GIỚI TRẺ SỐNG THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI –
SỐNG TÌNH HUYNH ĐỆ VÀ TÌNH BẰNG HỮU XÃ HỘI
I. ĐỊNH NGHĨA
III. THỰC TRẠNG CỦA XÃ HỘI HÔM NAY |
WHĐ (05.6.2021) – Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Thiên Chúa đã tạo dựng mọi người bình đẳng về quyền hành, nhiệm vụ và phẩm giá, và đã kêu gọi họ sống với nhau như anh chị em”[1]. Nhưng con người của thế giới hôm nay không chỉ dửng dưng với nhau mà còn coi nhau như đối thủ cạnh tranh, như đối tượng để khai thác, bóc lột, khiến một số người thì quá sang trọng, giàu có, trong khi đại đa số bị tước mất phẩm giá, nhân quyền và sự sống. Chính vì thế, ngài đã ra Thông điệp về xã hội này với hy vọng giúp ta có được một nhãn giới mới về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội. Trong đó, ngài cho thấy nền tảng, nguồn gốc của tình huynh đệ, thực trạng của tương quan giữa người với người hôm nay và đề nghị những phương thế hữu hiệu của tình huynh đệ trong lãnh vực xã hội, kinh tế, cách riêng chính trị.
I. ĐỊNH NGHĨA
Tình huynh đệ
“Tình huynh đệ” [2] , theo Thánh Phanxicô Assisi là một nếp sống được đánh dấu bằng hương vị của tin mừng, đòi hỏi một tình yêu vượt quá các ranh giới địa dư và khoảng cách. Tình huynh đệ ấy cũng còn là một sự cởi mở cho phép ta nhận ra, trân trọng và yêu thương mỗi người, bất kể họ được sinh ra ở đâu và đang sống ở đâu[3]. Tình huynh đệ xuất phát từ một đòi hỏi đề cao tự do và bình đẳng[4].
Tình bằng hữu xã hội
Tình bằng hữu xã hội là một tình yêu có khả năng vượt ra khỏi các ranh giới của các thành phố, các quốc gia và luôn tạo nên việc mở ra cho toàn vũ trụ[5].
Tình bằng hữu xã hội và tình huynh đệ phổ quát luôn nhất thiết đòi phải nhìn nhận giá trị và sự bình đẳng của mỗi người[6]. Đây là nguyên tắc căn bản của đời sống xã hội, nhưng đang có khuynh hướng bị coi nhẹ[7].
Tình huynh đệ luôn cậy vào thương thuyết, trung gian và hoà giải cách không mệt mỏi, như đã được đề nghị trong Hiến chương Liên hiệp quốc, một nhu cầu thật sự tạo nên một qui tắc pháp lý căn bản[8].
Tình yêu
Còn đặc điểm của tình yêu là mở rộng sự sống, lôi kéo con người ra khỏi mình để hướng đến và ấp ủ tha nhân[9], đưa ta tới chỗ tìm kiếm những điều tốt nhất cho họ. Chỉ qua việc vun xới mối liên hệ này với nhau, ta mới có thể tạo nên một tình bằng hữu xã hội và một tình huynh đệ mở ra cho mọi người.[10]
Như thế, cả tình yêu, tình huynh đệ và tình bằng hữu đều đòi ta phải tôn trọng, nhìn nhận phẩm giá và sự bình đẳng của mọi người, nhưng vì sao ta lại phải có thái độ ấy với họ? Đâu là nền tảng và nguồn gốc của tình huynh đệ và tình bằng hữu ấy?
II. NỀN TẢNG VÀ NGUỒN GỐC
Cựu ước
Ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng mọi người theo hình ảnh và giống như Ngài (St, 1, 27). Ngài đã tạo dựng họ là gia đình, là cộng đoàn và xã hội, nên cộng đoàn Chúa Ba Ngôi bao giờ cũng là nguồn gốc và khuôn mẫu tuyệt hảo của mọi sự sống trong xã hội[11]. Khi Cain giết Abel, Thiên Chúa đã hỏi: “Abel, em con đâu?” (St 4, 9). Với câu hỏi ấy, Thiên Chúa không chấp nhận bất cứ việc biện minh nào cho sự dửng dưng của ta. Ngài khuyến khích ta tạo nên một nền văn hóa của sự quan tâm đến nhau[12]. Chính vì thế mà truyền thống Do thái đã để lại cho họ hai điều răn quan trọng: yêu đồng loại như chính mình (Lv 19, 18) và “đừng làm cho người ta những gì con không muốn người ta làm cho con” (Tb 4, 15). Rabbi Hillel tuyên bố: Đây là toàn bộ Torah[13], mọi thứ khác chỉ là thứ yếu[14].
Như thế, con người chỉ có thể là mình khi chân thành hiến mình cho tha nhân[15] và chỉ biết mình cách trọn vẹn khi gặp gỡ tha nhân. Sự sống hiện diện ở những nơi có liên hệ, có sự hiệp thông, có tình huynh đệ. Sự chết hoành hành khi ta sống như các hòn đảo[16].
Lời kêu gọi đến với tình huynh đệ luôn âm vang trong suốt Tân ước[17]. Nhưng không có sự cởi mở với Cha của mọi người, thì sẽ không có lý do gì để kêu gọi tình huynh đệ[18].
Tân ước
Các Kitô hữu biết rằng đức tin bao giờ cũng khơi dậy và duy trì lòng tôn trọng tha nhân, vì Thiên Chúa yêu thương mọi người bằng một tình yêu vô biên. Ngài đã “ban cho toàn nhân loại một phẩm giá vô cùng”[19]. Và tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, ai cũng như ai, bất kể tôn giáo[20].
Đức Kitô cũng đã đổ máu vì mỗi chúng ta và không ai ở ngoài tầm tình yêu phổ quát của Ngài. Ta phải ấp ủ hết mọi người, vì Cha trên trời “làm cho mặt trời mọc lên cho cả kẻ xấu lẫn người tốt” (Mt 5, 45) và phải nhân từ như Cha chúng ta là Đấng nhân từ (Lc 6, 36)[21].
Để tránh cơn cám dỗ muốn hình thành các cộng đoàn Kitô hữu khép kín và cô lập, Thánh Phaolô đã thúc đẩy các môn đệ yêu nhau và yêu hết mọi người (1 Thes 3, 12). Vì “tình yêu làm ta có thể tạo nên một đại gia đình, trong đó, tất cả chúng ta đều thấy mình đang ở nhà”[22]. Khi “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15) ta có thể đồng hoá với người khác, có thể bắt đầu kinh nghiệm về người khác như “xác thịt của ta” (Is 58, 7)[23].
Dụ ngôn người Samarita Nhân hậu có một chi tiết nổi bật về những kẻ qua đường: họ là những người có tôn giáo, họ hiến mình thờ phượng Thiên Chúa. Chi tiết ấy cho thấy rằng niềm tin vào Thiên Chúa và việc thờ phượng Thiên Chúa chưa đủ để bảo đảm rằng ta đang làm vui lòng Thiên Chúa. Đức tin bao giờ cũng giúp mở lòng cho anh chị em mình[24]. Chính vì thế, “không có gì thật sự thuộc con người mà không tìm được tiếng vang trong lòng các tín hữu”[25].
Hội thánh tiên khởi
Là một nhóm thiểu số giữa dân ngoại, các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi vẫn luôn sống tình huynh đệ với mọi người qua sự nhẫn nại, khoan dung và hiểu biết. Họ được dạy cho biết phải khuyên lơn các đối thủ “với sự hiền lành” (2 Tim 3, 2 – 3) và “đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người.” (Tit 3. 2 – 3).
Như thế, nguồn phẩm giá của con người và của tình huynh đệ nằm trong tin mừng của Đức Giêsu Kitô. Từ tin mừng ấy, Hội thánh dành ưu tiên cho các mối tương quan, các cuộc gặp gỡ tha nhân, cho sự hiệp thông hoàn vũ với gia đình nhân loại”[26].
Tóm lại, tình huynh đệ và bằng hữu xã hội, xuất phát từ Thiên Chúa Ba Ngôi, được thể hiện cụ thể nơi Đức Kitô và được Hội thánh tiên khởi thực hiện, nhưng hiện đang bị các cá nhân, gia đình và xã hội tàn phá.
III. THỰC TRẠNG CỦA XÃ HỘI HÔM NAY
Cá nhân
Thế giới kỹ thuật số
Ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số, một thời đại đang làm cho mọi sự xích lại gần nhau nhưng lại làm cho con người xa cách nhau hơn khi nào hết: cuộc sống con người đang bị soi mói, nhòm ngó cách bỉ ổi, bị lột trần và bôi bác tuỳ tiện[27]. Tương quan giữa người với người của truyền thông kỹ thuật số luôn có khuynh hướng ngụy trang và mở rộng chủ nghĩa cá nhân qua việc bài ngoại và khinh miệt những người yếu đuối[28], khích lệ sự thù ghét, khinh khi, lạm dụng, phỉ báng và bạo động bằng lời nói có tính huỷ diệt tha nhân nên không có khả năng hợp nhất nhân loại[29]. Là các tù nhân của thực tại ảo ấy, ta đang đánh mất hương vị của sự thật[30], của tình huynh đệ. Ta đang nhồi nhét cho mình những gì ta thấy trên mạng, tìm kiếm những kết quả mau qua và an toàn, để chỉ thấy mình tràn ngập bồn chồn, lo lắng[31].
Chủ nghĩa tiêu thụ và cá nhân
Những người theo chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân rỗng tuếch đang đẩy người trẻ tới chỗ dẹp bỏ lịch sử của mình, kinh nghiệm của các bậc cao niên, chối bỏ sự phong phú về mặt thiêng liêng và nhân bản được thừa hưởng từ các thế hệ trước và phớt lờ mọi sự có trước họ; đang làm người trẻ thành nông cạn, mất gốc và mất tin tưởng, để dễ dàng bắt người trẻ hành động theo các kế hoạch của mình. Đó là cách các ý thức hệ hoạt động: phá huỷ mọi khác biệt để có thể cai trị mà không bị chống đối[32].
Hậu quả
Để tìm kiếm sự an toàn, ta rút vào bên trong, phớt lờ người khác, dửng dưng đối với cảnh ngộ của họ, khinh miệt người nghèo và văn hóa của họ, nhìn sang chỗ khác[33]. Ta đang xây lên các bức tường trong lòng, trên đất, để bảo vệ thế giới của riêng ta, để phủ nhận phẩm giá không thể chuyển nhượng của người khác, và để không phải gặp gỡ người khác và nền văn hóa khác[34], ta thành nô lệ trong chính các bức tường ta đã xây lên. Ta bị tù túng, không có chân trời, vì thiếu sự trao đổi với tha nhân”[35]. Ta đang cô đơn hơn trong một thế giới đề cao quyền lợi cá nhân và làm suy yếu chiều kích cộng đoàn của cuộc sống[36].
Gia đình
Trong các gia đình, tỷ lệ sinh giảm sút làm cho dân số già nua, người cao niên phải sống cuộc đời cô đơn, buồn chán, khiến “những thứ bị quăng đi không chỉ là thực phẩm và các nhu yếu phẩm mà thường là chính bản thân con người”[37].
Xã hội
Hiện ta đang có đầy đủ sự vô luân: chế giễu đạo đức, sự tốt lành, đức tin và lòng chân thành. Khi những nền tảng của đời sống xã hội đã rã ra rồi, thì cái tiếp theo chỉ là những cuộc đấu đá vì những quyền lợi xung đột[38]. Khi người ta không đề cao sự thiện, không truyền lại các giá trị thì những thứ được truyền lại sẽ chỉ là ích kỷ, bạo lực, tham nhũng trong các hình thức khác nhau, hờ hững và cuối cùng là một cuộc sống khép lại với sự siêu việt và cố thủ trong các quyền lợi của cá nhân[39].
Trong bối cảnh ấy, những biểu hiện của một chủ nghĩa quốc gia có tính xâm lược và căm phẫn, cực đoan và thiển cận bắt đầu trỗi dậy[40].
Kinh tế
Nền kinh tế toàn cầu đang áp đặt một mô hình văn hóa duy nhất, giúp thống nhất thế giới, nhưng “không làm cho ta thành anh em được”[41]. Thịnh vượng gia tăng thật, nhưng cùng với sự thịnh vượng ấy là bất bình đẳng. Những hình thức nghèo khổ do nạn thất nghiệp trực tiếp gây ra bao giờ cũng đưa tới chỗ gia tăng nghèo khổ[42].
Nhiều hình thức bất công vẫn tồn tại vì nền kinh tế dựa trên lợi tức không ngần ngại bóc lột, sa thải và thậm chí giết người. Trong khi một phần của nhân loại đang hưởng sự giàu sang, thì một phần khác đông hơn lại thấy mình bị khước từ, khinh miệt hay chà đạp và thấy quyền căn bản của mình bị vứt bỏ và xâm phạm[43]. Phụ nữ thường phải chịu những cảnh bị loại trừ, đối xử tàn tệ và bạo động hơn, vì họ có ít khả năng bảo vệ các quyền của mình[44].
Chính trị
Ngày nay, tại nhiều nước, ngoa ngữ, sự cực đoan và sự phân cực đang trở thành các công cụ chính trị. Khi sử dụng chiến lược thoá mạ, hoài nghi và chỉ trích tàn nhẫn bằng nhiều cách khác nhau, người ta đang phủ nhận quyền được hiện hữu hay quyền được có ý kiến của tha nhân[45]. Ta đang chứng kiến những bùng nổ về sự căng thẳng và đề cao vũ trang và đạn dược, “những cuộc khủng hoảng chính trị lớn, những hoàn cảnh bất công và việc phân phối các tài nguyên thiên nhiên thiếu bình đẳng. Đối diện với các cuộc khủng hoảng gây nên cái chết của hàng triệu trẻ em – ốm o gầy còm vì nghèo đói – có một sự im lặng không thể chấp nhận được trên bình diện quốc tế”[46].
Nô lệ
Dù cộng đồng quốc tế đã chấp nhận nhiều thoả thuận nhằm chấm dứt tình trạng nô lệ dưới mọi hình thức, nhưng hàng triệu người hôm nay vẫn đang bị tước mất tự do và buộc phải sống trong những điều kiện gần như nô lệ. Họ bị đối xử như một đồ vật, bị tước mất tự do, bị bán và bị hạ thấp thành tài sản của người khác[47]. Những sự đồi bại và kinh tởm khác là khuất phục phụ nữ rồi ép họ phá thai, bắt cóc người ta để bán các bộ phận[48].
Di dân
Một trong những mối quan tâm lớn nhất hiện nay của Hội thánh cũng như của các chính quyền dân sự là nạn di dân. Nhiều người buộc phải di dân vì chiến tranh, bắt bớ và thiên tai, hoặc muốn tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn[49], nhưng cũng vì bị nền văn hóa Tây phương hấp dẫn và những kỳ vọng không thực tế. Họ thường bị những kẻ buôn người vô lương tâm, các tổ chức độc quyền về ma tuý và vũ khí, khai thác[50] và thường có kinh nghiệm về việc bị mất gốc về văn hóa và tôn giáo[51]. Họ không được coi là những người có quyền tham gia đời sống xã hội, và có một phẩm giá nội tại như những người khác[52].
Chiến tranh
Chiến tranh không phải là một bóng ma của quá khứ mà là một đe doạ không ngừng[53], là việc phủ nhận mọi quyền và là cuộc tấn công bi thảm vào môi trường[54]. Chiến tranh là một thất bại của chính trị và của nhân loại, là một sự đầu hàng tủi nhục, một thất bại nhức nhối trước các thế lực sự dữ. Mỗi cuộc chiến đều làm cho thế giới này tồi tệ hơn trước: các thường dân bị giết hại, người ta thành vô gia cư, thành nạn nhân của phóng xạ nguyên tử hay các cuộc tấn công hoá học. Mẹ mất con, thiếu niên bị thương tật và bị tước mất tuổi thơ[55].
Đứng trước tình trạng bi đát ấy, ta phải sống tình huynh đệ ra sao?
IV. SỐNG THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI
Đòi hỏi chung
Nền tảng Kinh thánh của Thông điệp này là dụ ngôn Người Samarita Nhân hậu. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu kêu gọi ta ý thức rằng ta được tạo dựng để thực hiện một điều chỉ có thể tìm được trong tình yêu[56]. Ta không thể sống và phát triển mà lại không có tha nhân[57], nên ta phải bền đỗ trong tình yêu, trong việc gìn giữ phẩm giá cho những người đau khổ và xây dựng một xã hội xứng danh[58].
Như người Samarita[59], ta cũng cần dẹp bỏ một xã hội loại trừ, chỉ biết nghĩ đến mình, để xây dựng mối liên kết xã hội mới, hướng xã hội tới chỗ theo đuổi công ích và củng cố trật tự xã hội và chính trị, tái thiết thế giới bị thương tích của ta, nâng dậy và đưa những người sa ngã vào lại cộng đoàn[60]. Muốn đạt những điều ấy, ta cần:
– Một đức tin và lòng xót thương đức tin khơi dậy. Giáo lý phải nói rõ và trực tiếp hơn về ý nghĩa có tính xã hội của sự sống, chiều kích huynh đệ của linh đạo, phẩm giá bất khả chuyển nhượng và những lý do khiến ta phải yêu thương và chấp nhận mọi người[61]; cũng cần một giải đáp tức khắc khi việc bài ngoại, khinh khi và việc đối xử tàn tệ với những người khác, xuất hiện.
– Một nền hòa bình đích thật trong lòng để khỏi thi hành quyền lực trên những người khác[62]; tránh mọi hình thức thù địch hay xung đột[63]; nhìn nhận phẩm giá và giá trị của mỗi người hầu tái sinh khát vọng phổ quát về tình huynh đệ[64]; tôn trọng các quyền con người. Nếu các quyền của mỗi cá nhân không được tôn trọng, thì chắc chắn sẽ có xung đột và bạo lực[65].
– Tình liên đới, coi cuộc sống của mọi người hơn việc một số ít chiếm đoạt tài sản cho riêng mình, chống lại những nguyên nhân thuộc cơ chế gây ra cảnh đói nghèo, bất bình đẳng, thiếu việc làm, đất đai, nhà ở, chống lại sự phủ nhận các quyền xã hội và lao động, đương đầu với những hậu quả huỷ diệt của đế chế tiền bạc[66].
– Quan tâm đến nhau, có cái nhìn vượt quá chính mình và nhóm của mình. Những ai đang được hưởng dư thừa về nước nhưng lại chọn giữ nước ấy vì đại gia đình nhân loại đều đạt được một tầm cỡ luân lý tốt đẹp[67].
Sự tốt lành, cùng với tình yêu thương, công lý và tình liên đới, không chỉ đạt được một lần là xong mà phải được xây dựng mỗi ngày[68]. Ta không thể ổn định với và tận hưởng cách tự mãn những gì đã đạt được trong quá khứ, để có thể quan tâm đến nhiều anh chị em vẫn phải chịu những hoàn cảnh đòi ta phải để ý[69].
Một nền văn hóa gặp gỡ
Một nền văn hóa gặp gỡ được đánh dấu bằng:
– Im lặng, lắng nghe: ta đang sống trong một thế giới điếc lác, chỉ muốn ngắt lời người ta và phủ nhận những gì họ chưa nói hết, nên lắng nghe chính là nền tảng của thái độ tiếp đón. Khi không còn im lặng và lắng nghe, mà chỉ còn những nhắn tin điên cuồng, thì sẽ xuất hiện một kiểu sống mới trong đó, ta chỉ tạo ra những gì ta muốn và loại bỏ mọi sự ta không thể kiểm soát hay chỉ biết cách hời hợt, loáng thoáng[70].
– Ở cùng nhau: việc ở cùng nhau giúp ta có thể tìm kiếm sự thật trong đối thoại và bàn luận. Việc này đòi phải kiên trì, thinh lặng, chịu đựng, nhẫn nại ấp ủ kinh nghiệm rộng hơn của các cá nhân và dân tộc. Tiến trình xây dựng tình huynh đệ, bất kể có tính địa phương hay toàn cầu, chỉ có thể có được nhờ tinh thần tự do và mở ra cho những cuộc gặp gỡ đích thật[71].
– Đồng trách nhiệm: tích cực tham gia vào việc canh tân và nâng đỡ xã hội đang gặp rắc rối của ta, mang lấy nỗi đau của tha nhân hơn là gieo rắc hận thù, căm ghét, không ngừng và không mệt mỏi trong nỗ lực bao hàm, hội nhập và nâng dậy những người sa ngã thay vì hàng phục não trạng của những kẻ bạo lực, tham vọng cách mù quáng, gieo rắc sự mất tin tưởng và gian dối[72].
Đức Thánh Cha kêu gọi ta bắt đầu ngay và bắt đầu từng trường hợp một, hành động ở mức độ cụ thể nhất từ địa phương tới quốc gia và toàn thế giới và bắt đầu với những người khác như người Samarita đã tìm các chủ quán giúp đỡ ông[73].
Quốc gia và quốc tế
Các quốc gia cần suy nghĩ theo kiểu mình là một phần của gia đình nhân loại lớn hơn để có thể tiếp đón vô vị lợi. Chỉ nền văn hóa xã hội và chính trị nào sẵn sàng đón tiếp người khác “cách vô vị lợi” mới có được tương lai[74].
Trong thế giới toàn cầu hoá này, ta cần đạt tới một trật tự kinh tế, chính trị và luật pháp ở mức toàn cầu, một trật tự có thể gia tăng và định hướng cho sự hợp tác quốc tế để phát triển các dân tộc trong tình liên đới[75]; “phải đem lại cho các nước nghèo một tiếng nói hiệu quả trong việc cùng đưa ra quyết định”[76] và giúp các nước nghèo và kém phát triển có thể dễ đến được với thị trường quốc tế.[77].
Xung đột
Đứng trước các xung đột[78], Kitô hữu cần:
– Ý thức rằng trả thù và ghen ghét không bao giờ làm cho các gia đình, chủng tộc, và quốc gia xích lại gần nhau được. Vì thế ta cần lấy sự thiện thắng sự dữ (x. Rm 12, 2) và vun xới những nhân đức nuôi dưỡng sự hoà giải, tình liên đới và hoà bình[79] bằng cách dập tắt ngay những xét đoán cay nghiệt, những chống đối, oán hận[80].
– Giải quyết xung đột bằng đối thoại và thương thuyết cách cởi mở, chân thành và kiên nhẫn[81] và chuẩn bị cõi lòng mình cho việc gặp gỡ anh chị em ta, để có thể khắc phục những khác biệt bắt nguồn trong lối suy nghĩ, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo và chính trị[82].
– Khi đương đầu với các quan chức tham nhũng, các tội phạm, ta được kêu gọi yêu thương họ, không phải để cho họ tiếp tục đàn áp, nhưng tìm cách làm cho họ không đàn áp nữa, tước đi sức mạnh họ dùng để chà đạp phẩm giá của mình và của người khác[83].
Di dân
Di dân hiện đang là một vấn đề nóng của Hội thánh và thế giới, đứng trước vấn đề nhức nhối này, Đức Thánh Cha khuyến dụ ta:
– Ý thức rằng chỉ khi cởi mở với tha nhân, thì cá nhân và xã hội mới sinh hoa kết trái[84].
– Tránh sự di dân không cần thiết bằng cách tạo nên những điều kiện cần thiết cho một cuộc sống có nhân phẩm và sự phát triển toàn diện trong các quốc gia bản xứ[85].
– Dẹp bỏ não trạng coi họ là những người không có cùng một phẩm giá và không được tham gia đời sống xã hội như những người khác [86].
– Xây dựng một cảm thức về trách nhiệm đối với anh chị em mình[87].
– Tôn trọng quyền của mọi người trong việc tìm kiếm một nơi có thể đáp ứng những nhu cầu căn bản của họ, của gia đình họ và hoàn tất bản thân họ bằng cách đón tiếp, bảo vệ, đề cao và hội nhập, cụ thể là đơn giản hóa việc cấp visa; nhận các chương trình đỡ đầu các cá nhân và cộng đoàn; cung cấp nhà ở thích hợp; bảo đảm việc có thể đến với các dịch vụ căn bản và sự trợ giúp đầy đủ của lãnh sự quán và quyền được giữ các giấy tờ tùy thân…[88]
– Đối với những người đã tham gia mạng lưới xã hội rồi, cần thiết lập trong các xã hội quyền công dân đầy đủ và loại bỏ việc sử dụng cách kỳ thị thuật ngữ những người thiểu số, một thuật ngữ luôn gây ra cảm giác cô lập và kém cỏi[89].
Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ “đừng nghe theo người khác mà chống lại các bạn trẻ mới đặt chân lên đất nước các con, và đừng nhìn các bạn ấy như một mối đe dọa, là những người không có cùng một phẩm giá bất khả nhượng như những người khác”[90].
Kinh doanh
Hoạt động kinh doanh là một ơn gọi hướng đến việc sản xuất ra của cải và cải thiện thế giới này[91], nên cần phát huy tài năng Thiên Chúa đã ban để khai thác vũ trụ bát ngát tiềm năng này; phát triển bản thân[92], tìm ra các phương tiện tốt nhất về kinh tế và kỹ thuật để gia tăng của cải và sự giàu có nhằm xóa bỏ đói nghèo cách riêng nhờ việc tạo lập các cơ hội làm việc đa dạng[93].
Chiến tranh
Thế giới của ta đang ì ạch tiến tới hòa bình[94], và đang thật sự kinh nghiệm về “chiến tranh thế giới đã dần xuất hiện”[95] nhưng Thánh Gioan XXIII khẳng định chiến tranh không còn là công cụ thích hợp để sửa chữa lại những vi phạm công lý nữa[96] vì mỗi cuộc chiến đều làm cho thế giới này tồi tệ hơn trước[97]. Sự phát triển vũ khí hạt nhân, hoá học và sinh học và những khả năng mênh mông ngày một gia tăng do các kỹ thuật mới cung cấp, sẽ là một mối nguy vô cùng đối với nhân loại và thế giới này[98]. Để chấm dứt chiến tranh, ta cần:
– Bảo đảm quyền lực của luật pháp và không ngừng cậy dựa vào việc thương thuyết, trung gian và trọng tài phân xử, như Hiến chương liên hiệp quốc đề nghị[99].
– Nhìn vào tất cả các thường dân vô tội bị giết chết cách không thương tiếc, nghĩ đến những người tị nạn, vô gia cư, những nạn nhân của phóng xạ nguyên tử hay các cuộc tấn công hoá học, những bà mẹ mất con, các trẻ thơ bị thương tật và bị tước mất tuổi thơ. Chỉ khi ấy, ta mới có thể cảm nhận được sự dữ tại trung tâm của chiến tranh. Chiến tranh không còn là một giải pháp nữa, vì các nguy hiểm của chiến tranh bao giờ cũng lớn hơn lợi ích chúng đem lại. “Đừng bao giờ có chiến tranh nữa”[100].
Đức ái xã hội và chính trị
Không có nền chính trị lành mạnh, thế giới này không thể hoạt động và phát triển hướng đến tình huynh đệ hoàn vũ và nền hòa bình thế giới[101]. Một nền chính trị lành mạnh có thể cải thiện và điều phối các tổ chức, nâng cao các thực hành tốt nhất và xoá bỏ tình trạng quan liêu[102]. Vì luôn tìm kiếm công ích, chính trị được coi như “một ơn gọi cao cả và là một trong những hình thức cao cả nhất của đức ái[103]. Đức ái xã hội làm cho ta yêu chuộng công ích[104], xây dựng cộng đoàn[105], xây dựng một nền văn minh tình yêu, một thế giới mới[106], tránh những hậu quả tàn phá của sự toàn cầu hoá[107]. Đức ái này chính là con tim của chính trị. Vì chỉ khi có được đức ái, người ta mới có thể tôn trọng người nghèo trong phẩm giá, trong căn tính và văn hóa của họ[108], tôn trọng cả những người bị kết án tử hình vì “ngay cả kẻ sát nhân vẫn không đánh mất phẩm giá mình”[109].
Các chính trị gia được kêu gọi làm việc để thay đổi những điều kiện khiến con người phải đau khổ[110]:
– Chăm sóc các nhu cầu của các cá nhân, các dân tộc, những người thiếu thốn cách quảng đại[111], coi phẩm giá mọi người hơn các ý tưởng, ý kiến, thực hành và ngay cả tội lỗi của họ; cam kết sống và dạy giá trị của việc tôn trọng tha nhân, dạy một đức ái có thể tiếp nhận những khác biệt; có một cái nhìn thoáng, thực tế và hiện thực vượt quá các ranh giới của mình.
– Tìm ra những giải pháp hiệu quả để dẹp bỏ nạn buôn người, buôn các bộ phận và các mô con người, nạn khai thác tình dục thiếu niên nam, nữ, lao động khổ sai, kể cả nạn mại dâm, buôn bán ma tuý và vũ khí, nạn khủng bố và các tổ chức tội phạm quốc tế, tránh mọi cơn cám dỗ chỉ biết nói mà không làm”[112].
– Cởi mở với hết mọi người, sẵn sàng lắng nghe các quan điểm khác và dành chỗ cho mọi người[113]; tích cực làm việc để mở rộng nền văn hóa khoan dung và việc chung sống hoà bình để chặn đứng việc đổ máu người vô tội cách sớm nhất[114]; phản ứng ngay tức khắc để điều chỉnh lại các chính sách gieo rắc hận thù và sợ hãi cho các nước khác nhân danh sự thịnh vượng đất nước mình.
– Tạo việc làm cho người khác. Nền chính trị thế giới cần coi việc dẹp bỏ đói nghèo cách hiệu quả là một trong những mục đích đầu tiên và cấp bách nhất[115].
Các chính trị gia còn được kêu gọi:
– Thực thi tình bác ái trong các mối tương quan liên vị hằng ngày[116]: dành chỗ cho một tình yêu dịu hiền đối với “những người nhỏ nhất, yếu nhất, nghèo nhất”[117].
Chính trị gia cần luôn tự hỏi: “Tôi đã tạo được những mối tương quan nào?” “Tôi đã gieo được bao nhiêu hòa bình cho xã hội? Tôi đã đạt được sự thiện nào trong vị trí đã được ủy thác cho tôi?”[118]
Như thế, để trở thành phản ảnh sống động của gia đình Thiên Chúa nơi trần gian, ta được mời gọi bền đỗ trong tình yêu, xây dựng một nền hòa bình trong lòng, một nền văn hóa gặp gỡ, giải quyết xung đột bằng đối thoại và thương thuyết, tôn trọng quyền bình đẳng của mọi người, dẹp bỏ chiến tranh và án tử hình, coi trọng công ích, xóa bỏ đói nghèo và xây dựng một nền văn hóa khoan dung và việc chung sống hoà bình. Đây là một nhiệm vụ không chỉ làm một lần là xong mà phải làm mọi ngày. Hy vọng rằng những gợi ý này của Đức Thánh Cha sẽ giúp ta những phương thế cần thiết để xây dựng tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội trong thế giới hôm nay.
Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông,
Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 123 (Tháng 3 & 4 năm 2021)
WHĐ (05.6.2021)
[1] Document on Human Fraternity for World Peace and Living Together, Abu Dhabi (14. 2. 2019); L’Osservatore Romano, 4 – 5. 2. 2019, tr. 6.
[2] Admonitions, 6, 1. Bản dịch tiếng Anh trong Francis Assisi: Early Documents, tập I., New York, London, Manila (1999), 131.
[3] Fratelli Tutti, số 1
[4] Fratelli Tutti, số 103
[5] Fratelli Tutti, số 99
[6] Tông huấn, Evangelii Gaudium (24.11. 2013), 190: AAS 105 (2013), 1100.
[7] Fratelli Tutti, số 105
[8] Address to the Members of the General Assembly of the United Nations Organization, New York (25.9.2015): AAS 107 (2015), 1037, 1041; Fratelli Tutti, số 173.
[9] X. Thánh Tôma Aquinô: Scriptum super Sententiis, lib. 3, dist. 27, q. 1, a. 1, ad 4: “Dicitur amor extasim facere et fervere, quia quod fervet extra se bullit et exhalat”; Fratelli Tutti, số 89.
[10] Fratelli Tutti, số 93 và 94
[11] Fratelli Tutti, số 85.
[12] Fratelli Tutti, số 57.
[13] Torah: Ngũ Thư (ctcdg)
[14] Talmud Bavli (Babylonian Talmud), Shabbat, 31a; Fratelli Tutti, số 59.
[15] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Hội thánh trong Thế giới hôm nay, Gaudium et Spes, 24.
[16] Fratelli Tutti, số 87.
[17] Fratelli Tutti, số 61.
[18] Fratelli Tutti, số 272.
[19] Thánh Gioan Phaolô II, Message to the Handicapped, Angelus in Osnabruck, Đức (16.11. 1980): Insegnamenti III, 2 (1980), 1232; Fratelli Tutti, số 281.
[20] From the film Pope Francis: A Man of His Word, by Wim Wenders (2018)
[21] Fratelli Tutti, số 60
[22] Address to Those Assisted by the Charitable Works of the Church, Tallinn, Estonia (25.9.2018): L’Osservatore Romano, 27.9.2018, tr. 8; Fratelli Tutti, số 62
[23] Fratelli Tutti, số 84.
[24] Fratelli Tutti, số 74
[25] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Hội thánh trong Thế giới hôm nay, Gaudium et Spes, 1; Fratelli Tutti, số 56.
[26] Lectio Divina, Pontifical Lateran University, Rome (26.3. 2019): L’Osservatore Romano, 27.3. 2019, tr. 10; Fratelli Tutti, số 277.
[27] Fratelli Tutti số 42
[28] Fratelli Tutti, số 43.
[29] Fratelli Tutti, số 44.
[30] Homily in Skopje, North Macedonia (7.5. 2019): L’Osservatore Romano, 8.5. 2019, p. 12.
[31] Fratelli Tutti, số 31
[32] Tông huấn hậu thượng hội đồng, Christus vivit (25.3.2019), 181; Fratelli Tutti, số 13.
[33] Fratelli Tutti, số 73
[34] Fratelli Tutti, số 27.
[35] Address to the World of Culture, Cagliari, Italy (22.9. 013): L’Osservatore Romano, 23-24.9. 2013, tr. 7; Fratelli Tutti, số 27.
[36] Fratelli Tutti, số 12
[37] Address to the Diplomatic Corps accredited to the Holy See (13.1.2014): AAS 106 (2014), 83-84; Fratelli Tutti, số 19.
[38] Thông điệp Laudato Si (24. 5. 2015) 229. AAS 107 (2015), 937; Fratelli Tutti, số 19.
[39] Fratelli Tutti, số 113
[40] Fratelli Tutti, số 11
[41] BENEDICTÔ XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29.6. 2009), 19: AAS 101 (2009), 655; Fratelli Tutti, số 12
[42] BENEDICTÔ XVI, Thông điệp, Caritas in Veritate (29.6.2009), 22: AAS 101 (2009), 65; Fratelli Tutti, số 21
[43] Message to Participants in the International Conference “Human Rights in the Contemporary World: Achievements, Omissions, Negations” (10.12. 2018): L’Osservatore Romano, 10-11.12. 2018, tr. 8.
[44] Tông huấn, Evangelii Gaudium (24.11.2013), 212: AAS 105 (2013), 1108; Fratelli Tutti, số 23.
[45] Fratelli Tutti, số 15
[46] Document on Human Fraternity for World Peace and Living Together, Abu Dhabi (4.2. 2019): L’Osservatore Romano, 4-5.2. 2019, tr. 6; Fratelli Tutti, số 29
[47] Message for the 2015 World Day of Peace (8.12.2014), 3-4: AAS 107 (2015), 69-71.
[48] Fratelli Tutti, số 24
[49] Tông huấn hậu thượng hội đồng, Christus Vivit (25.3.2019), 91; Fratelli Tutti, số 37.
[50] Ibid., 92
[51] Fratelli Tutti, số 38
[52] Fratelli Tutti, số 39.
[53] Fratelli Tutti, số 256
[54] Fratelli Tutti, số 257
[55] Fratelli Tutti, số 261,
[56] Fratelli Tutti, số 66
[57] Fratelli Tutti, số 68
[58] Fratelli Tutti, số 71.
[59] Fratelli Tutti, số 63.
[60] Fratelli Tutti, số 67.
[61] Fratelli Tutti, số 86
[62] Fratelli Tutti, số 4
[63] Fratelli Tutti, số 3
[64] Fratelli Tutti, số 8 và 106; Fratelli Tutti, số 22
[65] Address to the European Parliament, Strasbourg (25. 11. 2014) AAS 106 (2014); Fratelli Tutti, số 111
[66] Fratelli Tutti, số 116
[67] Fratelli Tutti, số 117.
[68] Fratelli Tutti, số 11
[69] BENEDICTÔ XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29.6. 2009), 19: AAS 101 (2009), 655.
[70] Fratelli Tutti, số 49.
[71] Fratelli Tutti, số 50
[72] Fratelli Tutti, số 77
[73] Fratelli Tutti, số 78.
[74] Fratelli Tutti, số 141.
[75] ĐỨC BENEDICTÔ XVI, Thông điệp, Caritas in Veritate (29. 6. 2009), 67: AAS 101 (2009), 700.
[76] Ibid., 67: AAS 101 (2009), 700.
[77] PONTIFICAL COUNCIL FOR JUSTICE AND PEACE, Compendium of the Social Doctrine of the Church, 447, Fratelli Tutti số 138.
[78] Fratelli Tutti, số 245
[79] Arrival Ceremony, Colombo, Sri Lanka (13. 1. 2015): L’Osservatore Romano, 14. 1. 2015, p. 7.
[80] Video Message to the TED Conference in Vancouver (26.4. 2017): L’Osservatore Romano, 27.4. 2017, tr. 7; Fratelli Tutti, số 242.
[81] Fratelli Tutti, số 244
[82] Fratelli Tutti, số 254
[83] Fratelli Tutti, số 241
[84] Fratelli Tutti, số 41
[85] Fratelli Tutti, số 129
[86] Fratelli Tutti, số 39
[87] Address to the Diplomatic Corps accredited to the Holy See (13.1. 2014): AAS 106 (2014), 84; Fratelli Tutti, số 40
[88] X. Message for the 2018 World Day of Migrants and Refugees (14.1. 2018): AAS 109 (2017), 918-923; Fratelli Tutti, số 130
[89] Fratelli Tutti, số 131
[90] Ibid., 94; Fratelli Tutti, số 133.
[91] Ibid., 129: AAS 107 (2015), 899.
[92] Thánh Phaolô VI, Thông điệp, Populorum Progressio (26.3.1967): AAS 59 (1967), 265; Benedict XVI, Thông điệp, Caritas in Veritate (29.6.2009), 16: AAS 101 (2009), 652.
[93] Fratelli Tutti, số 123
[94] Fratelli Tutti, số 156
[95] Fratelli Tutti, số 259
[96] Thông điệp Pacem in Terris (11.4.1963): AAS 55 (1963), 291; Fratelli Tutti, số 260
[97] Fratelli Tutti, số 261.
[98] Fratelli Tutti, số 258
[99] Address to the Members of the General Assembly of the United Nations, New York (25.9. 2015): AAS 107 (2015), 1041-1042.
[100] Thánh Augustinô, người đã đưa ra khái niệm về “chiến tranh chính nghĩa” hiện ta không còn bám vào được nữa, cũng nói rằng “nói về chiến tranh thôi thì vinh quang hơn dùng gươm giết người và duy trì hòa bình chứ đừng bằng chiến tranh” (Epistola 229, 2: PL 33, 1020)
[101] X. SOCIAL COMMISSION OF THE BISHOPS OF FRANCE, Déclaration Réhabiliter la Politique (17. 2. 1999); Fratelli Tutti, số 175.
[102] Ibid., 181: AAS 107 (2015), 919; Fratelli Tutti, số 177.
[103] Tông huấn Evangelii Gaudium (24.11.2013), 205: AAS 105 (2013), 1106; Fratelli Tutti, số 180.
[104] Pontifical Council for Justice and Peace, Compendium of the Social Doctrine of the Church, 207.
[105] Fratelli Tutti, số 182
[106] X. Thánh Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio (26 March 1967), 44: AAS 59 (1967), 279.
[107] Fratelli Tutti, số 183.
[108] Fratelli Tutti, số 187.
[109] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (25.5. 1995), 9: AAS 87 (1995), 411; Fratelli Tutti, số 269.
[110] Fratelli Tutti, số 186
[111] Address to the United Nations Organization, New York (25.9. 2015): AAS 107 (2015), 1039
[112] Fratelli Tutti, số 188
[113] Fratelli Tutti, số 190
[114] Document on Human Fraternity for World Peace and Living Together, Abu Dhabi (4. 2. 2019): L’Osservatore Romano, 4-5. 2. 2019, p. 6.
[115] Fratelli Tutti, số 189
[116] RENÉ VOILLAUME, Frères de tous, ed. Cerf, Paris, 1968, 12-13; Fratelli Tutti, số 193
[117] General Audience (18.02.2015): L’Osservatore Romano, 19. 2. 2015, p. 8; Fratelli Tutti, số 194
[118] Fratelli Tutti, số 197.
#gioitresongthongdiepFratelliTutti #thongdiepFratelliTutti #songtinhuynhdevatinhbanghuuxahoi