GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 102: ẤP Ủ ƠN GỌI
Hỏi: Làm sao để ấp ủ và nuôi dưỡng ơn gọi hiến dâng?
Trả lời:
Bạn thân mến,
Trước hết tôi chúc mừng bạn vì bạn đã có ơn gọi hiến dâng để mà ấp ủ và nuôi dưỡng!
Sự thật là nhiều bạn trẻ Công giáo chẳng bao giờ mảy may nghĩ về ơn gọi hiến dâng. Nếu được hỏi đến thì họ sẽ buông câu trả lời rất chắc nịch: “Không là không!” Điều ấy rất bình thường, chứng tỏ các bạn đó đang ấp ủ và nuôi dưỡng ơn gọi khác!
Riêng ơn gọi dâng hiến là một ơn gọi đặc biệt, bởi vì không nhiều người được Chúa mời gọi sống đời dâng hiến. Nếu bạn cảm thấy mình được mời gọi sống đời tu theo linh đạo nào đó và bởi một lý do nào đó, dù chưa thực sự rõ ràng, thì đó cũng đã là điều rất tuyệt vời rồi.
Bạn thân mến, câu hỏi của bạn đã làm nổi bật một yếu tố rất quan trọng trong ơn gọi hiến dâng: nó cần phải được ấp ủ và nuôi dưỡng. Thật vậy, ơn gọi hiến dâng tương tự như hạt giống được gieo vào lòng đất, nó cần nhiều điều kiện phù hợp về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và chất dinh dưỡng để có nảy mầm và phát triển lớn mạnh. Là một người đang “manh nha” ý định sống đời tu, chắc hẳn bạn rất thao thức về những điều kiện đó trong cuộc đời mình. Theo đó, có những yếu tố tự bản thân bạn phải đầu tư xây dựng, nhưng cũng có những yếu tố khác được hỗ trợ từ môi trường bên ngoài. Tôi nêu ra ở đây một vài yếu tố để bạn suy xét xem chúng có liên hệ như thế nào với trường hợp của mình nhé.
- Ý hướng đúng đắn
Một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp người ta sống trọn vẹn đời dâng hiến chính là ý hướng đúng đắn. Trong bất cứ cuộc hành trình nào, trước hết bạn phải xác định đích đến rồi sau đó mới tính đến chuyện lựa chọn lộ trình phù hợp. Hành trình đời tu cũng tương tự như thế, bạn phải ý thức rõ mình đang đi đâu và muốn tìm gì thì bạn mới có thể tu được.
Lấy ví dụ, nếu một người muốn đi tu với hy vọng được bảo đảm lợi ích vật chất hay danh dự cho bản thân và gia đình thì họ đã xác định sai mục đích ngay từ đầu. Dù họ có tìm mọi cách nuôi dưỡng hay ấp ủ thì cũng chẳng bao giờ tu “thành” được, bởi vì đời tu đích thực sẽ không bao giờ dẫn tới những giá trị ấy. Do vậy trước khi bàn về vấn đề ấp ủ và nuôi dưỡng ơn gọi dâng hiến thì bạn hãy tự hỏi lòng mình rằng ơn gọi đó sẽ dẫn bạn đi đến đâu. Hay nói cách khác, bạn mong muốn tìm được điều gì trong đời tu?
Bạn đừng quá lo lắng hay vội vàng bỏ cuộc nếu thấy mình không có ý hướng đúng đắn 100% khi ao ước sống đời tu. Có thể động lực đời tu của bạn vẫn còn pha lẫn đôi chút giá trị lệch lạc. Bạn nghĩ rằng các cha, các thầy hay các sơ sống sung sướng, không phải lo cơm áo gạo tiền, cũng chẳng phải bận tâm chuyện vợ chồng con cái. Những điều như thế thu hút bạn đến với đời tu là chuyện bình thường. Thế nhưng, bạn nên hiểu rằng đó vẫn chưa phải là hình ảnh đầy đủ và đúng đắn về đời tu.
Tuy nhiên, dù ý hướng tinh tuyền rất quan trọng và cần thiết nhưng nó không phải là đòi hỏi tuyệt đối để một người có thể bước vào sống đời tu. Ý hướng lệch lạc của bạn vẫn được chấp nhận, miễn là bạn sẵn sàng để ý hướng ấy được thanh luyện trong thời gian sống trong nhà dòng hay chủng viện. Việc thanh luyện ý hướng không phải là chuyện một sớm một chiều, có khi phải kéo dài suốt cả một đời.
Bạn yên tâm, trong mỗi hội dòng hay chủng viện đều có những người giàu kinh nghiệm phụ trách việc huấn luyện. Họ sẵn sàng lắng nghe, đồng hành và giúp bạn nhận ra động lực đúng đắn nhất để tiếp tục dấn thân trong đời tu. Cũng có nhiều người không vượt qua được quá trình thanh luyện ý hướng. Họ bước vào đời tu với một hình ảnh lệch lạc về đời sống này. Khi va chạm với thực tế thì họ vỡ mộng, không thể tiếp tục sống ơn gọi dâng hiến được nữa. Ví dụ như có người nghĩ rằng khi trở thành tu sĩ rồi thì đời sống sẽ an nhàn, không phải bận tâm suy nghĩ nhiều, lại đỡ vất vả việc tay chân. Tuy nhiên, khi phải làm việc vất vả vì công việc của nhà dòng thì họ không chấp nhận được, đành phải từ bỏ đời tu.
- Tâm tình tạ ơn
Ơn gọi hiến dâng là một đời sống được xây dựng trên niềm vui. Niềm vui ở đây không chỉ là những giây phút hân hoan trong ngày khấn dòng hay chịu chức thánh. Những cái đó sẽ đến và cũng sẽ qua đi rất nhanh, nhưng chúng không làm nên giá trị cốt lõi của đời tu. Nền tảng của đời tu phải là niềm vui tạ ơn. Người tu sĩ vui mừng khi nhận ra Chúa quá yêu thương mình và tất cả mọi người nói chung. Do đó họ tình nguyện dành trọn vẹn cả cuộc đời để tuyên xưng và làm lan tỏa tình yêu ấy đến với người khác.
Đời tu chính là lời đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng trọn vẹn đời sống hiến dâng chứ không phải là lựa chọn anh hùng của bản thân người tu sĩ. Nhiều người chọn đời tu giống như kiểu ta đây đã can đảm hy sinh từ bỏ nhiều thứ để sống cho Chúa và cho Giáo hội. Nhìn bề ngoài thì hành vi đáp trả tình yêu và lựa chọn anh hùng có vẻ giống nhau nhưng thực ra động lực bên trong rất khác nhau. Một bên xuất phát từ lòng biết ơn nên muốn quảng đại hiến dâng, còn bên kia thể hiện cái tôi đầy ích kỷ. Loại người “anh hùng” thường chỉ thấy bản thân mình, tự hào vì mình đã từ bỏ nhiều thứ. Họ tính toán, cân đong đo đếm, so sánh ganh tỵ, cân nhắc thiệt hơn trong mọi lựa chọn. Đến một lúc nào đó họ thấy rằng mình đã từ bỏ quá nhiều rồi, không muốn hy sinh thêm nữa. Hoặc là họ sẽ tìm cách “lấy lại những gì đã mất”, thậm chí còn lấy lại gấp trăm gấp ngàn lần.
Người biết ơn thì khác, vì ý thức rằng Chúa đã ban cho họ tất cả mọi thứ nên họ sẵn sàng cho đi. Họ thấm nhuần và thực hiện lời Chúa Giêsu dạy: “Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8). Chúa không đòi hỏi họ phải hy sinh từ bỏ nhưng chính bản thân họ được thôi thúc chia sẻ những gì đã được nhận lãnh. Đối với họ, không một hy sinh nào là quá nhiều so với hồng ân bao la của Thiên Chúa, không một từ bỏ nào là quá mất mát so với “mối lợi tuyệt vời là được biết đức Kitô” (Pl 3,8). Họ chưa bao giờ coi những gì họ cho đi là to tát cả, bởi vì họ biết rằng cho đi vậy vẫn chưa đủ so với tình yêu lớn lao họ đã nhận lãnh từ Thiên Chúa.
Do vậy, để ấp ủ và nuôi dưỡng đời tu, trước hết bạn hãy luôn luôn nuôi dưỡng nơi mình tâm tình biết ơn. Bạn hãy cầu xin Chúa cho mình có con mắt đức tin để nhận ra tình thương của Thiên Chúa luôn không ngừng tuôn đổ xuống trên bản thân, gia đình và toàn bộ cuộc sống của bạn. Tất cả là hồng ân!
- Quảng đại dấn thân
Yếu tố quan trọng tiếp theo giúp nuôi dưỡng đời sống hiến dâng chính là lòng quảng đại. Như tôi đã chia sẻ ở ngay phần trước, thái độ biết ơn sẽ là động lực thôi thúc bạn đáp trả bằng đời sống hy sinh phục vụ tha nhân trong đời tu. Tuy nhiên, những va chạm thực tế với anh chị em trong cộng đoàn hay trong công việc tông đồ đôi khi làm giảm hoặc thậm chí làm mất đi động lực tốt đẹp đó. Đó có thể là hiểu lầm; đó có thể là ghen ghét đố kỵ; đó có thể là nhục mạ; đó có thể là vu khống; đó có thể là vô ơn… Có rất nhiều lý do khiến bạn cảm thấy sự hy sinh của mình dường như vô nghĩa.
Đấy là lý do tại sao tôi khuyên bạn cần phải xin ơn quảng đại. “Biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu không sợ thương tích, biết làm việc không tìm nghỉ ngơi, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn là được biết con đang thi hành ý Chúa” (Kinh Quảng Đại Dâng Hiến của thánh I-nhã). Đời tu chắc chắn sẽ có nhiều hy sinh cắt tỉa, dẫn đến những đau đớn và thiệt thòi về thể xác, vật chất, tinh thần, tình cảm.
Xin ơn quảng đại chính là để đón nhận sự yếu đuối của những người sống chung với mình trong cộng đoàn. Có những người bước vào đời tu với ý hướng rất tốt lành và động lực mạnh mẽ nhưng lại không thể tiếp tục sống trọn vẹn đời dâng hiến chỉ vì không thể đón nhận yếu đuối của người khác. Ban đầu họ tưởng rằng cộng đoàn đời tu chỉ gồm những người rất mực yêu thương nhau. Thế nhưng khi sống trong đời tu một thời gian thì họ mới nhận ra các tu sĩ cũng ghen ghét, nói xấu nhau chẳng khác gì người ngoài đời, có khi còn tệ hơn nữa.
Nếu bạn hiểu rằng con người vốn yếu đuối, dù là tu sĩ cũng vậy, thì bạn sẽ thông cảm và cầu nguyện cho các tu sĩ nhiều hơn. Bạn thấy mình được Chúa mời gọi sống chứng nhân tình yêu trong môi trường đó nên tiếp tục vui vẻ sống đời tu. Tuy nhiên, cũng có thể bạn không chấp nhận những tu sĩ có cách hành xử như vậy. Nhất quyết phải sống với các tu sĩ “hoàn hảo” thì bạn mới tu được. Khi đó sớm muộn gì bạn cũng phải từ bỏ đời tu, bởi vì chẳng bao giờ có một cộng đoàn nào như thế cả.
- Tập tành nhân đức
Khi bạn đã chuẩn bị cho mình thái độ biết ơn và xin ơn quảng đại rồi thì hãy bắt tay vào việc tập tành các nhân đức đời tu trong hoàn cảnh cụ thể hiện tại của mình. Đời tu không chỉ được tính từ lúc bạn bước vào cửa nhà dòng hay lúc bắt đầu mặc tu phục. Đúng hơn, đời tu có thể bắt đầu từ lúc bạn nhận ra lời mời gọi dâng hiến và đáp trả lại lời mời gọi đó bằng những việc làm rất đơn sơ nhỏ bé.
Đời tu được đặc trưng bởi 3 lời khuyên Phúc âm: Khó nghèo, Vâng phục và Khiết tịnh. Nếu bạn muốn nuôi dưỡng và ấp ủ đời sống hiến dâng, bạn nên chú ý đến những yếu tố đó trong đời sống hiện tại của mình, cho dù bạn chưa chính thức bước vào đời tu. Bạn có thể tập cho mình thái độ buông bỏ đối với của cải vật chất. Thay vì coi tiền bạc như mục đích tìm kiếm trong đời mình thì hãy đặt nó đúng chỗ như là phương tiện giúp mình duy trì đời sống ổn định để thờ phượng Thiên Chúa.
Nếu bạn chưa vào sống trong một cộng đoàn đời tu, nghĩa là chưa có một bề trên chính thức để thực hành lời khấn vâng phục, thì bạn vẫn có thể sống nhân đức vâng phục qua việc từ bỏ ý riêng để tìm kiếm ý Chúa qua lời dạy bảo của những người có trách nhiệm. Với lời khấn khiết tịnh cũng thế, ơn gọi sống đời dâng hiến chỉ có thể được ấp ủ nơi tâm hồn của một thân xác trong sạch. Sự trong sạch ở đây không dừng lại ở việc không quan hệ tình dục mà nó phải bao quát toàn bộ đời sống tâm lý tình cảm của bạn. Bạn thực sự muốn hiến dâng trọn vẹn cuộc đời mình, cả tâm hồn và thể xác, để phục vụ một mình Thiên Chúa mà thôi.
Bên cạnh việc sống nhân đức khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh, bạn còn có thể tập sống đời tu ngang qua những hy sinh phục vụ ngay trong môi trường gia đình, nhà trường, hay giáo xứ của mình. Hiểu theo nghĩa chung nhất, đời tu chính là bước theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đến thế gian “Không phải để được phục vụ mà là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Ngay từ lúc đang còn ấp ủ ý định sống đời dâng hiến, bạn phải ý thức noi theo mẫu gương phục vụ của Chúa Giêsu.
Mẹ thánh Têrêsa thành Calcutta đã chỉ ra bí quyết nên thánh: “Làm việc nhỏ với tình yêu lớn.” Bạn hãy dấn thân phục vụ trong những việc nhỏ như phụ giúp bố mẹ làm việc nhà, chăm chỉ học hành, quảng đại trong công việc trường lớp, siêng năng cộng tác phục vụ nhà thờ nhà xứ… Bạn sẽ có được kinh nghiệm phục vụ, kinh nghiệm hy sinh, kinh nghiệm yêu thương trong những công việc như vậy. Nếu Chúa thương mời gọi bạn sống đời tận hiến, bạn sẽ thấy rằng những kinh nghiệm bạn có trước đó không khác bao nhiêu trong đời tu.
- Đời sống thiêng liêng
Cuối cùng, nền tảng sâu xa và quan trọng nhất của đời tu chính là lòng yêu mến Thiên Chúa. Đúng là đời tu được thể hiện qua đời sống khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh, cùng với những việc dấn thân phục vụ, giúp đỡ tha nhân. Tuy nhiên, tất cả những việc làm ấy phải được phát xuất từ lòng yêu mến Thiên Chúa, còn không chúng chỉ là “thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13,1). Xét cho cùng, đời tu không phải do chúng ta chọn lựa hay tự mình xác định. Ơn gọi phải đến từ Thiên Chúa, như lời Chúa Giêsu đã nói: “Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16). Do đó nếu bạn không cảm nhận được cách nào đó tiếng Chúa đang gọi mời mình thì bạn sẽ không tìm được lý do nuôi dưỡng và thúc đẩy sống đời dâng hiến.
Trong tương quan giữa người với người, chúng ta cần thường xuyên tương tác, lắng nghe và chia sẻ tâm tư tình cảm cho nhau thì mới mong xây dựng tình thân được. Tương quan với Chúa cũng tương tự như thế. Không thường xuyên chạy đến với Chúa, không mở lòng tâm sự với Chúa, không chăm chú lắng nghe tiếng Chúa thì làm sao thân thiết với Chúa được. Do vậy bạn hãy tập dần thói quen tham dự thánh lễ hằng ngày, yêu mến Bí tích Thánh Thể, năng đến với Chúa trong Bí tích Hòa giải. Đó là những môi trường bạn gặp gỡ trực tiếp với Thiên Chúa và được Ngài nuôi dưỡng bằng lương thực thiêng liêng. Ngoài ra, người ta nói “vô tri bất mộ”, tức là không hiểu biết thì không yêu mến được. Vì thế bạn hãy trau dồi kiến thức giáo lý, học hỏi Kinh Thánh, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến đức tin để hiểu hơn về Thiên Chúa và hy vọng qua đó thêm yêu mến Ngài hơn.
Để kết thúc, tôi muốn nhắn nhủ rằng bạn đừng nên lo lắng nếu thấy “xuất phát điểm” của mình còn quá thấp so với những tiêu chí được nêu ra ở trên. Điều đó rất bình thường. Ai cũng cần thời gian để lớn lên, ai cũng phải trải qua vấp ngã thì mới trở nên cứng cáp được. Ngay cả Chúa Giêsu cũng cần phải học hỏi từ từ mới trưởng thành về mọi mặt đấy thôi.
Nếu bạn thấy mình được Chúa mời gọi sống đời hiến dâng và đang thao thức ấp ủ ơn gọi ấy, chắc chắn việc Chúa đã khởi sự nơi bạn thì Ngài cũng sẽ ra tay hoàn tất tốt đẹp. Vì vậy bạn hãy đơn sơ phó thác để cho bàn tay Chúa dẫn dắt. Như thế sớm muộn gì bạn cũng sẽ được cảm nếm những hoa trái tốt đẹp trong đời sống và ơn gọi của mình. Xin Chúa tiếp tục chúc lành và gìn giữ ơn gọi hiến dâng mà bạn đang ấp ủ.
Giuse Lê Đắc Thắng SJ
Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)
WHĐ (04.10.2023)