khen ngợi đúng lúc, một lời cám ơn vì bữa ăn ngon, một nụ hôn tạm biệt trước khi đi làm hay hiểu được cả những tiếng thở dài lặng lẽ giữa đêm khuya…Quan tâm còn là biết lắng nghe nhau: người chồng sau một ngày đi làm về biết dành thời gian để nghe vợ chia sẻ những việc xảy ra ở nhà, người vợ lắng nghe chồng tâm sự những khó khăn tại công sở, trong công việc, quan tâm để có thể đáp ứng những nhu cầu, ước muốn của nhau. Tình yêu thật sẽ đưa đến hành động. Ông chồng có thể nói cả ngàn lần ” Anh yêu em” mà không hề biết khen vợ một tiếng khi cô ấy mặc một chiếc áo đẹp, không biết đỡ đần vợ những việc trong nhà, thì người vợ cũng không cảm thấy được chồng yêu thương. Cũng vậy, người vợ nói mình là người yêu chồng hết mực, nhưng lúc nào cũng đòi hỏi chồng đáp ứng ước muốn của mình mà không quan tâm xem tâm trạng của chồng thế nào, có gặp khó khăn gì trong công việc? chị có dành thời gian bên cạnh để lắng nghe tâm sự của chồng hay biểu lộ quan tâm bằng những cử chỉ âu yếm chồng không?
Nếu cả hai vợ chồng biết thường xuyên biểu lộ sự quan tâm đến nhau, ấy chính là bí quyết của hạnh phúc gia đình.
3. Lời kết
Ngoài những nguyên nhân trên, các đôi vợ chồng còn thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như: sự gian dối, thiếu chung thủy, kinh tế khó khăn, sự đơn điệu, nhàm chán sau thời gian dài chung sống…tất cả những yếu tố này đều góp phần dẫn đến tình trạng tan vỡ trong đời sống vợ chồng.
Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng số 49, Công Đồng Vaticano II khẳng định: “Để có thể sống trọn ơn gọi hôn nhân, cần phải có những nhân đức phi thường.” Thật vậy, không có cuộc sống dễ dãi, cũng không có con đường nào thênh thang, êm ái mà không đầy dẫy những chông gai, nguy hiểm. Ngày hai người nắm tay nói lời ưng thuận trước mặt Chúa và Giáo Hội thì cũng là ngày hai người bắt đầu bước vào con đường hẹp đòi hỏi nhiều hy sinh và chiến đấu cam go. Vì thế cần phải có ơn Chúa, niềm tin vững mạnh và nhiều nhân đức anh hùng thì mới có thể cùng nhau đi trọn con đường ấy.
Thiết nghĩ lời mời gọi “hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong Năm Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình là “kim chỉ nam” giúp các gia đình vượt qua những khúc quanh trong cuộc sống để tiến tới hạnh phúc trọn vẹn.
Sr.Ter.Trúc Băng
gpcantho.com