Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống gia đình:
Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG
Dẫn nhập
Thư chung gởi Cộng đồng Dân Chúa ngày 07 tháng 10 năm 1916, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đã đưa ra chủ đề Mục vụ gia đình ba năm với những điểm nhấn cho từng năm:
– Năm 2016–2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân;
– Năm 2017–2018: Đồng hành với các gia đình trẻ;
– Năm 2018–2019: Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.
Đặc biệt, với chủ đề của năm 2016–2017, các ngài đã nêu rõ tầm quan trọng của việc “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân” khi nhấn mạnh: “Kết hôn là một quyết định rất quan trọng, vì thế cần phải được chuẩn bị chu đáo hết sức có thể”[1].
- Ý nghĩa và tầm quan trọng.
Trong Tông huấn về Gia đình, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân:“Vào thời chúng ta, việc chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào hôn nhân và đời sống gia đình càng cần thiết hơn bao giờ hết”[2].
Trước đây, ở một số nước, các gia đình, theo những tập tục cổ truyền vẫn còn giữ được vai trò truyền đạt cho các bạn trẻ những giá trị liên hệ tới đời sống hôn nhân và gia đình, bằng một hệ thống giáo dục hay khai tâm tiệm tiến, nhưng nay những truyền thống đó hầu như không còn.
Xã hội hôm nay có quá nhiều thay đổi khiến cho những người trẻ không còn nhận ra được phẩm trật đúng đắn của các giá trị và vì không còn những tiêu chuẩn chắc chắn để xử thế, họ không còn biết làm sao để đương đầu và giải quyết các khó khăn mới.
Trước những thay đổi trong hoàn cảnh mới, đòi hỏi các gia đình, Hội thánh và cả xã hội đều phải dấn thân vào nỗ lực chuẩn bị tương xứng, để các bạn trẻ có thể cáng đáng các trách nhiệm trong tương lai. “Kinh nghiệm cho thấy được rằng, các bạn trẻ được chuẩn bị chu đáo cho đời sống gia đình, cách chung sẽ thành công hơn các bạn khác”[3].
Trong Tông huấn Niềm vui của Tình yêu (NVTY), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh: “Thực tại xã hội phức tạp và những thách đố mà ngày nay các gia đình đang phải đối diện, đòi hỏi toàn thể cộng đoàn Kitô hữu dấn thân hơn nữa trong việc chuẩn bị cho các đội bạn sắp kết hôn”[4].
Trong Thư Chung gởi Cộng đồng Dân Chúa, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng mời gọi: “Trong thực tế ngày nay, một số người trẻ chỉ quan tâm đến việc tổ chức lễ cưới thật lớn, mà không hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm trong đời sống hôn nhân. Một số khác, vì vất vả với việc mưu sinh, ít có thời giờ để chuẩn bị kỹ lưỡng cho đời sống hôn nhân họ sắp bước vào. Vì thế cần khuyến khích người trẻ tham dự những lớp chuẩn bị hôn nhân, đồng thời các giáo xứ phải tổ chức chương trình cho chu đáo. Mỗi giáo phận có thể có chương trình riêng tùy theo hoàn cảnh, tuy nhiên chúng tôi mong muốn các khóa chuẩn bị hôn nhân phải giúp cho các bạn trẻ thấy đích điểm không chỉ là ngày cưới mà là cả đời sống gia đình lâu dài sau này”[5].
- Tiến trình chuẩn bị đời sống hôn nhân
Việc chuẩn bị hôn nhân phải được xem xét và thực hiện theo một tiến trình tuần tự và liên tục. Trong Tông huấn về Gia đình, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đề nghị một lộ trình gồm ba giai đoạn chính: chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị liền trước Bí tích[6].
2.1. Chuẩn bị xa
Ngay từ thời thơ ấu, gia đình phải giáo dục các em khám phá ra nhân cách đặc biệt của mình, tâm lý cũng như thể lý, những sức mạnh cũng như những yếu đuối riêng của mình.
Đây là giai đoạn mà trong đó người ta dần dần tập cho các em lòng quí chuộng đối với mọi giá trị nhân bản đích thực trong các tương quan với tha nhân và với xã hội, luyện tập tính tình để biết tự chủ, biết sử dụng đúng đắn các xu hướng riêng của mình, biết cách nhận xét và gặp gỡ những người khác phái.
Các em phải có một sự đào tạo vững chắc về đời sống thiêng liêng và giáo lý, để hiểu rõ hơn các ơn gọi và các sứ mạng khác nhau trong Hội thánh.
2.2. Chuẩn bị gần.
Đến lứa tuổi thích hợp, các bạn trẻ được chuẩn bị chuyên biệt, tái khám phá các bí tích để cử hành và sống các bí tích ấy cho xứng hợp.
Những người đính hôn sẽ phải được bổ túc bằng một sự chuẩn bị cho đời sống lứa đôi: Khuyến khích họ đào sâu những vấn đề về tính dục hôn nhân, những kiến thức căn bản về đời sống tâm sinh lý, về vai trò làm cha mẹ có ý thức trách nhiệm và việc giáo dục con cái.
Chuẩn bị cho công cuộc tông đồ gia đình, cho tình huynh đệ và sự cộng tác với các gia đình khác, cho việc tích cực hội nhập vào các nhóm, các hiệp hội, các phong trào vì thiện ích nhân bản và gia đình.
Giúp họ biết quan tâm đến những yếu tố cơ bản cho một nếp sống gia đình ổn định như: việc làm chắc chắn, điều kiện tài chánh, biết điều hành sáng suốt…
2.3. Chuẩn bị trực tiếp
Việc chuẩn bị này phải diễn ra trong nhiều tháng và nhất là trong những tuần cuối trước lễ cưới để nhờ đó có thể đem lại được một ý nghĩa mới, một nội dung mới và một hình thức mới cho việc quen gọi là điều tra hôn phối mà giáo luật đòi buộc.
Giúp họ đào sâu về mầu nhiệm Chúa Kitô và Hội Thánh, về ý nghĩa của ân sủng và của trách nhiệm gắn liền với hôn nhân Kitô giáo.
Các đôi bạn cũng cần được chuẩn bị chu đáo để tham dự tích cực vào nghi lễ phụng vụ hôn phối.
Việc chuẩn bị nêu ra ở trên cũng được Hội đồng Giám mục Việt Nam nhắc nhở trong Thư Chung 2016 và trong “Thư định hướng Mục vụ năm 2017” của Giáo phận Bà Rịa cũng nhắc lại những điểm nhấn cần được quan tâm trong tiến trình“Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân”:
– “Ý nghĩa của ơn gọi hôn nhân, phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân, ý nghĩa sâu xa của tính dục và trách nhiệm xây dựng một gia đình mới.
– Đề cao và sống ý nghĩa của việc cử hành Bí tích Hôn phối.
– Mời gọi các linh mục giải thích và tạo cơ hội để người trẻ hiểu biết trước những khó khăn và thử thách trong đời sống hôn nhân và gia đình”[7].
Trong Tông huấn Niềm vui của Tình yêu, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã quan tâm đến việc“Hướng dẫn những người đính hôn trong hành trình chuẩn bị hôn nhân, và việc chuẩn bị cử hành hôn lễ”[8]. Ngài còn nhấn mạnh: “Điều quan trọng là con đường khai tâm vào Bí tích Hôn nhân khã dĩ cung cấp cho họ những yếu tố cần thiết để có thể lãnh nhận bí tích ấy với nhũng điều kiện tốt nhất và khởi đầu cuộc sống gia đình một cách vững chắc”[9].
- Trách nhiệm chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống gia đình
Vì tầm quan trọng của ơn gọi hôn nhân và gia đình, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn về Gia đình đã chỉ rõ trách nhiệm cho mọi thành phần dân Chúa[10]:
Trong giáo phận, mục vụ gia đình trước hết thuộc trách nhiệm Giám mục. Ngài là người cha của gia đình Giáo phận, là điểm tựa cho các gia đình và những người giúp ngài trong việc mục vụ gia đình. Ngài quan tâm, dành thời giờ, sức lực, nhân sự và phương tiện cho công việc này.
Các linh mục cộng tác với Giám mục như là thành phần cốt yếu trong công tác mục vụ gia đình. Các linh mục nâng đỡ gia đình trong lúc gặp khó khăn và đau khổ, giúp các thành viên trong gia đình biết nhìn cuộc sống dưới ánh sáng Tin mừng.
Các linh mục và phó tế bao giờ cũng phải xử sự như người cha, người anh, người mục tử và thầy dạy để giúp các gia đình nhận ra sự thật.
Các tu sĩ nam nữ phục vụ gia đình bằng nhiều cách như: thăm viếng các gia đình, săn sóc các bệnh nhân, liên lạc thân ái với các gia đình đang gặp khó khăn, chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào hôn nhân, hướng dẫn các đôi bạn truyền sinh có trách nhiệm.
Các bậc cha mẹ trong đời sống gia đình là nhân tố quan trọng cho việc giáo dục, định hướng và chuẩn bị cho con cái mình. “Chính đời sống gia đình hiện nay là môi trường giáo dục và chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sống hôn nhân mai sau của con cái trong gia đình”[11]. Ngoài ra, Đức Thánh Cha Phanxicô còn nhấn mạnh:“những người được chuẩn bị tốt nhất cho đời sống hôn nhân là những người đã học được từ chính cha mẹ của họ thế nào là hôn nhân Kitô giáo, trong đó cả hai người chọn nhau vô điều kiện và tiếp tục làm mới lại quyết định đó mỗi ngày”[12].
Câu hỏi thảo luận
- Đâu là những lý do cần thiết cho việc chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân?
- Việc chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân thuộc trách nhiệm những ai? Chúng ta có thể làm được gì để giúp đỡ họ?
[1] HĐGMVN, Thư chung 2016, số 5.
[2] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, số 66.
[3] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, số 66.
[4] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia – Niềm vui của Tình Yêu, số 206.
[5] HĐGMVN, Thư chung 2016, số 5.
[6] x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, số 66.
[7]Giáo phận Bà Rịa, Thư Định Hướng Mục Vụ năm 2017, số 2; x. HĐGMVN, Thư chung 2016, số 5.
[8] x. ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia – NVTY, các số 205-215.
[9] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia – NVTY, số 206.
[10] x. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, số 73-74.
[11] HĐGMVN, Thư chung 2016, số 5.
[12] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia – NVTY, số 208.