Bên hàng hiên mưa rơi, tôi nhớ lại cái ngày mà 8 năm về trước, cái ngày có lẽ là đau buồn nhất trong cuộc đời tôi! Cái ngày mà tôi mất đi người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi! Cái ngày mà tôi không bao giờ muốn có nó trong cuộc đời mình! Có lẽ với mọi người tình cảm dành cho ông bà cha mẹ anh chị em sẽ khác nhau… Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.
Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sung sướng, vui vẻ. Khi còn trẻ bố là trụ cột chính trong gia đình (ông nội tôi mất sớm), bố phải lo toan gánh vác những lo lắng thường ngày với bà nội. Bước sang cái tuổi bốn mươi tư, khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với căn bệnh ung thư tai ác. Và cũng ở cái tuổi đó bố đã mãi mãi xa rời gia đình tôi!
Có thể thấy căn bệnh quái ác từng ngày in dấu ấn lên cơ thể bố, thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió.
Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách, tâm hồn của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình. Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố kiếm được hàng ngày. Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bố cố gắng vượt lên những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cố gắng cho đến lúc bố không thể đi được nữa!
Bố tôi làm cái nghề mà mọi người thường nói nó “bạc như vôi” – cái nghề lái xe. Bố đau nhưng bố vẫn phải lái xe, đầu óc bố không được thanh thản để mà dưỡng bệnh, lái xe đường dài căng thẳng lắm! Đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn.
Và cả những ngày thời tiết thay đổi, có những trưa hè nắng to nhiệt độ tới 30-40 độ C, hay những ngày mưa rả rích tháng 7, tháng 8, vẫn chiếc áo bay đã bạc màu, vẫn chiếc xe đạp phượng hoàng, có hôm vào bố phải đi từ 3h sáng… Rồi những ngày đông giá rét bố vẫn cố gắng đến hết sức mình.
Tôi luôn tự hào và hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hy sinh, chịu thương, chịu khó như vậy. Nhưng có phải đâu như vậy là xong. Mỗi ngày bố đi làm về, về đến nhà thì là lúc những cơn đau quằn quại lại trở về hành hạ bố. Nhìn khuôn mặt bố nhăn nhúm chịu đựng những cơn đau vật vã, tôi không biết làm gì để mà giúp bố giảm bớt nỗi đau đớn phải chịu đựng. Nhìn thấy bố như vậy, lòng tôi như quặn đau hơn gấp trăm ngàn lần. Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết mấy? Nếu làm được gì cho bố vào lúc ấy để bố được vui hơn, con sẽ làm tất cả, bố hãy nói cho con được không?
Những lúc ấy, tôi chỉ biết ôm bố, xoa dầu cho bố, vuốt ngực để bố vơi bớt đi cơn đau trong mình và có cái cảm giác ấm lòng khi có được sự chăm sóc của đứa con. Tôi chỉ muốn nói bố đừng đi làm nữa, tôi có thể nghỉ học, như vậy sẽ tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình, tôi có thể kiếm được tiền và chữa bệnh cho bố. Nhưng nếu nhắc đến điều đó chắc chắn là bố sẽ buồn và thất vọng ở tôi nhiều lắm.
Bố luôn nói rằng “Bố sẽ luôn làm, làm cho đến khi mười đầu ngón tay cụt hết bố cũng làm! Làm cho tới chút sức lực cuối cùng!”, để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành người. Bố rất quan tâm đến việc học của chúng tôi. Ngày xưa bố học rất giỏi nhưng nhà nghèo bố phải nghỉ học. Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo. Tôi phục bố lắm, bố đã chỉ cho tôi nhiều đạo lý – những điều mà mãi sau này tôi mới hiểu ra khi bước chân vào đời…
Tôi luôn biết ơn bố rất nhiều, bởi bố đã cho tôi hiểu được cái điều rất bình dị mà lại rất khó đó là cách làm NGƯỜI. Tôi sẽ luôn lấy những lời bố dạy để sống, lấy bố là gương sáng để noi theo. Và tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người giỏi giang, đứng đắn, kiên trì, chịu khó chịu khó, giàu đức hi sinh mà còn bởi cách sống lạc quan, vô tư của Người. Trong những ngày cuối đời, bố vẫn mang cái lồng chim ra để mà chăm chút cho nó. Mặc dù thời gian rảnh rỗi của bố còn lại rất ít nhưng bố vẫn chăm cho nó như là chính mình. Bố rất thích nuôi động vật. Bố còn nuôi thêm con mèo mướp, con mèo luôn gần bố những ngày cuối cùng của cuộc đời (Con mèo và con chim đó cũng theo bố tôi mà đi)! Tôi chưa bao giờ nghe bố nhắc đến cái chết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trốn tránh sự thật, bố luôn đối mặt với “tử thần”, bố luôn dành thời gian để có thể làm được tất cả mọi việc khi chưa quá muộn.
Nhưng cuộc đời bố bao giờ cũng đầy đau khổ, khi mà cả gia đình đã dần khá lên, thì bố lại bỏ anh em tôi, bỏ mẹ, bỏ gia đình này để ra đi về thế giới bên kia. Bố đã đi về một nơi rất xa mà không bao giờ chúng tôi có thể được nhìn lại dáng Người…
Giờ đây khi tôi vấp ngã, tôi sẽ phải tự đứng dậy và đi tiếp bằng đôi chân của mình, bởi bố đi xa, sẽ không còn ai nâng đỡ, che chở, động viên tôi nữa. Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình không? Sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố? Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, hãy yêu thương những người xung quanh mình hơn, và đặc biệt hãy quan tâm, chăm sóc cho đấng sinh thành, bỏ qua mọi giần hờn khi Người nóng giận và cất lời mắng mỏ, bởi đơn giản một điều bố mẹ luôn là người yêu thương nhất của chúng ta…
Bố ra đi, đi đến một thế giới khác, ở nơi đó bố sẽ không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi cuộc sống thương đau này… Và bố hãy an lòng, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã rọi đường cho con đi. Hình ảnh của bố sẽ luôn ấp ủ trong lòng con! Những kỷ niệm, những tình cảm bố dành cho con, con sẽ ôm ấp, trân trọng, nó như chính linh hồn của mình, bố ơi…