GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 109: LUẬT TỰ NHIÊN VÀ THIÊN LUẬT
Câu hỏi: Tại sao “hôn nhân đồng tính” không phải là hôn nhân theo luật tự nhiên của con người?
Trả lời:
Chào bạn,
Như chúng ta đã biết, hôn nhân gia đình chính là nền tảng cho sự sống còn của nhân loại trong thế giới này. Đây là giao ước tình yêu của một người nam và một người nữ dành cho nhau. Điều này không phải là một sự xác định chỉ có giá trị ở thời điểm hôm nay, nhưng nó đã trải dài theo dòng lịch sử của sự sống nhân loại. Hôn nhân này là nền tảng để duy trì nòi giống và sự phát triển của con người. Vì thế, nó là một giá trị căn bản cho đời sống nhân loại ở trong bất kỳ thời đại và nơi chốn nào.
Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ, rồi Ngài tác hợp họ nên một, để họ gắn kết và thuộc về nhau: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” (St 2,24). Đồng thời, Thiên Chúa còn mời gọi họ cộng tác vào công trình tạo dựng của Ngài, khi làm cho đời sống hôn nhân được triển nở và tiếp tục trên mặt đất này: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất” (St 1,28). Như vậy, hôn nhân được khởi sinh từ ý định khôn ngoan và đầy yêu thương của Thiên Chúa, nhằm kết hợp một người nam và một người nữ nên một, để họ hỗ tương cho nhau trong đời sống, cũng như tiếp tục công trình sáng tạo và thánh hóa của Thiên Chúa trong việc truyền sinh.
Chúa Giêsu cũng khẳng định bản chất của hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, khi Ngài nói: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mt 19,4-5). Đây là một kết ước thánh thiêng giữa một người nam và một người nữ để làm triển nở tình yêu mà họ dành cho nhau trong đời sống vợ chồng. Hôn nhân đó thuộc về bản chất tự nhiên đã được Thiên Chúa đặt để nơi con người, nhờ đó, họ đến với nhau bằng tình yêu thương, hỗ tương cho nhau trong đời sống vợ chồng, và duy trì nòi giống trong việc tương quan tính dục và truyền sinh.
Giáo Hội trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes số 50 cũng tái khẳng định: “Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản tính, quy hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái”. Điều đó cho thấy hôn nhân không chỉ dừng lại ở tình yêu, nhưng tình yêu đó phải được tiếp tục trao ban trong hành vi vợ chồng, trong việc sinh sản và giáo dục con cái của đôi bạn. Bao lâu tình yêu chỉ đóng kín trong việc thỏa mãn tình dục, nó chỉ còn là một nhu cầu khỏa lấp dục vọng nơi bản tính con người. Tình yêu hôn nhân tự bản chất phải hướng đến việc trao hiến cho nhau cách tự nguyện, để từ đó hướng đến việc truyền sinh trong đời sống gia đình.
Như thế, theo đức tin và Giáo huấn của Giáo hội Công giáo chúng ta, thì hôn nhân gia đình cách đích thực chính là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Sự kết hợp này không chỉ nằm ở sự đồng thuận của hai người, hay là ở việc chứng nhận của pháp lý, nhưng trên hết: “Chính Thiên Chúa là tác giả của cuộc hôn nhân; Ngài đã ban cho hôn nhân những ơn ích và mục tiêu khác nhau”[1]. Hôn nhân như thế mặc lấy những giá trị của tự nhiên và mang lấy cả những ý nghĩa của siêu nhiên một cách thánh thiêng. Cùng với đó, hôn nhân gia đình chính là cái nôi của sự sống, nhờ việc truyền sinh và giáo dục con cái. Điều này cũng được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Christifideles Laici nói tới: “Gia đình là chiếc nôi của sự sống và tình yêu”.
Tuy nhiên, khi đối diện với điều này, có nhiều ý kiến đưa ra là các cặp “hôn nhân đồng tính”[2] có thể xin con nuôi, hoặc sinh sản nhân tạo, hay mang thai hộ…. Mục đích của họ là sẽ làm mọi cách để có con. Và điều này cũng đang xảy ra nơi các cặp “hôn nhân đồng tính” ngày nay. Nhưng khi nhìn vào điều đó, chúng ta phải xác tín rằng, một trong những yếu tố quan trọng của hôn nhân không phải là tìm mọi phương thế để có con, nhưng con cái phải là kết quả của tình yêu thương vợ chồng dành cho nhau. Con cái không phải là kết quả do một cuộc nghiên cứu khoa học tạo nên, cũng không phải là sản phẩm của giới y khoa. Con người là một nhân vị, một quà tặng thánh thiêng, nên dù bé nhỏ thế nào chăng nữa, thì cũng phải được sinh ra và lớn lên trong tình thương cha mẹ một cách trọn vẹn.
Dù với lý do nào chăng nữa, thì chỉ trong hôn nhân giữa một người nam và một người nữ mới thực sự là hôn nhân theo luật tự nhiên. Hôn nhân này đã được Thiên Chúa đặt để trong bản tính của con người, nhằm hướng đến sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ trong tình yêu gia đình. Từ đó, trong tình yêu trao hiến vợ chồng sẽ nảy sinh một sự sống mới để duy trì sự sống cho nhân loại trên thế giới này.
Từ những điều đó, chúng ta thấy rằng, “hôn nhân đồng tính” giữa hai người nam hoặc hai người nữ với nhau, không phải là một khế ước hôn nhân đích thực. Đó cũng không phải là hôn nhân theo luật tự nhiên của con người, và theo như ý định của Thiên Chúa. Kiểu “hôn nhân” này trái ngược với bản chất của hôn nhân gia đình mà chúng ta đã nói ở trên. Nó không đưa đến một trong những mục đích của hôn nhân là duy trì sự sống con người trong việc sinh sản và giáo dục con cái. “Hôn nhân đồng tính” chỉ dừng lại ở những thỏa mãn của cảm xúc tính dục chứ không thể mở ra cho một sự sống mới.
Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 6, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)
Linh mục Phêrô Dương Hải Văn, SDB
[1] Học thuyết Xã hội Công giáo, số 215
[2] Hiện tại Việt Nam, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. (19/6/2014, Luật Hôn nhân và Gia đình)