Gia đình cha mẹ:
Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống gia đình
***
Hôn nhân, đời sống gia đình là một cái gì hết sức đặc biệt, rất khác. Điều này, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra khi trò chuyện với những người vừa bước vào đời sống hôn nhân, họ thường nói: “Tôi tưởng…”, “Nếu biết vậy…”
Vì vậy, cho dù hai người nam nữ yêu nhau bao lâu đi chăng nữa, thì khi bước vào đời sống gia đình với tư cách là chồng, là vợ; là cha, là mẹ thì vai trò này là rất mới mẻ với chính đương sự, bởi lẽ hôn nhân không chỉ là màu hồng, nhưng còn pha lẫn với nhiều màu sắc khác nữa.
Chính vì thế, nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, các bạn trẻ khi bước vào đời sống hôn nhân sẽ bị ngỡ ngàng, hụt hẫng… có thể làm phát sinh sự bất hòa, căng thẳng, có nguy cơ đổ vỡ.
Như vậy, chúng ta thấy rõ việc chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân là một việc hết sức quan trọng. Trong đó, gia đình và cha mẹ của đương sự là thành phần quan trọng không thể thiếu cho việc chuẩn bị này, vì “thực ra, mỗi người đều chuẩn bị cho cuộc hôn nhân ngay từ lúc sinh ra. […] những người được chuẩn bị kết hôn tốt nhất là những người đã học được từ chính cha mẹ mình thế nào là một hôn nhân Kitô giáo”[1].
1.Chuẩn bị xa.
– Tinh thần trách nhiệm:
Tạo điều kiện cho con cái, đặc biệt là các người trẻ biết chia sẻ công việc trong gia đình. Từ những việc nhỏ đến những việc lớn: việc nội trợ, dọn dẹp nhà cửa…
– Biết quan tâm đến người khác: bớt đi những đòi hỏi cho bản thân, giảm bớt những nhu cầu không cần thiết, biết chia sẻ và quan tâm đến những lo âu, trăn trở của cha mẹ, anh chị em trong gia đình…
Trong Tông huấn Niềm vui Tình yêu, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Chúng ta cần tìm cho ra những ngôn ngữ, những lí lẽ và những chứng từ thích hợp để có thể giúp ta chạm tới nơi thâm sâu nhất của trái tim những người trẻ, nơi họ là những người vốn có khả năng nhất sống để quảng đại, dấn thân, yêu thương và thậm chí sống anh hùng, nhằm mời gọi họ đón nhận những thách đố của đời sống hôn nhân với nhiệt tâm và can đảm”[2].
– Tinh thần đạo đức.
– Nghề nghiệp nuôi sống bản thân và gia đình tương lai.
2. Chuẩn bị gần.
– Tìm hiểu đối tượng: có thể bổ túc cho mình, chứ không phải người phục vụ mình.
“Công Đồng Chung Vatican II, trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, bày tỏ ưu tư về sự “thăng tiến phẩm giá của hôn nhân và gia đình (cf. các số 47-52)”. Hiến chế này “định nghĩa hôn nhân là một cộng đồng sự sống và tình yêu (cf. 48), đặt tình yêu ở trung tâm gia đình […]. ‘Tình yêu đích thực giữa vợ và chồng (49) hàm chứa sự tự hiến cho nhau, bao gồm và hội nhập các chiều kích tính dục và tình cảm, phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa (cf. 48-49). Văn kiện còn nhấn mạnh việc đôi vợ chồng cắm rễ trong Đức Kitô: Chúa Kitô “đến gặp gỡ đôi vợ chồng Kitô hữu trong Bí tích Hôn phối” (48) và ở lại với họ. Trong cuộc nhập thể, Người đảm nhận tình yêu nhân loại, thanh luyện nó và đem nó đến chỗ viên mãn, nhờ Thánh Thần của Người, Người trao cho đôi vợ chồng khả năng sống tình yêu ấy, làm thấm nhuần toàn thể cuộc sống họ bằng đức tin, đức cậy và đức mến. Nhờ đó, đôi vợ chồng như được thánh hiến, và nhờ một ân sủng đặc biệt họ xây dựng Thân Mình Đức Kitô và làm nên Hội thánh tại gia (cf. Lumen Gentium, 11), từ đó Hội thánh, nếu muốn hiểu biết đầy đủ mầu nhiệm của mình, sẽ nhìn ngắm gia đình Kitô hữu, một thể hiện chân thực của Hội thánh”[3].
– Giá trị của gia đình: “Người ta không còn nhận thấy được rõ ràng rằng duy chỉ có sự kết hợp đơn nhất và bất khả phân li giữa một người nam và một người nữ mới hoàn thành được phận vụ xã hội cách trọn vẹn, vì một sự kết hợp như thế mới là một dấn thân bền vững và có thể đem lại hoa quả sự sống mới. Chúng ta phải thừa nhận vẫn có nhiều hoàn cảnh gia đình khác nhau có thể cung ứng một sự ổn định nào đó, nhưng những kết hợp thực tế (union de facto), hay kết hợp đồng giới, chẳng hạn, không thể đơn giản đánh đồng được với hôn nhân. Không có một kết hợp tạm bợ hay loại trừ việc truyền sinh nào lại có thể bảo đảm cho tương lai của xã hội.”[4]
“Sức mạnh của gia đình “nằm chủ yếu ở khả năng yêu thương và dạy biết yêu thương. Dẫu có bị tổn thương thế nào thì gia đình vẫn luôn có thể lớn lên khởi đi từ tình yêu”[5]
– Giáo dục về giới tính: “Một thách đố khác nữa xuất hiện dưới những hình thức khác nhau mang sắc thái một ý thức hệ, cách chung được gọi là “phái tính” (gender), chủ trương “phủ nhận sự khác biệt phái tính và tính hỗ tương tự nhiên giữa người nam và người nữ. Ý thức hệ này nhắm tới viễn tượng một xã hội không có sự phân biệt giới tính và làm xói mòn nền tảng nhân học của gia đình. Ý thức hệ này dẫn đến những dự án giáo dục và định hướng lập pháp cổ xúy cho luận điệu rằng căn tính cá nhân và sự ân ái vẫn có được mà hoàn toàn không liên hệ gì đến sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ” [6]
– Tham gia các khóa chuẩn bị hôn nhân: Các Giám mục Việt Nam, cũng theo hướng mục vụ chung quan tâm đến gia đình, nhấn mạnh sự quan trọng của công tác chuẩn bị hôn nhân cho những người trẻ, đặc biệt trong năm 2017: “Kết hôn là một quyết định rất quan trọng, vì thế cần được chuẩn bị chu đáo hết sức có thể. Trong thực tế ngày nay, một số người trẻ chỉ quan tâm đến việc tổ chức lễ cưới thật lớn, mà không hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm trong đời sống hôn nhân. Một số khác, vì vất vả với cuộc mưu sinh, ít có thời giờ để chuẩn bị kỹ lưỡng cho đời sống hôn nhân họ sắp bước vào. Vì thế, cần khuyến khích người trẻ tham dự những lớp chuẩn bị hôn nhân, đồng thời các giáo xứ phải tổ chức chương trình cho chu đáo”[7].
– Lưu ý đến việc chuẩn bị lễ cưới, hiểu rõ ý nghĩa của bí tích Hôn phối: “…Bí tích Hôn Phối không phải là một qui ước xã hội, một nghi thức trống rỗng, hay chỉ là dấu hiệu bên ngoài của một cam kết. Bí tích này là một ơn ban nhằm thánh hóa và cứu độ đôi vợ chồng, vì “việc họ thuộc về nhau là một hình ảnh thực, qua dấu chỉ bí tích, diễn tả chính mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội thánh. Vì thế, đôi hôn phối là một lời nhắc nhở thường xuyên cho Hội thánh về điều đã xảy ra trên thập giá; họ là chứng nhân của ơn cứu độ cho nhau và cho con cái, một ơn mà họ được dự phần nhờ bí tích này”. Hôn nhân là một ơn gọi, xét như đó là sự đáp trả một tiếng gọi đặc biệt sống tình yêu vợ chồng, như một dấu chỉ không hoàn hảo của tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Vì thế, quyết định kết hôn và xây dựng gia đình phải là kết quả của một sự phân định ơn gọi” [8]
Tổ chức tiệc cưới: Đơn giản, phù hợp với khả năng, hoàn cảnh gia đình, tránh đua đòi…
Câu hỏi thảo luận:
1.Các bậc cha mẹ thường chuẩn bị những gì cho con cái khi chúng lập gia đình?
2.Tại sao ngày càng có nhiều gia đình trẻ bị đổ vỡ?
BAN HUẤN GIÁO GIÁO PHẬN BÀ RỊA
[1] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia – NVTY, số 208
[2] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia – NVTY, số 40
[3] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia – NVTY, số 67
[4] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia – NVTY, số 52
[5] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia – NVTY, số 53
[6] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia – NVTY, số 56
[7] HĐGMVN, Thư Chung 2016, số 5.
[8] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia – NVTY, số 71-75