GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 113: GẶP CHÚA MỖI NGÀY
Câu hỏi: Việc đọc kinh, cầu nguyện hằng ngày thường chẳng thú vị với người trẻ nữa. Không biết những điều đó có giúp người trẻ gần gũi Thiên Chúa không?
Trả lời:
Bạn thân mến,
Trong câu hỏi của bạn nêu ra có 4 từ khóa: đọc kinh, cầu nguyện, người trẻ, Thiên Chúa. Câu trả lời của tôi cũng sẽ xoay quanh những từ khóa này.
Trước hết, chúng ta cần phân biệt giữa đọc kinh và cầu nguyện. Cầu nguyện là việc trò chuyện với Thiên Chúa, tức là chăm chú lắng nghe tiếng Chúa và thưa lên cùng Chúa những tâm tư tình cảm của mình. Có nhiều hình thức cầu nguyện khác nhau: thinh lặng đặt mình hiện diện trước mặt Chúa; suy niệm một đoạn Lời Chúa hay đoạn sách thiêng liêng nào đó; dâng lên Chúa tâm tình tạ lỗi, tạ ơn, xin ơn; hoặc là đọc theo lời kinh được Giáo hội soạn sẵn phù hợp với ý nguyện của mình… Như vậy, đọc kinh chỉ là một trong số những hình thức cầu nguyện mà thôi.
Khi chúng ta không biết cầu nguyện như thế nào hoặc là không quen với việc cầu nguyện thì các lời kinh trở nên rất hữu ích. Kinh nguyện là lời Mẹ Giáo hội dạy đứa con nhỏ bập bẹ nói theo khi trò chuyện cùng Thiên Chúa là Cha. Ví dụ, khi các tông đồ muốn học cách cầu nguyện, Chúa Giêsu đã dạy họ cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha. Hay như trong phần đầu Kinh Kính Mừng chúng ta mượn lời sứ thần Gabriel và bà Elisabeth để ca tụng Đức Mẹ, còn phần sau của kinh chính là lời xin Đức Mẹ cầu bầu và gìn giữ chúng ta từ lúc này cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Tương tự, kinh Sáng Danh chính là lời tuyên xưng và tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Còn rất rất nhiều kinh nguyện khác nữa có thể giúp chúng ta diễn tả tâm tình đối con thảo với Thiên Chúa cách dễ dàng hơn.
Bạn cho rằng việc đọc kinh, cầu nguyện hằng ngày chẳng mấy thú vị với người trẻ. Nói như thế tức là ngầm hiểu rằng việc đọc kinh cầu nguyện chỉ thích hợp với những người lớn tuổi. Chúng ta thường mặc định rằng người lớn tuổi có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. Họ không thao thức lo lắng sự đời nhiều như người trẻ. Họ cũng chẳng bận rộn công việc và các mối quan hệ xã hội nhiều như người trẻ. Do vậy họ có thể dành nhiều thời giờ hơn cho việc đọc kinh cầu nguyện. Xin thưa rằng điều đó đúng nhưng chưa đủ. Gốc rễ của vấn đề không phải là thời gian nhiều hay ít, già hay trẻ, bận rộn hay thảnh thơi, mà là chúng ta đặt Chúa ở vị trí nào trong cuộc đời mình.
Một công việc chỉ thú vị khi chúng ta thấy nó có ý nghĩa. Việc đọc kinh cầu nguyện cũng thế. Người già là những người đã từng trải qua tuổi trẻ. Kinh nghiệm dày dặn giúp họ nhận ra đức tin chính là tài sản lớn nhất trong cuộc đời này chứ không phải là tiền bạc, công việc hay các mối tương quan xã hội. Họ biết rằng không có gì quan trọng hơn việc ca tụng Chúa qua các lời kinh nguyện. Không phải ngẫu nhiên mà người già nhận ra giá trị của kinh nguyện. Chắc hẳn họ đã học được bài học kinh nghiệm từ tuổi trẻ mải mê tìm kiếm những điều mà người trẻ ngày nay đang kiếm tìm. Đến một độ tuổi nhất định, họ chợt nhận ra mọi thứ đều qua đi theo thời gian, chỉ có tương quan với Chúa là vững bền mãi mãi.
Thật vậy, cuộc sống bận rộn khiến người trẻ quên lãng Chúa hoặc là không còn đặt Chúa làm trung tâm cuộc đời mình nữa. Nếu không ý thức về mối tương quan với Chúa, chắc chắn người trẻ sẽ không thấy giá trị và ý nghĩa của việc đọc kinh cầu nguyện. Người trẻ cần học hỏi từ ông bà cha mẹ mình cách sống mối tương quan với Thiên Chúa trong nhịp sống hàng ngày. Do đó, thay vì đặt vấn đề về việc đọc kinh cầu nguyện, người trẻ hãy đặt vấn đề về đời sống đức tin của mình, xét xem mình cần đến Chúa như thế nào.
Theo quan sát của tôi, dù các bạn trẻ ít đọc kinh và cũng ít thuộc kinh nhưng thực ra các bạn lại rất thường xuyên cầu nguyện. Việc cầu nguyện của các bạn trẻ không chỉ được tính vào những lúc đến nhà thờ hay là ngồi trước tượng ảnh Chúa và Đức Mẹ mà còn nhiều hơn thế nữa. Có những lúc các bạn thốt lên tự đáy lòng lời tạ ơn Chúa vì một ơn lành nào đó mới vừa nhận được. Có những lúc các bạn hướng lòng lên Chúa xin Người giúp vượt qua khó khăn trước mắt. Cả những lúc các bạn trách mắng Chúa vì quá nhiều tai họa đổ xuống trên gia đình và người thân. Hoặc những lúc các bạn ăn năn hối hận xin Chúa thứ tha vì mình đã lỡ phạm một tội lỗi nào đó. Cũng có những lúc các bạn cầu xin cho người khác vì biết rằng họ cần được ơn Chúa nâng đỡ… Những phút giây kết nối gần gũi với Chúa như thế đã dệt nên lời cầu nguyện rất chân thành và sâu lắng của các bạn trẻ.
Như vậy, các bạn trẻ cần đến việc cầu nguyện và đã thường xuyên cầu nguyện, nhưng chính các bạn lại không để ý. Vấn đề chỉ là cách cầu nguyện của các bạn không bị giới hạn trong những lời kinh truyền thống mà thôi. Có thể các bạn chưa biết đấy thôi chứ có nhiều lời kinh soạn sẵn rất phù hợp với tâm tình của các bạn trong những hoàn cảnh sống khác nhau. Ví dụ, những lúc muốn tạ ơn Chúa thì các bạn có thể đọc Kinh Cám Ơn. Đầu ngày thì đọc Kinh Ban Mai hoặc Kinh Dâng Ngày. Lúc hối lỗi với Chúa thì đọc Kinh Ăn Năn Tội hoặc Kinh Thú Nhận. Khi cần xin ơn soi sáng thì đọc Kinh Sáng Soi. Lúc gian nan đau khổ thì đọc Kinh Vực Sâu. Ngoài ra có rất nhiều kinh cầu với Đức Mẹ, thánh Giuse và các thánh… Nói chung tùy theo thói quen, sở thích và hoàn cảnh mà các bạn có thể lựa chọn hình thức cầu nguyện phù hợp nhất với mình. Lời cầu nguyện có thể được diễn tả bằng chính ngôn ngữ của các bạn. Hoặc các bạn có thể mượn ngôn ngữ của lời kinh để diễn tả tâm tình của mình. Cách nào cũng đều có giá trị trước mặt Chúa cả, miễn là phát xuất từ tấm lòng đơn sơ chân thành của các bạn.
Tất nhiên để các giờ kinh nguyện trở nên phù hợp và hấp dẫn hơn với người trẻ hiện nay thì cũng cần có những điều chỉnh phù hợp. Ông bà mình ngày xưa ít tiếp xúc với Kinh Thánh nên phải dùng nhiều lời kinh soạn sẵn. Nội dung các lời kinh đó cũng dựa trên Kinh Thánh nhưng được diễn giải bằng ngôn từ đơn giản và gần gũi hơn. Giới trẻ ngày nay thì khác, các bạn được học hỏi nhiều về giáo lý, có thể tự tìm đọc, học hỏi và suy niệm Lời Chúa. Do đó, thay vì chỉ lặp lại những lời kinh truyền thống thì nên có thêm phần đọc và suy niệm lời Chúa. Nếu cần thì có thể chèn thêm những giây phút thinh lặng để từng người có thể lắng nghe tiếng Chúa nói trong thẳm sâu tâm hồn mình.
Thứ đến là vai trò của người lớn trong gia đình. Thú thật là nhiều khi các bạn trẻ chỉ đọc kinh vì bị “bắt ép”. Người lớn không thể “bắt ép” con cháu mình đọc kinh nếu chính họ không làm gương sáng trước. Như tôi đã nói, người lớn là những người đã trải qua kinh nghiệm tuổi trẻ, hiểu được giá trị của kinh nguyện trong việc nuôi dưỡng mối tương quan với Thiên Chúa. Do vậy người lớn cần truyền đạt cho người trẻ hiểu được điều này bằng chính đời sống chứng nhân đức tin của họ. Để làm được điều đó, kinh nguyện cần phải trổ sinh hoa trái qua các nhân đức cụ thể, như yêu thương, tha thứ, hy sinh, phục vụ lẫn nhau. Nếu miệng đọc kinh lớn tiếng mà cũng chửi người khác to tiếng không kém thì kinh nguyện chẳng mang lại ích lợi gì. Hoặc như đôi bàn tay lần hạt cũng chính là bàn tay hãm hại người khác thì hóa ra chỉ là đạo đức giả hình. Nói chung, để con trẻ nhận ra sự hấp dẫn của việc đọc kinh cầu nguyện, chính người lớn phải cho thấy việc đọc kinh cầu nguyện đã làm biến đổi cuộc sống họ trở nên tốt lành và thánh thiện hơn mỗi ngày như thế nào.
Cuối cùng, điều không kém phần quan trọng chính là tạo lập thói quen đọc kinh cầu nguyện. Nếu chưa có được lòng yêu mến việc đọc kinh thì nên bắt đầu bằng việc tạo thói quen. Việc đạo đức nào cũng vậy, nếu không duy trì thói quen thì khó có được tâm tình yêu mến. Nếu không đi lễ thường xuyên thì nhà thờ trở thành nơi xa lạ. Nếu không đọc kinh thường xuyên thì lời kinh trở nên khô khan, nhàm chán. Tôi biết có nhiều người lần hạt Mân Côi hằng ngày chỉ vì đó là thói quen từ bé, bỏ đi thấy thiếu thiếu. Phải thú nhận rằng không dễ dàng gì để hình thành một thói quen mới, vì nó đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm cao. Thế nhưng nếu người trẻ đã có được thói quen đọc kinh cầu nguyện rồi thì chắc chắn họ sẽ thấy việc này không khó khăn hay kém hấp dẫn như họ từng nghĩ. Cũng có người có thói quen nhưng không có tâm tình khi đọc kinh cầu nguyện. Lòng yêu mến Chúa là một ơn, chúng ta cần phải xin Chúa ban. Nếu bạn chưa có lòng yêu mến thì hãy tha thiết nài xin ơn biết yêu mến Chúa, đặc biệt là qua việc đọc kinh cầu nguyện hàng ngày.
Với những chia sẻ trên đây tôi hy vọng giúp bạn hiểu hơn về ý nghĩa của việc đọc kinh cầu nguyện. Theo đó, kinh nguyện là một phương tiện rất hữu ích giúp người trẻ gần gũi hơn với Thiên Chúa. Nếu bạn được nung nấu tâm tình sốt sắng qua từng lời kinh nguyện, bạn sẽ nhận ra chúng rất gần gũi với những cung bậc cảm xúc hằng ngày của bạn. Sẽ rất thú vị nếu bạn có thể bày tỏ tâm tư tình cảm của mình với Chúa một cách tự nhiên và dễ dàng hơn qua những lời kinh nguyện.
Giuse Lê Đắc Thắng, SJ
Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 6, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)