GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 22: GIỐNG NHAU KHÔNG?
Câu hỏi: Làm thế nào để mọi người có đủ đức tin để theo đạo, theo Chúa Giêsu cách sốt sắng nhất?
Trả lời:
Bạn: Bà là con gái, cười vừa thôi, nửa nụ đi cho duyên dáng, cười gì mà không thấy tổ quốc đâu hết hà!
Nó: Cười thoải mái cho quai hàm sản khoái. Haha!
Bạn: Con gái mà cười haha…
Nó: Bạn biết không, khi tui cười, tui giống cha tui nhiều lắm.
Bạn: Ý bà nói bà giống con trai hả?
Nó: Gì???…
Mẹ nó hay nói:
“Bây giống cha bây nhiều lắm. Nào là cái trán rộng, cái bàn chân to, những móng chân mài ốc. Nhất là khi cười hết cỡ thì y như rằng bây cho người ta biết số nhà của mình; nếu không, sao mọi người cứ hễ gặp nó là hỏi: Bây con nhà đó phải không? Cô nhìn cái miệng là cô nghi lắm, giống quá mà!!!”
Rồi khi nó rời gia đình, xa xóm làng và mọi người thân thuộc, không còn ai nghi nó giống cha nó nữa. Đơn giản vì người ta có biết cha nó là ai đâu. Nơi tu viện, nó được mời gọi để trở nên giống một người, không phải cha, chẳng phải mẹ, không phải quý chị em trong dòng, và càng chẳng phải minh tinh màn ảnh nhỏ… nhưng đó là Giêsu! Và nó tin rằng mỗi một người Kitô hữu đều được chia sẻ ơn gọi này, theo bậc sống của mình, để nên giống Giêsu, bằng đời sống đạo và gương sáng đức tin.
– Những giờ kinh gia đình cha mẹ dạy con trẻ làm dấu Thánh Giá.
– Những câu kinh tuy chưa tròn vành rõ chữ, nhưng rất dễ thương.
– Những buổi học giáo lý, những thánh lễ Misa dù còn ngáy ngủ nhưng bọn trẻ vẫn thường xuyên tham dự.
– Những câu chuyện tin mừng nhiều người vẫn đang kể cho nhau nghe.
Tất cả những điều trên đang nói lên niềm tin của mỗi người tín hữu vào một Thiên Chúa đầy ấp tình thương, sự tha thứ và thân tình. Tất cả đã và đang nuôi dưỡng đời sống đức tin bao thế hệ.
Có người bạn khác đạo nói với nó: Sao tui thấy đạo công giáo của bạn phức tạp quá! Nhiều luật lệ phải giữ, tuần nào cũng phải đến nhà thờ, rồi phải xưng tội ra với linh mục, phải học giáo lý, đọc nhiều kinh mất nhiều thời gian….Hồi nhỏ mà nghe nói vậy là nó chống nạnh lên cãi lại liền, kiểu như người ta đang chê gia đình mình vậy. Giờ nó lại thấy tự hào khi “được” tham dự thánh lễ mỗi ngày và rước Thánh Thể vào cuộc sống mình, “được” giao hòa với Chúa và với anh chị em mình qua Bí Tích Giải Tội, “được” thực thi ý Chúa qua những luật lệ Hội Thánh…
Sống đạo hay sống đức tin không khó mà cũng không dễ. Không dễ khi ta chỉ xem việc giữ luật lệ là một bổn phận phải chu toàn. Cũng dễ đối với những tâm hồn yêu mến luật Chúa và xem đó như phương tiện để đi đến những gặp gỡ với Đấng Vô Biên. Điều quan trọng là làm sao để giữ ngọn lửa nhiệt tâm ấy luôn cháy sáng và cháy hết mình, hết tình. Theo nó có bốn thói quen chúng ta cần thực hiện mỗi ngày, để giữ lửa nhiệt tâm sống đạo:
- Đời sống cầu nguyện: Đức tin và niềm tin vào Thiên Chúa và Lời Người không tự nhiên mà có, nhưng là ân ban (Rm 12,3). Do đó, chúng ta cần trao dồi và vun xới cho đức tin đã lãnh nhận bằng tâm tình cầu nguyện, gần gũi thưa chuyện với Chúa để xin người gia tăng đức tin trong ta, giúp ta mỗi ngày biết tin tưởng vào sự quan phòng, quyền năng và tình yêu của Người hơn. Có như vậy, ta mới luôn vững vàng trong mọi cảnh huống cuộc đời. Cầu nguyện phải là mối quan tâm và bận tâm hàng đầu của ta trong đời sống đạo, vì qua đó giúp ta “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ta hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. (Mc 12,29–30).
- 2.Đời sống Bác Ái:Hoa trái của đời sống kết hợp với Chúa sẽ làm triển nở tình yêu của chúng ta đối với tha nhân. Yêu Chúa thì yêu luôn những người Chúa yêu. Thánh Gioan cũng đã khẳng định cho chúng ta mối dây liên kết này: “Không ai nói yêu Chúa mà lại ghét anh chị em mình”. (1Ga 4,20–21). Ông bà ta cũng đã để lại cho con cháu kinh nghiệm về tình yêu khi nói: “yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tôn ti họ hàng.”
- 3. Đời sống Tông Đồ: Tình yêu giúp chúng ta có nhiều sáng kiến! Làm thế nào để tạo nên sự độc đáo và khác biệt cho ngày mới để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người yêu. Hãy nhìn về Thiên Chúa chúng ta, và cách thế Ba Ngôi thể hiện tình yêu thương. Trong công cuộc tạo dựng, thánh hóa và cứu độ, Ba Ngôi luôn có nhiều sáng kiến: ban Người Con Một, Ban Đấng Ủi An, Ban Lời Hằng Sống, và Bí Tích Thánh Thể… Chúng ta cũng vậy, khi trong ta đã tràn đầy tình Chúa, tình người thì tâm trí được thông sáng, đôi tay rộng mở, và trái tim trở nên ấm áp, dễ cảm thông và sẻ chia. Đời sống chúng ta cũng vì đó mà trở nên có ý nghĩa và là dấu chứng sống động giữa đời.
- Bền đỗ đến cùng. Sống đức tin không phải là một khóa học vài tháng với bài thu hoạch và những điểm số. Hết học là gấp sách vở lại. Nhưng đó là một hành trình sống mời gọi ta lắng nghe và tìm ý Chúa trong mọi lời nơi việc làm. Và hành động suốt cả cuộc đời. Đó còn là nơi nuôi dưỡng và phát triển tương quan giữa ta và Chúa. Do đó, sống đức tin không phải là một chọn lựa, thích thì tin, không thích thì thôi, mà đó là bổn phận phải chu toàn và chu toàn cho thật tốt. Vậy nên, không sao đâu nếu có ngày ta cảm thấy việc sống đạo thật nhàm chán, vô vị, cứ kiên trì và xin ơn trợ giúp. Chúa biết chúng ta cần Ngài, và Ngài chỉ cần lòng ta.
Hơn nữa, theo đạo và sống đạo, sống đức tin Kitô giáo cách tích cực và sốt sắng giữa lòng xã hội và giữa các tôn giáo khác nhau thật sự là thách đố không hề nhỏ. Thật vậy, xã hội và lối sống con người hôm nay trưng ra trước mắt chúng ta, đặc biệt là người trẻ quá nhiều chọn lựa, từ giá trị hữu hình đến giá trị vô hình. Người trẻ ngày nay mạnh tay chi tiêu cho những điều họ yêu thích. Theo tiến sĩ Ngô Trí Long, tỷ lệ người tiêu dùng trẻ chiến một phần ba dân số[1].
Và từ đó, thiên hình vạn trạng cách thức đem sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Dĩ nhiên, mua sắm trực tuyến là một phát minh tuyệt vời của nhân loại. Trước đây, muốn mua một chiếc ba lô thì bạn phải vác tấm thân “ngọc ngà”, chạy xe lọc cọc dọc ngang phố phường nhộn nhịp người buôn kẻ bán, đi cửa hiệu này qua cửa hiệu khác, ngắm nghía, thử tới thử lui, rồi trả giá… Giờ đỡ rồi. Ngồi tại nhà, lên mạng shopping online, chốt đơn, mấy hồi đâu mà được sản phẩm vừa ý. Chỉ duy là khi “tiền trao cháo múc”, ta nhận ra mọi thứ không như ta tưởng. Chịu thôi. Là do ta chọn mà, có tức thì mở nhạc Lệ Quyên ra, và lẩm bẩm: “Nếu bây giờ được lựa chọn một lần nữa, thì chắc…”
Tôn giáo và đức tin cũng được giới thiệu, lan truyền nhan nhản trên các phương tiện truyền thông. Thánh Lễ Online, cầu nguyện, Livestream suy niệm mùa Covid… Tất cả bắt nguồn từ sáng kiến để bày tỏ niềm tin và cách sống đạo tích cực năng động của các tín hữu, tìm mọi phương thế để gặp gỡ Chúa và hiệp thông với nhau. Rồi đại dịch sẽ qua, và những ngôi thánh đường hay những ngôi nhà nguyện đơn sơ sẽ lại đông đúc và vang lên tiếng hát câu kinh.
Nhưng sống đức tin đâu chỉ gói gọn trong nhà thờ, nơi những bài giáo lý, thưa kinh thuộc lào lào, mở miệng ra là nói Kinh Thánh. Là nữ tu, tôi cũng không muốn dừng lại cuộc hành trình đức tin đời mình chỉ với ba lời khấn hứa, hay chỉ là một ma sơ ngoan ngoãn chấp hành mọi quy luật… Tôi mong muốn được người ta thấy mình giống hình ảnh của Chúa Giêsu dù cuộc sống đầy những phiêu lưu trước mắt… Tôi mong là một “sản phẩm chất lượng” từ tình yêu hiến tế của Giêsu. Đó là một phiên bản “không chỉ mang tính minh họa” như sản phẩm online, nhưng là dấu chỉ tình yêu và lòng thương xót Chúa. Còn bạn thì sao?
Tôi mong bạn sẽ không e ngại khi làm dấu thánh giá nơi công cộng để tuyên xưng niềm tin. Tôi mong bạn chọn lối sống bác ái vị tha, vui tươi để bắt đầu ngày mới: bằng một nụ cười “thật từng centimet” với chú bảo vệ, với cô công nhân đang quét lá trong sân trường, và cả với bạn bè trong những giờ giải lao thư giãn…
Bắt đầu sống đạo từ điều bình dị thế thôi, nhưng tôi tin bạn sẽ nên giống Giêsu qua những dấn thân hằng ngày: vui nỗi vui, buồn nỗi buồn của đồng loại, sống vì người khác, giản đơn và sống động như vậy thôi, có được không? Có giống Giêsu không?
Maria Antôn Quỳnh Thoại
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
[1] Brands Vietnam. Người Trẻ Mạnh Tay Chi Tiêu. Đăng nhập ngày 28 tháng 5 năm 2020. https://www.brandsvietnam.com/13425-Nguoi-tre-manh-tay-chi-tieu.