GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 75: CÁCH GIÁO HỘI ĐỒNG HÀNH VỚI CON NGƯỜI
Hỏi: Giáo hội có phản ứng chậm hơn Xã hội về đời sống luân lý?
Trả lời:
Trong Giáo hội thường có hai chiều hướng: bảo thủ và cấp tiến. Những người theo trường phái bảo thủ luôn bảo vệ những giá trị, chuẩn mực đạo đức có từ thời xa xưa. Họ ngại thay đổi và không muốn đương đầu với những xáo trộn. Ngược lại, những người cấp tiến lại muốn đổi mới. Họ có những đường hướng để canh tân Giáo hội. Có những phong trào muốn Giáo hội thích nghi thật nhanh với những đòi hỏi của thời đại. Dĩ nhiên cả hai chiều hướng ấy luôn cần thiết cho Giáo hội. Cả hai vừa bổ sung cho nhau, vừa lắng nghe nhau để đưa ra đường lối đồng hành tốt nhất cho con người trong thời đại cụ thể.
Thử lấy một ví dụ liên quan đến câu hỏi của bạn: hôn nhân đồng tính. Giáo hội một mặt lắng nghe và đồng hành với những người đồng tính. Sau đó, Giáo hội đưa ra những chỉ dẫn giúp đời sống của họ được thăng tiến. Bên cạnh cách tiếp cận ấy lại có người không đồng ý. Có những vị chủ chăn muốn giữ vững định chế hôn nhân thật nguyên tuyền, mà không cần thích ứng. Giữa hai ý kiến có vẻ trái ngược ấy, Giáo hội cần đưa ra giải pháp. Có những giải pháp kịp thời. Cũng có những hướng dẫn chậm chễ, như bạn ý kiến, và cũng có những đường hướng đi trước.
Bạn thân mến,
Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người điều hành Giáo hội, viết cho các linh mục (là người đại diện cho Giáo hội), chúng ta bắt gặp một hình ảnh tuyệt vời của người mục tử. Ngài nhắn rằng: “Một mục tử có trái tim của người được khuyến khích là một mục tử luôn luôn di chuyển. Trong sự tiên phong của chúng ta. Đôi khi chúng ta đi trước, thỉnh thoảng đi giữa, đôi khi đi sau. Đi trước để hướng dẫn cộng đoàn; đi giữa để khích lệ và nâng đỡ; và đi sau để giữ gìn sự hiệp nhất, để không ai lạc mất ở đàng sau.”[1]
Ba chiều kích ấy chúng ta thử áp dụng vào câu hỏi của bạn!
- Giáo hội đi trước để hướng dẫn
Điều chắc chắn là Giáo hội mong muốn dẫn dắt đoàn chiên đi đúng hướng. Nơi đó, Giáo hội một mặt đọc được dấu chỉ của thời đại, để đưa ra những dự phóng cho tương lai. Mặt khác, Giáo hội lắng nghe từ nhiều phía để có thể đúc kết được những định hướng có tính phổ quát nhất cho Giáo hội hoàn vũ.
Chẳng hạn các kỳ Thượng Hội đồng Giám mục là nơi Giáo hội bàn bạc để đưa ra những văn kiện cụ thể. Dựa vào đó, các Giáo hội địa phương có thể áp dụng. Dĩ nhiên trước đó, các ngài đã có những cuộc bàn luận từ cấp giáo phận. Nơi đó, ý kiến của chúng ta được lắng nghe. Qua mỗi vòng bàn luận, Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho các giám mục biết đâu là điều cần làm, chưa cần và không nên làm. Có thể nhiều người phê bình Giáo hội chậm chạp khi đọc những văn kiện này. Dẫu sao, đó là điều thường tình mà mọi tổ chức đều gặp phải.
Mấy năm nay chúng ta nghe nhiều về việc Giáo hội đang đồng hành với người trẻ. Giáo hội Việt Nam cũng dành ba năm nay để đi cùng với người trẻ trên mọi lãnh vực. Đó là thành quả của Thượng Hội Đồng về người trẻ được nhóm họp tại Rôma (10–2018). Giáo hội thực sự muốn đi trước để mở đường cho các giáo phận bước theo. Cùng một nhịp đập của chương trình mục vụ, cùng một tinh thần Tin Mừng, Giáo hội ước mong mỗi chúng ta thêm gần, yêu và theo Chúa hơn.
Một ví dụ thời sự khác về đại dịch Covid–19. Trong khi cả thế giới đang gồng mình chống dịch, chính Giáo hội đã có những chương trình hành động. Một mặt, Giáo hội đưa ra những giải pháp kịp thời để phòng chống dịch. Mặt khác, Giáo hội thành lập các ủy ban, có những dự án để tái thiết sau đại dịch. Đó là chương trình dài hơi để chữa lành cả đời sống vật chất, tinh thần lẫn tâm linh. Hẳn nhiên nơi đó toàn những nhà chuyên môn để đưa ra được phương hướng hiệu quả nhất nhằm chống lại hậu quả virus đang và sẽ gây ra.
Chúng ta biết ơn Thiên Chúa vì Giáo hội không đứng một chỗ. Nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Giáo hội muốn đi ra, đến những biên cương để đồng hành với con người. Nơi đó có những dự án, những cuộc đối thoại và chương trình mục vụ. Là giáo dân, chúng ta thật khó để thấy được các ngài phải họp bàn vất vả. Trải qua nhiều thời gian, Giáo hội mới có thể tìm được những hướng đi khôn ngoan để giúp chúng ta tự tin tiến bước.
Là người con của Giáo hội, chúng ta tin tưởng Mẹ Giáo hội luôn tiên phong trên mọi lãnh vực. Người Mẹ ấy muốn thôi thúc con người hy vọng vào tương lai. Khi đi trước, Giáo hội mời gọi chúng ta bước đi trong tin tưởng. Chúng ta không cô đơn. Ngược lại, Giáo hội luôn có Thiên Chúa là người đi bước trước. Ngài có cách để hướng dẫn con thuyền Giáo hội vượt qua những bão táp phong ba.
- Đi giữa để khích lệ và nâng đỡ
Tuy đi trước, nhưng chúng ta thấy Giáo hội cũng đi giữa lòng tín hữu. Có những vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều. Chẳng hạn: Có nên phong chức linh mục cho phụ nữ? Có chấp nhận hôn nhân đồng tính? Phong trào đại kết, đối thoại liên tôn? Vấn đề di dân, buôn người? Vấn đề phò sinh? Vấn đề đồng tính hoặc những vấn đề luân lý như bạn đề cập? Vấn đề môi sinh? Vấn đề tính dục, tình dục, tình yêu, hôn nhân, ngừa thai, phá thai, ly dị rồi tái kết hôn, v.v… Thực sự Giáo hội muốn ở giữa những khó khăn của mỗi người. “Sự gần gũi tạo điều kiện cho Giáo hội trở thành không gian đối thoại và làm chứng cho tình huynh đệ hấp dẫn”[2]. Giáo hội cố gắng lắng nghe và hiểu từng trường hợp của con cái mình.
Hẳn nhiên, Hội Thánh không chỉ là Đức Giáo Hoàng, giám mục hay linh mục và tu sĩ. Nhưng đó còn là những giáo dân. Tất cả chúng ta làm nên Hội Thánh. Khi chúng ta đi cùng nhau, nghĩa là mỗi người có cơ hội để nâng đỡ anh chị em mình. Đau khổ và thương tích nơi mỗi phận người luôn có. Giáo hội là chính mỗi người chúng ta cũng chia sẻ nỗi đau ấy. Vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12,15).
Giáo hội đi giữa cũng là để nhìn nhận những thiếu sót của mình. Phản ứng chậm chạp của Giáo hội cũng có thể làm một thiếu sót, như trong câu hỏi của bạn. Tệ hơn nữa, những gương xấu trong lòng Giáo hội cũng khiến nhiều người xa lìa Giáo hội. Hoặc như nhận xét: Giáo hội quá cổ hũ trong lãnh vực luân lý! Sao cứ phải làm điều này, cấm điều kia! Giáo điều và đóng khung cũng là những từ ngữ mà Giáo hội hứng chịu từ nhiều phía. Tiếc rằng điều ấy đã xảy ra khi Giáo hội ở giữa đoàn chiên.
Trong những bối cảnh u ám đó, Giáo hội nhận thấy mình phải canh tân. Tạ ơn Chúa vì khi đi cùng với nhau, Giáo hội hiểu hơn về giáo dân, giáo dân hiểu thêm về Giáo hội. Thật đẹp với hình ảnh Giáo hội không già cỗi và cũng không cứng nhắc. Trái lại Giáo hội vẫn luôn trẻ trung. Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Người Trẻ 2018, Đức Tổng giám mục Sydney, Anthony Fisher chia sẻ: “Tôi muốn nói với người trẻ: nếu chúng tôi, như là Giáo hội, đã làm cho các bạn thất vọng, tôi xin lỗi vì điều đó. Xin đừng từ bỏ Đức Kitô vì một số chúng tôi khiến các bạn thất vọng.”
Thật tốt để chúng ta đi cùng với nhau. Đừng quên Giáo hội phải là một bệnh viện dã chiến để đón tiếp mọi người. Trên những khuôn mặt đau khổ, Giáo hội muốn hiện diện ở đó. Nơi những chết chóc đau thương, Giáo hội muốn ở cùng với họ. Trong mọi hoàn cảnh buồn vui, chúng ta có Giáo hội. Đó có thể là những người bạn, là cha xứ, là linh mục hoặc tu sĩ nào đó. Giáo hội còn là những lãnh đạo đang miệt mài tìm cách đi cùng với thân phận con người. Đấy là lời căn dặn của chính Đức Giêsu: “Hãy chăm sóc chiên con của thầy!” (Ga 21,15–19)
- Đi sau để giữ gìn sự hiệp nhất
Đây có thể là phần trả lời trực tiếp cho câu hỏi của bạn. Tại sao Giáo hội lại đi chậm trong các vấn đề về luân lý? Chẳng hạn nhiều nơi trên thế giới cổ vũ cho phong trào đồng tính. Nhiều nước cho phép phá thai. Vài nơi cho phép thụ tinh trong ống nghiệm. Người ta đang ủng hộ lối sống tự do phóng túng, v.v… Thực tế Giáo hội đã vào cuộc từ rất lâu để đưa ra câu trả lời chung cuộc. Có điều nhiều người thấy Giáo hội thường đi ngược lại những phong trào vừa kể. Có thể vì thế mà chính tôi và bạn cảm thấy Giáo hội tụt hậu so với thời đại!
Dù muốn dù không, Giáo hội cũng cần thời gian để nhìn nhận vấn đề. Sau những suy tư, bàn thảo và xem xét vấn đề từ nhiều phía, Giáo hội cũng thận trọng để đưa ra quyết định chung cuộc.
Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi người điều hành Giáo hội nhắn với người trẻ: “Cha sẽ rất vui khi thấy các con chạy nhanh hơn những người chậm chạp và sợ hãi. Hãy chạy và được thu hút bởi Dung Nhan yêu dấu ấy, là Dung Nhan mà chúng ta tôn thờ trong Bí tích Thánh Thể, và nhận ra trong thân xác của những anh chị em đau khổ của chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy các con về phía trước trong cuộc chạy đua này. Hội Thánh cần động lực, trực giác và đức tin của các con. Chúng ta cần chúng! Và khi các con đến nơi mà Cha và những người khác chưa đến, hãy kiên nhẫn chờ đợi Cha và họ”[3].
Trên đây là lời mời gọi chân thành: Giáo hội đi sau để gìn giữ những gì là chân lý, là đường lối của Chúa. Mặt khác Giáo hội, từ phía sau, thôi thúc người trẻ, mỗi người hãy khai mở những con đường mới. Chúa Thánh Thần luôn làm việc trong mọi thành phần dân Chúa. Khi đó, có những phong trào đổi mới, cấp tiến mà Giáo hội cần quan tâm hoặc nhìn nhận. Trong ý hướng này, “sự góp mặt của các con giúp đổi mới bộ mặt Giáo hội, làm cho Giáo hội trẻ trung ra và mang đến cho Giáo hội thêm sức năng động”[4].
Để kết thúc, chúng ta hạnh phúc vì đang sống trong một Giáo hội sẵn sàng đổi mới. Cùng với các Đức Giám Mục, chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát Hội Thánh khỏi những kẻ làm cho Hội Thánh già đi, giam cầm Hội Thánh trong quá khứ, giữ Hội Thánh lại hoặc giữ cho Hội Thánh ngừng lại.[5] Dù Giáo hội có phản ứng nhanh hay chậm, kể cả trong lãnh vực luân lý, thì Giáo hội và chúng ta phải dám khác biệt. Nghĩa là Giáo hội “phải nói lên những lý tưởng khác với những lý tưởng của thế gian này, làm chứng cho vẻ đẹp của lòng quảng đại, phục vụ, trong sạch, kiên trì, tha thứ, trung thành với ơn gọi cá nhân, cầu nguyện, theo đuổi công lý và công ích, tình yêu dành cho người nghèo và tình bằng hữu xã hội.”[6]
Thân ái!
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)
WHĐ (30.01.2023)