SỐNG XANH –
CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH CÙNG VỚI NGƯỜI TRẺ
TRONG BỐI CẢNH KHỦNG HOẢNG SINH THÁI HIỆN NAY
Mục lục
1. Sống Xanh – Một yêu cầu sống còn trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái
2. Sống Xanh – Con đường nên thánh cùng với người trẻ
3. Sống Xanh – Một số gợi ý giáo dục cho con đường nên thánh phù hợp với người trẻ
3.1. Tiếp xúc với thiên nhiên và mở lòng trước Đấng Tạo Hóa
3.2. Sự đa dạng sinh học và đón nhận những khác biệt
3.3. Nhịp độ của thiên nhiên và sự kiên nhẫn, bền tâm
3.4. Lối sống bình dị, hạnh phúc với những điều bé nhỏ và nhân đức tiết độ
WHĐ (24.6.2021) – Khởi đi từ bối cảnh khủng hoảng sinh thái hiện nay, bài viết cho thấy trách nhiệm và mệnh lệnh phải Sống Xanh như một giải pháp bền vững cho vấn đề môi trường cũng như đưa ra một vài gợi ý cụ thể để việc Sống Xanh trở nên nẻo đường trau dồi nhân đức, tìm kiếm Thiên Chúa và nên đồng hình đồng dạng với Người.
1. Sống Xanh – Một yêu cầu sống còn trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái
“Trái đất, bị đè nặng và sử dụng lãng phí, là một trong số những người bị bỏ rơi và đối xử tàn tệ nhất trong số những người nghèo; chị đang rên siết và quằn quại”[1]
“…chúng tôi là nước, không khí, trái đất và sự sống của môi trường do Thiên Chúa tạo dựng. Vì lý do này, chúng tôi yêu cầu chấm dứt việc ngược đãi và hủy diệt Mẹ Đất. Đất có máu, và bà đang chảy máu; các công ty đa quốc gia đã cắt đứt mạch máu của Mẹ Đất chúng tôi”.[2]
Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô ngay phần dẫn nhập của Thông điệp Laudato Si, những tiếng kêu của người dân trong Giáo phận San José del Guaviare, Tổng giáo phận Villavicencio và Granada (Mexico) biểu lộ một vết thương sâu thẳm, một nỗi đau khốn cùng chạm đến mỗi người chúng ta, khiến chúng ta bàng hoàng và xấu hổ. Nhân loại đứng trước “một người chị”, “một người mẹ” đang kêu khóc, giãy dụa trong bất công, bị đối xử tàn bạo nhưng lại thờ ơ, lãnh đạm. Con người chứng kiến một khung cảnh bi đát, nghe thấy những tiếng kêu cứu tang thương nhưng lại quay lưng, ngoảnh mặt và bỏ đi. Chúng ta có nghĩ mình đã và đang cư xử như thế không: thấy ngã mà không nâng, thấy chết mà không cứu, hay thậm chí chúng ta còn đồng lõa, dự phần và ra tay sát hại?
Thật vậy, theo báo cáo năm 2018 của Marco Lambertini[3] tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trái đất của chúng ta đang bị thương tích nghiêm trọng và ở bên bờ vực diệt vong. Những dấu hiệu của biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng: trái đất nóng lên, băng tan, mực nước biển dâng cao và hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Số lượng động vật hoang dã giảm khoảng 60% trong vòng 40 năm và có thể giảm đến 2/3 vào năm 2020. Diện tích rừng bị thu hẹp, dự kiến đến năm 2030 có gần 170 triệu hecta rừng biến mất. Các đại dương, nguồn nước đang oằn mình chống chọi với sự tấn công của rác thải nhựa, hóa chất độc hại làm ô nhiễm các nguồn lương thực, tàn phá các rặng san hô và sự sống trong đó. Chỉ trong vòng một thế hệ, thế giới đã mất đi gần một nửa số lượng sinh vật biển. Nhà vật lý học danh tiếng Stephen Hawking còn cảnh báo thế giới có thể biến thành một hành tinh nóng như Venus, với các đại dương sôi sùng sục và các cơn mưa axit, nếu con người không đảo ngược tình trạng biến đổi khí hậu.[4] Những xu thế hiện nay có thể biến trái đất thành nơi không thể sống nổi, hay như một số nhà tư tưởng khác cho rằng thế giới đang đứng trước nguy cơ đại tuyệt chủng lần thứ sáu.[5]
Con người đã quá vô tâm và lạnh lùng, dẫu cho họ đã có thể hành động, can thiệp và làm thay đổi hoàn cảnh ấy. Chúng ta thực sự phải tạ tội và cúi đầu “sám hối vì những cách thế chúng ta đã làm tổn hại đến hành tinh này”. [6] Chúng ta cần hoán cải, thay đổi lối sống để cứu trái đất và nhân loại. Vì thế, Sống Xanh không chỉ là một chọn lựa giữa muôn vàn chọn lựa, nhưng là một mệnh lệnh, một nghĩa vụ, một trách nhiệm, một yêu cầu sống còn đối với mỗi người chúng ta. Vậy Sống Xanh là gì? Và bằng cách nào nó có thể giúp chúng ta – những nhà giáo dục và người thụ huấn nên thánh?
2. Sống Xanh – Con đường nên thánh cùng với người trẻ
Sống Xanh không là một khẩu hiệu thêm vào trong chiến dịch thúc đẩy bảo vệ môi trường; cũng không là một nghiên cứu khoa học nhằm đưa ra các giải pháp cho bài toán sinh thái; cũng không phải là một tổ chức nhằm quy tụ các thành viên hô hào chiến đấu cho Trái đất.
Sống Xanh là chọn lựa liên tục của mỗi cá nhân trong đời sống hàng ngày để đứng về phía trái đất và người nghèo; là thái độ mở lòng ra trước nhân loại và vũ hoàn với tình yêu dịu dàng chăm sóc; là sự dấn thân để giảm thiểu Tối đa những tác hại đến anh chị em và môi trường xung quanh; là sự hiến thân để bảo vệ sự sống và vẻ đẹp của thiên nhiên, duy trì các nguồn tài nguyên đa dạng và đòi hỏi công lý cho mọi loài.
Không thể phủ nhận rằng trong vài năm gần đây đã có những nỗ lực của cá nhân và cộng đồng nhằm đánh thức nhân loại về nguy cơ hủy diệt trái đất. Cũng có nhiều lời đáp trả và các phong trào khác nhau đem lại niềm hy vọng cho sự phục hồi vạn vật như hòa bình xanh, liên minh xanh, tiêu dùng xanh, năng lượng xanh… Nhưng chúng ta vẫn cần tiến xa hơn nữa, cần kêu gọi sự đồng lòng của mọi người trong những cố gắng bảo vệ môi trường. Là những người Kitô hữu, những người sống đời thánh hiến, được trao sứ vụ giáo dục và loan báo Tin Mừng, chúng ta cần tiến sâu hơn nữa, cần biết tự ý thức và giúp những người trẻ trưởng thành trong mối tương quan với thiên nhiên, biến khẩu hiệu thành giá trị, biến mơ ước thành hiện thực, biến chiến dịch thành lối sống, và biến hành động thành nhân đức. Đó chính là linh đạo của việc sống xanh, là con đường nên thánh của các nhà giáo dục và những người thụ huấn. Chỉ khi sống xanh trở thành thường hằng thì những nỗ lực tạm thời mới trở nên lâu dài và những cố gắng mong manh mới trở nên bền vững.
Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ chúng ta: “Giáo dục môi trường cần thực hiện một bước nhảy vọt hướng đến mầu nhiệm, trong đó đạo đức sinh thái tìm được ý nghĩa sâu xa nhất. Cần những nhà giáo dục có khả năng phát triển nền đạo đức sinh thái, giúp mọi người trưởng thành trong tình liên đới, tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm đầy lòng trắc ẩn”.[7]
3. Sống Xanh – Một số gợi ý giáo dục cho con đường nên thánh phù hợp với người trẻ
Người trẻ, trong nghĩa rộng bao gồm tất cả những người đang trong giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách, có một sự nhạy cảm đặc biệt đối với thiên nhiên và một tinh thần quảng đại, thúc đẩy họ đến nhu cầu phải quan tâm chăm sóc môi trường.[8] Vì thế, những người lớn đang có trách nhiệm đồng hành với người trẻ cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho mối quan tâm đúng đắn này. Với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần và sự nhiệt tâm sáng tạo, nhà giáo dục tìm ra muôn vàn cách thức khác nhau để đạt tới mục tiêu giáo dục trên. Trong giới hạn của bản thân và bài viết, xin chia sẻ một số gợi ý nhỏ bé, cụ thể và ít nhiều đã có những hoa trái đem lại niềm hy vọng cho người gieo.
3.1. Tiếp xúc với thiên nhiên và mở lòng trước Đấng Tạo Hóa
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy mối tương quan tích cực giữa việc tiếp xúc với thiên nhiên và sức khỏe cũng như tâm trí con người. Trẻ em gắn bó với thiên nhiên nhiều hơn thường mạnh khỏe hơn, hạnh phúc hơn và sáng tạo hơn, cách riêng với những em gặp phải những rối loạn tâm sinh lý.[9] Con người bẩm sinh hướng về tự nhiên, khiến họ cảm thấy thích ở những ngôi nhà nhìn ra khung cảnh thiên nhiên hơn. Thiên nhiên còn có tác dụng giúp giải tỏa căng thẳng, tái tạo năng lượng, chữa lành vết thương thể lý – tâm linh, nối kết gia đình và cộng đồng.[10] Với nhãn quan của người tin, việc tiếp chạm thiên nhiên có thể giúp mở lòng ra với Đấng Tạo Hóa, nhận biết có một sức mạnh thiêng liêng vẫn đang vận hành vũ trụ, ngụp lặn trong tình yêu của Đấng đã làm nên tất cả và ban tặng cách nhưng không. Thật vậy, con người không cần xin phép để ngắm ánh mặt trời lúc bình minh hay hoàng hôn; không cần trả tiền để bơi lội thỏa thích trong các sông suối, biển cả; không cần mua bán vẫn có thể thoải mái hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn núi cao, rừng cây bạt ngàn… và muôn muôn triệu món quà sẵn có trong lòng Mẹ Đất ngay khi chưa chào đời.
Như thế, thật ý nghĩa nếu trong chương trình mục vụ có quan tâm tạo điều kiện cho những người trẻ có cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên nhiều hơn. Mỗi cơ hội tham quan, mỗi biến cố thăm viếng, mỗi sự kiện tiếp chạm đến thiên nhiên, nhà giáo dục mời gọi người thụ huấn hướng lòng về Thiên Chúa với tâm tình thờ lạy, cảm tạ và ngợi khen vì Người đã tác tạo địa cầu và ban tặng cách nhưng không cho con người; cùng với người trẻ khám phá những thông điệp, giáo huấn mà Thiên Chúa trao gởi trong công trình sáng tạo, như Vịnh gia diễn tả: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển (Thánh vịnh 18a, 2-5a).[11]
Và trên hết, qua việc tiếp xúc với thiên nhiên, nhà giáo dục thúc đẩy người thụ huấn đi vào trong ba mối tương quan có liên kết chặt chẽ với nhau: với Thiên Chúa, với tha nhân và với trái đất. Khi tâm hồn mở ra cách đúng đắn cho sự hiệp thông hoàn vũ thì cảm thức về tình huynh đệ cũng được gia tăng, sự nhận biết chính mình cũng rõ ràng hơn, như Paul Ricoeur nhìn nhận: “Tôi diễn tả chính mình khi diễn tả thế giới; trong nỗ lực đọc ra được sự thánh thiêng của thế giới, tôi khám phá chính bản thân mình”. [12] Cũng qua việc tiếp cận, chiêm ngắm những kỳ công tay Chúa tác tạo, người trẻ tạo lập mối tương quan gần gũi với thiên nhiên. Họ cảm thấy nhu cầu phải duy trì những cảnh quan tươi đẹp ấy cho bản thân, cho người khác và cho các thế hệ kế tiếp đang lớn lên.
3.2. Sự đa dạng sinh học và đón nhận những khác biệt
Hệ sinh thái tự nhiên có hàng triệu chủng loại thảo mộc và muông thú chung sống với nhau trong cùng một khu vực địa lý. Các nguồn đa dạng sinh học cho thấy sự giàu có khôn cùng của trái đất dù dưới lòng đất, trên đất liền, dưới biển khơi hay trên không trung. Các loài dựa vào nhau để tồn tại, nương tựa nhau để lớn lên và chấp nhận thay đổi chính mình để hòa hợp với khung cảnh xung quanh. Chúng ta có lẽ đã nghe về huyền thoại một loài cây “sống gần nhau thân mới thẳng, có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương”.[13] Chuỗi thức ăn và lưới thức ăn trong hệ sinh thái cũng là những minh chứng rõ ràng cho sự chung sống của các loài thụ tạo.
Trẻ thơ và thiếu niên đặc biệt yêu thích khám phá sự đa dạng của cây cỏ và thú vật trong tự nhiên. Những người đồng hành trong khi cùng thưởng nếm sự phong phú này, hướng các em đến lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa và mời gọi các em học bài học đối nhân xử thế trong cuộc đời. Mỗi điều khác biệt làm nên sự đa dạng, mỗi loài khác biệt có một chỗ đứng riêng trong vũ trụ và mỗi con người khác biệt làm nên một vị trí đặc thù, độc đáo và không thể thay thế được trong cộng đồng nhân loại. Để có được sự cân bằng sinh thái, hay để duy trì sự hòa hợp trong cộng đồng, mỗi người cần nhận biết trách nhiệm của mình, trân trọng sự đóng góp của người khác, can đảm thay đổi những gì không phù hợp và có những lúc cần biết hy sinh bản thân vì thiện ích chung.
3.3. Nhịp độ của thiên nhiên và sự kiên nhẫn, bền tâm
Thiên nhiên có quy luật của mình, mỗi loài thụ tạo cũng có những nhịp độ tăng trưởng riêng và Thiên Chúa tôn trọng tiến trình ấy. Chúng ta chắc khá quen thuộc với vòng đời của con bướm: 3-7 ngày trong trứng, 2-5 tuần mang thân sâu bướm, 1-2 tuần trong kén nhộng rồi mới vươn mình thành bướm sống trong 2-3 tuần. Nếu không kiên nhẫn đợi chờ 4-7 tuần thì làm sao chúng ta có thể vui sướng nhìn cánh bướm đầy màu sắc bay lượn. Hay hạt giống cũng vậy, chắc chắn phải mất thời gian ngâm mình ẩm ướt, vùi sâu trong lòng đất, hấp thụ nước, oxy, dưỡng chất, ánh sáng, thoát ra khỏi lớp áo bao phủ mới vươn mình từng bước nảy mầm được. Chúa không hối thúc hạt giống phải vội vã nảy mầm, không đòi hỏi thú vật phải nhanh chóng lớn lên.
Thế giới chúng ta đang sống điên cuồng với tốc độ của kỹ thuật công nghệ, sản xuất và tiêu thụ vượt quá nhịp độ của tự nhiên. Các nguồn tài nguyên bị rút cạn kiệt cho nhu cầu sử dụng mà không kịp tái tạo, các sinh vật bị đem vào phục vụ tiêu dùng nhưng không thể bù đắp với quá trình sinh sản tự nhiên, rác thải ngập tràn mặt đất đã vượt quá khả năng tự làm sạch của môi trường… Cùng người thụ huấn tìm hiểu về quá trình của tự nhiên, nhà giáo dục cổ võ thái độ tôn trọng nhịp sống riêng biệt của muôn vật muôn loài và mời gọi một thái độ sống chậm lại, kiên nhẫn hơn, thanh thản hơn, bình an hơn. Kiên nhẫn đối với những gì chúng ta không thể thay đổi, thích ứng với bước đi nhẹ nhàng của thiên nhiên dẫn đưa chúng ta đến việc thanh thản chấp nhận những giới hạn của bản thân và người khác, biết tĩnh lặng và âm thầm đợi chờ, bền tâm trong nỗ lực trưởng thành mỗi ngày và không mất niềm hy vọng khi làm việc lành phúc đức. Đây là đặc tính đầu tiên của lời mời gọi nên thánh trong thời đại hôm nay mà Đức Thánh Cha Phanxicô đề ra trong tông huấn Gaudete et Exsultate.[14]
3.4. Lối sống bình dị, hạnh phúc với những điều bé nhỏ và nhân đức tiết độ
Ý thức mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng sinh thái ngày nay đòi buộc con người phải thay đổi thói quen tiêu dùng và thái độ đối với thiên nhiên. Chúng ta cần vượt qua sự tiện lợi của mua sắm, nỗi ám ảnh của tiêu thụ và cám dỗ sở hữu một cách vô độ. Nguyên tắc “Ít là Nhiều” (Less is More) hay chiến lược 4R cho việc Sống Xanh (Reduce – Tiết giảm; Reuse – Tái sử dụng; Recycle – Tái chế; Refuse – Từ chối) đều mang lại ý nghĩa rất lớn đối với hành tinh chúng ta đang sống, thúc đẩy chúng ta sống một cuộc đời giản đơn, bình dị, và hạnh phúc với những điều bé nhỏ. Đây là những hành động của tình yêu diễn tả phẩm giá của con người.
Chọn sống giản dị, thiết yếu, từ chối những tiện nghi, dư thừa, hài lòng với những gì bé nhỏ, giới hạn là đặt chân trên hành trình đạt đến nhân đức tiết độ. Thật vậy, “trở về với sự giản dị giúp chúng ta biết dừng lại và trân quý những điều bé nhỏ, biết ơn vì những cơ hội cuộc sống mang lại cho chúng ta, không dính bén với những thứ chúng ta đang sở hữu, và không đau buồn vì những điều chúng ta không có. Nó đòi hỏi phải xa tránh khuynh hướng thống trị và tích lũy các thú vui”.[15] Một người sống tiết độ sẽ biết loại trừ những gì làm hạ giá con người và mở ra với những giá trị cao thượng, siêu việt. Nhà giáo dục tin rằng một người biết tiết độ trong những chọn lựa vật chất, thể lý sẽ biết kiềm chế, tiết độ trong những phạm vi tâm lý và luân lý. Họ sống trọn vẹn mọi khoảnh khắc, đón nhận mọi sự như một quà tặng của Thiên Chúa với tâm hồn vui tươi và bình an. Đó là đường dẫn đến sự hoàn thiện.
Thật là lời chúc phúc nếu nhà giáo dục và người trẻ cùng đi trên một hành trình Sống Xanh, cùng chia sẻ một tình yêu chăm sóc dịu dàng đối với thiên nhiên và cùng hướng về Thiên Chúa với tâm tình tôn thờ yêu mến. Qua những cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên, qua những chọn lựa đứng về phía vũ trụ và qua những nghĩa cử nhỏ bé hàng ngày với ý hướng bảo vệ môi trường sống cho con người, nhà giáo dục dẫn đưa người trẻ đến gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa quyền năng, là người Cha hằng quan tâm chăm sóc và giúp họ tăng trưởng trong lòng tôn kính Đấng Tác Tạo, trong tình yêu con thảo với Cha và trong tình huynh đệ đại đồng với toàn thể các loài thụ sinh. Sống Xanh, con đường nên thánh cũng là con đường của Bát Phúc vậy.
Anna Nguyễn Mai Thanh Huyền, FMA
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 123 (Tháng 3 & 4 năm 2021)
[1] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp Laudato Si (24.05.2015), số 2
[2] Tài liệu làm việc cho Thượng Hội đồng Giám mục về vùng Amazon (19.06.2019), số 17
[3] Marco Lambertini – Tổng giám đốc Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên https://www.weforum.org/agenda/2018/01/it-s-time-to-bring-our-planet-back-from-the-brink-together-now/
[4] https://www.livescience.com/59693-could-earth-turn-into-venus.html
[5] Năm cuộc đại tuyệt chủng trong lịch sử trái đất: Ordovic – Silur (440 – 450 triệu năm trước); Devon (360 triệu năm trước); Permi – Trias (250 triệu năm trước); Trias – Jura (200 triệu năm trước); Creta – Paleogen (65 triệu năm trước)
[6] Đức Thượng Phụ Batôlômêô, Sứ điệp ngày Cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên (01.09.2012)
[7] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp Laudato Si (24.05.2015), số 210
[8] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit (25.03.2019), số 228
[9] https://blogs.ei.columbia.edu/2011/05/26/why-we-must-reconnect-with-nature/
[10] https://www.theguardian.com/commentisfree/2014/feb/13/10-reasons-why-we-need-more-contact-with-nature
[11] Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh trọn bộ (2011), ấn bản năm 2011
[12] Paul Ricoeur, Triết học về ý chí, t. II: Giới hạn và tội lỗi (2009), trang 216
[13] Trần Long Ẩn, Lời bài hát Một đời người, một rừng cây (1980)
[14] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Gaudete et Exsultate (19.03.2018), số 112
[15] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp Laudato Si (24.05.2015), số 222