ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VỚI SỨ VỤ PHỤC VỤ GIỚI TRẺ
(DỰA TRÊN TÔNG HUẤN “CHRISTUS VIVIT – ĐỨC KITÔ ĐANG SỐNG)
WHĐ (13.5.2021) – Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Thánh Cha nói đến các dấu chỉ thời đại hôm nay rằng: “Đối với rất nhiều người trẻ, những từ “Thiên Chúa”, ‘tôn giáo’ và ‘Giáo hội’ dường như không có ý nghĩa gì” (CV 39a). Thượng Hội Đồng các Giám Mục công nhận rằng: Một số đáng kể người trẻ, vì mọi lý do, họ cho rằng Hội Thánh chẳng có liên can gì đến cuộc đời họ (x. CV 40).
Nhận định này không phải là điều mới mẻ, không chỉ bởi vì chúng ta đang sống trong một giai đoạn, mà chủ nghĩa vô thần đang có một chỗ đứng, nhưng còn bởi vì, đó là điều không ngừng xảy ra trong suốt dòng lịch sử cứu độ. Quả thật, phải nhận rằng trong bất cứ thời đại nào, luôn luôn có những con người chối bỏ Thiên Chúa. Ngay cả khi, đó là một vị Thiên Chúa của tổ tiên, một vị Thiên Chúa yêu thương không ngừng, với lòng tha thứ không biết mệt mỏi và luôn đồng hành với con người qua mọi nẻo đường của cuộc sống. Đó là vị Thiên Chúa mà Hôsê đã cảm nghiệm, nhưng đó cũng là vị Thiên Chúa mà Hôsê đã đau đớn làm chứng rằng, Ngài đã bị khước từ và bị chối bỏ! (x. Hs 11,1-8).
Tiếp nối truyền thống Kinh Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Tông huấn Christus Vivit, đã nói với các Kitô hữu trẻ rằng: Chúa Kitô Phục Sinh, “Người ở trong con, Người ở với con và không bao giờ bỏ rơi con… Người kêu gọi và chờ đợi con bắt đầu lại” (CV 2), bởi vì “Chúa Kitô đang sống và Người muốn con cũng được sống!” (CV 1). Nhưng như đã nói ở trên, ngài cũng cảm thấy lo ngại về một số người trẻ, đã không còn bận tâm đến những thực tại, mà các từ ngữ Thiên Chúa, tôn giáo và Hội Thánh trình bày.
Điều đáng lưu tâm là Đức Thánh Cha đã không bỏ qua sự khước từ đó, mặc dù là điều diễn ra thường xuyên trong lịch sử. Dẫu những sự khước từ này chỉ mang tính cách cá nhân, thì cũng không nên bỏ qua. Ngài cũng chỉ cho thấy, đôi khi không phải là một sự chối bỏ trực tiếp, nhưng là một thái độ phản kháng đối với những thực tại, mà Thân Mình của Chúa Kitô đã trình bày. Đức Thánh Cha đã làm rõ điều đó khi ngài nói: Một số người trẻ “minh nhiên yêu cầu Hội Thánh để họ yên thân, vì họ cảm thấy khó chịu, nếu không muốn nói là bực bội, khi Hội Thánh hiện diện. Thường thì yêu cầu này không xuất phát từ một thái độ khinh miệt thiếu suy xét và bốc đồng, nhưng bắt nguồn từ những lý do nghiêm trọng và đáng trân trọng” (CV 40).
Cùng với Đức Thánh Cha, chúng ta cảm thấy đau buồn về điều đó. Nhưng cũng như Đức Thánh Cha, chúng ta không được phép, để cho tất cả những điều đó che khuất khuôn mặt của Chúa Kitô và ý muốn cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta không được quên điều quan trọng này, đó là: Thiên Chúa không muốn một ai trong kẻ bé mọn phải hư mất (x. Mt 18,14). Và sự sống đời đời đó là “nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Chính những điều này không ngừng chất vấn chúng ta là những người đang sống đời thánh hiến, những người được cho là “sống” với Chúa, “biết” Chúa. Là những phần tử của Giáo Hội, chúng ta cũng được mời gọi lắng nghe tiếng nói của Giáo Hội, đồng hành với Giáo Hội trong các sứ vụ mà Giáo Hội đang thực thi. Đặc biệt trong năm mục vụ “Đồng hành với người trẻ tới sự trưởng thành toàn diện”, chúng ta được kêu mời quan tâm đến người trẻ, không chỉ những chiên ngoan trong ràn, nhưng còn cả những con chiên “không thuộc ràn này” (Ga 10,16). Vậy đâu là cách thế để chúng ta có thể thực thi điều đó?
Chúng ta hãy bắt đầu với nút thắt mà các bạn trẻ hôm nay đang gặp phải, đó chính là khuôn mặt của Hội Thánh. Mặc dù trong Kinh Tin Kính chúng ta vẫn xác tín rằng Giáo Hội là một thực tại thánh thiện, thì Hiến chế Tín lý về Giáo Hội cũng khẳng định với chúng ta rằng: “Giáo Hội, vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình” (GH 8). Và như Tông Huấn cho thấy, khuôn mặt đó đã bị hoen ố một cách nào đó bởi các chi thể, khiến cho Đức Kitô bị chối bỏ. Và vì thế, điều cần thiết trước tiên, như Hiến chế Tín lý về Giáo Hội cho thấy, là mỗi chi thể “phải không ngừng sám hối và canh tân” (x. GH 8). Nếu điều này đúng với mọi chi thể của Hội Thánh, thì nó lại càng khẩn thiết hơn với những người sống đời thánh hiến. Bởi lẽ, nơi những con người được cho là dấu chỉ của đời sống mai sau, hẳn họ cũng được mong đợi, trình bày khuôn mặt của Đức Kitô cách rõ ràng hơn nữa. Và nếu đời sống của những người thánh hiến không cho thấy được điều đó, thì họ đã làm hoen ố khuôn mặt của Đức Kitô cách trầm trọng.
Sự hoán cải và canh tân không ngừng, giả thiết không chỉ là một hành trình, nhưng còn là một sự dấn thân. Đức Thánh Cha đã nói về điều ấy, khi nhắc lại sự dấn thân của biết bao nhiêu người trẻ cho Nước Chúa (x. CV 49-63). Tất cả những con người này, đã noi theo gương mẫu của Đấng đã dấn thân đến cùng, trong một tình yêu thương vô hạn (x. Ga 13,1) và đã trở nên gương mẫu cho các người trẻ hôm nay (x. CV 22tt). Chính vì thế, đời sống thánh hiến phải lấy Chúa Giêsu làm mẫu gương trong hành trình bước đi theo Người, phải họa lại hình ảnh của Người một cách xác thực hơn và giúp cho người trẻ hôm nay bắt gặp được Thiên Chúa, qua nỗ lực dấn thân của mình. Theo nghĩa này, trung thành với lời khấn qua việc tuân giữ Luật Dòng và Hiến Pháp, là dấu chứng của một sự dấn thân trọn vẹn trong đời sống thánh hiến.
Nhưng trung thành tuân giữ Luật Dòng, không có nghĩa là chấp nhận một cách thụ động, thực thi một cách máy móc tất cả những gì đã được ghi. Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng “Đức Kitô đang sống” (CV 1) và tất cả những ai được Người chạm đến, đều “trở nên tươi trẻ, mới mẻ và đầy sức sống” (CV 1). Sự tươi trẻ, mới mẻ và đầy sức sống này có thể được nhận biết, như điều mà Đức Thánh Cha đã nhiều lần nói đến, nơi niềm vui trong đời sống thánh hiến. Đó không hẳn là niềm vui của những nụ cười, của sự hồn nhiên, thơ ngây, nhưng đó là niềm vui của những người có niềm hy vọng, và nhất là, của những con người cảm nhận mình được yêu bằng một tình yêu khôn tả. Không có niềm vui đích thực này, sẽ không bao giờ có sự dấn thân, cũng chẳng bao giờ có sự sáng tạo, cũng như chẳng bao giờ có khả năng để làm chứng.
Chúng ta cũng đừng ảo tưởng mà nghĩ rằng, một khi có sự dấn thân trong niềm vui, những người sống đời thánh hiến sẽ không bao giờ mắc sai lầm. Điều quan trọng không phải là tránh sai lầm, nhưng điều quan trọng, như Đức Thánh Cha nói trong Tông huấn, chính là khả năng bắt đầu lại (x. CV 2). Sự bắt đầu lại này, trong cái nhìn bên ngoài, có thể nói, đó chính là khả năng làm mới lại chính mình. Việc làm mới lại này cho thấy sự sống động của bản thân, và việc làm mới lại này, cũng cho thấy khả năng cảm thông và thích ứng của mình. Nhưng Đức Thánh Cha không nói với chúng ta về sự chuyển biến bên ngoài, ngài nói với chúng ta về một tác động thánh bên trong, của sự “hoán cải”. Nói khác đi, bắt đầu lại, là một điều được ban tặng từ nơi Thiên Chúa, ngang qua sự thứ tha, ngang qua nguồn ân sủng mà Người ban tặng, để chúng ta không chỉ sống, mà còn sống cách dồi dào nhờ vào ân sủng đó (x. Ga 10,10). Như thế, người sống đời thánh hiến không chỉ luôn ý thức về việc phải “bắt đầu lại” trong đời sống ân nghĩa với Chúa, nhưng còn phải trở nên mẫu gương và nguồn cổ võ cho những người trẻ trong việc “bắt đầu lại”.
Và như đã nói ở trên, một sự “bắt đầu lại” trong Chúa, không bao giờ có nghĩa là xóa bỏ tất cả để làm lại từ đầu. Đây là một cám dỗ lớn lao đối với người trẻ, không chỉ trong đời sống xã hội, nhưng cả trong đời sống tu trì. Bởi vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi tới muôn đời” (Hr 13,8) và “chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa” (Ep 4,5), nên việc “kiên trì giữ đức tin, đức mến và sự thánh thiện” (1 Tm 2,15) là điều không thể thiếu để đạt tới ơn cứu độ. Nói khác đi, chúng ta không bắt đầu lại trong một khởi điểm vô định, nhưng trên một nền tảng xác định. Nền tảng đó đã được đặt để nơi Chúa Kitô, là “đá tảng góc tường” (1 Pr 2,7), đã được trao phó cho Thân Thể của Người là Hội Thánh và đã được gìn giữ qua Truyền Thống của các Tông Đồ. Nền tảng này đôi khi đem đến cho chúng ta sự e ngại, bởi tính chất mỏng dòn yếu đuối thuộc về trần thế của chúng ta. Nhưng cũng chính nơi nền tảng đó, chúng ta được tái sinh, được hướng dẫn và thánh hóa để đạt tới ơn cứu độ.
Chính vì thế, người sống đời thánh hiến phải có khả năng, để “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3,15). Khi bàn về những lý do khiến người trẻ hôm nay xa rời Giáo Hội, Đức Thánh Cha cho thấy rằng, một trong những lý do khiến điều đó xảy ra, đến từ sự thiếu chuẩn bị của những thừa tác viên (x. CV 40), và có thể nói thêm, của những người tin, cách riêng là của những người sống đời thánh hiến. Khả năng này không chỉ đến từ ơn riêng Chúa ban, nhưng còn đến từ một sự chuẩn bị của bản thân, qua tìm hiểu, học hỏi và trau dồi kiến thức về thánh khoa. Nói khác đi, người sống đời thánh hiến, phải được trau dồi và tự trau dồi những hiểu biết về Thiên Chúa, để có thể trả lời cho con người thời đại hôm nay, về niềm tin của mình “cách hiền hoà và với sự kính trọng” (1 Pr 3,16).
Là những người sống đời thánh hiến, trong một thế giới mà người trẻ mất hết cảm thức mạnh mẽ về sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta đang đối diện với một thách đố lớn lao trong việc làm chứng cho niềm tin. Để có thể vượt qua thách đố này, trước hết, chúng ta hãy học với Chúa Kitô, cho biết thao thức, mong muốn và khao khát những điều tốt lành, thánh thiện cho chính mình, nhất là cho giới trẻ. Đồng thời, chúng ta phải trở thành những chứng nhân đầy sức thuyết phục của những thao thức ấy, về một Thiên Chúa Tình Yêu và về sự sống mai sau. Và để có thể hoàn thành được điều đó, chúng ta cần có một điểm khởi đầu. Thánh Augustinô chỉ cho chúng ta điểm khởi đầu đó, khi ngài bảo: “Hãy yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm”. Khởi điểm này đã được thấy trong chính giáo huấn của Chúa Giêsu: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình” (Lc 10,27).
Nguyễn Ngọc – (Hội dòng Nữ Đa Minh Gò Vấp)
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 122 (Tháng 01 & 02 năm 2021)
#doisongthanhhien #suvuphucvunguoitre #tonghuanChristusVivit