Ý nghĩa và ơn gọi của hôn nhân Công giáo
***
Dẫn nhập
Trong Tông huấn Niềm vui của Tình yêu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh về ơn gọi của hôn nhân trong chương trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa:
“Giao ước hôn nhân, khơi nguồn từ trong tạo thành và được mạc khải trong lịch sử cứu độ, đạt được mạc khải ý nghĩa đầy đủ của nó trong Đức Kitô và Hội thánh của Người. Từ Đức Kitô qua Hội thánh, hôn nhân và gia đình nhận được ân sủng cần thiết để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa và để sống đời sống hiệp thông. Tin mừng về gia đình trải dài suốt dòng lịch sử thế giới, kể từ việc tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa (x. St 1,26-27), cho tới khi hoàn thành mầu nhiệm Giao ước trong Đức Kitô vào thời cùng tận với hôn lễ của Chiên Con (x. Kh 19,9)”[1].
Trong chiều hướng đó, chúng ta cùng lược qua ý nghĩa và ơn gọi của Hôn nhân Công Giáo, khởi đi từ ơn gọi hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa, được Chúa Kitô nâng lên hàng Bí tích, đến mục đích của Hôn nhân, và sau cùng là ơn gọi nên thánh trong chính đời sống hôn nhân.
1. Ơn gọi hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa
Thiên Chúa đã dựng nên con người và mời gọi con người đi vào tình thương, đó là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của con người. Con người được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, là Tình Yêu (x. 1Ga 4,8.16). Ngài đã dựng nên người nam và người nữ, nên tình yêu hỗ tương giữa họ trở thành hình ảnh của tình yêu tuyệt đối và bền vững mà Thiên Chúa dành cho con người, và ơn gọi hôn nhân cũng được ghi khắc ngay trong bản tính của họ.
“Thánh Kinh khẳng định người nam người nữ được tạo dựng cho nhau: ‘Con người ở một mình thì không tốt’. Người nữ là ‘xương thịt bởi xương thịt’ người nam, ngang hàng và gần gũi với người nam. Thiên Chúa đã ban người nữ cho người nam như một ‘trợ tá’, như ‘chính Chúa đến trợ giúp người nam’ (x. Tv 121,2). ‘Vì thế, người nam lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt’ (x. St 2,24). Sự hợp nhất bền vững giữa hai người nam nữ được Ðức Kitô nói rõ khi nhắc lại ý định ‘từ nguyên thủy’ của Ðấng Sáng Tạo. Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19,6)”[2].
2. Hôn nhân Công Giáo là một bí tích
2.1. Bí tích là gì?
Bí tích là những dấu chỉ hữu hình của ân sủng, do chính Chúa Giêsu Kitô thiết lập[3] để chuyển thông ơn thánh bên trong hầu giúp ta được ơn cứu độ[4].
– Dấu chỉ hữu hình: là những dấu hiệu bên ngoài mà ta có thể thấy được, nghe được và đọc được.
– Ban ơn sủng bên trong: qua các bí tích, sự sống thần linh được trao ban cho chúng ta.
2.2. Hôn nhân tự nhiên
Là một hôn ước ký kết giữa một người nam và một người nữ. Hai người có đầy đủ tự do và trách nhiệm. Sống yêu thương nâng đỡ nhau trong tình vợ chồng.
Khi hai người ngoài công giáo kết hôn với nhau thì hôn ước của họ có giá trị như một kết ước tự nhiên. Thiên Chúa cũng ban ơn tự nhiên để cho họ chu toàn bổn phận, nhưng không phải là Bí tích.
2.3. Hôn nhân công giáo là một Bí Tích
– Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel của Ngài đã chuẩn bị cho giao ước mới và vĩnh cữu. Trong giao ước mới này, Con Thiên Chúa, Đấng Nhập Thể và hiến dâng mạng sống cho Hội Thánh là Dân Mới[5].
– Toàn bộ đời sống Kitô hữu mang dấu chỉ của tình yêu phu thê giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Bí tích Rửa tội, cửa dẫn nhân loại đến Thiên Chúa đã là một mầu nhiệm hôn ước, bí tích đó như là một thanh tẩy để chuẩn bị hôn lễ (x. Ep 5, 26-27), diễn ra trước bữa tiệc cưới là bí tích Thánh Thể. Hôn nhân Kitô giáo đến lượt mình, trở thành dấu chỉ hữu hiệu, trở thành bí tích của giao ước giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Bởi vì nó nói lên và truyền thông ân sủng của giao ước đó, nên hôn nhân giữa hai người đã được rửa tội là một bí tích thật sự của Giao Ước Mới[6].
– Khi hai người công giáo kết hôn với nhau theo giáo luật và nghi thức Hội Thánh. Tự do nói lên sự ưng thuận lấy nhau. Như thế chính hai vợ chồng cử hành Bí tích Hôn phối cho nhau, còn linh mục là người chứng hôn theo nghi thức Hội Thánh.
3. Mục đích của hôn nhân
Tự bản chất, hôn nhân hướng đến hai mục đích: trọn đời yêu thương nhau và sinh sản cùng giáo dục con cái[7]. “Do hôn ước, người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sống chung suốt đời, tự bản tính hôn ước hướng về thiện ích của đôi vợ chồng và việc sinh sản cùng giáo dục con cái”[8].
3.1. Trọn đời yêu thương và bổ túc cho nhau.
Nhờ khế ước hôn nhân, người nam và người nữ “không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19, 6; x. St 2, 24), và được mời gọi mỗi ngày một trở nên gắn bó với nhau hơn qua việc nỗ lực sống cam kết trao hiến trọn vẹn cho nhau.
“Sự hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu từ sự thu hút tự nhiên về giới tính, cũng như từ sự bổ túc lẫn nhau giữa nam và nữ, được nuôi dưỡng nhờ những nỗ lực của đôi bạn muốn chia sẻ cho nhau trọn cả bản thân trong suốt cuộc đời”[9].
3.2. Sinh sản và giáo dục con cái.
Tự bản chất, hôn nhân hướng đến việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh hoàn thành hôn nhân.
“Con cái là ân huệ cao quý nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ”. “Tình yêu vợ chồng còn phong phú nhờ những hoa quả của đời sống luân lý, tinh thần và siêu nhiên được cha mẹ truyền lại cho con cái qua việc giáo dục. Theo nghĩa này, mục tiêu nền tảng của hôn nhân và gia đình là phục vụ cho sự sống”[10].
4. Nên thánh trong ơn gọi hôn nhân.
Ơn gọi nên thánh chung của mọi Kitô hữu được diễn tả cách cụ thể trong cuộc sống hôn nhân và gia đình. Đôi bạn có nghĩa vụ mỗi ngày phải sống thánh thiện, biến toàn thể đời sống thành dấu chỉ yêu thương và hiệp nhất như Công đồng Vaticanô II đã nói: “Nhờ sức thiêng của bí tích Hôn phối, các đôi vợ chồng Kitô hữu biểu hiện và tham dự vào mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Đức Kitô và Hội Thánh; họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái; nhờ đó, họ nhận được những ơn riêng cho bậc sống của mình trong Dân Chúa… Được ban cho những phương tiện cứu rỗi dồi dào như thế, mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào cũng đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha là Đấng trọn lành, tuỳ theo con đường của mỗi người”[11].
Trong Tông huấn Gia đình, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại: “Ơn gọi mọi người nên thánh cũng được ngỏ với các vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu. Đối với họ, ơn gọi này được nêu bật trong việc cử hành bí tích Hôn phối và được thực hiện cách cụ thể trong thực tế riêng của cuộc sống hôn nhân và gia đình”[12].
Ơn gọi nên thánh của hôn nhân còn được mời gọi thể hiện trong sự hiệp nhất, yêu thương và làm chứng tá như lời Đức Hồng Y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận:“Phải chứng minh rằng các con được gọi nên thánh và các con có thể sống một đời hôn nhân đẹp lòng Chúa. Các con chia sẻ với các gia đình khác: ân sủng, hạnh phúc, Chúa đã ban cho gia đình các con. Nhìn vào gia đình các con, thiên hạ phải đặt câu hỏi: “Tại sao họ có thể sống hiệp nhất, yêu thương, trung thành với nhau như thế ?”[13].
Câu hỏi thưa
1- H. Hôn nhân Công Giáo là gì?
Hôn nhân Công Giáo là bí tích Chúa Giêsu đã lập, để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ, thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, cùng ban ơn giúp họ sống xứng đáng ơn gọi của mình.
2- H. Hôn nhân Công Giáo có những mục đích nào?
Hôn nhân Công Giáo có hai mục đích này:
– Một là yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.
– Hai là cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục con cái.
3- H. Ơn gọi hôn nhân giúp đôi bạn nên thánh cách nào?
Nhờ ân sủng của Bí tích Hôn phối, đôi bạn nên thánh trong đời sống gia đình qua việc yêu thương và hy sinh cho nhau, đón nhận và giáo dục con cái, và cùng nhau làm chứng tá cho Chúa.
BAN HUẤN GIÁO GIÁO PHẬN BÀ RỊA
[1] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia – NVTY, số 63.
[2] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) 1992, số 1605.
[3] X. GLHTCG, 1114.
[4] X. GLHTCG, 1131.
[5] X. GLHTCG, 1612.
[6] GLHTCG, 1617, X. DS 1800; Bộ giáo luật điều 1055,1.
[7] CĐ. Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, số 11.
[8] GLHTCG 1992, số 1601.
[9] UB Giáo Lý Đức Tin, Giáo Lý Hôn Nhân Gia Đình, NXB-TG Hà nội 2004, trang 16.
[10] GLHTCG 1992, các số1652-1653.
[11] CĐ. Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, số 11.
[12] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, số 56.
[13] ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, số 501.