NGƯỜI TRẺ DẤN THÂN TRONG THẾ GIỚI KỸ THUẬT SỐ: NHỮNG THÁCH ĐỐ VÀ CƠ HỘI
WHĐ (3.9.2020) – Khi còn trẻ, bố tôi là một thủy thủ. Bố gặp mẹ nơi bến cảng của thành phố Roxas và họ đã cùng nhau xây dựng tình yêu và gia đình bên bờ biển. Không có cơ hội sống gần nhà, bố đã phải đưa ra một quyết định hết sức khó khăn khi thử vận may ở nước ngoài, như một công nhân hợp tác lao động xa gia đình. Vào những năm 1980, khi chưa có internet, laptop và điện thoại cầm tay, gia đình chúng tôi liên lạc với bố cách chậm chạp qua đường bưu điện. Có lần bố đã bảo tôi viết thư thường xuyên hơn vì cuộc sống xa nhà đầy cô đơn và khó khăn. Dù vậy, phải mất mấy tháng thư mới đến được tay bố.
Ngày nay, việc liên lạc trở nên dễ dàng hơn. Cảm ơn những thành quả của khoa học và công nghệ. Mọi lúc và mọi nơi, gia đình những công nhân hợp tác lao động đều có thể liên lạc với người thân, và nhờ đó làm vơi bớt nỗi cô đơn luôn đeo bám những người công nhân hợp tác lao động khi phải sống xa nhà để tìm cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người thân yêu.
Thế giới như ngôi làng kỹ thuật số toàn cầu
Nhờ khoa học và công nghệ, thế giới đã có những thay đổi lớn và đang từng bước chuyển mình với tốc độ chúng ta khó lòng đuổi kịp. Thế giới đã trở nên ngôi làng toàn cầu, được miêu tả bởi sự mở rộng và thu hẹp của không gian và thời gian. Theo Franz-Josef Eilers, trước đây người ta phải thu xếp thời gian để du lịch sang những quốc gia và lục địa khác, nhưng ngày nay việc du lịch chỉ còn là vài giờ, vì mỗi người đều có thể “hô biến” và thế giới bị thu hẹp lại nhờ du lịch qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Một người sống ở vùng quê, trong một thế giới bé nhỏ, vẫn cảm nghiệm được sự bao la của thế giới và có thể chạm đến những nơi xa xôi (mở rộng) trong vài phút. Họ trở thành công dân toàn cầu, những người cảm thấy thế giới trở nên nhỏ bé hơn (thu hẹp), vì có thể vượt qua các đường biên và ranh giới, mà không phải dời bước ra khỏi nơi cư trú.
Sự mở rộng và thu hẹp được miêu tả trong thế giới như ngôi làng toàn cầu đã có lần hiện lên trong tôi tại một giáo xứ vùng xa của Giáo phận Antique, nơi tôi được bổ nhiệm năm 2010. Trong lúc tôi đang lái xe về nhà xứ thì thấy một cậu bé đang ngồi thong thả trên lưng trâu từ ngoài đồng về. Hình ảnh bước đi chậm chạp của con trâu và cậu bé ngồi trên lưng biểu trưng cho cuộc sống vùng quê. Sự di chuyển chậm chạp trong một ngôi làng nhỏ như tách ra khỏi thế giới được bao bọc bởi không gian và thời gian. Tuy nhiên, cậu bé đang cầm trong tay chiếc điện thoại di động. Ngồi thư thái trên lưng trâu đang di chuyển chậm chạp, cậu bé du lịch tốc hành xuyên biên giới qua đường truyền tốc độ cao được phương tiện truyền thông kỹ thuật số cung cấp. Đứa trẻ trong khu làng nhỏ vùng quê đã có thể trải nghiệm sự bao la của thế giới, trở nên một con người vĩ đại đang du lịch và giao tiếp nhanh trong một thế giới vốn rộng lớn nhưng lại được thu hẹp trong ngôi làng toàn cầu, nơi có cư dân vừa gần vừa xa. Cậu bé đã trở thành công dân thời hậu hiện đại, của thế giới hậu hiện đại đã được số hóa.
Một kinh nghiệm cá nhân rõ ràng và thuyết phục khác mà tôi gặp thấy là thế giới đang dần được biến đổi bởi truyền thông kỹ thuật số đã xuất hiện nơi tôi trong chuyến thăm nhà ngắn gần đây. Tôi có đứa cháu tên là Trenz. Cháu bé được sinh ngày 23 tháng 3 năm 2016. Năm nay cậu bé được 3 tuổi và đã sống sót sau chứng bệnh ung thư. Lúc mới 8 tháng tuổi, cháu đã chiến đấu với căn bệnh ung thư và đã trải qua 12 liệu trình xạ trị. Cháu không biết chuyện gì đang xảy ra khi cứ phải đi thăm bệnh viện, được bác sĩ chẩn đoán, lấy máu và những thủ tục y tế khác. Cha mẹ cháu và toàn thể gia đình cháu đều hướng về Trenz, khi cháu trải qua những năm tháng bất ổn do bệnh tật và chữa trị.
Bây giờ Trenz được 3 tuổi và đã sống sót qua giai đoạn khó khăn nhất chống lại ung thư. Cuộc chiến đó vẫn còn tiếp diễn. Chúng tôi cầu nguyện hằng ngày để cháu được chữa lành, hoàn toàn thoát khỏi căn bệnh ung thư và sống hạnh phúc trong những năm sắp tới. Hiện tại, cháu là đứa bé năng động, tràn trề sức sống và là nguồn vui của gia đình.
Tuy nhiên, Trenz có một chuyện khác còn đáng nói hơn cuộc chiến chống ung thư. Cháu là đại diện còn rất trẻ cho một hiện tượng mới và một văn hóa mới đang rộ lên trong thế giới ngày nay. Khi thức dậy vào mỗi buổi sáng, điều cháu tìm đầu tiên không phải là mẹ, nhưng là chiếc điện thoại di động của mẹ, hay những chương trình TV, những bộ phim được yêu thích. Cháu thích phim Vua Sư Tử, cứ xem đi xem lại hàng trăm lần và nhớ hầu hết các cảnh trong phim. Cháu biết Simba, Mufasa, Scar, Timon, Pumba… Dù chưa nói rõ ràng nhưng cháu biết những đoạn hội thoại trong phim, cũng như hoạt động của các nhân vật. Cháu cũng biết Tom và Jerry. Chúng tôi có thể để Trenz ở nhà một mình mà không phải lo sợ gì cả, miễn là cháu có những người bạn được yêu thích, các nhân vật trong phim hoạt hình, những người bạn đáng tin cậy của cháu trong thế giới ảo do truyền thông kỹ thuật số đem lại.
Đồ chơi điện tử kỹ thuật số có lẽ là đồng minh tốt, giúp giảm áp lực trông nom trẻ con, để người lớn tự do làm việc nhà hay việc bổn phận khác. Thế nhưng, đồ chơi cũng âm thầm biến đổi tính cách của trẻ con và người trẻ. Trenz không phải là trường hợp duy nhất được chơi những đồ chơi do truyền thông kỹ thuật số mang lại. Truyền thông kỹ thuật số đã trở thành ngôi trường lưu động, cung cấp vô vàn dụng cụ giáo dục cho các bậc cha mẹ, em gái tôi là một thí dụ điển hình. Dù chưa chính thức đến trường nhưng Trenz đã học cách đọc, viết và làm toán. Tuy nhiên, Trenz không chỉ được trợ giúp giáo dục nhờ vào truyền thông kỹ thuật số, mà thái độ và tính tình của cháu cũng từng bước được định hình và thay đổi bởi những điều được thấm nhập từ truyền thông kỹ thuật số. Khi chơi, Trenz thể hiện tính cách của những người bạn ảo. Cháu bắt chước theo những người bạn trong phim hoạt hình. Cháu gầm lên giống như lúc Mufasa đang chiến đấu chống lại Scar trong phim Vua Sư Tử.
Trenz chỉ là một trong những ví dụ không thể đếm xuể của những cách thức mà truyền thông kỹ thuật số đang tạo nên và tái tạo những yếu tố nền tảng cho việc hình thành và biến đổi tính cách con người, đặc biệt là trẻ em và người trẻ thời nay. Bede Ukwuije nói rằng “cuộc cách mạng công nghệ mới đã làm biến đổi những cách thế hiện hữu. Một số nhà khoa học còn cho rằng chúng đang sáng tạo lại con người”. Trong khi cung cấp những cơ hội bình đẳng và vô hạn cho sự phát triển vượt bậc và tiến bộ của con người, truyền thông kỹ thuật số cũng đặt ra những đe dọa tiềm tàng không thể tưởng tượng trên cuộc sống con người. Trong khi nói về những thách đố do truyền thông kỹ thuật số đặt ra cho công tác đào tạo ứng viên linh mục và tu sĩ, Ukwuije cho rằng “trong khi những công nghệ mới như Internet, Facebook, Twitter, điện thoại thông minh, ipad… tạo ra những cơ hội giao tiếp tuyệt vời và liên kết con người hết sức có thể trong bối cảnh hậu hiện đại, chúng cũng đặt ra những thách đố chưa từng có cho công tác đào tạo linh mục, tu sĩ và công tác truyền giáo”.
Nếu đây là thách đố cho việc đào tạo người trẻ, thì thách đố này cũng được đặt ra cho những người được gọi là “công dân kỹ thuật số”.[1]
Theo Desmond Upton Patton, Robert Eschmann và Dirk Butker, giới giang hồ dùng cả súng và tài khoản Twitter. Truyền thông kỹ thuật số tạo không gian cho sự gia tăng đối tượng cực đoan và những trang mạng kích động hận thù. Người trẻ là một trong những mục tiêu chính của những nhóm thông thạo truyền thông kỹ thuật số, nhưng lại tán thành những ý thức hệ trái ngược với giá trị của Tin Mừng. Từ đó, người trẻ sử dụng truyền thông kỹ thuật số dễ bị tiêm nhiễm những thái độ tai hại từ các băng nhóm cổ vũ cho cực đoan và bạo lực.
Đáp lại những thách đố của truyền thông kỹ thuật số nơi người trẻ
Văn hóa là một dòng chảy liên tục. Nếu bạn không biết điều gì đang xảy ra thì bạn đứng ngoài dòng chảy đó. Nhận xét về khẳng định này, Daniella Zsusan-Jerome nói “những biến động, phấn khích và áp lực của văn hóa kỹ thuật số khiến cho nhiều giáo dân và mục tử cảm thấy bối rối và lo lắng. Truyền thông kỹ thuật số đang biến đổi thế giới và văn hóa đương đại. Hiện tượng này không còn có thể quay lại được. Những người trẻ hiện nay đều là công dân kỹ thuật số. Vì người trẻ thuộc về một gia đình, một cộng đoàn, giáo xứ và xã hội nên những cộng đoàn này cũng chia sẻ với thế giới của những công dân kỹ thuật số. Thách đố và cơ hội do truyền thông kỹ thuật số mang lại cho những công dân kỹ thuật số cũng tác động đến các cộng đoàn này. Cách chúng ta tiếp cận và đối diện với những thách đố và cơ hội đó đóng vai trò quyết định trong việc biến thách đố thành cơ hội, để đạt được những giá trị tích cực cho sự phát triển công nghệ và giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc sống của người trẻ và cộng đoàn nơi họ đang sống.
Hãy trở lại với câu chuyện về Trenz, cũng như những gì tôi đã khám phá nơi cậu bé kỹ thuật số này về những cách thức cuốn hút người trẻ vào thế giới kỹ thuật số mà chúng ta đang cùng đối diện với họ.
Em gái tôi sinh Trenz khi bước vào tuổi 40. Em trai và một người em gái khác của tôi đã có gia đình và ra ở riêng nên Trenz là đứa trẻ duy nhất trong nhà. Từ khi Trenz bình phục trở lại sau cơn bệnh, cháu ít khi có điều kiện chơi chung với các bạn khác. Truyền thông kỹ thuật số mang đến cho Trenz những người bạn qua chiếc điện thoại di động, ipad và tivi. Simba, Mafasa, Tom và Jerry, và những nhân vật khác trong phim hoạt hình trở thành những người bạn ảo của Trenz. Tuy nhiên, những gì cậu bé học được từ những người bạn ảo này thật đáng báo động cho tất cả chúng ta. Trenz bị tiêm nhiễm bởi những người bạn ảo như tôi đã đề cập trên đây. Chúng tôi phải lôi kéo Trenz lại thế nào, để những công nghệ đó không gây hại, nhưng giúp cậu bé phát triển nhân cách?
Mẹ tôi đã tập cho Trenz dần dần tránh xa tivi một ít ngày trong tuần. Thế nhưng, điện thoại di động và ipad vẫn là chướng ngại, vì người lớn xung quanh Trenz cũng là công dân kỹ thuật số. Trò chơi điện tử kỹ thuật số đã là một phần thiết yếu trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, chứ không chỉ có người trẻ. Thực ra, người lớn mới là thế hệ đầu tiên nghiện truyền thông kỹ thuật số và mạng xã hội.
Dù vậy, chuyến thăm nhà ngắn hạn đã dạy cho tôi bài học quan trọng về tình trạng cuốn hút trẻ em và người trẻ vào thế giới kỹ thuật số.
Thứ nhất, mối tương quan cá nhân chân thành là điều không thể thay thế được. Tình thương ấm áp của những người yêu thương trẻ em và người trẻ vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống của người trẻ. Điều này đúng cho tất cả mọi người, kể cả người lớn. Việc hiện diện với trẻ con và người trẻ khi các em bị cuốn vào truyền thông kỹ thuật số là điều thiết yếu. Sự hiện diện này không đơn thuần chỉ là có mặt, nhưng còn hiện diện với tình thương chân thành và chăm sóc họ. Yêu thương và chăm sóc chân thành nghĩa là chúng ta đi vào thế giới của các em, quan tâm đến những gì các em quan tâm khi các em khám phá mê cung vô tận của không gian ảo. Điều này có thể là một thách đố thực sự cho người lớn và những người bảo mẫu, vì nó đòi phải dành thời gian, sự can đảm, đào tạo và kỹ năng… Tuy nhiên, những kết quả tích cực sẽ càng có giá trị trước gánh nặng này.
Thứ hai, việc tạo không gian và thời gian cho trẻ con và người trẻ để xây dựng các mối tương quan với người khác cũng là điều thiết yếu. Khi chơi với những đứa trẻ khác, Trenz quên đi chiếc điện thoại di động và ipad. Cậu ấy thích có những người bạn thực. Cậu ấy tràn trề năng lượng khi dành thời gian và không gian cho những đứa trẻ khác. Cậu ấy chạy, nhảy, la hét, ôm ấp, chia thức ăn và đồ chơi với những đứa trẻ khác, chia sẻ cả điện thoại di động và những đoạn phim về Vua Sư Tử… Bằng chứng từ tâm trạng thoải mái này – như là món quà đơn sơ của sự sống hay trải nghiệm những giây phút có giá trị – cho thấy truyền thông kỹ thuật số có thể được đưa vào chương trình phát triển sức khỏe thể lý và tâm lý nơi trẻ em và người trẻ.
Thứ ba, chúng ta cần phải vượt lên trên những quảng cáo để sở hữu đồ chơi điện tử mà mọi người đang gặp phải. Chúng ta cần đi sâu hơn vào thực trạng hiện tại của thế giới, một thế giới đang bị cuốn vào nền văn hóa mới được tạo ra bởi ảnh hưởng của truyền thông kỹ thuật số. Chúng ta cần quan sát ảnh hưởng của truyền thông kỹ thuật số trong thế giới hiện tại dưới lăng kính đức tin. Dưới ánh sáng đức tin, những món đồ chơi điện tử này có ý nghĩa gì? Thiên Chúa đang mặc khải điều gì cho chúng ta về chính Ngài, về kế hoạch cho thế giới và cho chúng ta, về công trình tạo dựng của Chúa nơi những tiến bộ do truyền thông kỹ thuật số mang lại? Cách nhìn vào thực tại như thế là hành vi phân định và suy ngẫm. Karl Rahner đã nói từ nhiều thập kỷ trước rằng “người Kitô hữu của tương lai sẽ là một nhà thần bí hoặc sẽ không hiện hữu nữa”. Tương lai mà Karl Rahner nói đến là thế giới hiện tại của chúng ta. Chúng ta cần quan sát và đi vào thực tại ngày nay bằng đôi mắt được mở ra với ân sủng của Thánh Thần. Theo McColman, thần bí là một linh đạo sống động, một cảm xúc thân mật của tâm hồn với Thiên Chúa, tập trung vào sự tận hưởng đầy huyền diệu và hân hoan về khả năng chữa lành và biến đổi đời sống của Chúa Thánh Thần.
Richard Rohr dùng từ thần bí theo nghĩa như sau:
“Hiểu biết bằng kinh nghiệm chứ không chỉ là qua sách vở hay điều luật… nhà thần bí làm mọi sự trong tính toàn thể, các mối tương quan, cấu trúc phổ quát và thần linh chứ không chỉ từng thành phần riêng biệt. Các nhà thần bí nhìn mọi sự trong tính toàn thể, do đó vượt lên những cách nhìn rời rạc của chúng ta trong từng thời điểm. Vì thế, các nhà thần bí gần gũi với thi nhân và nghệ sĩ hơn là những nhà tư tưởng suy nghĩ theo một đường thẳng”.
Lời mời gọi đến với thần bí – nghĩa là học cách nhìn thực tại cách chiêm nghiệm, là yêu cầu khẩn thiết cho người Kitô hữu ngày nay, khi chúng ta sống trong một thế giới được biến đổi bởi truyền thông kỹ thuật số. Người trẻ, những công dân kỹ thuật số, cần có đôi mắt chiêm ngắm của các nhà thần bí, hầu dẫn họ đi xuyên qua mê cung của không gian ảo và truyền thông kỹ thuật số.
Nhìn vào truyền thông kỹ thuật số và công dân kỹ thuật số dưới lăng kính đức tin
Nhìn từ lăng kính đức tin, bối cảnh của người trẻ (công dân kỹ thuật số) trong thế giới kỹ thuật số trở thành bối cảnh truyền giáo. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mạnh dạn mời gọi các Kitô hữu trở nên công dân của thế giới kỹ thuật số. Ngài đề nghị rằng phương thức truyền giáo mới nên tham gia vào đại lộ kỹ thuật số, để đối thoại với con người thời nay và giúp họ gặp gỡ Đức Kitô. Tương tự, Isabelle Jonveaux lý luận rằng mục tiêu của việc truyền giáo là người trẻ, thế nên việc truyền giáo nên hội nhập với lối giao tiếp của người trẻ, nói bằng ngôn ngữ của người trẻ và sử dụng cách thức giao tiếp của họ. Thách đố và cơ hội được đặt ra bởi truyền thông kỹ thuật số cũng là thách đố và cơ hội truyền giáo.
Daniella Zsupan-Jerome cho rằng việc hòa quyện của văn hóa với truyền thông kỹ thuật số “ngày càng cần thiết cho mọi bối cảnh truyền thông thời nay, kể cả với Giáo Hội trong mọi cách thể hiện của mình”. Thuyết phục không thua gì Đức Giáo hoàng Phanxicô, [Zsupan-Jerome còn nói thêm] tính cách phù hợp này trở thành mệnh lệnh truyền giáo, thu hút người trẻ và công dân kỹ thuật số vào một bối cảnh mới, được tạo ra bởi truyền thông kỹ thuật số. Tuy nhiên, Zsupan-Jerome cũng quan sát thấy rằng mệnh lệnh khẩn thiết này không chỉ hấp dẫn, nhưng cũng có thể gây bối rối và lo lắng, vì cho rằng chúng ta đang ở trong sự biến đổi văn hóa đầy đau đớn, mà không chắc là mình đang phục vụ triều đại Thiên Chúa cách hữu hiệu. Chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Làm thế nào để có thể đón nhận thách đố của truyền thông kỹ thuật số như một bối cảnh truyền giáo mới?
Tiếp theo những suy tư của Zsupan-Jerome, cô ấy gợi ý nhẹ nhàng rằng mặc dù có vẻ như đây là thách đố đầy lấn át và đe dọa của truyền thông kỹ thuật số, nhất là khi khẳng định rằng “những gì phù hợp với văn hóa cũng là điều hợp thời nhất”, truyền thông – giá trị cốt lõi của kỹ thuật số, “là một thực tại văn hóa xuất hiện xưa như chính tương giao con người”. Cô nói tiếp:
Xét từ quan điểm thần học, đây là khái niệm mời gọi chúng ta đi vào chính mầu nhiệm của Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, trong sự hiệp thông hỗ tương và trao ban, và là Đấng giao tiếp với nhân loại qua tiến trình mặc khải trong lịch sử. Mặc khải này đạt đến đỉnh điểm nơi Ngôi Lời nhập thể, Đấng loan truyền ơn cứu độ qua cuộc sống, cái chết và phục sinh của Người. Sau Chúa Giêsu, việc loan truyền Tin Mừng của Người được thực hiện nhờ vai trò dẫn dắt của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Sứ vụ truyền giáo này đặt nơi trái tim của Giáo Hội. Từ quan điểm này, truyền thông kỹ thuật số không gì khác hơn là chương cuối cùng trong câu chuyện dài về cách Giáo Hội đi ra để biểu lộ căn tính và loan truyền sứ vụ này.
Đoạn trích dẫn dài trên đây của Zsupan-Jerome có thể mang lại tầm nhìn có ý nghĩa về việc phải bắt đầu từ đâu và bằng cách nào để khám phá về những thách đố được đặt ra cho truyền thông kỹ thuật số. Cách chung, con người, kể cả người trẻ, sử dụng truyền thông kỹ thuật số để giao tiếp, để nối kết với người khác, để được biết đến, được đón nhận, được yêu thích, và cũng để tiếp cận và biết những gì đang xảy ra nơi cuộc sống của người khác. Nhìn thoáng qua, truyền thông kỹ thuật số có thể làm phát sinh chủ nghĩa cá nhân, khi người ta loại bỏ các mối tương quan cá nhân xung quanh công dân kỹ thuật số, giống như khi người trẻ đóng lại với thế giới xung quanh và dán mắt vào đồ chơi điện tử trong tay, những người trẻ này đói khát tương quan và sự liên kết với người khác. Khao khát được liên đới là yếu tố bẩm sinh nơi con người. Xét về khía cạnh thần học, chúng ta được sinh ra là để tương quan. Chúng ta là tương quan, được Thiên Chúa sáng tạo, Đấng là tương quan đích thực. Cái khó là nhìn nhận khát vọng vô hình này nơi sâu thẳm của tâm hồn nhưng được bày tỏ bằng những trao đổi nối kết của công dân kỹ thuật số, đang tiếp xúc với nhau trên đại lộ cao tốc kỹ thuật số.
Kết luận
Như đã đề cập từ đầu, bài viết này không phải là một nghiên cứu thực nghiệm mang tính học thuật về những vấn nạn xoay quanh truyền thông kỹ thuật số và ảnh hưởng của nó, tốt hơn hoặc xấu hơn, trong đời sống của người trẻ, những công dân kỹ thuật số. Nói đúng hơn, đây là những suy nghĩ tản mạn của tác giả, được góp nhặt từ kinh nghiệm thực tế về cách thức truyền thông kỹ thuật số chạm đến cá nhân người trẻ, cũng như người lớn, bao gồm cả tác giả, những hiệu ứng và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của họ, cả tích cực lẫn tiêu cực. Đây chỉ là bàn luận sơ lược trên bề mặt của đại dương bao la, tương tự như những thách đố mà truyền thông kỹ thuật số tác động đến mọi người và từng người. Nếu có một cách gọi rõ ràng tập trung vào các vấn đề, đặc biệt là Giáo Hội, vốn được ủy thác để tiếp tục rao giảng Tin Mừng đã được Chúa Giêsu rao giảng và thi hành, thì chúng ta hãy chuẩn bị và thiết lập đội ngũ các thừa tác viên – giáo dân và có chức thánh – để đối diện với những thách đố trong việc đồng hành với người trẻ, khi họ đang du ngoạn trên đại lộ cao tốc của thế giới kỹ thuật số.
Tôi muốn kết thúc bài viết bằng cách tóm lược những đề nghị của Bede Ukwuije về những cách thức đào tạo, nhằm đáp lại những thách đố này. Ukwuije đưa ra cho chúng ta 5 đề nghị:
- Suy tư về việc sử dụng có đạo đức hệ thống truyền thông hiện đại
Không thể dừng lại việc sở hữu và sử dụng các phương tiện giao tiếp hiện đại. Vấn đề nan giải là làm thế nào để kiểm soát việc sử dụng các hệ thống truyền thông hiện đại. Kiểm soát cách sử dụng chỉ vì sợ hãi thì không ích lợi gì. Tốt hơn là nên suy nghĩ về việc sử dụng hợp lý các phương tiện đó, về những hậu quả của tự do, của việc đào tạo và trưởng thành nhân cách.
- Đào tạo chiều kích nội tâm
Trong bối cảnh hiện tại, việc đào tạo nên tập trung vào tầm quan trọng của nội tâm. Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi công cuộc Phúc-Âm-hóa đầy Thần Khí. Điều cần thiết là khả năng trau dồi không gian nội tâm, yếu tố có thể mang lại ý nghĩa Kitô giáo cho những cam kết và hoạt động. Nội tâm là không gian gặp gỡ với chính mình, với người khác và với môi trường. Căng thẳng quá mức do việc nghiện công nghệ mới có thể gây cản trở cho việc tự nhận thức này.
- Đức tin như là việc từ bỏ mình
Trong bối cảnh hậu hiện đại, nơi mà mỗi người đều ý thức rõ về sự tự do và tự trị cá nhân, công tác đào tạo nên đặt mục tiêu nơi việc từ bỏ mình. Hiện hữu của chúng ta là ân sủng, được Chúa ban cách nhưng không. Chúng ta chỉ có thể khám phá ra bản thể thực sự của mình khi từ bỏ ảo tưởng muốn tự tạo ra hiện tại và tương lai cho riêng mình. Khi người ta tín thác trọn vẹn vào Thiên Chúa, Đấng có thể làm được mọi sự, thì họ có thể làm được những việc lớn lao hơn những gì họ nghĩ dựa vào khả năng của mình.
- Đạo đức học về sự mỏng manh và dễ tổn thương
Trong bối cảnh hậu hiện đại, nơi mà con người bị cám dỗ bởi khuynh hướng tự làm chủ, việc đào tạo nên nhắm đến đạo đức học về sự mỏng manh và dễ bị tổn thương. Nhà truyền giáo chân chính nên nhận ra thân phận mỏng manh của mình. Khám phá về sự mỏng manh của chúng ta gắn liền với khám phá về ân sủng của Thiên Chúa nơi chúng ta. Lòng thương xót của Chúa đi trước ơn gọi của chúng ta.
- Đào tạo cộng đoàn chứng tá
Trong bối cảnh hậu hiện đại, nơi mà mỗi cá nhân tìm chỗ đứng cho bản thân, việc đào tạo nên nhắm đến cộng đoàn chứng tá. Đây là tiếng gọi của Thánh Thần để làm chứng cho sự liên đới nơi con người trong thế giới toàn cầu hóa, nơi chân lý được loan báo và được sống, nơi không có sự thống trị và nô dịch, nơi mà sự khác biệt được nhìn nhận và khẳng định mà không cần phải thỏa hiệp.
Tác giả: Serge C. Maniba
Nguồn: “Engaging the Youth in the Digital World: Challenges and Opportunities”; Institute for Consecrated Life in Asia, Quezon City, Philippines.
Chuyển ngữ: Lm. Gioan Phan Văn Định
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 118 (Tháng 5 & 6 năm 2020)
[1] Cụm từ “công dân kỹ thuật số” nói đến thế hệ những người trẻ được sinh ra và lớn lên trong thời đại phát triển kỹ thuật số.