GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 120: CHÚNG CON VẪN NHỚ!
Câu hỏi: Đối với ông bà tổ tiên đã qua đời khi ra thăm mộ, con có nên trò chuyện hay xin họ ban ơn gì không? Con phải làm thế nào khi ra viếng mộ để hợp với tinh thần Kitô giáo?
Trả lời:
“Người chết nối linh thiêng vào đời”- bài nhạc Trịnh vang lên làm tôi nhớ đến những vị đã ra đi trước. Người xưa quan niệm “sinh ký tử quy” – cuộc đời này là tạm, cuộc sống mai sau mới là bến đỗ. Nhìn cung cách viếng mộ, ta thấy được thái độ hiếu kính với ông bà. Đó cũng là tâm tình tự nhiên, bình thường, quen thuộc của dân Việt hay kể cả trên thế giới và được coi như thái độ tất yếu trong nhiều tôn giáo. Các tín hữu tin rằng mối dây liên kết người đã khuất với chúng ta vẫn còn, vì Giáo hội thông công. Ông bà tổ tiên đã qua đời vẫn thuộc về Giáo hội dù chúng ta không còn thấy mặt các ngài theo cách hiện diện như trước đây.
Trò chuyện với người qua đời và gởi gắm xin họ chuyển cầu
Nội ngoại của tôi đã về với Chúa thấm thoát ba mươi năm. Kể từ lúc ông bà lìa xa gia đình, theo kinh nghiệm cá nhân, chúng tôi vẫn thấy gần gũi họ. Vì chúng tôi tin âm dương không cách biệt, trong lặng thinh ông bà vẫn nghe tiếng chúng tôi và mãi phù hộ cho con cháu. Cha mẹ tôi vẫn hay chia sẻ với ông bà dự tính trong công việc làm ăn, biến cố xảy ra cho nhà mình, cách nuôi dạy con cái, giao phó cho các vị những ước nguyện. Mộ ông bà gần bên, không cần phải nói, hàng ngày gia đình ra đọc hai ba kinh và chào ông bà mỗi khi đi ngang! Dần dần theo nếp ấy, tụi nhỏ không sợ ra mộ; cứ tới chơi, tìm đến tụ tập để kín múc chất liệu cần thiết cho cuộc sống.
Nếu đọc báo nghe đài, bạn sẽ bắt gặp nhiều thư “gởi người đã về nơi ấy”. Quả thật, những mong nhớ anh chị em khi họ đã rời xa khó lòng phai nhạt được. Trong bối cảnh ấy, tôi thiết nghĩ dù ra đi nhưng họ vẫn yêu nơi chốn cũ và vẫn nhớ những con người mà họ đã từng sống gắn bó, đồng hành. Vì vậy, họ có thể nghe lời tâm sự của chúng ta.
Tôi rất mừng vì bạn thực tâm, chân thành nhớ tới các linh hồn – đó là đạo làm con cháu đối với tổ tiên. Họ là những người chết trong ân sủng của Chúa nhưng chưa được thanh tẩy trọn vẹn, cần phải thanh tẩy – “tắm rửa” – thêm một thời gian cho sạch trước khi ra gặp “thượng khách” là Chúa. Tôi nghĩ bạn thao thức và ước mong cho ông bà mình được yên nghĩ trong nơi “mát mẻ, hạnh phúc” là điều phải lẽ.
Thử quan sát người Việt, dù Phật giáo, Công giáo hay bất cứ đạo nào, ai cũng có tâm thức thờ cúng ông bà tổ tiên, coi trọng việc đến viếng nghĩa trang để mộ phần của ông bà không bị bỏ quên trong lạnh lẽo. Thân bằng quyến thuộc của người đã khuất thường đến viếng mộ vào ngày giỗ, tết, tiết thanh minh. Họ quét dọn, đốt nhang, bày biện cúng bái, ở lại chơi một chập rồi mới về. Như có người ngâm nga: “Thế gian là chuyện đã rồi, cho lời kinh nguyện là tôi mát lòng”. Ấy cũng là trách nhiệm hiếu thảo của con cháu, làm người và làm con Chúa với bổn phận bác ái mà ta không thể lãnh đạm được!
Phải, lời cầu là “cái phao thiêng liêng” cho người về nơi chín suối. “Nếu chúng ta tin Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì cũng vậy, những người đã chết nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem họ đến làm một với Người” (1Tx 4,13-18). Người Công Giáo hòa nhập đạo Chúa với văn hóa dân tộc, biết nhìn ra ý nghĩa tôn giáo đằng sau cái chết. Chúng ta tin rằng ông bà tổ tiên vượt qua sự chết trong niềm tin để tiến tới sự sống cùng Đấng Phục Sinh. “Ta sẽ cho họ trỗi dậy trong ngày sau hết” (Ga 6,40). Giờ đây họ có thể đang được thanh tẩy khỏi tội lỗi, có một đời sống mới.
Liệu chúng ta có gặp lại ông bà không?
Người không tin vào Thiên Chúa thì cho rằng cái chết sẽ chấm dứt mọi thứ. Đối với người tin Chúa Kitô, “địa chỉ thường trú” của chúng ta trên Thiên Quốc. Qua hành trình đức tin ở trần gian, chúng ta sẽ về quê thật. Chúng ta trông cậy lòng Chúa thương xót tự muôn đời sẽ giải thoát con người trước đau đớn, phiền muộn đời này, đưa họ ra khỏi cảnh lầm than khốn khó mà về nơi họ đã phát xuất. Vì Chúa Giêsu đã nói: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (Ga 17,24).
Viếng mộ phù hợp tinh thần Kitô giáo
Từ thời Cựu ước, sách Macabê cho biết người ta hy vọng dù có chết thì cũng sẽ được sống lại để hưởng phúc vinh muôn đời. Trước đó, ông Gióp tiến đến cuộc gặp gỡ Thiên Chúa: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa” (G 19,25-26). Đó cũng là hy vọng tối hậu của chúng ta vào Đức Kitô.
Ngày 2-10-1964, Toà Thánh ban phép cho các Đấng Bản quyền Việt Nam được áp dụng huấn dụ Plane Compertum Est (ban hành ngày 8/12/1939) của Bộ Truyền Giáo liên quan đến việc tôn kính các tổ tiên trong nước. Do vậy, nếu ra viếng mộ, bạn có thể đem nhang theo phong tục. Việc thắp nhang trước linh cữu hay di ảnh của người quá cố không phải là việc “thờ phượng” dành cho con người nhưng là một nghĩa cử bày tỏ lòng kính trọng đối với tiền nhân. Hoặc bạn đem nến vì Đức Kitô là ánh sáng cứu độ và niềm hy vọng của con người; hoặc bạn rảy nước thánh, dâng lời nguyện tự phát cầu cho các linh hồn, kết hợp ăn chay, hãm mình và làm việc bác ái. Tất cả những nghĩa cử đẹp đó như nén hương lòng và tâm tình thảo kính với họ.
Lời Tiền Tụng cầu cho Tín hữu qua đời I trong Sách Lễ Rôma có viết về niềm tin vào sự sống lại trong Chúa Kitô:
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con. Nơi Người, niềm hy vọng sống lại vinh phúc đã chiếu toả trên chúng con, để những ai buồn sầu, vì số phận chắc chắn phải chết cũng được an ủi, vì Chúa đã hứa ban phúc trường sinh bất diệt sau này. Lạy Chúa, đối với các tín hữu, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời.
Cho nên, việc cầu nguyện cho các ngài hưởng kiến thiên nhan Chúa là món quà quý dành cho ông bà tổ tiên vì chúng ta có mối liên hệ mật thiết với họ mà!
Nhận ơn toàn xá để giúp đỡ các linh hồn
Bạn hãy lãnh nhận mọi ân xá từ kho tàng của Giáo hội để chuyển cho người thân, làm viêc Giáo hội dạy: xưng tội, rước lễ chính ngày lãnh đại xá, đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Tin Kính, giục lòng ăn năn,… Viếng mộ mọi ngày trong năm đều được ơn tiểu xá để cầu nguyện cho các linh hồn. Đặc biệt các ngày từ 1-8/11 hằng năm, các tín hữu được hưởng ơn đại xá, bạn hãy cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và nhường cho các linh hồn đang ngày đêm mong mỏi nhé. Họ cần lời cầu của ta vì giờ đây họ không thể “lập công chuộc tội” được nữa và còn đang thanh luyện. Làm như vậy để đưa họ trong đại dương lòng Chúa thương xót, dùng Máu Thánh của Chúa Giêsu làm dịu bớt ngọn lửa hồng đang thiêu đốt họ.
Thực ra, việc bạn nói chuyện với ông bà mình thì tốt, hoặc bạn có thể thinh lặng giây lát, trầm mặc để để tưởng nhớ đến các ngài. Họ đã cùng ta đi một quãng đường, chung chia vui buồn, sống hy sinh thầm lặng vì con cháu,… đó là cách giữ mối liên hệ với các vị ấy. Tình thương, mẫu gương, âm hưởng về đời sống, lời nhủ khuyên của họ vẫn còn đọng lại.
Thánh lễ nguyện cầu
Chúng tôi cho rằng không cần thực hành nghi lễ cúng kiến hay đốt vàng mã. Bổn đạo Công giáo có những hình thức dựa trên tập tục cổ truyền như 3 ngày sau khi ông bà mất thì đi thăm mộ, cầu kinh; sau 100 ngày: đọc kinh cầu lễ; hằng năm đến ngày giỗ thì xin lễ và cầu nguyện. Những dịp như vậy, con cháu họp nhau kể lại những những kỷ niệm xưa, câu chuyện về tiền nhân. Lẽ dĩ nhiên ngôn từ không bao giờ có thể nói được đầy đủ sự phong phú và vẻ đẹp của cuộc đời và những gì ông bà để lại. Họ từng là người vợ tận tụy trong gần mấy chục năm, ngần ấy từng là bạn thân thiết, là ông bà,… đã sống cuộc đời thật đặc sắc.
Mặc khác, sự liên đới với nhau qua cách phó thác họ trong bàn tay dịu hiền của Chúa là một việc nghĩa tốt đẹp. Bạn cứ hãy tiếp tục duy trì nhé!
Không những thế, khi bạn viếng mộ, bạn cũng đọc được nhiều thông điệp vì ông bà chúng ta đã thanh thản nhìn lên cao và nhận ra đường về Thượng Giới. Bạn sẽ khám phá ra chân lý, niềm hy vọng của bản thân ở đâu. Sự sống đời đời, ngày mai hậu bắt đầu từ việc chu toàn giây phút hiện tại, chỉnh lại cuộc sống của mình, “biết sống để chết!”, biết tìm Chúa là sự sống trường sinh. Vì ai ai cũng phải qua đoạn đường này. Mọi sự rồi sẽ qua đi. Các nấm mộ lặng yên dạy chúng ta rằng tất cả là phù vân,… ai mới thật dại khôn ở đời.
Ngoài ra, các vị đã ra đi trước ấy không thể tự cầu nguyện cho chính họ nhưng chúng ta cũng có thể nhờ ông bà đã khuất chuyển cầu cùng Chúa là Đấng nhân hậu từ bi cho chúng ta. Đừng quên chúng ta có sự liên đới giữa Hội Thánh khải hoàn, Hội Thánh đau khổ và Hội Thánh chiến đấu. Vì là tín điều các thánh thông công, nên thật tốt để chúng ta cầu nguyện cho những linh hồn đã khuất, sớm được hưởng nhan thánh Chúa.
Kết
Tóm lại, nhớ tới tổ tiên là phẩm chất đáng quý, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì môi trường gia tộc. Chúng ta tin giữa những người sống và đã khuất (các Thánh và các linh hồn) có mối liên hệ thâm tình. Tất nhiên, chính lòng yêu mến và tin tưởng vào Chúa của ông bà đã để lại một gương mẫu không phai nhòa. Họ từng là tín hữu Công giáo. Đức tin và sự khao khát vô biên dành cho Chúa Giêsu Thánh Thể là trung tâm cuộc đời họ. Xin Chúa, Đấng họ trông cậy, đón họ vào ngôi nhà đời đời với bình an và niềm vui bất tận!
Chắc hẳn bạn sẽ thu xếp công việc để làm nghĩa cử đẹp là ra viếng mộ hoặc nhà chờ Phục sinh! Xin chúc bạn có niềm hy vọng vào cuộc đời mai ngày như là dưỡng chất cho tâm hồn và là ánh sáng soi chiếu cho giải pháp trong cuộc sống của bạn hiện tại. Mong bạn rủ bạn bè mình dành thời giờ và sự quan tâm cho các linh hồn. Và rồi họ sẽ tăng cường niềm tin cho chúng ta trên hành trình dương thế này!
Chào bạn.
Phương An, CND – CSA
Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 6, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)