GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 117: NGƯỜI CÔNG GIÁO LÀM TỪ THIỆN
Câu hỏi: Tại sao con thấy người Công giáo ít khi làm từ thiện?
Trả lời:
Trước khi giải đáp điều bạn thắc mắc, chúng tôi muốn mời bạn cùng với chúng tôi tìm hiểu về các hoạt động bác ái của người Công giáo, cũng như bổn phận thực thi bác ái của người Công giáo chúng ta nhé.
Về mặt từ ngữ, “từ thiện” và “bác ái” có vẻ giống nhau về hành động, nhưng khác nhau về ý nghĩa. “Từ thiện” là lòng thương người, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó theo lẽ tự nhiên của tình người. “Bác ái” là tình yêu cao cả, rộng khắp và có động lực siêu nhiên bắt nguồn từ Thiên Chúa. Bác ái chính là nhân đức cao trọng nhất trong đạo Công giáo chúng ta.
Bạn thân mến, có lẽ nơi cộng đoàn giáo xứ của bạn, việc bác ái – từ thiện chưa được quan tâm lắm, nhưng ở nhiều nơi nhiều xứ, không ít người vẫn làm một cách rất quảng đại. Họ thực hiện một cách âm thầm theo như lời Chúa dạy: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy… đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen…Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm.” (Mt 6,1-3). Bởi vậy thật khó có thể cân, đo, đong, đếm được các việc bác ái của người Công giáo.
Ngoài những việc làm mang tính cá nhân, những việc làm mang tính tập thể và có tổ chức[1] thì dễ nhận biết hơn. Chúng ta có thể thấy các hội đoàn trong các giáo xứ hằng năm vẫn thường vẫn tổ chức những chuyến từ thiện, hoặc cho những người nghèo khổ chung quanh, hoặc đi đến những nơi vùng sâu vùng xa, những nơi còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Chúng ta cũng có thể thấy, hoặc nghe nói đến rất nhiều những nhóm thiện nguyện bảo vệ sự sống, trong đó có việc thu gom xác thai nhi bị cha mẹ giết và vứt bỏ, để chôn cất…
Nhìn xa trông rộng hơn, chúng ta sẽ thấy Đạo Công giáo có cả mạng lưới lớn mang tên Caritas, hiện đang hoạt động tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới[2]. Tại Việt Nam, tổ chức Caritas hiện đang hoạt động trên 27 Giáo phận. Trong mỗi Giáo phận, mạng lưới này được triển khai đến giáo hạt, giáo xứ. Nhiệm vụ của hội là phục vụ con người, đặc biệt là những người nghèo vật chất lẫn tinh thần, người bị bỏ rơi, hoặc bị gạt ra bên lề xã hội.
Chúng ta cũng có thể kể đến nhiều cộng đoàn tu sĩ nam nữ, vẫn luôn âm thầm thực thi bác ái một cách không mệt mỏi, trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Chúng tôi không thể kể lể dài dòng những công tác bác ái của các dòng tu trên thế giới trong suốt dòng lịch sử, chỉ xin đơn cử một Hội dòng rất gần gũi với chúng ta là dòng của thánh Têrêsa Calcutta, một hội dòng được lập ra với mục đích chăm sóc người đói khát, trần truồng, kẻ không nhà, người tàn tật, người mù, người phong cùi và bất cứ ai bị ruồng bỏ trong xã hội. Ngay tại thời điểm Mẹ Têrêsa từ trần (năm 1997), dòng tu của mẹ có hơn 4.000 nữ tu, với sự hỗ trợ của 300 tu sĩ, và hơn 100.000 người tình nguyện. Họ điều hành 610 cơ sở từ thiện tại 123 nước trên thế giới[3]. Thật là một điều phi thường phải không bạn?
Tại Việt Nam, các dòng tu Công giáo cũng đã thiết lập và phục vụ nhiều cơ sở bác ái như: trại phong Di Linh (Lâm Đồng), bệnh viện phong Chí Linh (Hải Dương), viện phong Quảng Yên (Quảng Ninh), bệnh viện phong Da liễu Quy Hòa (Bình Định)… Các mái ấm dành cho bệnh nhân HIV/AIDS như Trung tâm Mai Hoa, Mái ấm Mai Tâm (Tp. Hồ Chí Minh)… Các mái ấm dành cho người già neo đơn như Mái ấm Thiên Ân (Thủ Đức, tp. HCM), Viện dưỡng lão Suối Tiên (Đồng Nai)… Ngoài ra còn có các mái ấm cho các trẻ em mồ côi, các mái ấm dành cho những cô gái lỡ làng cần nơi nương tựa để sinh con… Cũng phải kể đến các phòng chẩn trị y học cổ truyền vật lý trị liệu của Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa, phục vụ chăm sóc bệnh nhân nghèo, hiện đang hoạt động tại 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Quảng Nam.
PGS.TS Nguyễn Phú Lợi, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong một bài viết đăng trên Báo Mặt Trận, đã có những ghi nhận khách quan về công tác xã hội của người Công giáo như sau:
Về giáo dục, người Công giáo hiện nay có 1548 cơ sở (nhà trẻ, mẫu giáo, lớp tình thương) hướng tới những đối tượng là người nghèo, người khuyết tật và tâm thần; trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi, trẻ tự kỷ… không phân biệt tôn giáo. Trong số 12 trường dạy nghề của các tôn giáo trên cả nước, thì Công giáo đảm nhận 11 trường, đối tượng đào tạo không phân biệt tôn giáo, ưu tiên cho những em nghèo, mồ côi, người dân tộc.
Về y tế, người Công giáo có 144 trạm xá, phòng khám từ thiện và 56 cơ sở trợ giúp xã hội đã được nhà nước cấp giấy phép hoạt động, tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi, người tâm thần, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, người khuyết tật, và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác.
Về từ thiện xã hội, người Công giáo có 635 cơ sở hoạt động từ thiện xã hội, bảo trợ xã hội. Riêng tổ chức Caritas, trong năm 2018, đã hỗ trợ gạo và các phần ăn cho hơn 10.400 người nghèo; tặng quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng hơn 260 nhà tình thương; xây dựng quỹ tín dụng tiết kiệm học đường hỗ trợ các gia đình người dân tộc thiểu số có con em đi học, tổ chức 263 lớp tập huấn cho bệnh nhân HIV/AIDS, giúp họ hòa nhập cộng đồng…
Ngoài ra, nhiều giáo xứ tích cực mở các lớp học tình thương, dạy chữ, dạy nghề cho trẻ mồ côi, trẻ đường phố, trẻ dân tộc thiểu số, hình thành tổ chức khuyến học, tổ chức “chương trình tiếp sức mùa thi”; xây dựng tủ thuốc bác ái, mua bảo hiểm y tế, khám bệnh phát thuốc cho những bệnh nhân nghèo không phân biệt tôn giáo; liên kết với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo[4]…
Như vậy, chúng ta có thể thấy người Công giáo không chỉ làm từ thiện một cách hời hợt, nhỏ lẻ, tùy hứng, nhưng bền bỉ và trải rộng trên nhiều lĩnh vực; không chỉ hỗ trợ vật chất nhưng còn làm cho tinh thần của những người kém may mắn được củng cố nhờ tình yêu thương, giúp họ phát triển con người toàn diện có nhân bản và nhân phẩm đáng được tôn trọng.
Trong nhiều trường hợp, người Công giáo có thể hy sinh tính mạng để cứu giúp người khác. Thời Trung cổ có các dòng tu được lập ra với mục đích để giải phóng nô lệ: các tu sĩ có thể tình nguyện hy sinh bản thân mình để chuộc các người bị bắt làm nô lệ, như các tu sĩ Dòng Chúa Ba Ngôi và Dòng Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi. Thời hiện đại chúng ta có những tấm gương tiêu biểu như thánh Maximilianô Maria Kolbê, khi ở trong trại tập trung của Đức Quốc Xã, đã xin chịu xử tử thay cho một người bạn tù, lý do là vì anh ta còn có vợ và bầy con thơ dại. Hay như gương của Đức cha Jean Cassaigne, người đã quy tụ những người bệnh nhân phong cùi và thành lập Trại Phong Di Linh, sống giữa họ, phục vụ họ và cuối cùng chết vì bệnh phong cùi như họ…
Nếu bạn thắc mắc do đâu mà các vị ấy có những nghĩa cử bác ái phi thường như thế, thì câu trả lời cho bạn là: từ tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài; Chúa Con đã xuống thế làm người, thi ân giáng phúc cho con người và còn hy sinh cả mạng sống để cứu chuộc nhân loại. Vì thế, Chúa muốn hết thảy mọi người sống yêu thương nhau. Tình yêu thương ấy phải được cụ thể hóa bằng những hành động từ thiện: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm kẻ bệnh tật, tù tội, cho khách trọ nhà, chôn xác kẻ chết… Chưa hết, nghĩa vụ của chúng ta là phải bác ái với cả linh hồn người ta: Lấy lời lành khuyên người, thức tỉnh kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha thứ cho kẻ thù và kẻ khinh dể ta, nhịn kẻ làm phiền lòng ta, cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết (x. Kinh 14 mối).
Bạn thân mến,
Nếu bản thân chúng ta hay cộng đoàn nơi chúng ta sinh sống còn ít thực thi bác ái, có nghĩa là chúng ta chưa sống đúng với ơn gọi của người Kitô hữu. Bởi vì, theo như thánh Gioan phân tích: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).
Mong rằng trong Cuộc Phán Xét chung, chúng ta sẽ được nghe Chúa Giêsu nói với chúng ta những lời thật dịu dàng:
“…Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa: Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.… Ta bảo thật: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là làm cho chính Ta vậy”. (Mt 25,31-46).
—–
Vậy, để thực thi bác ái cách tích cực hơn, chúng ta hãy cầu nguyện và quyết tâm thực hành theo như thánh Phanxicô trong lời Kinh Hòa Bình mà có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng nghe qua:
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa; để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm; để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng; để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa, xin hãy dạy con: tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Văn Nghĩa, CRM
Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 6, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)
Đọc thêm những câu hỏi đã được trả lời:
[1] Chúng tôi phải lưu ý rằng tuy âm thầm, nhưng các công việc bác ái của người Công giáo cũng minh bạch liên quan đến giấy tờ, tiền bạc và có những kiểm tra qua lại với nhau. Mục đích là để mỗi người tự do trước cám dỗ của tiền bạc, để làm việc bác ái bằng cái tâm và cái tầm.
[2] Đọc thêm: Phúc Âm hóa bằng những công việc bác ái, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/phuc-am-hoa-bang-nhung-cong-viec-bac-ai-42110
[3] Con số hiện tại có thể lớn hơn, tiếc là chúng tôi chưa có số liệu cụ thể.
[4] X. https://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/vai-tro-cua-nguoi-cong-giao-tham-gia-vao-cong-tac-xa-hoi-tren-linh-vuc-giao-duc-y-te-va-bao-tro-xa-hoi-tu-thien-nhan-dao-38013.html